T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (66) – NHẠC PHÁP – Rien qu’une larme (Chỉ cần một giọt lệ), Moshé Brand & Michel Jourdan

Rien qu'une larme-2

Trong bài cuối cùng viết về những ca khúc Pháp được ưa chuộng tại miền Nam VN và được đặt lời Việt trước năm 1975, chúng tôi xin giới thiệu bản Rien qu’une larme của hai tác giả Moshé Brand và Michel Jourdan do Mike Brant (nghệ danh của Moshé Brand) thu đĩa, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Chỉ cần một giọt lệ. (Trong một số ấn bản, tựa đề ca khúc này còn được ghi là Rien qu’une larme dans tes yeux – Chỉ cần một giọt lệ trong mắt em)

Mike Brant (1947-1975) là một ca nhạc sĩ gốc Do-thái thành danh tại Pháp. Mike Brant bắt đầu nổi tiếng quốc tế vào năm 1970 và tự tử (?) chết năm 1975, tuy sự nghiệp chỉ kéo dài hơn 5 năm, đã để lại những dấu ấn khó phai mờ và vô số câu hỏi. Tới nay, gần một chục cuốn sách đã được viết, hơn nửa tá phim tài liệu đã được thực hiện, nhưng hình như mọi người vẫn chưa hiểu được con người thật của Mike Brant, cũng như tìm một câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân dẫn đưa tới cái chết trẻ của anh.

Mike Brant tên thật là Moshé Mikael Brand, ra chào đời ngày 1 tháng 2 năm 1947 tại một trại giam giữ di dân bất hợp pháp ở Famagusta trên đảo Cyprus, cha mẹ là người gốc Do-thái tới từ Ba-lan. Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, ông bố Fishel Brand tham gia kháng chiến chống Đức Quốc Xã, còn bà mẹ Bronia Rosenberg là một trong những người may mắn sống sót từ trại tập trung Auschwitz, “lò sát sinh” khét tiếng của Đức Quốc Xã ở Ba-lan. Một năm sau khi Thế chiến kết thúc, hai người kết hôn rồi làm đơn xin di dân tới Vùng Ủy trị Palestine (Mandatory Palestine), lúc đó đặt dưới quyền cai quản của Anh quốc. Đơn bị bác, ông bà đưa con trai sơ sinh (Zvi Brand, anh của Moshé) nhập cảnh lậu trên một chiếc tàu của Aliyah Bet.

[“Aliyah Bet” là bí danh của đường dây đưa người Do-thái lưu vong ở Âu châu trở về vùng đất Palestine bằng đường thủy một cách bất hợp pháp, hoạt động từ năm 1939 tới năm 1948 – năm “quốc gia Do-thái” được chính thức thành lập]

Vì nhập cảnh lậu, gia đình Brand bị đưa tới trung tâm tạm giữ của người Anh ở Famagusta trên đảo Cyprus; tại đây, Moshé Mikael Brand ra chào đời. Sau đó ít lâu, gia đình Brand được chấp nhận  vào danh sách dân Do-thái lưu vong trở về Palestine đợi ngày quốc gia Do-thái được thành lập. Tháng 9/1947, họ tới thành phố cảng Haifa; về sau được đưa tới định cư tại một nông trại tập thể (kibbutz) ở vùng Galilee.

Theo tiểu sử của Moshé Brand trên trang mạng Wikipedia, cậu bé bị “câm”, tới năm lên 6 tuổi mới bắt đầu nói, nhưng thực ra, theo lời kể của người anh Zvi Brand, Moshe Brand chỉ chậm nói, tới năm lên 3 mới bắt đầu mở miệng.

Ngay từ nhỏ, Moshé Brand đã cho thấy cậu có thiên khiếu về âm nhạc. Năm 11 tuổi, cậu được gia nhập ban hợp xướng của trường học. Năm 17 tuổi, chàng trẻ tuổi trở thành ca sĩ chính trong ban nhạc “The Chocolates” của ông anh Zvi Brand.

Lúc ban đầu, “The Chocolates” chuyên trình diễn tại các party và quán cà-phê ở thành phố cảng Haifa và thủ đô Tel Aviv, sau đó khi đã có chút tiếng tăm, họ được mời trình diễn tại các hộp đêm của các khách sạn lớn. Điều thú vị là tuy chỉ biết nói tiếng Do-thái (Hebrew), Moshé Brand lại chuyên trình diễn những ca khúc lời Anh nổi tiếng của các danh ca đương thời, như Frank Sinatra, Tom Jones, Elvis Presley, ban The Platters…

Năm 1965, để cho có vẻ “quốc tế” một chút, Moshé Brand lấy nghệ danh “Mike Brand”, rồi được Yonatan Karmon, một ông bầu tổ chức ca nhạc uy tín của Do-thái, khám phá, dẫn đưa tới hợp đồng lưu diễn một năm tại Hoa Kỳ và Nam Phi.

Tháng 5 năm 1969, Mike Brand được mời trình diễn tại hộp đêm Baccara trong khách sạn Hilton ở Tehran, thủ đô Iran (ngày ấy còn là một vương quốc thân tây phương). Cùng trình diễn tại đây trong thời gian này còn còn có nữ danh ca Pháp Sylvie Vartan, và cô đã khuyên anh nên tới Paris để tiến thân.

Mike Brand nghe theo lời khuyên của Sylvie Vartan, hai tháng sau tới Kinh thành Ánh sáng. Không quen biết ai, phải mất 10 ngày Mike Brand mới tìm gặp được Sylvie Vartan, và sau đó được cô giới thiệu với Jean Renard, người viết ca khúc cho cô và chồng là Johnny Halliday.

Jean Renard, sinh năm 1933, khởi nghiệp soạn ca khúc từ năm 1960, với trên 40 ca khúc lên Top cho các danh ca Pháp như Françoise Hardy, Petula CkarkClaude François, Eddy Mitchel…, về sau chỉ soạn độc quyền cho cặp Sylvie Vartan & Johnny Halliday, và Mike Brant.

[Trong số những ca khúc Jean Renard viết cho Françoise Hardy, được yêu chuộng nhất tại miền Nam VN ngày ấy phải là bản Le premier bonheur du jour (Niềm hạnh phúc đầu ngày), một ca khúc khá ngắn (1’54) lời hát đơn sơ nhưng có sức thu hút lạ thường]

Việc đầu tiên của Jean Renard là đổi họ Do-thái “Brand” của Mike Brand (cũng là một họ của người Đức) thành họ “Brant” của dân Anh. Kế tiếp, ông viết cho Mike Brant ca khúc Laisse-moi t’aimer (Let Me Love You) để chàng thu đĩa và tung ra tại Hội chợ Midem tổ chức vào tháng 1/1970 tại Cannes.

[Midem, tiếng Pháp, là viết tắt của các chữ Marché International du Disque et de l’Edition Musicale (Hội chợ Quốc tế về Đĩa hát và Ấn phẩm ca nhạc), được xem là liên hoan lớn nhất thế giới của kỹ nghệ đĩa hát, được tổ chức hàng năm tại thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp, kéo dài trong ba ngày, với nhiều buổi trình diễn “live”. Địa điểm chính nơi diễn ra các sinh hoạt là Palais des Festivals et des Congrès, cũng là địa điểm tổ chức Đại hội Điện ảnh Quốc tế Cannes hàng năm]

Tương tự khi hát các ca khúc lời Anh trước đây, Mike Brant, vốn chỉ biết vài câu tiếng Pháp xã giao thường nhật, đã phải nhờ người phiên âm lời hát Laisse-moi t’aimer thành tiếng Do-thái (Hebrew) để anh tập dợt.

Laisse-moi t’aimer được tung ra vào ngày 31/12/1969 và qua tháng 1/1970 đã được nồng nhiệt đón nhận tại Midem, chỉ trong vòng hai tuần lễ đã bán ra hơn 50.000 đĩa hát, sau đó đứng No.1 tại Pháp trong 7 tuần lễ liên tục, và đứng No.1 cho cả năm 1970 với số đĩa bán ra trên 1 triệu rưỡi.

Laisse-moi t’aimer

 Laisse-moi t’aimer toute une nuit
Laisse-moi toute une nuit
Faire avec toi le plus long le plus beau voyage, oh wow wow
Veux-tu le faire aussi?

Une hirondelle fait mon printemps
Quand je te vois mon ciel devient plus grand
Je prends ta main alors je sens que j’ai pour toi, oh wow wow
L’amour au bout des doigts

La feuille qui grandit a besoin de lumière
Et le poisson meurt sans l’eau de la rivière
Aussi vrai que nos corps sont nés de la poussière
Toi tu es mon soleil et mon eau vive, laisse-moi t’aimer

Rien qu’une nuit, laisse-moi rien qu’une nuit
Voir dans tes yeux le plus merveilleux paysage, oh wow wow
Oh oui si tu le veux
Laisse-moi t’aimer

Laisse-moi t’aimer toute ma vie
Laisse-moi laisse-moi t’aimer
Faire avec toi le plus grand de tous les voyages
Laisse-moi, laisse-moi t’aimer, t’aimer

 Phụ lục 1: Laisse-moi t’aimer, Mike Brant

VIDEO:

Laisse-moi t’aimer de Mike brant

Laisse-moi t’aimer cũng rất được yêu chuộng tại Đức, Ý, cho nên sau đó Mike Brant thu đã ca khúc này bằng hai ngôn ngữ nói trên để phát hành.

Tháng 10 năm 1970, Mike Brant đại diện Pháp tham dự cuộc thi Grand Prix RTL International với ca khúc Mais dans la lumière (But In the Light) và đoạt giải.

[Giải ca nhạc Grand Prix RTL(Radio et Télévision Luxembourg) International do Lục-xâm-bảo tổ chức từ năm 1969 tới năm 1973; rất tiếc đã không tồn tại được lâu vì lý do tài chánh]

Đầu năm 1971, Mike Brant tới Sanremo tham dự cuộc thi ca khúc Ý (Sanremo Music Festival) với tư cách khán giả, và đã bị nam ca sĩ khiếm thị Jose Feliciano của Mỹ chinh phục qua ca khúc Che Sarà (What Will Be).

Cũng xin có đôi hàng về Jose Feliciano và bản Che Sarà.

Jose Feliciano (José Montserrate Feliciano García) sinh năm 1945 tại Puerto Rico; năm 1950 cùng gia đình tới Nữu Ước sống ở khu Harlem của người da đen. Mặc dù bị mù bẩm sinh, năm lên 3 tuổi, José Feliciano đã cho thấy cậu có thiên khiếu về âm nhạc. José Feliciano biết sử dụng nhiều nhạc cụ, hầu hết là tự học qua nghe các đĩa nhạc, và trình độ nghệ thuật, ít nhất cũng là tiếng đàn ghi-ta, đã được cả hai giới thưởng ngoạn lẫn phê bình liệt vào hàng “virtuoso” (thượng thừa).

José Feliciano bắt đầu đàn hát toàn thời vào năm 17 tuổi (1962), tới cuối thập niên 1960 đã rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ và các quốc gia Mỹ la-tinh, tuy nhiên ở Âu Châu chưa được mấy người biết tới.

Đầu năm 1971, hãng đĩa RCA quyết định đưa José Feliciano sang Âu Châu trình làng tại cuộc thi ca nhạc ở Sanremo.

Vào thời gian này, tại Sanremo, người ta còn chú trọng tới ca khúc dự thi và tác giả nhiều hơn là ca sĩ trình bày ca khúc ấy. Theo thủ tục, tác giả sẽ chọn hai ca sĩ để trình bày ca khúc của mình, và đại diện hãng đĩa RCA ở Ý đã dàn xếp cho José Feliciano trình bày bản Che Sarà do Jimmy Fontana soạn nhạc và Franco Migliacci đặt lời.

Lời hát của Che Sarà diễn tả nỗi buồn của một người khi phải rời bỏ làng thôn xưa, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Kết quả, tuy ca khúc Che Sarà (do José Feliciano và ban tam ca Ricchi e Poveri trình bày) chỉ đứng hạng nhì, phần trình diễn của José Feliciano, do chính anh đệm đàn ghi-ta, đã được hoan hô nhiệt liệt (standing ovation). Và bản Che Sarà do José Feliciano thu đĩa sau đó đã đứng No.1 tại Ý, và lên Top ở nhiều nước Âu Châu, kể cả các quốc gia cộng sản Đông Âu.

Tiếp theo, José Feliciano thu đĩa phiên bản tiếng Tây-ban-nha Qué Será, trở thành một “top hit” ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ; rồi tới phiên bản tiếng Anh Shake a Hand, tuy có nội dung khác hẳn nguyên tác, cũng lên top ở các quốc gia vùng Scandinavia (Thụy-điển, Đan-mạch, Phần-lan, Na-uy, Băng Đảo).

VIDEO:

 José Feliciano – Che sarà – (with Italian and English lyrics)

Sau đó, Che sarà đã được nhà viết lời hát Michel Jourdan đặt lời Pháp với tựa Qui saura (Who Will Know),

 [Michel Jourdan, sinh năm 1934, là nhà đặt lời hát nổi tiếng bậc nhất của Pháp, trong số ca khúc do ông đặt lời có bản Dans le soleil et dans le vent (Trong nắng trong gió) chúng tôi đã giới thiệu trước đây]

Qui saura

 Vous mes amis, tant de fois vous me dites
Que d’ici peu je ne serai plus triste
J’aimerais bien vous croire un jour
Mais j’en doute avec raison
Essayez de répondre à ma question

Qui saura, qui saura, qui saura
Qui saura me faire oublier dites-moi
Ma seule raison de vivre
Essayez de me le dire
Qui saura, qui saura, oui qui saura

Vous mes amis essayez de comprendre
Une seule fille au monde peut me rendre
Tout ce que j’ai perdu, je sais qu’elle ne reviendra pas
Alors si vous pouvez dites-le moi

Qui saura, qui saura, qui saura
Qui saura me faire vivre d’autres joies
Je n’avais qu’elle sur terre
Et sans elle ma vie entière
Je sais bien que le bonheur n’existe pas

Vous mes amis le soleil vous inonde
Vous dites que je sortirai de l’ombre
J’aimerais bien vous croire oui
Mais mon coeur y renonce
Ma question reste toujours sans réponse

Qui saura, qui saura, qui saura
Qui saura me faire oublier dites-moi
Ma seule raison de vivre
Essayez de me le dire
Qui saura, qui saura, oui qui saura

Qui saura, qui saura, qui saura
Qui saura me faire revivre d’autres joies
Je n’avais qu’elle sur terre et sans elle ma vie entière
Je sais bien que le bonheur n’existe pas

Qui saura, qui saura, qui saura
Qui saura me faire oublier dites-moi
Ma seule raison de vivre essayez de me le dire
Qui saura, qui saura, oui qui saura

Có tài liệu ghi lại rằng ngày ấy, sau khi Che sarà được Michel Jourdan đặt lời Pháp, hai nam ca sĩ đàn anh Richard Anthony, Claude François, và nữ danh ca Pháp gốc Bỉ Régine đều muốn thu đĩa Qui saura, nhưng Michel Jourdan đã trao cho Mike Brant. Kết quả, nền ca nhạc Pháp có thêm một đĩa vàng, với số đĩa bán ra lên tới 2 triệu, và nếu chỉ tính năm 1972, Claude François đã bị Mike Brant qua mặt.

Phụ lục 2: Qui saura, Mike Brant

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, trước năm 1975 tại miền Nam VN, chưa có người nào đặt lời Việt cho ca khúc Qui saura. Tới cuối thập niên 1990, trên Internet xuất hiện một phiên bản lời Việt với tựa Đôi bờ của tác giả Lân Thanh, được Trịnh Nam Sơn, Anh Tú… thu vào CD tại hải ngoại, đồng thời cũng khá phổ biến nơi giới ca sĩ có trình độ ở trong nước.

Nội dung Đôi bờ cũng viết về những gì xa, đã mất, nhưng là người yêu, là cuộc tình.

Đôi bờ (LV: Lân Thanh)

Đêm qua anh mơ thấy em yêu đến trong mộng buồn
Dĩ vãng thoáng tới đốt cháy trái tim thương em
Khóe mắt đẫm ướt mái tóc xõa mới chấm vai chàng thương em ngàn đời
Ta kêu tên em qua vùng biển sóng chân trời

 ĐK:
Bóng con thuyển vượt ngàn trùng lệ trào dâng
Lời anh kêu tan trong gió reo sóng dâng bao la
Và từ đây mãi mãi mất nhau, mãi mang thương đau mây đen giăng mờ
Để duyên ngâu chia đôi bờ, tình mãi mong chờ

Đêm qua anh mơ bóng quê xưa bước anh trở về
Đứng dưới bóng mát, đến đón em khi tan trường
Dáng cũ luyến nhớ đã cách mấy nắng mưa Ôi trông nhau xa vời vợi
Anh kêu tên em, em mừng chẳng nói nên lời

Đ.K:
Nước mắt rơi lòng bùi ngùi mình dìu nhau
Nghe tim mơ say gió tới cuốn lá thu bay bay
Chợt mộng tan gác vắng bóng em thoáng chút hiên nghe mưa rơi u hoài
Buồn thương thân lang thang quê người trọn kiếp lưu đày

Trong đêm đơn côi gió mưa rơi nhớ em vời vợi
Thương cánh hoa xưa xa cách đã lâu không thấy nhau
Qua bao thương đau bóng liêũ có thắm như xuân ta trao mối duyên đầu
Đôi môi son tươi và vùng biển mắt xanh màu


ĐK:

Nếu sớm nào ngày trở về liệu rằng em
Còn yêu anh như khi có biết cho nhau thấu chăng niềm đau
Ngại đôi khi bão táp đã khiến núi sông cách ngăn cho em thay lòng
Tình ly tan cho ước thề mộng cũ phai tàn

Hỡi non cao ơi sông sâu đời bể dâu
Lòng biển sâu có biết cho nhau thấu chăng niềm đau
Lời ta kêu tan theo sóng dâng gió reo âm vang bao la xa mờ
Để cho ta duyên ngâu đôi bờ tình mãi mong chờ…

Hỡi non cao ơi sông sâu đời bể dâu
Kể từ đây mãi mãi mất nhau mãi mang thương đau
Lời anh kêu tan theo sóng dâng gió reo âm vang bao la xa mờ
Để cho ta duyên ngâu đôi bờ tình mãi mong chờ…

Phụ lục 3: Đôi bờ, Trịnh Nam Sơn

Tiếp theo Qui saura (1972) là một loạt thành công khác của Mike Brant, như các bản C’est ma prière, Un grand bonheur, Parce que je t’aime plus que moi, Tout donné, tout repris, Viens ce soir, Rien qu’une larme…, đa số do anh soạn nhạc và Michel Jourdan đặt lời; ngoài ra còn có một số bản do anh bạn đồng hương Do-thái Mike Tchaban sáng tác, trong đó có L’amour c’est ça, l’amour c’est toi.

 [Khi soạn ca khúc, Mike Brant vẫn sử dụng tên Do-thái “Moshé Brand; những ấn bản ghi “Mike Brant” là trái với ý muốn của tác giả]

Album đầu tay của Mike Brant có tựa Disque d’Or (Gold Record- Đĩa Vàng) đã đoạt “đĩa vàng”, bản ra hàng triệu ấn bản.

Trong năm 1973, Mike Brant đã trình diễn 250 buổi, với số khán giả từ 6000 tới 10.000 người mỗi buổi.

mike brant va ba me Bronia

Mike Brant và bà mẹ Bronia

Thế nhưng có một điều mâu thuẫn mà sau khi Mike Brant tự tử hụt, mọi người mới được biết, đó là anh bị chứng trầm cảm và cô đơn, cùng với Hội chứng Thế hệ Thứ hai (Second Generation Syndrome), mà trong trường hợp của Mike Brant nguyên nhân là việc bà mẹ Bronia Rosenberg đã trải qua những kinh hoàng ở “lò sát sinh” của Đức Quốc Xã (Holocaust).

Người mắc hội chứng này thay đổi thất thường, có khi vui hưởng cuộc sống có lúc lại thu mình vào bóng tối tuyệt vọng.

Ngày 22/11/1974, Mike Brant tự tử bằng cách nhảy từ cửa sổ căn apartment của ông bầu của mình ở Geneva, Thụy-sĩ, nhưng chỉ bị gãy xương.

Sau đó, anh giảm bớt số lượng các buổi trình diễn để tập trung cố gắng vào việc thực hiện một album mới, tựa đề Dis-lui (Tell Her) tới sự hợp tác của Michel Jourdan.

Ngày 25/4/1975, ngày phát hành album, cũng là ngày Mike Brant té (nhảy?) từ căn apartment số 6 Rue Erlanger ở Paris, chết tại chỗ. Khi ấy anh mới 28 tuổi.

Mike Brant được đưa về mai táng tại thành phố cảng Haifa, nơi sinh sống đầu tiên của gia đình anh khi đặt chân về Miền Đất Hứa.

Về cuộc sống tình cảm cá nhân, mặc dù Mike Brant xuất hiện thường xuyên bên cạnh một số nữ đồng nghiệp trẻ, người ta biết chắc chắn anh không có bạn gái. Người phụ nữ thân thiết nhất trong đời anh, sau bà mẹ Bronia chính là nữ danh ca Pháp Dalida; hai người trở thành bạn thân từ ngày trình diễn chung tại đại hí viện Olympia, Paris vào năm 1971.

* * *

Hơn 40 năm sau cái chết của Mike Brant, vẫn chưa có ai đủ thẩm quyền, tư cách đưa ra một kết luận chính xác về nguyên nhân thực sự: tự tử, tai nạn, hay bị ám sát?

Và nếu Mike Brant bị ám sát, ai hoặc những ai, là thủ phạm?

Cũng nên biết, Mike Brant được mô tả là một người Do-thái có tinh thần ái quốc rất cao; ngày còn sống thường tới thăm các đơn vị quân đội Do-thái ở tuyến đầu để giúp vui, ủy lạo tinh thần.

Tính cho tới nay, đã có ít nhất 9 cuốn sách, hai chương trình tài liệu trên truyền hình về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết của Mike Brant. Ngoài ra, còn ba phóng sự điều tra về cái chết bí ẩn của Mike Brant mà theo các tác giả, đã có sự bưng bít của nhà chức trách Pháp.

Trong số này phóng sự có tựa đề “La nuit des deux couteaux” (Đêm  với hai con dao) của ký giả Jean Pierre Ray, chiếu trên đài truyền hình Pháp TF1 vào tháng 5/2004 nhân đánh dấu 30 năm cái chết của Mike Brant, đã dẫn đưa tới một vụ kiện về tội phỉ báng tại Tòa Thượng thẩm Paris, với kết quả Jean Pierre Ray và TF1 bị xử thua, phải bồi thường danh dự.

Riêng với người yêu nhạc Pháp tại miền Nam VN ngày ấy, có lẽ không ai được biết tới cái chết của Mike Brant, bởi nó xảy ra vào những ngày hỗn loạn cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Riêng cá nhân chúng tôi, chỉ sau khi đã ra sống tại hải ngoại vào đầu thập niên 1980, mới được biết về cái chết bi thảm của anh.

mo phan mike brant o Haifa

Mộ phần của Mike Brant ở Haifa

* * *

Trở lại với ca khúc chủ đề của bài viết này, Rien qu’une larme, do Mike Brant soạn nhạc (dưới tên thật Moshé Brand), Michel Jourdan đặt lời, đây không phải ca khúc nổi tiếng nhất, cũng không phải đĩa hát bán chạy nhất của Mike Brant, nhưng riêng tại miền Nam VN trước năm 1975, Rien qu’une larme đã đi liền với tên tuổi của Mike Brant.

Nguyên nhân, theo suy luận của cá nhân chúng tôi, có lẽ vì giai điệu của bản này rất gần gũi với cảm quan, xu hướng thưởng thức của thính giả Việt Nam.

Thực vậy, ngày ấy ít nhất một lần chúng tôi đã được nghe một người thưởng thức bản Rien qu’une larme lần đầu tiên, nói rằng “bản này sao nghe quen quá”.

Và có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến Phạm Duy thay vì đặt lời Việt cho hai đĩa vàng Laisse-moi t’aimer, Qui saura đã chọn Rien qu’une larme.

Rien qu’une larme

Rien qu’une larme dans tes yeux
C’est toujours ta seule réponse
Quand je te dis qu’il vaudrait mieux
Ne plus se revoir nous deux
J’étais certain cette fois
Que tu me retiendrais
On se trompe quelques fois
Une larme a tout changé

Rien qu’une larme dans tes yeux
Et soudain je réalise
Je réalise que de nous deux
C’est moi le plus malheureux
Par ma faute trop de fois
Mon amour tu as pleuré
J’ai voulu partir cent fois
Et cent fois je suis resté

Rien qu’une larme dans tes yeux
Je comprends combien je t’aime
Je t’aime…

Phụ lục 4: Rien qu’une larme, Mike Brant

VIDEO:

 MIKE BRANT rien qu ‘une larme

Chỉ cần một giọt lệ

Một thoáng đôi mắt long lanh sáng ngời
Em nhìn tôi, lệ hoen ướt mi người
Vừa mới nghe nói: xa nhau mất rồi
Ôi người yêu, lệ rơi ướt môi

Xin em yêu phải gắng tin tôi
Xin yêu tôi nghìn kiếp chớ phai
Cuộc tình nào mà không lỗi lầm?
Vài giọt lệ hàn gắn thương đau.

Chỉ thấy đôi mắt em hơi ngấn lệ

Tôi đột nhiên lòng đau đớn ê chề
Chỉ với đôi mắt rưng rưng não nề
Em nhìn tôi, lòng tôi tái tê.

Vì người tình này quá tham lam
Nên thu xa sầu nhớ đêm đêm
Một nghìn lần tình như muốn quên
Một nghìn lần còn nhớ thương thêm.

Một thoáng đôi mắt long lanh ngấn lệ
Em nhìn tôi, tình tôi sẽ lâu dài
Vì đã muốn giữ em suốt đời
em làm ơn cười lên tí coi.

 Trước năm 1975, Rien qu’une larme / Chỉ cần một giọt lệ đã được
Julie trình bày song ngữ trong băng Nhạc Trẻ 5. Sau này tại hải ngoại, nhiều ca sĩ đã thu vào Cassette hoặc CD, trong số đó được nghe nhiều nhất có lẽ là của Kiều Nga và Duy Quang & Billy Shane.

 Phụ lục 5: Rien qu’une larme (Chỉ Cần Một Giọt Lệ) – Julie Quang (pre 75)

VIDEO:

 Chỉ cần một giọt lệ (Rien Qu’une Larme) (Cassette) – Duy Quang & Billy Shane

https://www.youtube.com/watch?v=OFzCcgSr-ik

 

Hoài Nam

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search