T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh: Vùng Tối (16)

Vùng Tối

Kỳ 16

(Phần 23 tiếp theo)

Sau khi thu xếp công việc bên Mỹ, Hoàng lại sang Đức thăm Lệ Khanh. Hoàng xuống phi trường Franz-Joseph Strauss, Munich vào một buổi chiều giữa tháng 9 lúc mùa Thu sắp bắt đầu, Lệ Khanh ra phi trường đón Hoàng trong chiếc áo xanh thật quyến rủ làm Hoàng quên cả cái mệt sau chuyến bay dài 10 tiếng đồng hồ .

– Em có khỏe không?

– Em khỏe, còn anh thì sao?

– Anh vẫn thường, bây giờ anh sang đây để làm giấy tờ hợp thức hóa tình trạng di trú của em tại Đức rồi sau đó mới làm đám cưới và đưa em sang Mỹ.

– Em cũng mong sang với anh lắm.

– Em xem này là giấy ly dị, anh còn phải liên lạc với Tổng Lãnh Sự Việt Nam để xin lại thông hành cho em nữa. Mấy lâu nay em có đi đâu chơi không?

– Em chẳng dám đi đâu cả vì không có giấy tờ. Thỉnh thoảng vợ chồng anh Thi bạn anh đưa em đi các nơi gần đây thôi.

– Tội em quá, phải giam mình trong cái apartment nhỏ, chắc em buồn lắm phải không?

– Em buồn vì nhớ anh nữa .

– Thôi bây giờ anh ở cạnh em rồi, à mùa này là mùa Oktoberfest ở Munich để anh đưa em đi chơi nhé .

– Vâng anh.

Vài ngày sau Hoàng đưa Lệ Khanh đi chơi Oktoberfest là một lễ hội lớn ở bang Bavaria, thành phố Munich. Tuy gọi là lễ hội tháng 10 nhưng hàng năm tổ chức vào giữa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Có thể nói đây là một trong những ngày hội lớn nhất thế giới, trung bình có đến 5,6 triệu người trong và ngoài nước tham dự, hàng trăm con bò và hàng trăm bê được nướng trên than hồng và đặc biệt là số lượng bia tiêu thụ kỷ lục đến 6,7 triệu lít bia. Ngày hội này có từ đầu thế kỷ 19 (1810) nghĩa là hơn 200 năm nay. Tại Oktoberfest ta có thể nhận thấy truyền thống đặc biệt của người dân Bavaria, một vương quốc độc lập ngày xưa nhưng đã nhập vào nưóc Đức, dù vậy họ vẫn giữ nhưng truyền thống cố hữu qua các ăn mặc có khác hơn những vùng khác của Đức quốc với phụ nữ trong váy Dirndl và đàn ông trong Lederhose, quần da ngắn đến đầu gối.

Lệ Khanh vui như sáo, Hoàng cũng sắm cho nàng một chiếc váy Dirndl cổ truyền hở nửa ngực. Ban đầu Lệ Khanh còn ngượng ngùng nên che ngực bằng 1 khăn mỏng nhưng khi vào Oktoberfest thấy các cô con gái Đức xinh như mộng ai cũng mặc loại váy đó nên không còn e ngại gì.

Hoàng dắt Lệ Khanh vào một lều bán bia và thức ăn thật lớn có chỗ cho cả ngàn người ngồi. Hòang gọi bia cho mình và nước suối cho Lệ Khanh cùng với sausages nướng ăn với bắp cải chua (Sauerkraut), ở đây đơn vị bia là 1 mass = 1 lít chứ không ai bán ly nhỏ hơn. Dân Đức đạt kỷ lục về tiêu thụ bia và bia của họ rất thuần chất không có thêm đường hay hóa chất, và được kiểm soát chặt chẽ suốt từ quá trình sán xuất. Lệ Khanh nhìn các cô chạy bàn bưng cả chục ly cối bia nặng đến 20kg mà khâm phục.

Không khí thật là vui nhộn, mọi người ngồi trên các băng ghế dài quàng tay nhau mà hát theo ban nhạc và đưa người hết sang bên trái lại sang bên phải.

Bên cạnh các lều bia là các trò chơi như Rollercoaster mà người Pháp gọi là montaine russe, hay bánh xe quay khổng lồ. Hoàng và Lệ Khanh cũng ngồi vào một ghế cho bánh xe quay đưa lên đỉnh cao để nhìn thấy toàn cảnh thành phố.

Hai người nắm tay nhau đi trong không khí náo nhiệt đến khi trời chiều mới ra về.

Khi ra ngoài cổng Hoàng còn chỉ cho Lệ Khanh thấy mấy cái “Bierleichen” là những người quá say nằm ngủ trên bãi cỏ, có người mặc quần áo như người Mỹ, hằng năm có cả 500 hộ chiếu thất lạc được giao cho nhà chức trách.

Lê Khanh cười hỏi:

-Thế có bao giờ anh say như vậy chưa?

Hoàng không trả lời nhưng đọc cho Lệ Khanh nghe một bài thơ anh làm:

“Dáng người lãng đãng trong sương

Dừng chân ghé quán bên đường nghỉ ngơi

Xa xa mây xám lưng đồi

Gọi thêm bầu rượu,

cạn rồi,

chưa say

Chiều biên cương sắp hết ngày

Bụi mưa lất phất, hàng cây nhạt nhòa

Khói lam vương vấn mái nhà

Khói lam vương vấn mái nhà … không tan”

Lệ Khanh nói:

– Em thấy thơ anh có nhiều man mác.

– Hôm nào anh cho em xem thêm các bài thơ say của anh.

– Vâng anh, em muốn hiểu anh thêm.

Con đường về nhà Lệ Khanh thật đẹp như tình yêu hai người càng ngày càng tha thiết.

Hôm sau Hoàng gọi cho Tổng Lãnh Sự:

– Hello, tôi muốn thưa chuyện với ông Lãnh Sự .

– Thưa ông có chuyện gì muốn nói ?

– Xin cô nói lại là có anh Tôn Đức Hoàng gọi.

– Anh chờ chút nhé.

– Dạ vâng!

– Alô, tôi là Tín, Tổng Lãnh Sự nghe đây.

– Chào ông Tổng Lãnh Sự, tôi là Tôn Đức Hoàng có sự giới thiệu của luật sư Minh.

– Chào ông, vâng tôi có nghe luật sư Minh nói về ông, ông có vấn đề gì cần tôi giúp?

– Tôi có thể gặp ông để trình bày được không?

– Tôi hiểu, hôm nào ông đến Lãnh Sự Quán được ?

– Ngày mai ông có thì giờ không?

– Được ngày mai 10 giờ sáng nhé?

– Vâng tôi sẽ có mặt lúc 10 giờ, chào ông.

– Chào ông.

Hoàng quay qua Lệ Khanh:

– Anh có hẹn với ông Lãnh Sự ngày mai 10 giờ

Lệ Khanh lo lắng:

– Hẹn về việc gì vậy anh?

– Để xin họ giao lại passport cho em, anh đã nghĩ đến chuyện xin passport mới từ Việt Nam nhưng luật sư nói dù có mất tiền xin được thì cũng bất hợp pháp với chính quyền Đức vì không có dấu ấn nhập cảnh nên họ khuyên anh là xin lại passport mà Sứ Quán đang giữ và họ sẽ liên lạc với Lãnh Sự Tín để giới thiệu anh nếu không ông Tín sẽ không tiếp đâu. Mai em đi với anh nhé!

– Thôi, em không dám đâu, lỡ họ bắt em thì sao. Ngày trước Đại Sứ Quán hay Lãnh Sự Quán là nơi khiếp đảm của chúng em.

– Anh không lo là họ sẽ bắt em nhưng thấy em sợ nên mình đề phòng là hơn.

– Vậy mai anh đi một mình nhé, em ở nhà chờ tin.

Hoàng đến Lãnh Sự Quán, được mời vào phòng đợi sau khi passport của chàng bị giữ lại. Một lúc sau một người mặc sắc phục Công An ra gặp Hoàng, ông ta nói:

– Yêu cầu ông gửi lại tất cả vật ngoài thân trước khi gặp Tổng Lãnh Sự!

– Tôi đã qua máy dò kim loại từ ngoài rồi.

– Vâng nhưng chúng tôi phải tạm giữ các vật như điện thoại di động, bút máy, quẹt lửa v.v., nghĩa là trừ quần áo và tiền bạc ra xin vui lòng gửi lại tất cả.

Hoàng hiểu và móc trong túi ra tất cả mọi thứ trên người và người CA rà soát thêm lần nữa trước khi đưa Hòang vào phòng trong.

Tín bắt tay Hoàng rồi đóng cửa phòng:

– Mời ông ngồi.

– Cám ơn ông Lãnh Sự.

Tín đẩy ra 1 xấp giấy, tờ trên cùng có hàng chữ “Xin nói to nhưng viết các vấn đề tế nhị trên giấy”.

Hòang gật đầu, nói:

– Tôi là công dân Mỹ (nhưng viết “Tôi muốn xin ông cho lại thông hành của cô Lệ Khanh như luật sư Minh có cho biết”).

– À ông có quốc tịch Mỹ (viết “3.000 Euros”).

– Tôi muốn hỏi thăm về việc xin Visa vào Việt Nam tại Đức có được không? (viết “quá sức tôi”)

– À Visa vào Việt Nam cho công dân Mỹ phải chờ 1 tháng (viết “bao nhiêu?”)

– Sao lâu quá vậy? thưa ông. (viết “1.500”)

– Chúng tôi phải gửi hồ sơ về trong nước (Tín gạch ngang số 1.500 và viết “2.500”)

– Cám ơn ông, tôi phải nộp các giấy tờ nào (viết “2.000, trong nước họ đòi có 1.000 “)

– Đơn xin và pasport (viết “Thôi được, anh đi ra đi, tôi sẽ giao thông hành “)

– Vâng tôi sẽ làm đơn. Hoàng nói và đưa ra một phong bì.

– Chúng tôi sẽ gửi nhanh hồ sơ của anh.

Tín vừa nói vừa đếm tiền rồi mở ngăn kéo lấy đưa cho Hoàng một passport đồng thời thu hết các mẩu giấy đối thoại rồi bỏ vào máy nghiến cho nát.

Hoàng mở passport ra xem để chắc là passport của Lệ Khanh với các dấu ấn nhập cảnh của cảnh sát Đông Đức rồi đứng lên:

– Chào ông, để tôi làm đơn xin Visa!

– Chào ông Hoàng.

Hoàng về nhà Lệ Khanh mà vui thầm trong bụng dù phải mất mấy ngàn Euros. Lệ Khanh thì vui mừng ra mặt:

– Anh hay quá, em chả bao giờ tin là sẽ có lại hộ chiếu này, anh có mất   tiền không?

Hoàng cười:

– Thủ tục đầu tiên mà em, cụ Nguyễn Du đã nói “Có ba trăm lạng việc này mới xong” nhưng anh tốn ít hơn đó.

Rồi là những ngày êm ả bên nhau. Hoàng đưa giấy tờ cho luật sư để làm đơn xin tị nạn chính trị và Lệ Khanh được phát 1 giấy tạm trú nên có thể đi ra ngoài mà không sợ bị kiểm soát giấy tờ mặc dù chuyện đó rất hiếm khi xảy ra.

(Còn Tiếp)

Phạm Doanh

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search