T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: cổ tích & đời thường…

vien trai truong va nguoi tu cai tao-1

Cổ Tích – Tranh: Thanh Châu

Thế giới cổ tích luôn hấp dẫn những chú bé giàu tưởng tượng mà tôi là một trong số bạn bè thuở nhỏ thích thả trí tưởng theo những trang cổ tích dưới ánh đèn dầu về đêm, thả ước mơ vào giấc ngủ bay theo những cánh diều trên đồng nội để mơ theo những đôi cánh thiên thần trong cổ tích.

Nhớ về tuổi nhỏ, tôi chỉ nghĩ đến việc phải làm sao, làm bằng chất liệu gì để có được cánh diều bay cao nhất xóm. Nhưng nỗi buồn hằng đêm của tuổi thơ ấy cứ len lỏi vào tâm can như màn đêm sẽ phủ trùm không gian sau mỗi chiều; Và ngày mai thức dậy cũng đâu có gì ngoài giấy báo cũ, cơm nguội làm hồ dán, thanh tre chặt ở bờ rào là hết những gì trong tầm tay có được của trẻ quê. Càng quan trọng hơn hết là cuộn chỉ của bà cho, mẹ cho. Đó là tài sản quý giá nhất của tuổi nhỏ vì có đứa trẻ nào khi bị diều băng mà không khóc? Ước mơ về cánh diều của tuổi thơ chan hoà vào những trang cổ tích cố đọc cho hết vì trí tưởng thăng hoa ngoài sức tưởng tượng của thời thơ dại nhưng hai con mắt cứ ríu lại vì buồn ngủ. Nên giữa hư và thực của tuổi nhỏ là những trang cổ tích và những giấc mơ…

Rồi tuổi thần tiên ấy qua đi khi va đập với đời thường là những sáng thức dậy không còn có cánh diều nào trong mơ nữa; khi người ta hiểu được những đôi cánh thiên thần trong cổ tích chỉ là cổ tích trong đời thường phải tự lo lấy miếng ăn trong ngày vì không còn được ở nhà với cha mẹ nữa. Khi cuộc đời giáp mặt với những sáng sớm, chiều buông… thường bắt đầu bằng cảm giác nhớ nhà rất mới mẻ nên thẫm đẫm tâm can khi nhớ về ngôi nhà chẳng giàu có gì hết mà sao luôn có cái ăn khi đêm về. Bây giờ đêm vẫn về nhưng cái ăn đã trở thành ước mơ; ước mơ mới quá sau cuộc đổi đời nên ước mơ không song hành cùng cổ tích nữa mà song hành với đời thường – là đời không như là mơ.

Nhìn lại đã bao năm không nằm mơ từ khi xóm làng chuyển mình vào những ngày hoà bình lập lại ở Việt nam, những giấc mơ tuổi thơ tan biến theo sự đói nghèo và tan tác của gia đình để chú bé mộng mơ gói ghém hành trang phiêu bạt chỉ là những trang cổ tích dưới ánh đèn dầu, mùi manh chiếu nhớ người nằm, ánh trăng lẻ bạn, cây ngọc lan bên ngoài cửa sổ…

Biết làm sao được khi lịch sử sang trang, chi phối lên từng gia đình và mỗi phận người. Tôi đã bắt đầu có ý thức về sự thay đổi của hoàn cảnh sống nên những giấc mơ cũng thay đổi để đưa tôi đi vượt biên trên một cánh diều bất hoại như đôi cánh thiên thần trong cổ tích đã mang tôi bay cao hơn nóc nhà tuổi thơ là bay qua biển Đông để thật xa lạ với một sáng thức dậy ở đâu đó trên hành tinh mà tôi hỏi, “Đây là đâu?” thì những người lạ hoắc không biết tiếng Việt để trả lời tôi. Trong khi họ nói với tôi thật nhiều bằng một ngôn ngữ mà tôi không hiểu…

Tôi bắt đầu thời kỳ lạ lẫm với chính những giấc mơ của mình. Tôi kể luyên thuyên với hai người bạn cùng đi uống cà phê sáng sớm trước khi ra đồng làm việc. Tôi còn nhớ người bạn ngang tuổi rất hào hứng với giấc mơ đêm qua của tôi. Anh ta cũng kể về giấc mơ của anh ta đêm qua. (Vì anh là người Công giáo thuần thành, gia đình ở Giáo xứ Tam Hà – Thủ Đức) nên anh mơ thấy Đức Mẹ che sóng, chắn gió cho con thuyền vượt biên nhỏ nhoi như chiếc lá trên biển cả mà anh không sợ hãi gì hết vì đã có Đức Mẹ chở che…

Chúng tôi trò chuyện luyên thuyên buổi sáng trước một ngày đồng áng cực khổ lắm; chúng tôi thân thương với nhau vì là người cùng thời, cùng là những chú bé bước ra đời thường từ những trang cổ tích. Chỉ người thứ ba ngồi cùng bàn cà phê sáng là người cai quản chúng tôi thuở ấy, anh là bộ đội phục viên, anh chẳng biết một chuyện cổ tích nào để ước mơ. Anh chỉ biết “lao động là vinh quang”, nên anh nói chúng tôi: nhảm nhí!

Rồi trời đã sáng tỏ mặt người. Anh chủ quán bước đến bàn chúng tôi để thổi tắt cây đèn dầu cho đỡ hao dầu. Lọn khói trắng bốc lên từ tim đèn rất huyễn hoặc nên tôi nói: “ Thần đèn hiển linh rồi kìa! Ngài cho mỗi người một điều ước. Tôi ước thần đèn cho tôi như làn khói mỏng để tan biết khỏi nơi này!”

Người bạn tôi vỗ bàn tay anh ta lên bàn cà phê để ra oai, giả giọng thần đèn phán truyền, “Ta sẽ cho con toại nguyện!”

Thế là tôi bỏ ghế cóc, ngồi xụp xuống đất. Coi như tôi đã biến mất!

Người bạn tôi nói ước nguyện của anh ta với thần đèn, “Con xin thần đèn cho con được đi học… giáo lý. Con sẽ không trốn lễ, bỏ lễ nhà thờ nữa,…”

Tôi vói tay lên vỗ bàn, truyền lệnh, “Ta sẽ cho con toại nguyện!”

Thế là anh bạn tôi cũng ngồi xụp xuống đất. Coi như biến mất!

Chúng tôi cười ngất với nhau. Trên bàn chỉ còn mỗi anh bộ đội phục viên ngồi ngẩn ngơ, hỏi: “Bọn mày làm gì thế?”

Người bạn tôi không trả lời mà nói, “Đến anh, ước gì thì nói mau lên. Thần đèn không biết vượt chỉ tiêu đâu! Mỗi ngày chỉ cho thế gian ba điều ước. Anh còn không mau… tranh thủ!”

Có lẽ là lần đầu tiên trong đời anh bộ đội được tiếp xúc với thần linh trong những truyện cổ tích của trẻ em miền Nam nên anh bỡ ngỡ thưa rằng, “Con xin thần đèn đưa hai chúng nó ra đồng, chứ mình con thì không thể đạt chỉ tiêu được giao hôm nay đâu thần ạ!”

Từ đó tôi hiểu biết hơn về người bộ đội, thấy thương thương anh dù vẫn giữ khoảch cách bắt buộc của ý thức hệ. Nhưng lòng riêng cứ thương anh chỉ có bác Hồ chứ không có thần thánh trong cổ tích nên không có ước mơ; thương anh chỉ bị nhồi nhét vào đầu tuổi nhỏ “5 điều bác dạy thiếu nhi” chứ không có truyện cổ tích nào cả nên cả đời dài sau tuổi thơ anh chỉ biết phấn đấu để đạt chỉ tiêu…

Đã nhiều năm không gặp lại nhưng lại ở trong nhau theo từng vốc cơm vãi ra sân cho chim trời ăn. Những hạt cơm ngày nào là ước mơ lúc nửa đêm bụng đói đến ruột lộn lên đầu nên không ngủ được, nay thừa mứa đến cho chim ăn để khỏi mang tội phung phí thức ăn. Nhưng sao lại nhớ quá những con người gặp nhau vì hoàn cảnh nhất thời, nhưng lưu lại trong nhau nhiều khuất tất của lịch sử và ý thức hệ. Có lẽ người bạn sùng đạo của tôi vẫn bình an dưới thế nhờ Đức tin vững chắc. Nhưng người anh em bị đánh cắp tuổi thơ thì đã khắc phục được gì chưa? Sao quê nhà vẫn tăm tối như chính cái chủ nghĩa hoang tưởng mà anh chỉ là nạn nhân, vì thật ra anh chỉ lớn hơn chúng tôi vài tuổi. Thật tiếc cho người anh em được sinh ra lành lặn như trẻ em miền nam chúng tôi, chỉ vì lớn lên cùng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc nên không có tuổi thơ được chấp cánh với thiên thần để chiến đấu với ác quỷ, để được lớn lên từ cổ tích mà biết phân biệt giữa thiện và ác, để chọn lối sống cho riêng mình…

Chiều tháng sáu nắng tàn, mấy con chim quen ghé lại sân sau nhà kiếm ăn. Nhà hết cơm thì tôi ném cho chúng vốc gạo. Ngồi nhìn lũ chim vô ưu thấy tâm mình thanh an hơn nhìn vào đời thường để lại sống lại những trang cổ tích thuở bé làm giao động tâm tư khi những chuyển biến tư duy, tâm thức theo thời gian đã có thời gian nhìn lại. Khi cổ tích là những ước mơ sau khi gấp sách lại, chú bé nào cũng thành dũng sĩ vì cổ tích mới là thật, những ước mơ mới là lẽ sống; Đời thật của người lớn, không dính dáng tới trẻ em. Nhưng khi thời gian chứng minh được cổ tích không đi chung đường với ước mơ nữa mà cổ tích bị ném vô đời thường nên tàn lụi hào khí, cạn kiệt tin yêu… cổ tích vạch trần ra chân tướng con người trong đời ráo hoảnh mà Nguyễn Bính có lần đã nhìn thế nhân đến rướm lệ than rằng, “thế nhân mắt trắng như ngân nhũ…”

Nhìn lại cuộc đời khi trang sách đọc đã là cổ tích mà lại úa vàng theo thời gian nữa, tức là lâu lắm rồi! Nhưng ở một ý nghĩa nào đó là từ cổ tích tới hiện tại thì cuộc sống con người vẫn không thay đổi. Ta thử đọc lại truyện “Diều hâu và thỏ con”…

Con diều hâu đậu trên cành cao cả ngày, biếng nhác. Thỏ con trong hang chui ra thấy thế bèn hỏi: “Cháu có thể ngồi một chỗ và không làm gì như bác được không?”

Diều hâu trả lời: “Được chứ, sao lại không?”

Thế là thỏ con ngồi dưới gốc cây, nhìn diều hâu đậu ngủ trên cành cao mà thêu dệt bao nhiêu những ước mơ…

Bỗng cáo từ đâu nhảy ra, ngoạm hết ước mơ của thỏ con, đến nhúm lông, nhúm da, chút xương thịt của thỏ con, cáo cũng không bỏ qua!

    Câu chuyện ngày xưa tôi chỉ hiểu theo giải thích của người lớn là đừng có đứng núi này mà trông núi nọ, phải biết liệu cơm gắp mắm mà sống ở đời! Nhưng nay đọc báo trong nước lại thấy người lớn bây giờ dạy bọn trẻ khác xưa: Để ngồi chơi hưởng lợi, bạn phải ngồi ở trên một vị trí rất rất cao.”

Tôi vỡ lẽ ra được cái xã hội nhân bản mà người Việt nào cũng tự hào với bốn ngàn năm văn hiến đã bị xoá sổ. Quê tôi bây giờ chỉ còn con người cỡi cổ nhau mà sống. Khi người ta sống vì cái “vị trí rất rất cao” để “ngồi chơi hưởng lợi” thì xã hội ấy đã không còn là xã hội Việt nam như văn hiến đã lâu. Nên xin đừng Giỗ tổ Hùng Vương bằng bánh chưng, bánh dày mà số đo tính mét, trọng lượng bánh tính bằng tấn nữa. Tinh thần dân tộc không thể nuôi dưỡng bằng kỷ lục đạt được!

Thôi. Sống kiếp tha hương, lắm đau thương… như nhạc Lam Phương, còn hơn đọc báo trong nước. Tôi lên mạng để tìm lại câu chuyện nhỏ từ hồi còn nhỏ mà tôi nhớ mãi nhưng không gặp. Chỉ là còn lại trong trí nhớ thôi, chuyện về chú chim nhỏ đang bay về miền Nam trốn tuyết. Trời quá lạnh nên chú bị cóng và rơi xuống một nông trại. Chú chim non nằm thoi thóp, chờ chết. Nhưng cơ duyên có bác bò đi ngang qua, bác vô tình thải phân lên chú chim…

Chim nằm trong đống phân bò, chú bắt đầu cảm nhận được sự ấm áp, rồi niềm hạnh phúc lan toả sự phục sinh, nên chú chim non bắt đầu cất tiếng ca vui mừng…

Nhưng một con mèo đi ngang qua, nghe tiếng chim hót nên thám thính! Cuối cùng, mèo lôi chú chim non ra khỏi đống phân bò… để mèo được no nê một chiều đông giá buốt với món thịt  chim trốn tuyết!

   Ở tuổi thơ thích đọc cồ tích vì nhiều con vật ngộ nghĩnh, chúng lại mang những suy nghĩ như người nên trẻ nhỏ thích thôi chứ làm sao hiểu nổi triết lý, đạo lý hàm chứa trong chuyện…

Nhưng thời gian sẽ trả lời cho những cô, chú bé theo thời gian là không phải ai ném phân vào mình đều là thù, vì người kéo ta ra khỏi đống phân cũng chưa chắc là bạn.

Chiều tháng sáu mưa mau nắng vội. Dòng đời trôi tuổi thơ lũ trẻ đang giỡn cười ngoài ngõ như những trang cổ tích nhảy múa; những trang sách úa vàng, lũ trẻ hết mộng mơ với đời thường giáp mặt.

Chiều tháng sáu. Vạt nắng cuối cùng tan vào hư không…

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search