T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Kiếp Nào Có Yêu Nhau

” . . .Nhạc tình của Phạm Duy có yếu tố lãng mạn, day dứt và khắc khoải như của một số tác giả khác, nhưng mạnh mẽ và cuồng nhiệt, đắm chìm và đi xa hơn hết thảy. “Kiếp nào có yêu nhau”, ca khúc được phổ theo bài thơ của người bạn gái Minh Đức Hoài Trinh gửi từ Paris về cho tác giả, là một sáng tác kịch tính về giai điệu, phần lời được Phạm Duy thêm câu chữ để trở nên một kiệt tác trong loạt bài hát “thơ phổ nhạc” mà ông là bậc thầy . . .”

Phạm Duy: Kiếp Nào Có Yêu Nhau

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

kiep nao co 1

kiep nao co 2

kiep nao co 3

kiep nao co 4

Kiếp Nào Có Yêu Nhau – Thơ: Hoài Trinh; Nhạc: Phạm Duy

Trình Bày: Lệ Thu (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

(Trích: PHẠM DUY, CA NHÂN CHẮP CÁNH CHO NHỮNG CUỘC TÌNH- Nguyễn Hoàng Linh (nguồn: NCTG)

Nhạc tình của Phạm Duy có yếu tố lãng mạn, day dứt và khắc khoải như của một số tác giả khác, nhưng mạnh mẽ và cuồng nhiệt, đắm chìm và đi xa hơn hết thảy. “Kiếp nào có yêu nhau”, ca khúc được phổ theo bài thơ của người bạn gái Minh Đức Hoài Trinh gửi từ Paris về cho tác giả, là một sáng tác kịch tính về giai điệu, phần lời được Phạm Duy thêm câu chữ để trở nên một kiệt tác trong loạt bài hát “thơ phổ nhạc” mà ông là bậc thầy:
Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi nhăn đã quên cười.

Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng
Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.

Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?

Đạt được đỉnh cao trong nhạc tình trong 10 năm từ 1956 đến 1966, nhưng tình ca vẫn là một chủ đề lớn và xuyên suốt của sự nghiệp âm nhạc Phạm Duy trong nhiều thập niên về sau. Đây là sẽ nội dung của các phần sau của loạt bài viết về nhạc tình Phạm Duy, như một nén hương muộn màng để từ giã ca nhân chắp cánh cho những cuộc tình của nhiều thế hệ tình nhân Việt Nam…

Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã từ trần

 (Nguồn: Viendongdaily.com)


Nhà thơ chào đời trong một gia đình danh giá tại Huế

Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh, đã từ trần ngày thứ Sáu, 9 tháng Sáu, 2017 tại Quận Cam, Nam California, hưởng thọ, 87 tuổi.

Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế. Bà định cư tại quận Cam từ năm1982 cho đến ngày qua đời.

Sau ngày Miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, Bà trở lại Paris, nỗ lực tranh đấu cho những văn, thi nghệ sĩ bị cộng sản cầm tù. Bà cũng là người đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhân là hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Ba Tây vào năm 1979.

Trước khi dấn thân tranh đấu cho tiếng nói của người viết Miền Nam Việt Nam sau năm 1975 tại hải ngoại, Minh Đức Hoài Trinh là tác giả của một số bài thơ tình nổi tiếng. Tên tuổi của bà được biết tới rất nhiều trong giới văn nghệ ở Miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 với những bài thơ tình trong đó “Kiếp Nào Có Yêu Nhau,” “Đừng Bỏ Em Một Mình” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc đã trở thành bất hủ và đi vào lòng nhiều thế hệ người yêu thơ nhạc Việt Nam. Khi sáng tác và viết báo bà dùng các bút danh như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, và Bằng Cử.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng kể lại như sau, “Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ.”

Về mối duyên thơ nhạc của mình cùng nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, cố nhạc sĩ Phạm Duy từng nói: “Nhạc tình của tôi trong loại nhạc tình cảm tính, nhạc của lứa đôi, nên tôi rất chú trọng tới chữ ‘nhau’: Cho nhau, Đừng xa nhau. Một bài thơ cũng ở trong chữ ”nhau” của Hoài Trinh đã nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ. Bài thơ nhan đề “Kiếp Nào Có Yêu Nhau.”

Nữ nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh chào đời trong một gia đình danh gia vọng tộc. Cha bà là quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, ông nội là Thượng Thư Bộ Lễ Võ Liêm. Bà  cũng được du học ngành báo chí tại Pháp từ năm 1964 và học Hán văn tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương La Sorbonne Paris.

 Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh từng sinh sống và làm việc tại Pháp từ năm 1953 đến năm 1964. Sau đó vào năm 1982 bà sang định cư tại California Mỹ cho nên nay ngày qua đời.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh có rất nhiều sáng tác có giá trị nghệ thuật như: Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).

Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh thập niên 60

Kiếp Nào Có Yêu Nhau

Anh đừng nhìn em nữa

Hoa xanh đã phai rồi

Còn nhìn em chi nữa

Xót lòng nhau mà thôi

Người đã quên ta rồi

Quên ta rồi hẳn chứ

Trăng mùa thu gãy đôi

Chim nào bay về xứ

Chim ơi có gặp người

Nhắn giùm ta vẫn nhớ

Hoa đời phai sắc tươi

Đêm gối sầu nức nở

Kiếp nào có yêu nhau

Nhớ tìm khi chưa nở

Hoa xanh tận nghìn sau

Tình xanh không lo sợ

Lệ nhòa trên gối trắng

Anh đâu, anh đâu rồi

Rượu yêu nồng cay đắng

Sao cạn mình em thôi.

Bài Mới Nhất
Search