T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 113)

 cnlv hinh

Ngôn ngữ

Nói năng là ngôn ngữ: tự mình nói là “ngôn”. Đáp lại lời kẻ khác là “ngữ”.

Sách có câu “Ngôn nhất thuyết ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là “một lời nói ra bốn con ngựa chạy theo không kịp”.

Nguồn gốc tiếng Việt III

Trong quyển Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam, ông Bình Nguyên Lộc đã có một số nhận định và chứng minh khoa học cụ thể về vấn đề nan giải nêu trên.

Từ năm 1920 nhờ những cuộc khai quật được một số cổ vật trong cổ mộ ở cách lưu vực sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Cả, sông Mã, sông Ðà, sông Nhị. Nghiên cứu sơ khởi cổ mộ thì các nhà khảo cổ gọi người trong mộ táng được khai quật thuộc chủng tộc Indone’sien. Indone’sien, thuật ngữ của ngành Chủng Tộc học có nghĩa là Cổ Mã Lai, chứ không thuần nghĩa thông thường được chú giải trong các tự điển ngôn ngữ hiện nay là người dân của xứ Nam Dương quần đảo. Mặc dù các dân tộc Nam Dương, Mã Lai Á đều từ gốc chủng tộc Cổ Mã Lai mà ra nhưng đã không còn thuần giống.

Chủng Cổ Mã Lai phát tích từ Tây Tạng, hay nói rõ hơn là tại chân cao nguyên Tây Tạng, vùng đất quanh chân núi Himalaya (Hi-Malaya có nghĩa là núi của người Malaya).

Từ 6000 năm trở về xưa hơn, dân Cổ Mã Lai từ quanh cao nguyên Tây Tạng xuống chiếm đất Ấn Ðộ. Nền văn minh của họ tồn tại được một ngàn năm thì bị dân Aryen xâm lăng đánh đuổi. Vì vậy, một mặt giống dân Indone’sien di cư về hướng Nam, đến bán đảo Mã Lai Á, sang Nam Dương quần đảo, rồi từ đó sang Madagascar đến tận Phi Luật Tân. Mặt khác họ di dân sang nam Trung Hoa, hoặc đi bằng đường biển sang Cổ Việt Nam, Ai-Lao, Cao Miên, Thái Lan).

Người Thái ở miền thượng du Bắc Việt ngày nay đã khác hẳn với người Thái Lan, vì người Thái Lan đến bờ biển lập quốc cả hàng trăm năm và theo văn hóa của Ấn Ðộ và Phật giáo. Còn người Thái thượng du Bắc Việt còn giữ nguyên văn minh cổ thời của họ. Theo như trên thì những chủng tộc này đều có mặt tại Cổ Việt Nam nên ngôn ngữ của ta mới hỗn hợp tiếng Mã Lai nhiều đợt. Ðịa bàn phương đông của chủng dân Cổ Mã Lai bị dân Tàu lấn đất, họ đành phải nam thiên. Tới vùng đất mới, họ lại bị Tàu xâm lăng lần nữa. Lần bị chiếm đất này, họ rút lên rừng núi, rồi vì khí hậu và phong thổ không ưu đãi, thiếu thốn phương tiện canh tân nên nhóm người này bị thái hóa. Do đó người Thượng trên cao nguyên vẫn còn giữ nhiều phong tục văn hóa của chủng Cổ Mã Lai hơn dân ta, kẻ ở lại đồng bằng đã khác xa, nhất là khi bị ảnh hưởng văn hóa mới và hợp chủng với dân xâm lược.

(Tĩnh Túc – Nguồn gốc tiếng Việt)

Tục ngữ Ta và Tầu

 Lệnh làng nào làng ấy đánh

Thánh làng nào làng ấy thờ

Đưng trang thổ địa, đương trang linh

(Thổ địa nơi nào, nơi ấy linh)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiểu thuyết hiện sinh II

Cùng thời điểm hiện sinh ở thập niên 60, một số nhà văn nữ xuất hiện như Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ…. Ảnh hưởng văn chương hiện sinh đến với họ không trực tiếp tiếp cận triết học hiện sinh, nhưng trong lối sống, trong sự nhận thức về mình, đã ngấm vào họ, vào vô thức của họ, khiến cách viết khác lãng mạn tiền chiến: Một Túy Hồng “dửng dưng” nhìn vào đời tư của mình, vào đời tư của người thân để lạnh lùng phân tích một cách cay độc, không thương tiếc. Ở đấy, không có vấn đề nào là cấm kỵ. Không có vấn đề nào là không được bàn đến. Thật sự là thế hệ nhà văn nữ miền Nam đã tạo ra một chân dung khác của văn học, trong cái nhìn ngổ ngáo, trần trụi của con người hiện sinh, phân chất bản thể của chính mình.

Nguyễn Thị Hoàng viết Vòng Tay Học Trò, phá những cấm kỵ của xã hội, về sự cách biệt tuổi tác giữa cô giáo và học trò, trong tình yêu. Thụy Vũ, Nhã Ca tự giải phóng mình khỏi những đạo lý xã hội. Họ chủ động đời sống tình cảm cũng như đời sống thân xác.

Những nhà văn nữ miền Nam, thập niên 60-70, vô tình hay hữu ý đã góp phần vào cuộc cách mạng của người phụ nữ, mà tại Pháp, Simone de Beauvoir là người đi tiên phong, khi bà viết tác phẩm Le deuxième sexe (Phái yếu), đặt vấn đề ý thức về bản thân như điều kiện tiên quyết của hiện sinh con người phụ nữ.

Ở cuối thập niên 70, một khuôn mặt trẻ xuất hiện: Trần Thị Ngh. Ngòi bút của Trần Thị Ngh., lần này đích thực có ý thức hiện sinh, nghĩa là có một phong cách hiện sinh trong chiều sâu, về bản thể. Về tồn tại. Và tại sao tồn tại.

Trần Thị Ngh. dùng lối viết trung tính (écriture neutre) của thời đại mình đang sống. Tức là bút pháp lạnh lùng, không cho tình cảm nhuộm hồng, nhuộm xanh bầu trời, mà tác giả trải tình huống lõa thể trong tư thế nguyên khai để phơi bày sự thực.

(Thụy Khuê – Trần Thị Ngh. Lạc đạn và…)

Chùm truyện rất ngắn: Giấc mơ

Trời xui đất khiến thế nào mà hắn phải chạy đi kiếm một sợi dây thừng. Thắt một cái thòng lọng rất đẹp, hắn chui cổ vào. Nhưng ngay khoảnh khắc ấy, hắn chợt nhận ra nếu mình chết thì không thể làm một việc rất quan trọng. Hắn cố rút đầu ra mà không được, còn sợi dây thì cứ siết chặt dần lại. Hắn van vỉ đất trời “tha cho tôi, tha cho tôi. Tôi còn phải làm một việc khẩn cấp”. Sợi dây tự nhiên tuột ra và hắn thoát chết trong gang tấc.

Mồ hôi mồ kê đầm đìa, hắn chợt tỉnh giấc. May quá chỉ là một giấc mơ. Thế là mình còn sống để làm một việc quan trọng. Hắn bật dậy rồi đi kiếm một sợi dây thừng. Thắt một sợi dây thòng lọng, hắn chui cổ vào. Nhưng giờ đây cho dù hắn van vỉ thế nào đi nữa thì sợi dây cũng không buông tha. Hắn giãy giụa một chặp rồi cứng đờ.

Hắn hét lớn. Thì ra là một giấc mơ. Một giấc mơ trong giấc mơ. Ngồi bật dậy, hắn bình tâm tỉnh trí lại sau cơn mơ kinh hoảng đó. Một ngày mới lại đến. Hắn phải làm gì nhỉ? À, đúng rồi, mình phải kiếm một sợi dây thừng…

 Đồ mặt dầy

Có một lần khi cãi nhau, tôi nói với người bạn là: “Đồ mặt dầy”. Nó đứng thộn mặt ra, hỏi tôi mặt dầy là mặt gì, tôi cũng không biết làm sao mà giải thích được cho nó hiểu nên cuộc cãi cọ chấm dứt. Làm sao cãi cọ khi hai bên không hiểu nhau?

Rồi có những lúc đám bạn Nam Kỳ chọc tôi, hát: “Bắc Kỳ ăn cá rô cây, Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ”, thì tôi biết chắc là tôi không phải là…người Nam.

(Nguyễn Tài Ngọc – Bắc kỳ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Đang kiểm lại bài viết của một phóng viên mới, thư ký tòa soạn gọi anh này lên…”sát sà phòng”:

– Bài này chỉ cần viết trong 50 chữ, sao anh viết hơn trang giấy thế này. Anh có biết như vậy làm choán chỗ trên trang báo hay không? Mang về rút ngắn lại cho tôi.

Cuối cùng tin đó được đăng lên như sau:

“Trần Văn B. Việt Nam. Đêm 24/6 bật lửa hút thuốc trong khi đang bơm xăng. B thọ 32 tuổi.

Chữ nghĩa thập niên 30, 40

Róc đời: hết sức khôn ngoan trong đối xử ở đời.
Kình: chống đối.
Chiếu cạp điều: chiếu cạp vải đỏ chung quanh – chiếu sang, quý.

Tên của những cái ngõ Hà Nội

Xa xưa, thuở Hà Nội hãy còn nhỏ hẹp, và đất của 3 trong 4 quận nội thành đầu tiên là Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa (trừ Hoàn Kiếm) phần nhiều là làng xóm, đồng ruộng và ao chuôm. Bạn thử hình dung xem trong bán kính chưa đầy 1 cây số quanh Ô Chợ Dừa mà có cả ngõ Thổ Quan lẫn ngõ Quan Thổ, lại có những 3 ngõ Quan Thổ đánh số 1 đến 3. Quan Thổ là Quan Trạm gộp với… Thổ Quan!

Một loạt những ngõ quanh một khu đất phía Nam Văn Miếu đều được mang chữ Văn như nhắc nhở về một quá khứ ảnh hưởng sâu đậm của Nho học trên vùng ven kinh thành này: Văn Chương, Văn Hương, Huy Văn… thêm vào đó còn có Lương Sử (gộp từ Lương Sừ và Ngự Sử, cũng là Nho).

 (Nguyễn Trương Quý – Ngoằn ngoèo như ngõ)

Những tác giả trùng tên

 Những tác giả trùng tên trong và ngoài nước là Lê Thương, Tường Giang, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Dư, Tô Vũ, Mường Giang (# Mường Mán), Trần Bích San..v..v..

Chữ và nghĩa người Hà Nội

Có một em tuổi dậy thi ở Hà-Nội vừa dắt xe ra khỏi cửa thì vỏ xẹp lép do hết hơi.
Dắt xe ra đầu đường, vừa trông thấy anh thợ sửa xe, cô nàng liền gọi to:
– Anh ơi, “bơm em một phát”!
Anh thợ sửa xe nhìn rồi đáp:
– Non thế bơm cái gi?
Đang vội nên cô gái nhanh nhẩu:
– Tối qua em vừa sờ rồi, chưa thủng đâu, cứ bơm đi!
Anh thợ sửa xe bèn lắc đầu:
– Thôi thì quay đít vào đây….

Về từ Hán Việt

Một nhật báo viết: “Hòa thượng Quảng Độ bị chặn lại ở Trảng Bom, áp tải về Sài Gòn”.

Áp tải dùng cho người “đi theo để giữ gìn những đồ vận tải”. “Ap giải” dùng cho nhân viên công lực “đi theo giữ gìn phạm nhân”.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Chữ nghĩa làng văn

 Một số người cho là nước ta xưa kia có tên gọi là “Xích Quỷ”, là con cháu Thần Nông bên Tầu. Cụ Hoàng Văn Chí phản bác việc nhận “quốc hiệu” Xích Quỷ” từ người Tầu vì có ý khinh miệt.

Theo cụ, “Xích” ở đây không có nghĩa là đỏ hay phương Nam, nơi có mặt trời nóng mà có nghĩa là “trần truồng”.

Trong Kinh thi với “xích diệu diệu” là “truồng nồng nồng”. Chữ “xích tử”, các cụ dịch là “con đỏ”, thực ra là “con mới sinh, chưa mặc quần áo”.

Có lẽ, người Tầu đi về phương Nam, tới một nơi nào đó thấy đàn ông đóng khố, đàn bà mặc yếm như người Thượng hiện nay. Và họ chép vào sử liệu gọi là “Mọi cởi truồng”. Tin rằng chúng ta là “con cháu Thần Nông” từ Động Đình hồ di cư xuống miền Nam, một sử gia nào đó vội nhận “Xích quỷ” là quốc hiệu của nước ta.

(Hoàng Văn Chí – Duy văn sử quan)

Tĩnh từ

 Hãy nghe Mai Thảo chơi chữ:

Tận ngữ tìm lung một tĩnh từ

Tưởng còn sót lọt ở phần thư

Đập tay điếu thuốc tàn không rụng

Đã lượng đời vơi tới đáy ư?

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search