T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Tình Ca

“. . . Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!

Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời…

Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. . .”

Phạm Duy: Tình Ca

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

tinh ca 1

tinh ca 2

tinh ca 3

tinh ca 4

Tình Ca – Sáng Tác: Phạm Duy

Trình Bày: Thái Thanh (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

(Trích:  Hồi Ký phạm Duy)

” . . . Từ ngày vào Nam cho tới nay, tôi chỉ có Lê Thương là bạn thân thiết. Bây giờ ngoài nhạc sĩ họ Lê, tôi có thêm Nguyễn Đức Quỳnh là người có một hiểu biết rất bách khoa để tôi học hỏi thêm về nhiều lĩnh vực. Và để trao đổi những chuyện tâm tình nữa. Suốt trong hai năm 53-54, tôi và anh Quỳnh gặp nhau hằng ngày. Là nhà văn, nhà báo, cùng với Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Đức Quỳnh được mời viết báo ĐƠI MƠI của Trần Văn Ân. Đó là tờ báo nổi tiếng nhất của miền Nam thời đó, bìa báo trông hấp dẫn như tờ NEWSWEEK hay tờ TIME của Hoa Kỳ vậy. Tôi bị anh Quỳnh kéo tới toà báo ĐƠI MƠI sinh hoạt rồi trở thành người bạn trẻ của những nhân vật nổi tiếng trong giới làm văn học và chính trị miền Nam như Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường, Tam Ich, Lê Văn Siêu… Trước khi dùng hai căn nhà gỗ ở đường Thành Thái và Phan Thanh Giản làm một thứ đàm trường để qui tụ bạn bè, anh Quỳnh đã biến toà soạn ĐƠI MƠI là nơi gặp gỡ của giới làm văn học nghệ thuật trong Saigon-Chợ Lớn. Tại đây anh khởi sự nói về sự cần thiết phải vượt chủ nghĩa Mác, cho rằng chỉ có người Việt mới “vượt” được chủ nghĩa này.

Là người bạn mới của tờ ĐƠI MƠI, được anh em trong toà soạn đè ra phỏng vấn, tôi tuyên bố (!): Sau khi nói lên vinh quang và nhọc nhằn của dân tộc (qua những bài ca kháng chiến), bây giờ tôi đi vào tình tự quê hương. Bàn thảo với Nguyễn Đức Quỳnh, rồi anh ta có loạt bài Người Việt Đáng Yêu, Đất Việt Đáng Yêu, Tiếng Việt Đáng Yêu đăng trên báo ĐƠI MƠI và sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca, xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam, đăng trong số Tết 1953 của báo này. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!

Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời…

Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.

Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài-Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia. Ở Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thì giờ và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. Ở Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. Ở miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó. Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện. Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam. Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân… ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.

Định mệnh khiến cho tôi, một ca nhân tầm thường, qua một bản tình ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.

Với một tình cảm không còn bị giới hạn trong ranh giới địa hình hay tâm lý như vậy, tôi sẽ suốt đời là người độc lập trong sáng tác. Nghĩa là tôi đi thẳng tới quốc gia, dân tộc mà không cần đi qua con đường chính trị. Trước khi nước Việt bị chia đôi bởi hoà hội Genève, ngay từ lúc này, tôi đã quyết định không bao giờ là người của bên ni hay là của bên tê. Tôi chỉ muốn phục vụ dân tộc Việt Nam mà thôi.

Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc. Tôi thấy cần phải tiếp tục soạn loại ca khúc này. Lúc đó, tôi còn mang trong lòng nhiều hình ảnh khó quên của thời kháng chiến cho nên tôi dùng bài Bà Mẹ Chiến Sĩ mà tôi soạn tại Vinh vào năm 1949 làm bài mở đầu cho một bộ ba (trilogie) về con người Việt Nam. Đó là ba bài Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê. Những nhân vật của thôn ổ này bổ xung một thế giới trong âm nhạc của tôi, đã từng có những anh hùng vô danh, người Vệ Quốc Quân, chị du kích, kẻ ra đi, người trở về, anh thương binh v.v… Cùng với bài Bà Mẹ Gio Linh trước đây và với bài Bà Mẹ Phù Sa sau này, bài Bà Mẹ Quê là bước đầu của huyền thoại Mẹ, dần dà sẽ được tôi dẫn đến địa vị cao sang nhất trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Được viết ra từ lâu nhưng 40 năm sau, ta vẫn có thể hát bài Bà Mẹ Quê:

Miệng khô nhớ bát nước đầy

Nhớ bà mẹ quê xưa ấy

Mùa đông manh chiếu thân gầy

Cháu bà ngủ thiu giấc say…

Bài Vợ Chồng Quê là xu hướng nhạc tình của tôi, xu hướng này đã khởi đi từ những bài hát nói về cuộc tình đơn sơ để sẽ vươn tới những tình khúc chan chứa hạnh phúc và khổ đau trong huyền thoại Tình Yêu. Bài này như muốn nhắc lại kỷ niệm riêng của vợ chồng tôi:

Một ngày sang thu, một buồng cau tơ

Quanh co lối xóm những tà áo mới

Mẹ già yên lòng, thiếu nữ mơ mòng

Các em nhi đồng trống ếch khua vang…

Bài Em Bé Quê là tiền thân của loại bé ca sau này, những huyền thoại Tuổi Thơ, lúc nào cũng chỉ muốn nhắc nhở tới sự trinh trắng rất cần thiết cho con người phải sống liên miên trong một xã hội điên đảo vì chiến tranh và thù hận:

Vàng lên cánh đồng, khi trời vươn ánh dương

Trẻ thơ lớn dậy giữ quê, giữ vườn

Đời vui thái bình, cây lúa trổ bông

Cỏ ngàn thơm phức trâu ăn đầy đồng…

Vào thời điểm này không phải chỉ có tôi viết về đất nước mến yêu hay soạn những bài hát nhớ quê hương khi đang sống trên quê hương. Cuộc di cư năm 54 của một triệu người đã khiến Vũ Thành soạn bài Giấc Mơ Hồi Hương, Hoàng Dương viết bài Hướng Về Hà Nội. Khi những bài xưng tụng quê hương được phổ biến mạnh mẽ tại các thành phố miền Nam thì các nhạc sĩ trẻ như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương cũng soạn những ca khúc lấy tình quê làm chủ đề như Trăng Rụng Xuống Cầu, Gạo Trắng Trăng Thanh, Lúa Mùa Duyên Thắm, Tình Lúa Đêm Trăng. Họ cũng phát triển dân ca nhưng trong phạm vi nhạc thuật, họ dùng những nhịp điệu Nam Mỹ như rumba, mambo. Khi in ra thành bản nhạc, họ ghi rõ ràng là dân ca rumba hay dân ca mambo. Dòng nhạc “mambo bolero” được Việt hoá này sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ với bộ ba Lê-Minh-Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng) và với Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường với những bài hát xưng tụng tình yêu của tuổi choai choai . . . ” (Phạm Duy)

Bài Mới Nhất
Search