T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Về cái sự biết…

     Quan Thang Bom

       Tranh: Trần Thanh Châu

Lậm theo cụ Tản Đà vẽ chuyện kiểu cách với quán ăn ngon, đồ ăn ngon, người ăn ngon thì…ngon hết biết. Vì vậy tôi ngồi ở quán thịt chó khu Nhật Tân này từ thưở tóc rải tiêu nhiều hơn muối, không ngoài hoài bão được đàm trường viễn kiến với một tửu đồ nào đó để phùng trường tác hí, để bất túy vô quy, tạm hiểu ngất ngư là không say không về. Rồi một ngày tóc trắng như vôi, tôi vẫn ngồi đồng ở đây, vẫn bói không ra một mống. Vì chỉ gặp một mớ tổn giả tam hữu hay tam hữu xú, văn phong văn vẻ là lỡ gặp ba loại bạn này chả mấy vui. Thể loại bạn thứ nhất, họ chỉ thích quảng giao với nhà thơ, nhà văn. Mà mấy nhà này chả ai nhận mình là nhà xác, nhà quàn thế mới lạ. Thể loại thứ hai chỉ hay nói chuyện triết học, hết hiện sinh với Sartre, Camus đến Socrates, Nietzsche. Họ như con bò nhai lại mớ triết lý tủn mủn, họ say sưa nói nhưng chả biết mình nói gì. Thế loại thứ ba, họ thích vác thiền vào quán nhậu. Với họ nói chuyện với nhau bằng vào công án thiền dễ hiểu hơn nhiều. Như hỏi một nhà văn sao cứ mài óc ra viết…văn. Đáp: Phật chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Thế là ông không ngồi ở quán nhậu rồi, vậy là ông không “tư duy” văn hóa nhậu rồi. Hay nói khác đi ông không đọc công án Thiền rồi!”.

Hôm rày, để tránh vô duyên đối diện bất tương phùng với mấy ông thiền giả lê la sang bàn tôi để nói chuyện thiền. Vào quán thịt chó tôi bê theo nguyên bộ Tứ thư Ngũ kinh và quyển Hán-Việt tự điển của cụ Đào Duy Anh. Bởi nhẽ đọc chính danh quân tử của ông Vạn thế sư biểu khó nhai hơn bờ mê bến ngộ của ông Bồ đề đạt ma nhiều.

Thảng như đọc mẩu chuyện thiền dưới đây ai mà chẳng hiểu:

“…Một thiền sư già đi thiền hành với một đệ tử trẻ. Bỗng, anh đệ tử tằng hắng rồi thưa:
– Bạch thầy, con xin hỏi?
Thầy: “Ừ, hỏi đi“
– Bạch thầy, tại sao trời lại xanh?
Thầy giải nghĩa liền một khi:
– Con cá trong nước.
Đệ tử chấp tay cúi đầu, đi thiền hành tiếp. Im lặng. Bỗng, anh đệ tử lại tằng hắng :
– Bạch thầy, con xin hỏi?
Thầy lại: “Ừ, cứ hỏi”.
– Bạch thầy, tại sao có gió?
Thầy đáp:
– Màu trắng, màu đen!
Đệ tử lại chấp tay cúi đầu, tiếp tục bước. Bỗng, anh ta ré lên cười…
Thiền sư hỏi: “Sao cười?“
Anh ta vừa vỗ tay vừa nhảy cỡn lên:
– Bạch thầy, con vui quá! Vui quá!
Thiền sư hỏi:
– Sao vui?
– Bạch thầy, người ta nói: “Thiền sư nói gì, hiểu được chết liền!”. Những gì thầy giải nghĩa nãy giờ, may quá, con không hiểu khỉ gì ráo nên con còn sống! Vui quá! Vui quá!

Thiền sư thở dài, vừa tiếp tục đi thiền hành vừa suy nghĩ: “Mình năm nay 70 tuổi. Sống lâu cỡ nầy chắc nhờ mình chẳng biết khỉ khô gì những gì thầy mình nói hồi đó!…”

        ***

Dẫy quán thịt chó khu Nhật Tân cột tre, mái rơm trải dài từ đê Yên Phụ đến gần đập đá, không quán xá nào mở cửa vì kiêng cữ đầu tháng cuối năm. Bỗng dòm thấy quán có tên “Chiêu hiền đãi sĩ”, dưới bảng hiệu có treo một cái đầu dê. Bèn ăn sổi ở thì treo đầu dê bán thịt chó chứ còn tha ma mộ địa chi nữa. Dòm chữ “đãi”, chợt nhớ chuyện dân gian có anh nhiêu, anh khóa vào quán thấy cái bảng: “Ngày mai ăn không phải trả tiền”. Hôm sau trở lại, no cơm ấm cật rồi bèn xỉa rằng đi về tuốt. Chủ quán chạy theo đòi, anh u ơ…”Ơ! Không phải trả tiền mà”. Chủ quán lắc đầu chỉ cái biển. “Ngày mai…” chứ chả phải…hôm nay! Thế nên chữ “đãi” trên bảng kia với “hiền sĩ” tôi đây không ngon ăn lắm, bèn móc túi đếm mấy tờ 50000. Đang lóng ngóng đứng đợi người phục vụ, bỗng va vào mắt là một nam nhân vừa dợm chân bước vào cửa, cúi xuống sàn đất thô nhặt tờ 50000. Miệng người lẩm bẩm: “Tiền của người nước Lỗ đánh rơi, người nước Lỗ nhặt được thì đâu có mất mát đi đâu mà sợ”. Hơ! Vừa nhúc nhắc đến đám hậu sinh anh nhiêu, anh khóa của người Khổng Khâu lại gặp nho gia nước Lỗ ngay đây.

Thế nên lấy đó làm vui. Khi không, học thói nho gia, tôi lưỡi đá miệng nói chữ:

– Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ.

Tâm ý là có bạn ở xa đến gặp há chả vui sao, sau đấy sẽ có mục nửa vách đèn tàn luận cổ suy kim cho ra trò với hồ trường một cõi. Nheo mắt nhìn tôi bằng nửa con mắt rùa, nam nhân hỏi mượn quyển sách. Rất bình thản, nam nhân mở ngay cái một, rồi trả lại. Khỉ gió cắn răng gì đây chả biết nữa. Thôi thì cũng đành ngó chừng, dòm xuống thấy trang…Trang Tử. Tôi nhìn người dò hỏi. Người khẽ gật đầu.

U mê ám chướng cách mấy cũng nên hiểu nam nhân bảo đọc đi. Ừ thì đọc:

“…Trang Tử và Huệ Tử đứng chơi trên dòng sông Hào, Trang Tử nhìn đàn cá xanh bơi lội thong dong và nói: “Cá vui đó”. Huệ Tử thắc mắc: “Ông không là cá, sao biết cá vui”, Trang Tử đáp: “Ông không là tôi, sao biết tôi không biết”, Huệ Tử trả lời: “Tôi không phải là ông nên không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì sao biết được cá vui”. Trang Tử trả lời: ”Thì đây làm như vầy, tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết đó…”.

Ngốn xong, đầu rối như canh hẹ vì đúng là ngày gặp chó đái giắt. Bụng bảo dạ nam nhân đây rõ vun chuyện. Bởi nhẽ các cụ ta xưa đã dậy cát kê yên dụng ngưu đao, hom hem với “cát” là “cắt”. Cắt cổ gà ai lại dùng dao mổ trâu với chữ nghĩa dài ngoằng dài ngoẵng thế này. Nói cho ngay nho gia ta có câu “Thông thiên địa nhân viết nho”, bởi thế tôi sắm nắm là gã đồ nát chữ đây thông tỏ mọi nhẽ với người vui,…cá vui là nho gia thứ thật cũng nên. Nên tôi tạm gọi gã là “Gã nho giả” cái đã.

Thế là có mục thủ lễ vấn danh…Rất Tây, tôi nghiêng người, đưa tay mời gã…chiếu hoa một cõi. Gã nho giả vả vào mồm tôi một câu ngập nho phong sĩ khí:

– Tịch bất chính bất tọa.

Mẹ bố ơi! Nghe điếc cả tai vì chả nhẽ “tịch” là chết? Bèn lụp đụp giở tự điển của cụ Đào Duy Anh ra bói chữ. Giờ ạ! “Tịch” đây là…cái chiếu. Hơ! Cái chiếu “bất chính” xộc xệch là không ngồi, gã nho giả muốn ngồi chõng tre với cái thế thiên, địa, nhân chăng?

Mà cũng hay, ngồi cái kiểu nước lụt trên chõng, gió sông Hồng rù rì dưới bàn toạn, thoáng đãng, thống khoái nào có khác gì cái thú thứ nhất quận công thứ nhì ị đồng. Bèn thổ lộ với gã những gì đang tậm tịt trong đầu. Làm như quen nhau từ thời ông Bành tổ, vừa đi tới cái chõng. Gã nho giả vừa tỉ tê chữ nghĩa với tôi rằng cứ theo cụ Khổng chữ “nhân” có hai nét sổ ngang, tức “ngang bằng” đối với mọi người. Hai vạch ấy một vạch tượng trưng cho trời, một vạch tượng trưng cho đất. Chữ “nhân”, chính là “thằng người” đứng giữa trời, đất, và cũng là cái hồn vía của cả vũ trụ thiên, địa, nhân này.

“Thằng người” tôi nghe sợ đến phát khiếp! Nhưng nghĩ quái vì với một khoảnh chữ lơ mơ lỗ mỗ mà tôi ăn mày chữ nghĩa được thì chữ nhân, thêm hai vạch ngang là…ái tình bửu giám. Như chữ “nam” có hai vạch là…”Ngộ ái nị”. Chữ “nữ” có hai vạch là…”Nị ái ngộ”. Tôi chưa kịp tiêu pha chữ nghĩa với gã thì gã đã ngùng ngoằng như thế này…

Mạnh Tử chủ trương nhân tri sơ, tính bản thiện. Nhưng cụ Khổng chỉ vẽ thêm chữ “thiện” thuộc bộ khẩu, “thiện” vốn ăn chực nằm chờ ở cửa miệng hay miệng lưỡi “thằng người” nên chớ có dại mà tin. Vì vậy chữ “nhân”,  cụ Khổng cẩn thận nhét thêm vào chữ “nghĩa”, thành “nhân nghĩa”. Sở dĩ gọi là “nghĩa”, bởi lẽ trên mặt chữ vốn đã có sẵn đạo lý nằm ăn vạ ở đó rồi. Vì vậy cụ Khổng lập ra học thuyết về “tính thiện”, lại còn đặt ra nhân nghĩa với “tâm vô tà” (Kinh thi) được phần lớn thiên hạ tin theo. Trong đó có…gã.

Trong khi ấy, tờ giấy bạc 50000 tiền ông Hồ cứ ngọ nguậy trong đầu, nhưng chỉ nghĩ chắc gì gã tửu đồ này là…người nước Lỗ. Lúc này ngồi chĩnh chện trên chõng tre tôi mới bản lai diện mục gã. Giời ạ, thời buổi quần áo thương hiệu này mà gã nho giả mặc áo gấm huyền, đội khăn đống, cầm cái quạt đánh chó…chó chết để phe phẩy. Tuy nhiên dòm chừng gã nho giả rất an nhiên tự tại, rất thoát tục, rất phiêu diêu…miền cực lạc. Đột nhiên gã hỏi tôi tới đây làm cái giống gì? Như được gãi ngứa với văn dĩ tải đạo, chỉ cái bảng hiệu “Chiêu hiền đãi sĩ” với nhã ý là tôi đang ôm cái hồ trường vì thiểu khách dục phá sầu thành tu dụng tửu, và đang đợi vãng lai đạo lý sĩ hiền môn.

Tôi chao chát với gã tới tuổi tịch dương vô hạn hảo này, vậy mà náo thị u lâm mạc luận đã mươi niên vẫn chưa có cơ duyên cổ kim hiền hữu năng tầm. Nay tam sinh hữu hạnh gặp được người thiên cổ như gã, nên tôi cũng muốn nhấp nhổm với nhất tự vi sư, bán tự vị sư này kia, kia nọ. Gã nho giả ngúc ngắc nghe, và thông thiên bác cổ:

– Ừ thì có gì đâu, cụ Khổng đã từng lập ngôn rằng:”Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” ấy mà.

Cớ sự này ai chả biết rằng nếu có ba người đi với nhau, tất có một người là thầy ta, chọn người hay mà học hỏi, tìm người dở mà sửa mình. Vậy mà không phải vậy, vì người Khổng Khâu có chịu nhận ai làm thầy mình đâu! Cứ như Tử Cống đã nói: “Phu tử yên bất học, nhi diệc hà thường sư chỉ hữu”, nhiễu sự là không có điều gì Phu tử không học, nhưng Ngài nhất định không…học một thầy nào. (Luận ngữ – Tử Trương).

Hơ! Trong cái đầu đất sét tôi bật ra câu “Tử bất ngữ”, óc ách với chữ nghĩa cóc nhái tôi là sự gì người Khổng Khâu chẳng nói thì…ta nói. Như câu tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên…thì “ta” nói có ba thằng đi với nhau, ngoài một thằng lỡ chẳng may là thầy ta. Thi tội vạ gì…”ta” chẳng là thầy một trong hai thằng còn lại.

Với chính danh định phận, tôi hỏi tôn danh và danh phận của gã để dễ nói chuyện.

Gã vén môi nói chữ:

– Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành.

Bố khỉ, chạy trời không khỏi nắng lại người Khổng Khâu nói đây. Ăn chữ mòn răng thiên hạ với danh bất chính, tôi lêu bêu là nếu gặp ai đấy tên Kèo, tên Cột thì tắc ngôn bất thuận để…tắc tị là cái cẳng. Chợt băt gặp chữ “ăn” lại chưa có gì…ăn. Lại cắc củm câu tắc sự bất thành, trộm cho là gã đang…chó cắn áo rách. Thế nên tôi có quyền chi bữa nhậu hàn nho phong vị phú này thì danh chính ngôn thuận quá rồi. Thôi thì thượng điền tích thủy hạ điền khan, tôi ới người phục vụ đĩa chả chìa với cút nếp than.

Trong khi chờ đợi, tôi khênh cụ Tản Đà lên bàn ăn để khoe mẽ với quán ăn ngon, đồ ăn ngon, người ăn ngon như gã thì…ngon ăn.

Vừa nhai miếng thịt nướng chấm mắm tôm chanh, gã vừa nhai chữ nhá văn:

– Cụ Tản Đà là người sành ăn nhưng không biết ăn trông nồi ngồi trông hướng với “tam sự bất tri”: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, uống chẳng biết thế nào là dở, như thế gọi là “thực bất tri kỳ vị”. Thứ hai, nói không biết nên nói với ai, nghe chẳng biết nên nghe ai nói, như thế gọi là “xử bất tri kỳ nhân”. Thứ ba, đi không biết đi theo đường nào, ngồi chẳng biết nên ngồi chỗ nào cho đúng, như thế gọi là “hành bất tri kỳ đạo”.

Làm như ăn chay, nhét nhúm lá mơ vào mồm, gã ngậm miệng lúng búng:

– Cụ Khổng dậy: “Xuất môn như kiến đại tân”, dịch thoát là ra khỏi cửa gặp bạn nhậu mới chẳng biết đi về đâu với hành bất tri kỳ đạo như ở trên, vì ngồi chẳng biết ngồi chỗ nào cho đúng chỗ. Vì rằng ”Tử thực ư hữu tửu đồ, vị thường bảo giã”, dịch nghĩa là một lần cụ Khổng ngồi nhậu cạnh thằng say, nên ăn không…no.

Tôi vội vàng để cốc rượu xuống, ngu lâu đần dai cách mấy cũng nên ới thêm đĩa óc chó cho phải cái đạo nho gia. Làm như tôi là người…biết điều, gã luận về sự biết:

– Như cụ Khổng nói với Tử Lộ trong sách Luận ngữ: “Hối nhữ tri chi hồ! Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả”, nôm na là biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết. Như vậy là biết. Vậy mà cụ Khổng cũng chẳng biết cho lắm.

Ngửa cổ nốc một cốc nếp than như voi uống thuốc gió. Gã kể lể:

“…Phu tử đang dạy học trò, bỗng thấy người hơi oải, liền đứng dậy bước ra hòn non bộ. Ngó vào nơi xa vắng, mà tự nhủ lấy thân:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
Rằng uống rượu mà gặp được người hiểu mình, thì dẫu nốc cả ngàn chung, cũng chẳng ăn thua gì hết cả. Còn trò chuyện mà gặp người tầm phào, thì dẫu nói nửa câu, cũng giống như chưa nói gì đó vậy. Ta, bởi mang tiếng là hiền sĩ. Chuyên nói chuyện nghĩa nhân, nên… thiên bôi thiểu chưa bao giờ có đặng. Thật là đáng tiếc lắm thay!
Rồi một hôm, có được Bồ đào mỹ tửu, Phu tử đang thiên bôi thiểu, thì chợt có đứa trẻ ngồi ở lưng trâu tà tà qua trước ngõ. Mở miệng hát vang:
Thương lang chi thủy thanh hề,
Khả dĩ trạc ngã anh.
Thương lang chi thủy trạc hề
Khả dĩ trạc ngã túc.
Thương lang chi thủy nửa trạc nửa thanh

Túc túc anh anh cái gì cũng đặng.
Phu tử bỗng biến đổi sắc mặt và nói:
– Chân lý cuộc đời. Sao thằng chăn trâu này lại biết?
Rồi nghệch mặt ra mà suy nghĩ. Lúc ấy, có Mạnh Tử đang hầu rượu gần bên, bất chợt thấy da mặt của thầy đang chuyển dần qua tái. Sợ hãi nói rằng:
– Lời của đứa trẻ chăn trâu. Hà cớ chi thầy phải ưu tư nhiều đến thế?
Phu tử chẳng buồn đáp lại. Đã vậy còn thì thào tự nhủ lấy thân nữa:
– Nước sông Thương nếu trong, thì ta giặt giải mũ. Nước sông Thương nếu đục, thì ta rửa chân. Còn nước sông Thương lang nửa đục nửa trong, thì giặt mũ rửa chân…

Vậy mà thằng chăn trâu biết. Vậy mà ta không biết!

Và miếng óc chó vào miệng, gã nhôm nhoam rằng chuyện cụ Khổng biết nhiều nhưng không biết…giặt quần áo thế đấy. Đang ngật ngừ, tôi chợt ủng oẳng với câu sinh ký tử quỵ  Tôi ngầy ngật hỏi gã con đường vào thiên thu của người Khổng Khâu ra sao? Rõ ra với ý tại ngôn ngoại chết là hết chuyện, cho…xong chuyện vì…quá đã rồi.

Gã nho giả như chó thánh nhai ra chữ:

– Vị tri sinh, yên chi tử.

Nho nhe được mớ chữ thuổng trong Tam tự kinh với thiên là trời, địa là đất, tồn là còn, tử là mất. Không ngoài để đắp chữ vá câu làm dáng với chữ nghĩa, hay nói cho đúng hơn là để…hú họa bằng hữu với một mớ kiến văn hạn hẹp. Thế nên tôi lúng túng như gà mắc tóc, vì chữ nghĩa của người Khổng Khâu đâu có ngon ăn như óc chó. Thôi thì cũng đành mò mẫm sách Tứ thư Ngũ kinh, tìm ra ấy là câu hỏi của Quản Lộ hỏi thầy về sự chết. Khổng Tử thầy đáp sự sống còn chưa biết huống chi đến sự chết.

Đợi tôi tầm chương trích cú xong, gã moi trong túi sách cái “I-Pad 7X” ra và giảng giải cho tôi muốn biết cụ Khổng về với ông bà ra sao thì bấm “Ctrl Khong Tu 551 B.C.” là máy móc sẽ đưa tôi ngược về 551 năm trước Tây lịch, như rơi vào lỗ hổng thời gian ấy mà. Cứ theo gã tôi sẽ nhìn thấy rõ mồn một mọi sự trên trời dưới đất. Hơ! Thế này thì mai kia tôi cứ nhí nhoáy bấm “Ctrl Hung Vuong 2879 B.C.” là gặp ngay 18 cụ vua Hùng Vương, với đầy đủ 18 tên Hùng Hi, Hùng Tạo, Hùng Vĩ, v..v.. để thấy tận mắt mỗi cụ thọ tới 145 năm, chứ chả phải rỗi hơi học sử ký, cổ sử cho tổn thọ!

Vừa bấm nút “Ctri…” như xem video clip mà tôi sẽ là nhân vật trong phim. Chưa kịp chui vào máy để lọt vào không gian bốn chiều trở về với quá khứ, tôi đã nghe thấy gã ới thêm…đĩa dồi chó. Như một cuốn phim quay chậm, vừa có mặt trên màn ảnh, dòm lại cánh cửa treo cái đầu dê, tôi cứ bị ám ảnh với…treo đầu dê bán thịt chó.

Để tôi cứ nghi bất hoặc với chi hồ giả dã mà giả là không…thật! Thật là…giả!

***

Máy bảo như thần bảo, thế là tôi rơi tõm vào…cái lỗ thời gian đúng ngay…nước Lỗ vào thế kỷ thứ 5 trước Thiên chúa. Tôi đang lễnh đễnh ở tỉnh Sơn Đông và nghe được truyền thuyết về Nhan thị, mẹ của Khổng Khâu lên núi Ni-Khâu cầu tự và đẻ ra ông nên đặt tên là Khâu, tên tự Trọng Ni. Ba tuổi thân phụ mất, Trọng Ni không học hành gì chỉ thích chơi với lũ trẻ nhỏ trong làng Xương Bình và thườnh hay bày đồ cúng tế.

Khổng Khâu lấy vợ, lãnh chức Tư chức lại. Lại lo việc nuôi bò, nuôi dê để dùng cho việc cúng bái. Khổng Khâu lưu lạc tới Lạc Ấp của Chu Công chăm lo việc nghi thức, nghi lễ nơi miếu đường. Phàm có sự gì liên quan đến tế lễ là có mặt để xem cho tường tận. Ở đây được ít lâu sang nước Tề, bỏ qua nước Vệ…

Sau Khổng Khâu về ẩn, dậy học và có 3000 học trò, yêu quý nhất 72 người như Tử Cống, Tử Lộ, v…v… Thành quả với 2 bộ Tứ Thư Ngũ Kinh và sách Xuân thu là sử ký nước Lồ. Tứ Thư gồm Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử. Ngũ Kinh gồm Kinh thi, Kinh dịch, Kinh thư, Kinh Lễ nhạc (còn gọi là Lễ ký). Khổng Khâu mất, Tử Cống ngày đêm ở bên mồ 6 năm mới thôi.

***

Từ làng Xương Bình, lững thức theo bước chân phù lãng nhân trong đầu tôi cứ nheo nhóc với người Khổng Khâu thích chơi với trẻ con. Đùng một cái, vừa tới cánh đồng huyện Khúc Phụ thì thiên cổ chi mê tôi gặp ngay người Khổng Khâu đang nói chuyện với thằng chăn trâu. Thế là tôi lò dò đi tới để nghe lóm và chuyện như vầy:

Thằng chăn trâu hỏi: “Ðúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông kêu thì tiếng kêu ấy là gỗ hay đồng?”
Khổng Tử đáp: “Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở đồng mà ra.”
Thằng chăn trâu cãi nhắng lên: “Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh không kêu, thế thì đâu phải tiếng kêu ở đồng mà ra?”
Khổng Tử đáp: “Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở các vật rỗng mà ra.”
Thằng chăn trâu lại cãi chày cãi cối nữa: “Lấy gỗ làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì đâu phải tiếng kêu là ở vật rỗng mà ra”.

Thằng chăn trâu dắt trâu đi, quay lại cười nói: “Thế thì ông là người biết rộng hiểu nhiều thế nào được, thưa ông”.

“Ông” nghe nói, không biết nói gì là chắp tay sau đít, phe phẩy quạt rồi cũng bỏ đi…

Hơ! Chuyện này đại loại tôi cũng từng đọc qua, đại thể người Khổng Khâu hay dẫn môn đồ ra bờ sông, bờ ruộng, nhìn trời đất và nghe chuyện thiên hạ sự. Sau đấy, người Khổng Khâu giảng giải cho môn đồ ý nghĩa cao thâm của thiên, địa, nhân. Tiếp đến, môn đồ về ghi lại thành sách để tha nhân biết ý nghĩa cao sâu của…nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Người Khổng Khâu phe phẩy cái quạt bỏ một quãng, tôi mới ngớ ra người đã đi vào cõi thiên thu từ đời tám kiếp nào rồi. Thế là tôi dẫn xác tới Khổng Lâm là một khu rừng lớn, nơi đây có di tích mộ của người Khổng Khâu và các môn đồ. Học mót theo Kinh dịch trong Tứ thư Ngũ Kinh dậy khôn là tôi đứng ở đây nhìn về phía mộ chí. Nếu thấy con bò nhỏ bằng con dê thì khoảng cách giữa tôi và con bò đi đúng một dặm là tới nơi.

Vừa rảo bước tới, tôi vừa năm nắm là người Khổng Khâu lãnh chức Tư chức lại lo việc nuôi bò, nuôi dê thảo nào đất này nhiều dê quá mạng. Nhưng tôi cứ cùm nụm là nếu như không có con bò thì sao đây! Vừa lúc nhìn thấy một mộ chí nhỏ bằng…con dê. Ấy vậy mà đi đúng một dặm thì gặp…một nho sinh đang hì hụp với hương đèn nhang khói. Thiên cổ chi mê tôi ngỡ gặp Tử Cống…”ở bên mồ 6 năm” đây. Nhưng nho sinh tự giới thiệu tên Tử Tự, là người đã khổ công thu thập bộ Tứ thư Ngũ kinh sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách vở nhưng không được đầy đủ lắm. Thiên cổ chi mê tôi trộm thấy Tử Tư là người nho nhã, chỉn chu mực thước, lại là Khổng Tử chi đồ, nên mạo muội hỏi phép tu thân của người Khổng Khâu dậy môn đồ thì được cho hay rất ư…tươm tất.

Qua thư kinh, bóc ngắn cắn dài đó là đạo Khổng dậy môn đồ lập thân và hành xử.

Sách Luận ngữ có câu: “Tử di tứ giáo: Văn, hạnh, trung, tín”, nghĩa là đạo của người Khổng Khâu dậy 4 điều. Trong 4 điều này có văn là đọc sách, 3 điều kia thuộc về hun đúc…tác phẩm con người. Mỗi môn đệ phải “bác văn” tức học rộng biết nhiều. Nhưng cần phải “ước lễ” tức giữ lễ. Ngay đến “học thi” và “học lễ” không những chỉ nghiền ngẫm văn học, lịch sử mà còn phải chú trọng đến tu thân và nhập thế. Người Khổng Khâu dậy: “Bất học thi, vô di ngôn” tức không học thi không biết cách ăn nói. Và không thể thiếu: “Bất học lễ, vô di lập”, nghĩa không học lễ thì không biết cách lập thân.

Khổng Tử chi đồ chỉ vẽ sách Khuyết Lý vẽ vời rất sắc nét người Khổng Khâu với tướng ngũ lộ, mắt lồi, lỗ mũi rộng, lộ hầu, tai bạt và hở răng. Mặt to có những vệt như quả dưa chín, ngực rùa, râu rậm, mồm rộng, chân đi nhanh nên số vất vả cả đời. Tôi hong hanh nhớ ra trán người gô lên một cục u nên bà mẹ đặt tên là Khâu. Khâu là cái gò, chứ chả “liên hệ” với…núi Ni Khâu. Khổng tử chi đồ hom hem rằng sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, mặc dù tìm kiếm lại nhưng vẫn còn thiếu sót, nhất là bộ Lễ ký.

Vì vậy muốn tìm hiểu người Khổng Khâu phải dựa vào những giai thoại dân gian.

Rõ ra không có lửa sao có khói, như giai thoại dưới đây:

“…Một hôm, có một lão già nom hơi cổ quái, gương mặt tuy gồ ghề song hai mắt rất long lanh, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát đến gõ cửa xin nhập môn.

Khổng Tử tắm rửa, súc miệng, mặc quần áo, đội mũ ra tiếp và hỏi:

– Cụ già thế này, sắp xuống lỗ rồi còn học làm gì nữa cho mệt?
Lão kia trả lời:

– Lão trước khi xuống lỗ cũng muốn học một điều cho biết đấy thôi.
Khổng Tử ngạc nhiên, nhưng cũng dậy một điều:

– Cứ “Mặc nhi thức chi”, cứ thầm lặng suy nghĩ mà biết mọi lẽ.

Lão kia thầm lặng một lát nhưng không ra lẽ nên cố hỏi cho biết:

– Vậy thì Ngài có biết núi Ni Khâu đẻ ra Ngài là núi đực hay núi cái?

Sau Khổng Tử kể chuyện cho học trò nghe: “Ngô hữu tri hồ tải? Vô tri giả. Hữu bỉ phu vấn ư ngã, ngã không không như ngã, ngã khấu kỳ hưỡng đoạn nhi kiệt yên”. Diễn dịch là Ta có biết gì không? Không biết gì cả!. Có đứa quê kệch đến hỏi ta, ta không không như biết gì, đem đầu đuôi trước sau ra mà nói, làm cho người ấy biết hết mọi lẽ…”

Khổng Tử chi đồ ngẫn ngẫn rằng người ấy học một câu biết hết mọi lẽ nhưng không biết “tiểu sử trích ngang” do chính Khổng Tử viết trong thư kinh để lại cho hậu thế:

Ngô thập hữu ngũ chí ư học (Ta mười lăm tuổi chuyên học tập)

Tam thập nhi lập (Ba mươi thì chí lập đã vững vàng)

Tứ thập nhi bất hoặc (Bốn mươi không ngờ vực gì nữa)

Ngũ thập tri thiên mệnh (Năm mươi thấu triệt được mệnh trời)

Lục thập nhi nhĩ thuận (Sáu mươi tai nghe thuận với lẽ trời)

Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ (Bảy mươi, theo lòng mong muốn mà không vượt khỏi đạo lý)

Nói có sách mách có chứng, Khổng tử chi đồ dẫn chứng với sử liệt truyện của Tư Mã Thiên chương Hoạn lộ của Khổng Tử với tiến vi quan thối vi sư như vầy:

30 (đúng ra là 29) tuổi, tam thập nhi lập thì “chí lập vững vàng” nhờ học trò Nam Cung Quát giúp đỡ sang Lạc Ấp. Vua nước Lỗ cho một cỗ xe song mã và người hầu chăm sóc đi…du học, rồi thành tài, muốn làm quan nhưng không được trọng dụng.

40 tuổi (37) làm quan nước Tề, được vua Tề cho đất Ni-Khê, tứ thập nhi bất hoặc “không ngờ” bị quan thừa tướng ngăn lại không cho nên cáo quan, về dậy học.

50 tuổi (51) làm quan cho nhà Chu, về lại nước Lỗ, với ngũ thập tri thiên mệnh “thấu triệt được mệnh trời” nên trời cho làm tể tướng…7 ngày.

60 tuổi đến nước Vệ, lục thập nhi nhĩ thuận vì “tai nghe thuận với lẽ trời  nên trời cho vui vầy với vợ vua tên Nam Tử. Vì vậy vua không dùng, bèn qua nước Tấn, nước Trần cũng không xong. Bèn than: “Cầu hữu dụng ngã giã, cơ nguyệt chi khả giã, tam niên hữu thành”, nghĩa nếu ai dùng ta một năm thì sẽ khá, ba năm sau sẽ thành.

70 tuổi (68) về hưu vì đã già, không…cầu làm quan nữa, được nước Lỗ cho người đem xe bồ luân đón về. Với thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ, với “lòng mong muốn mà không vượt khỏi” vì thấy xe bồ luân có bánh xe bọc vải dầy để đi cho êm.

Ngược về với con đường hoạn lộ của người Khổng Khâu rối ren, rối rắm như thế này đây với “ước lễ” tức giữ lễ để xử thế. Và cũng qua sử liệt truyện:

“…Khổng Tử và Tử Lộ qua nước Vệ, nàng Nam Tử vợ vua nước Vệ là người có nhan sắc quyến rũ và nổi tiếng về đường dâm đãng có ý muốn tiếp Khổng Tử. Mới đầu Khổng Tử từ chối, sau nhận lời gặp Nam Tử. Tử Lộ thấy thế buồn bã, Khổng Tử an ủi học trò: “Dư sở phú giả, thiên yếm chi! Thiên yếm chi!” (sách Luận ngữ-Tử Hàn), dịch nghĩa nếu ta làm gì không phải thì trời bỏ ta! Trời bỏ ta!… “.

Mà trời xém nữa thì…”bỏ ta” thật. Chuyện là:

“…Ở nước Vệ, từ sự dồn dập này đến sự đòi hỏi khác càng ngày càng tăng. Nhất là niềm tin của Khổng Tử bị thử thách nặng nề. Khổng Tử bỏ sang nước Tống. Khổng Tử bị quan Tư mã nước Tống là Hoàn Khôi ghen ghét nên bầy mưu ám hại xém chút nữa thì…tử vong. Khổng Tử quay về nước Vệ, nhưng vì chuyện cũ với nàng Nam Tử, vua nước Vệ dửng dưng lạnh lùng không tiếp. Trong vô vọng, chán nản có lúc Khổng Tử đâm ra hốt hoảng và than với Tử Lộ rằng: “Việc đời mục nát như cỏ cây”.

Sau có người chê trách Khổng Tử: “Tri kỷ bất khả vi, nhi vi chi”, là biết không nên làm mà cứ làm”. (Luận ngữ-Hiến Văn)

Nghe thủng xong, tôi nghĩ cật lực không ra vi rằng ai biết cơm sống về nồi, hay về vung. Hoặc chả ai nhận mình là chĩnh mắm thối thì theo Tư Mã Thiên ghi lại…

Một lần, muốn học về Lễ, Khổng Tử đến yết kiến Lão Tử cũng là người nước Lỗ.

Lão Tử trách Khổng Tử:

“…Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe người buôn bán giỏi, khéo dấu của, coi như không có gì. Người quân tử có đức tính tốt, coi diện mạo như người ngu dại. Ông nên bỏ cái tính kiêu căng, cái lòng ham muốn cái sắc dục và dâm chí ấy của ông đi, vì không ích gì cho thân ông cả. Khổng Tử sau khi nghe vậy, về bảo các đệ tử: ”Chim thì ta biết nó bay được, cá thì biết nó lội được, giống thú thì biết nó chạy được. Chạy, bay, lội, ta có thể giăng lưới mà bắt, đến con rồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy…” (nguyên bản: Ngô kim nhật kiến Lão Tử, kỳ do long gia).

Qua Sử ký của Tư Mã Thiên với chuyện Lão Tử eo sèo người Khổng Khâu nghe thấp thỏm làm sao ấy. Nhưng khi tôi to hó ra với câu: ông nên bỏ cái tính kiêu căng… có thể Lão Tử nghe câu nói đầy tự mãn: nếu ai dùng ta một năm thì sẽ khá, ba năm sau sẽ thành khi người ở nước Tần, nước Trần. Hay khi Lão Tử đọc được sách Luận ngữ phần do Tử Cống viết về người: không có điều gì Phu tử không học, nhưng Ngài nhất định không học một thầy nào. Và đầu chỏ xuống cuống trở lên ở câu: ông hãy bỏ cái lòng ham muốn cái sắc dục và dâm chí ấy của ông đi…vì thiên hạ sự chê trách người Khổng Khâu qua Hiến Văn ghi lại là: biết không nên làm mà cứ làm.

Trong cõi mụ mị, tôi tan manh với Khổng Tử chi đồ rằng tôi “san định” vậy chả hiểu có hợp tôn ý chăng? Khổng tử chi đồ nhíu mày liu riu: “Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”. Khỉ ạ! Gì mà một đống “vô minh”, “vô ngôn”, “vô thường”, “vô ngã”…vô cớ thế này? Bèn thâm cứu Tứ thư Ngũ kinh mới u u minh minh rằng muốn xét người khác có bốn điều nên tránh. Vô minh: Xét việc gì không theo ý riêng của mình. Vô tất: Không quả quyết điều gì cho là tất đúng. Vô cố: Không cố chấp. Vô ngã: Quên cái tôi của mình đi.

Bị Khổng tử chi đồ vặn vẹo, tôi như Từ Hải chết đứng nên đành ngậm hột thị. Lại nữa, dòm mặt Khổng tử chi đồ tắp lự như có chuyện gì muốn thố lộ nhưng chưa muốn nói ra thì phải? Nhưng ấy là chuyện sau khi tôi gặp lại cố nhân.

Thế nên tôi đành im như thóc ngâm, vì vậy những chuyện tang thương ngẫu lục sau đây tôi không dám mang vào chuyện để Khổng tử chi đồ cấu véo nữa thì đổ nợ:

“…Lỗ hầu nhân lúc nhàn rỗi làm lễ Tế giao để yến ẩm, không phân chia thịt cho các quan, trong đó có Khổng Tử. Giận quá, Khổng Tử bỏ sang nước Vệ. Việc này làm nhiều người thắc mắc đến hỏi: “Ngài là bậc thánh nhân mẫu nghi thiên hạ, cớ sự sao chỉ vì…miếng thịt mà Ngài bỏ việc nước”. Không thấy Khổng Tử trả lời. Sau Mạnh Tử giảy bày ở sách Trung dung, trong chương Cáo từ: “Vua không mảy may thiết gì đến lễ nghĩa của bậc phụ mẫu chi dân thì chẳng bỏ đi sao đặng. Ngài là người tôn quân, nên bỏ đi vì để không lộ cái điều dở của vua. Chứ không phải vì…miếng thịt ”.

Hơ! Với người Khổng Khâu ngoài một lần mục sở thị ngồi ăn bên cạnh thằng say, thì ăn không…no. Sau Thuật nhi Luận ngữ có chép: “Tử thực ư hữu tang giả chi trác, vị thường bảo giã. Từ y thị nhật, khốc tắc bất ca”, chót chét là Phu tử ăn bên cạnh người có tang thì ăn không…no. Ngày nào đi phúng điếu, về nhà suốt ngày không ca hát. (Luận ngữ – Công dã tràng). Chữ nghĩa cũng bằng thừa, cứ theo tôi túm tó thì người chỉ nghĩ chuyện ăn không no thì…đói. Dễ hiểu vậy thôi. Vậy mà vẫn chưa xong với chuyện ăn của người Khổng Khâu, Thuật nhi Luận ngữ viết thêm: “Tử tại Tề, văn thiểu tam nguyệt bất tri nhục vị. Viết: bất đồ vi nhạc chi chí ư tư giã”, nhai ra chữ là Phu tử ở nước Tề, học nhạc thiếu ba tháng, ăn thiếu mùi…thịt. Sau đấy, người Khổng Khâu nói rằng: Không ngờ học nhạc vui thế. Vui đâu không hay, tôi cứ rấm rẳn ai biết đó là đâu phải chăng người chỉ thích ca hát và ăn uống. Ắt hẳn là…mồm rộng chăng?

Nói cho cùng, tôi chỉ dòm chừng thấy con đường hoạn lộ của người Khổng Khâu thênh thang rộng mở. Như khi rời nhà có học trò Nam Cung Quát giúp đỡ nên có nguyên một cõ xe song mã đi…du học. Đi cầu quan các nước đều có Mạnh Tử người đất Châu có tài hùng biện ở bên cạnh. Mạnh Tử dùng miệng lưỡi Tô Tần biện giải khi người Khổng Khâu bị nạn. Ngay khi xuýt bị đánh ở dưới đây chỉ vì có tướng ngũ lộ, mắt lồi, lỗ mũi rộng…và hở răng. Lúc về hưu, có xe bồ luân bọc vải đưa về. Về nhà có Tử Lộ người nước Vệ lo cơm nước hầu hạ. Tử Lộ mà Lão Tử nhắc tới là người buôn bán giỏi, khéo dấu của, coi như không có gì. Tử Lộ phụ giúp người Khổng Khâu trong việc lễ tế, một lần Tử Lộ muốn bỏ lễ Cốc sóc vì tốn kém cho dân. Người dậy nên giữ lễ ấy vì dân sẽ cúng cho một con dê để…làm thịt.

        Chuyện người Khổng Khâu bị hành hung vì dị tướng có “liên hệ” đến chuyện đàn ca, hát hỏng. Sách Luận ngữ với Tử Hãn thuật lại nguyên văn:

“…Ngài và Tử Lộ từ nước Vệ qua nước Trần. Nhưng dọc đường khi đến địa giới nước Khuông, quan dân ở đây nhìn tướng tá Ngài nhận lầm Ngài là một tên tàn bạo bất nhân tên Dương Hổ nên tính đem Ngài ra đánh. Tử Lộ đứng ra chống cự. Ngài can ngăn và bảo Tử Lộ đem đàn ra gẩy, hát và Ngài ung dung họa theo. Nghe thấy tiếng đàn câu hát của hai thầy trò, quan dân người nước Khuông tha cho đi…”.

Hơ! Nghe như chuyện phong thần ấy, thêm chuyện ghi trong Tứ thư Ngũ kinh:

“…Khi có mang Khổng Nhi, Nhan thị nằm mơ thấy con kỳ lân xuất hiện trước cửa nhà, miệng ngậm tờ ngọc thơ đề là “Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vị tố vương”, nghĩa nhà Chu đã suy, Khổng Tử sẽ lên…ngôi vua. Đến tuổi lập thân, con kỳ lân trở lại trong giấc mơ, Khổng Tử vẫn chưa làm vua, cùng lúc ấy trong phòng Nhan thị có tiếng nhạc trổi lên cùng tiếng nói: “Thiên cảm tính thánh tử”, hiểu là trời cho con bà làm…thánh”.

Vẫn chưa hết chuyện, đến khi người Khổng Khâu gần chết, con kỳ lân lại lù lù hiện ra, nhưng lại bị…què chân trái. Sách Xuân thu viết:

“…Khổng Tử đến xem hư thực, trông thấy kỳ lân hoảng hốt kêu lên: “Kỳ lân làm gì thế” và bưng mặt khóc thảm thiết. Con kỳ lân lại bỏ đi…” (Hai năm sau Khổng Tử mất).

Ngoài những huyền thoại thần bí, người Tàu phóng đại Vạn thế sư biểu của họ như một nhân vật cao cả, sùng thượng, chiêm bái như một nhân vật siêu phàm, như …một thánh sống. Thêm những chuyện kể qua Tứ Thư Ngũ Kinh do môn đồ của người Khổng Khâu gom góp trong những dịp thầy trò nói chuyện với nhau. Như cho đến mãi cuối đời: “Năm Ngài được 68 tuổi, ngoài việc chăm sóc học trò, Ngài san định Lễ ký, Nhạc ký, Kinh thi, Kinh thư và phê bình Kinh dịch. Ngài soạn để bày tỏ cái đạo của Ngài”.

Trong cái đạo của Ngài hầu hết là những truyện hay giai thoại do môn đồ viết lại. Vậy mà phần san định trên hiểu là “hiệu đính”, người viết: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hữu cổ”, diễn ý với ý là không sác tác gì mà chỉ thuật lại những gì của…người xưa.

Vấn nạn cho người sau là mắc mớ gì con kỳ lân què chân trái mà không…què chân phải? Họ quên khuấy một nhẽ là nước Tàu đâu có…con kỳ lân! Dậu đổ bìm leo với tri kỳ thiên, tri kỳ địa, tri kỳ nhân…với con kỳ lân, ăn cơm mắm ngắm về sau rõ ra là:

Thân phụ người Khổng Khâu bỏ vợ cả lấy vợ hai sinh ra người con trai tên Mạnh Bì bị…què chân. Vì vậy thân phụ người phải lấy vợ ba sinh ra người Khổng Khâu để suốt đời khốn khổ…chu du thiên hạ. Chuyện người bưng mặt khóc thảm thiết cho thân phận mình, bởi nhẽ Mạnh Bì…không bị què chân thì đỡ khổ biết mấy! Thì người đã không có mặt trong chốn ta bà này để có chuyện…con kỳ lân.

Đợi tôi vật lộn với con kỳ lân què chân xong, Khổng Tử chi đồ bây giờ mới…len chân vào chuyện “bác văn” tức học rộng biết nhiều rút ra từ ghi chép của môn đồ:

“…Một hôm Phu Tử hỏi Nhan Hồi:

“Như thế nào mới gọi là nhỏ?”.
Nhan Hồi: “Thưa, không nhìn thấy“.
Phu Tử: “Như thế nào mới gọi là lớn?”.
Nhan Hồi: “Thưa, không thấy bờ bến”.
Phu Tử: “Thế nào là không thấy bờ bến?”.
Nhan Hồi đành trả lời:”Là không nhìn thấy!”.
Phu Tử đáp: “Vậy thì nhỏ tức là…lớn”.

Phu Tử tiếp: “Này Hồi! Ta sở dĩ thích ngươi, bởi ngươi là một học trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, cái ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần được với ngươi…” (nguyên bản: “Tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận”). Đó là những thang bậc từ thấp đến cao của cái ngu. Cũng là những điểm “chết” (nguyên văn: tắc tử) của cái biết. Vượt qua được những cái biết ấy là một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ cái biết nào cũng lập tức biến thành người ngu.

Nhan Hồi lại hỏi: “Thế nào là biến thành người ngu?”

Phu Tử bảo: “Kẻ ngu nhất trên đời là kẻ tự bằng lòng với cái biết của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không bao giờ hiểu được lòng mình… Từ khi làm thầy, ta kỵ nhất loại học trò học đến đâu…giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như…trứng để đầu gậy vậy…”.

Hơ! Người Khổng Khâu rách chuyện quá thể, vì nho gia ta có câu “Dũ học dũ ngu”, tức càng học càng ngu! Mà theo theo ngu ý tôi thì không học thì đâu có…ngu.

***

Đợi mãi trứng để đầu gậy không rơi xuống để mà…ăn. Bụng đói, đành phải trở về với gã nho giả, với…đĩa dồi chó đang đợi sẵn. Bấm “Ctrl-Ngo Khong 2013”, tôi có mặt ở Hà Nội ngay tức thì. Thì bắt gặp gã đang ngồi ở quán Café Bistro bên hồ Hoàn Kiếm.

Lạ một nhẽ trước mặt gã bày sẵn nhăm quả trứng gà chỉ đợi nhúng nước sôi để sơi tái mà Tây gọi là…“à la coque”. Khác buổi sơ giao, gã mặc quần áo Tây, miệng ngậm “píp”, mắt đeo kính đồi mồi to đùng kiểu trí thức cổ lỗ sĩ. Mặt gã phất phơ có góc cạnh vuông vức như quyển tự điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh.

Hình tượng phảng phất quyển tự điển…đeo kính mờ nhân ảnh, nhẩm chừng gã sinh sau đẻ muộn thua tôi ba, bốn tuổi, ý là tôi có mặt trong cõi nhân sinh này trước gã.

Với trước và sau, dòm quả trứng, bèn hỏi thăm chừng:

– Con gà có trước hay quả trứng có trước, thưa Ngài.

Gã từ tốn lấy quả trứng đập vỡ lên cái đĩa nhỏ. Và hỏi:

– Ngài có thấy con gà không?

– Không!

Gã bưng đĩa lên húp một hơi. Gã lại hỏi tiếp:

– Ngài có thấy quả trứng không?

– Không!

Xong thủ tục, gã nhấp ngụm cà phê và nói khơi khơi:

– Tôi là quả trứng của…cụ cố gà đây.

Chuyện gì đây!? Không đợi tôi tò he, gã tung hê ngay gã là cháu nội cụ Khổng, là…Khổng Tử chi đồ, là…Tử Tự mà tôi vừa gặp. Gã còn tự…chiết tự với “tự” là chữ, với chữ là nghĩa. Mà nào tôi có thấy nghĩa lý quái gì? Nhưng dòm chừng thấy gã cuồng chữ như…tôi, bèn te tái vậy gã là bạn vong niên của tôi rồi chứ còn gì nữa. Lại nhìn tôi bằng nửa con mắt rùa, gã “chữ là nghĩa” câu bạn vong niên này bị hiểu lầm là bạn thâm căn cố đế, tức bạn lâu đời. Nhưng chữ “vong” đây nghĩa là…quên. Bạn vong niên chơi với nhau hiểu là hãy quên đi tuổi tác. Khi không gã âm ử “Ly biệt gia hương thế nguyệt đa – Cận lai nhân sự bán tiêu ma”. Gì mà…“tiêu ma” thế này!? Bèn há họng cho ra nhẽ. Gã cho hay ấy là bài Hồi hương ngẫu thư của ông Tàu già tên Hạ Chí Trương với “chữ là nghĩa” quê nhà xa cách trải bao thu, nhân sự gần đây đã xác xơ. Và gã cho hay thêm đất này chỉ là đất “tạm cư”, “tạm dung”, mai này gã sẽ khăn gói quả mướp về…Tàu. Thế là được thể tôi cọc cạch với gã, tôi cũng có cái họ Tàu tàu, Lưu Bị chả ra Lưu Bị, Tào Tháo chả ra Tào Tháo, tào lao thì có. Nghe vậy gã âm ỉ nữa: “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân – Tương phùng hà tất tằng tương thức”. Và gã “chữ là nghĩa” chúng ta đây đều là kẻ luân lạc ở nơi chốn này, gặp gỡ nhau đây, hà tất đã từng quen biết nhau“.

Nhận họ hàng hang hốc rồi, gã hỏi tôi…về quê, thấy ông cố nội gã sống chết sự thể ra làm sao? Thế là thiên cổ chi mê tôi được thể mê muội với vi tri sinh, yên chi tử:

Người to lớn chết là…Khổng Tử.
Không ốm đau chết là…Mạnh Tử.

Chết ở nông trại là…Trang Tử.

Chết già là…Lão Tử.

Học thói đi xa về cũng phải có chuyện để nói và tôi cứ ngay tình kể lể là ông cố nội gã tiếp tôi rất chính danh quân tử. Như trước khi tôi đến, để giữ chữ lễ cho phải đạo nhà nho, thay vì rửa chân, ông cố nội gã tắm nước nóng, súc miệng thật sạch, mặc quần áo đại lễ, đội mũ cánh chuồn có giải mão đề chữ 4 nho “Vạn thế sư biểu”. Khi đang hấp hối, miệng ngáp ngáp, tay bắt chuồn chuồn…Ấy thế mà thấy cái giải mão bị đứt, sai người nhà khâu lại xong ông cố nội gã mới chịu nhắm mắt cho. Tôi kể những chuyện mắt thấy tai nghe mà chả thấy gã nói năng khỉ gì, chỉ lẳng lặng bỏ cái “I-Pad 7X” vào túi sắc cho chắc ăn vì chả dại như tôi mất tiền ở quán thịt chó khu Nhật Tân hồi nãy.

Xong, gã lôi ra ba bức tượng gỗ giống hệt nhau để trên bàn…

Rồi gã hỏi tôi bức tượng nào là Khổng Tử? Bức tượng nào là Lão Tử? Bức tượng nào là Trang Tử? Thấy mặt tôi liu điu như rắn ngày, gã đủng đỉnh lấy cọng rơm xỏ vào lỗ tai bức tượng thứ nhất, cọng rơm chui tuốt tuồn tuột qua tai bên kia, gã rọ rạy là nghe như không nghe, vì rằng quân tử thực như cầu bão, cư vô cầu an với cái ăn cái ở là thuyết chính danh, đó là Khổng Tử. Đến bức tượng thứ hai, cọng rơm từ tai chui qua lỗ miệng, gã nong nia nghe mà lập ngôn giản phác, không lạc vào bờ mê bến ngộ, không u mê, cuồng si, nghe không tranh cãi với ai, đó là Lão Tử. Tới bức tượng thứ ba, xỏ đến đuôi cọng rơm, nhưng không thấy đầu kia thông ra chỗ nào, gã nhác nhớm rằng nghe nhưng theo cái luật vận hành phản phục để hòai nghi, hoài bão đó là Trang Tử.

Cất ba bức tượng vào túi xách tay, đút cái cán “píp” dài ngoằng vào miệng. Vừa ngậm tẩu thuốc gã vừa thao tác là tôi chỉ có tài giỏi bịa tạc chuyện ông cố nội gã…ngáp ngáp. Vì rằng lúc ấy có gã ở bên cạnh, vì chuyện nàng Nam Tử như xử bất tri kỳ nhân nên ông cố nội gã trối trăn với môn đồ: “Tri ngã, tội ngã, thân cư lao oán tri trung” với nghĩa kẻ biết lòng ta, kẻ đổ tội cho ta, mình ở vào giữa chỗ lao oán. Gã tan tác rằng tôi bịa như thật, như…một thiên tài, ấy vậy mà còn thua Mạnh Tử. Ở chương Cáo từ, sách Trung Dung, Mạnh Tử dẫn lại: “Ngài làm sách Xuân thu để người đời sau kẻ biết lòng Ngài, và kẻ buộc tội Ngài. Ngài viết sách Xuân thu đến câu mình ở vào giữa chỗ lao oán là hết, rồi Ngài mất”. (nguyên bản: Xuân Thu tuyệt bút thân cư lao oán tri trung).

Mồi lửa cái “píp”, rít một cữ, thở ra khói…Gã cày bừa ao nghiên ruộng chữ tiếp:

Khổng Tử đặt xã hội trước thế nhân như đặt cái cầy trước mũi con trâu. Ngược lại, Lão Tử với cái quạt, ngồi trên lưng trâu lấy vô vi ẩn dật, sắc sắc không không làm cứu cánh. Như con mọt sách, gã vật vã với Lâm Ngữ Đường: “Tất cả triết học giảo họat của Lão Tử là tôn sùng sự ngược ngạo, ẩn đật và ngạo đời ngu độn”. Từ đó, văn hóa Tàu có hiện tượng xuất hiện bóng dáng những quái tướng dị nhân, những hành khất lừng khừng, những đạo sĩ kỳ dị, những nhà sư hâm hâm. Qua tập Minh Liêu tử du, trong đó phản ảnh quan niệm tôn sùng những kẻ cuồng si với cung cách thóang đạt, biểu tượng cho trí tuệ cao siêu. Riêng Trang Tử hư hư thực thực, chẳng biết mình là người hay bướm để tự giải thóat. Trang Tử hòai nghi chính mình như: ”Con ếch ngồi trong đáy giếng, làm sao nói được chuyện biển cả, con bướm mùa hè làm sao nói được chuyện tuyết rơi, vì nó không biết gì xa hơn đời nó”.

Và Trang Tử hoài nghi với ngay cả…vợ:

“…Theo sách Sử ký của Tư Mã Thiên, chương Trang Tử liệt truyện thì Trang Tử sinh ra ở một xứ sở không tên. Tương truyền một ngày kia ông đi chơi thấy một người đang cầm quạt quạt một nấm mồ. Ông hỏi thì người đàn bà nói là mồ của chồng nàng. Hồi chồng nàng chết có dặn dò là ráng đợi mồ khô, xanh cỏ hày đi lấy chồng. Vì vậy nàng quạt mồ cho mau khô để đi lấy chồng. Nay vừa đúng 49 ngày là khô nên vui quá thể.

Trang Tử về nhà thuật lại cho vợ nghe. Vợ cười rằng: “Sao lại có chuyện vội vậy!”.

Trang Tử có phép thuật bèn giả chết để thử vợ. Trước khi chết dặn vợ quàn 100 ngày rồi hãy chôn. Rồi Trang Tử mới hiện ra một chàng trai trẻ, nửa đêm gõ cửa xin ngủ nhờ vì lỡ đường. Vợ Trang Tử thấy người trai trẻ nên phải lòng. Nửa đêm, chàng trai trẻ làm bộ đau bụng rên làm như sắp chết. Vợ Trang Tử hỏi đau vậy uống thuốc gì hết. Chàng trai trẻ nói nhờ có sọ người mới chết mài uống thì hết bệnh.

Vợ Trang Châu mở quan tài, lấy búa…búa vào đầu Trang Tử một búa…”.

Thế là được thể tôi quay quả với người Khổng Khâu khi mất, sách Lễ ký viết: “Ai ai cũng để tang Ngài 3 năm. Bên mộ Ngài có nhiều người làm nhà ở để…quạt mồ cho hết hạn tang”. Tôi cứ ngu ngơ là từ thời Đông Hán, người Tàu truyền bá Hán học sang nước ta qua Nho giáo. Lối dậy bấy giờ, trước là dậy chữ nghĩa cho một số người làm lại thuộc cho các quan Tàu. Sau là dậy lễ nghĩa cưới xin, tang chế theo văn hóa Tàu.

Từ đó lệ cúng giỗ chui tọt qua ải Nam Quan vào nước ta khi có người qua đời. Mặc dù người này chẳng “linh tinh” gì đến người Khổng Khâu để…để tang 3 năm. Hay Trang Tử với quạt mồ 49 ngày để đi lấy chồng hoặc quàn 100 ngày đợi…ngoại tình.

Gã râm ran vì nhiễu sự Đông Tây gặp nhau ở nhiễu chuyện ngoại tình nên triết học mới có triết gia như Trang Tử, Socrates. Thêm nữa, điều kiện ắt có và đủ để thành một triết nhân là phải có vợ dữ như sư tử Hà Đông, như Khổng Tử, Victor Hugo và chẳng thể thiếu vắng Socrates. Hơ! Chuyện Khổng Tử…kính như tri tân với vợ nhà, hoặc cơm nhà quà vợ với…nhất dạ phu thê, thiên thu vạn đại thì tôi có nghe hơi nồi chõ.

Tôi chưa kịp khủng khỉnh cọ đít nồi mớ tam sao thất bản của mình biết được thì…

Thì bắt gặp lại gã với khuôn mặt tắp lự như có gì muốn thổ lộ khi trước. Tôi há họng cho thanh hông, thoáng đãng, gã tháo ống cống xả những nỗi niềm:

“…Một hôm Khổng Tử dậy sớm lấy tay kéo cây mộc lan mà hát lên những lời buồn thảm: “Thái Sơn kỳ đổi hồ? Lan mộc kỳ hoại hồ? Triết nhân kỳ nguy hồ?”. Thầy Tử Cống sang thăm, hỏi nguyên lý, và được Khổng Tử giảng giải rằng núi Thái Sơn có lẽ đổ chăng? Cây mộc lan có nát chăng? Triết nhân có nguy chăng?, vì đêm hôm qua nằm mơ thấy mình sắp chết..”. (Bẩy ngày sau, Khổng Tử mất).

Gã nhăn nhó với tôi là từ ngũ thập tri thiên mệnh, ông cố nội gã thấu triệt được mệnh trời. Lục thập nhi nhĩ thuận tai nghe thuận với lẽ trời. Ấy vậy mà nay gần đất xa trời lại…sợ chết. Rồi buồn rầu, khóc lóc thảm thiết nên gã chả hiểu ra làm sao sất cả. Chưa hết, gã tung tóe thêm ông cố nội gã còn gậm vần nhả chữ lập ngôn với vị tri sinh yên chi tử, tạm hiểu sự sống còn chưa biết hết làm sao biết được sự chết. Rồi một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân nan”, cùng cục là người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc khó. Ấy thế mà còn tự nhận quân tử chính danh mình là…“triết nhân” mới đau cái đầu.

Gã thở ra chả phải chính danh định phận hay cái quan định mệnh. Với gã chả cần lập thuyết, triết gia như Socrates mới là triết gia qua tam đoạn luận qua câu nói để đời:

” Người phải chết, Socrates là người, Socrates phải chết”.

***

Gã nhăn nhúm với triết Đông, triết Tây cũng chả bằng triết lý củ khoai của Ta vì…hay hết biết. Vì nó đơn sơ như củ khoai, rẻ tiền, mộc mạc, và dễ tìm thấy như củ khoai trong đời thường này. Triết lý đó được đơm đó gọn trong một câu ngắn ngủi: “Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật thơm mà ăn”. Cầm quả quả trứng gà, gã lầu bầu là nào có khác khỉ mốc gì…củ khoai. Tiếp, gã rị mọ rằng bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất của triết nhân, triết thuyết gã đều hay biết. Ngay cả Nietzsche từng cục ta cục tác: “Con gà mà trứng nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi”. Vậy mà gã không biết gà đẻ ra trứng, hay trứng đẻ ra gà. Gã cầm cái tăm chọc thủng vỏ trứng một lỗ bằng đầu tăm, ngửa cổ, mím môi mút và nuốt cái tót. Thế là bao nhiêu Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử ngay cả Mạnh tử đều được gã tống táng vào bụng tuốt tuột…Rồi gã âm âm về cái sự biết thì chả cần nhiều chữ, với Socrates chỉ một câu ngắn gọn:

“Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả”.

Chợt thiên cổ chi mê tôi bật ra cái sự nghi bất hoặc. Bèn hỏi:

– Vậy chứ Ngài có…hay Ngài là cháu của Khổng Tử?

Lôi cái “píp” ra khỏi mồm, lấy khăn lau lau, gã lẫm đẫm:

– Hay…hết biết!

Dòm chừng bộ Tứ thư Ngũ kinh, mắt tôi tròn dấu hỏi:

– Vậy là Ngài…biết Khổng Tử?

Nhét cái “píp” vào túi sắc có cái “I-Pad 7X”, gã lẫn đẫn:

– Biết…chết liền!

 

  Thạch trúc gia trang

                Mùng 3 Tết, Qúy Tỵ niên

               Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Phạm Lưu Vũ, Trịnh Văn Thanh,

             Tràm Cà Mau, Trần Ngọc Tự.

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search