T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(67)-NHẠC PHÁP – Je n’pourrai jamais t’oublier (Mưa trên biển vắng), Emil Dimitrov & Patricia Carli

clip_image002Sau loạt bài viết về những ca khúc Pháp được ưa chuộng tại miền Nam VN và được đặt lời Việt trước năm 1975, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số ca khúc Pháp điển hình của thời kỳ “hậu 1975”, trước hết là bản Je n’pourrai jamais t’oublier, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Nhớ anh mà thôi, và Nhật Ngân với tựa Mưa trên biển vắng.

Trở lại với những năm sau biến cố 30/4/1975, mọi nguồn cung cấp sản phẩm văn hóa Pháp nói chung, ca nhạc Pháp nói riêng, cho người Việt ở miền Nam VN không còn nữa: tiệm bán đĩa hát Anna, nhà sách Xuân Thu bị đóng cửa, Trung tâm Văn hóa Pháp (Centre Culturel Français) ngưng hoạt động (sau này tái hoạt động với danh xưng mới: Institut Français), còn đài phát thanh RFI (Radio France Internationale) lúc đó mới được thành lập, chưa phát sóng tới Việt Nam…

Trong khi giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại, có điều kiện, phương tiện nghe nhạc Pháp thì đa số đã bị “Mỹ hóa”, cho nên cũng không còn mấy người tìm nghe các ca khúc Pháp, của những tên tuổi nổi tiếng trước năm 1975 cũng như những tài danh mới nổi sau này như Jean-Jacques Goldman, Claude Barzotti, Patricia Kaas, Lara Fabian…

Phải đợi hơn 10 năm sau, tới cuối thập niên 1980, khi đã an cư lạc nghiệp, một số nhạc sĩ tên tuổi của miền Nam trước đây, như Phạm Duy, Anh Bằng, Nhật Ngân, mới bỏ công sưu tập những ca khúc Pháp nổi tiếng quốc tế sau năm 1975 và đặt lời Việt để phổ biến tới người yêu nhạc.

[Riêng Phạm Duy còn đặt lời Việt cho một số ca khúc Pháp được ưa chuộng trước năm 1975 nhưng chưa có ai đặt lời Việt, và cả một số ca khúc đã được các tác giả khác đặt lời Việt]

Một trong những ca khúc Pháp đầu tiên được đặt lời Việt tại hải ngoại là bản Je n’pourrai jamais t’oublier (nghĩa tiếng Việt: Em chẳng bao giờ có thể quên được anh).

Muốn cho chính xác, phải viết: Je n’pourrai jamais t’oublier là một ca khúc Pháp do Nicoletta thu đĩa trước năm 1975, nhưng phải đợi tới đầu thập niên 1980 mới được nhiều người biết tới và… lên top!

Trước khi viết về sự kiện khác thường này, chúng tôi xin có đôi dòng về hai tác giả của ca khúc: Emil Dimitrov, người soạn nhạc, và Patricia Carli, người đặt lời.

Emil Dimitrov (1940-2005) là một ca nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc nổi tiếng của Bảo-gia-lợi (Bulgaria).

clip_image004

Emil Dimitrov sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ gánh xiệc, từ nhỏ đã ôm mộng trở thành diễn viên. Tuy nhiên tới tuổi trưởng thành, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, anh lại chọn nghiệp cầm ca, trở nên nổi tiếng, rất được ái mộ tại Liên Xô và các quốc gia Đông Âu khác, với số album bán ra lên tới trên 40 triệu (con số do tạp chí ca nhạc Billboard của Mỹ ghi nhận).

Trong số những ca khúc do Emil Dimitrov sáng tác và thu đĩa, nổi tiếng nhất phải là bản Moya Strana, Moya Bălgaria (My Country, my Bulgaria), sáng tác năm 1970 trong thời gian sống ở Pháp, với lời hát của Vasil Andreev, nói lên tâm tình của một người con sống xa quê mẹ nhưng vẫn mang nặng tình cố hương, và hẹn ngày trở lại.

Moya Strana, Moya Bălgaria về sau đã được người yêu nhạc ở Bảo-gia-lợi bình chọn là ca khúc hay nhất của thế kỷ 20, được xem là “quốc ca không chính thức” (unofficial anthem) của Bảo-gia-lợi; thế nhưng trước đó, từ thập niên 1970 cho tới khi chế độ cộng sản sụp đổ, ca khúc này đã bị cấm phổ biến vì bị gán “có tư tưởng phản động, thân tây phương”.

[Vasil Andreev: không có bất cứ tài liệu nào trên Wikipedia cũng như các trang mạng chuyên ngành Allmusic, TMDb, Songfacts cho biết thân thế của Vasil Andreev; còn theo bài viết của Tuấn Thảo, đài RFI, Vasil Andreev là ông bầu của Emil Dimitrov]

Tại ngoại quốc, Strana, Moya Bălgaria cũng lên Top ở nhiều quốc gia, bán được trên nửa triệu đĩa ở Đức và 100.000 đĩa ở Bỉ (một quốc gia chưa tới 10 triệu dân).

Lời hát của Strana, Moya Bălgaria được trang mạng Google dịch sang tiếng Anh như sau:

My Country, my Bulgaria

So many nights I did not sleep,
So many roads I have walked –
To come back.
So many songs I have sung,
So many torments I’ve suffered

To come back.
In my beautiful country
Mother, father, and wife
To embrace.
There under my native sky
My child is waiting
For me to come back.

CHORUS

My country, my Bulgaria;
My love, my Bulgaria;
My sadness, my Bulgaria,
Love always pulls me back to you.

Even if elsewhere in the world
I were to perish, unknown,
I’d still be back, so that
In my beautiful country,
The grass, and the earth

I would embrace.
There let me become a flower blade
Let the wind so familiar
Embrace me.
May the fields of my home
Come meet me with their song
When I come back.

CHORUS
My country, my Bulgaria,
My beautiful country,
I will be back.

VIDEO:

Emil Dimitrov Moya Strana, Емил Димитров Моя страна

Trở lại với mùa thu năm 1968, trong thời gian thăm Pháp, Emil Dimitrov được giới thiệu với ông Hristo Kurtev, một người tỵ nạn Bảo-gia-lợi sống ở Paris, người đã có công sáng lập Trường nghệ thuật quốc tế (Académie Internationale Des Arts) tại Paris; ông Kurtev rất có uy tín và quen biết nhiều văn nghệ sĩ ở kinh thành ánh sáng. Qua sự “tiến cử” của ông, chàng ca sĩ 28 tuổi điển trai bắt đầu được trình diễn trên các chương trình ca nhạc của truyền hình Pháp.

Cùng với việc ca hát, Emil Dimitrov còn được thu nhận làm một thành viên trong nhóm sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Léo Missir, giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Barclay. Trong nhóm sáng tác này có nữ ca sĩ Bỉ gốc Ý Patricia Carli, người sẽ đặt lời cho bản Je n’pourrai jamais t’oublier, ca khúc chúng tôi giới thiệu trong bài viết này.

clip_image006

Patricia Carli tên thật là Rosetta Ardito, sinh năm 1938 tại Taranto, miền Nam nước Ý, nhưng lớn lên ở Vương quốc Bỉ, nơi gia đình cô di dân tới vì sinh kế (tương tự trường hợp của Salvatore Adamo mấy năm sau đó).

Được học nhạc và ca hát từ nhỏ, lớn lên Patricia Carli trở thành một ca sĩ khá nổi tiếng ở Bỉ, và sau đó tại Pháp, nơi cô từng được mời trình diễn tại đại hí viện Olympia Paris.

Năm 1964, cùng với nữ ca sĩ trẻ Gigliola Cinquetti, Patricia Carli trình bày ca khúc Non ho l’età (I’m Not Old Enough) tại liên hoan ca nhạc Sanremo của Ý, và ca khúc này đã đoạt giải.

VIẾT THÊM:

Sanremo Music Festival được tổ chức lần đầu vào năm 1951 tại thành phố Sanremo, Ý-đại-lợi. Khác với giải ca khúc Âu châu (Eurovision) nơi mà giải thưởng được trao cho ca sĩ, tại liên hoan ca nhạc Sanremo, giải thưởng được trao cho tác giả ca khúc. Từ năm 1953 tới năm 1971 (ngoại trừ năm 1956), mỗi ca khúc dự thi đều được trình diễn hai lần với hai ca sĩ và hai dàn nhạc đệm khác nhau; theo truyền thống của liên hoan ca nhạc này, hai ca sĩ một là người Ý, một là người ngoại quốc (hát tiếng Ý).

* * *

Việc ca khúc Non ho l’età đoạt giải Sanremo 1964 đã mở đầu cho bước đường sự nghiệp rực rỡ của cô bé Gigliola Cinquetti 16 tuổi: cô được chọn đại diện nước Ý tại giải ca khúc Âu châu (Eurovision) cùng năm, cũng hát ca khúc Non ho l’età, và đoạt giải Grand Prix đầu tiên cho Ý; 7 năm sau, Gigliola Cinquetti lại đại diện Ý tại giải ca khúc Âu châu 1971 và đoạt giải nhì, chỉ đứng sau ban ABBA của Thụy-điển (với ca khúc Waterloo). Ngoài ca hát, sau này Gigliola Cinquetti còn trở thành một nữ xướng ngôn viên truyền hình tên tuổi.

Trong khi đó với Patricia Carli, hình như việc hát ca khúc đoạt giải Sanremo 1964 cũng chẳng ích lợi gì cho sự nghiệp ca hát của cô tại Pháp, nơi những thần tượng trẻ ăn khách đua nhau xuất hiện: Françoise Hardy, Silvie Vartan, Sheila, France Gall…

Biết mình khó lòng trở thành một nữ ca sĩ hạng A, tới những năm cuối thập niên 1960, Patricia Carli quyết định chuyển sang sáng tác ca khúc cho các ca sĩ khác. Từ đó, Patricia Carli trở thành một thành viên trong nhóm sáng tác ca khúc của hãng đĩa Barclay.

Năm 1969, Patricia Carli được trao trách nhiệm soạn nguyên một album cho nữ ca sĩ Nicoletta.

Nicoletta, như chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết về ca khúc bất hủ Il est mort le soleil (The Sun Died), là một bông hoa lạ trong vườn ca nhạc Pháp quốc ngày ấy. Sau khi Il est mort le soleil, một ca khúc “pop mang âm hưởng jazz” của hai tác giả Pierre Delanoë & Hubert Giraud (Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Nắng đã tắt) do Nicoletta thu đĩa, làm mưa gió trên bảng xếp hạng trong năm 1968, cô đã trở thành nữ ca sĩ đầu tiên được hãng đĩa Barclay ký hợp đồng độc quyền 10 năm.

Sau khi sáng tác các ca khúc mới cho album của Nicoletta, thấy vẫn còn thiếu một bản, Patricia Carli đã lấy một nhạc khúc nguyên tác của Emil Dimitrov đặt lời hát bằng tiếng Pháp với tựa Je n’pourrai jamais t’oublier cho đủ số lượng.

Khi chọn bản nhạc này của Emil Dimitrov, không hiểu Patricia Carli có nhận ra nét độc đáo, sức thu hút trong giai điệu hay không, nhưng riêng vị giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Barclay thì chắc hẳn là không. Bởi khi được phát hành qua đĩa 45 vòng, Je n’pourrai jamais t’oublier đã chỉ được nằm ở mặt B, tức là một bài hát phụ!

[Thông thường, để giới thiệu một album sắp phát hành, hãng đĩa sẽ tung ra một số đĩa 45 vòng với những ca khúc chọn lọc từ album đó]

Cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi ca khúc Je n’pourrai jamais t’oublier do Nicoletta thu đĩa đã chẳng được mấy người yêu nhạc chú ý tới. Về phần Emil Dimitrov, có lẽ vì không đạt thành công ở Pháp và buồn nhớ quê hương, sau này đã trở về sống tại Bảo-gia-lợi, cho dù tại đây ông không bao giờ được kết nạp vào Hiệp hội các tác giả (vì lý lịch “thân tây phương”), trong khi lại có tên trong Sacem (Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique: Hiệp hội các nhà viết lời hát, soạn nhạc, biên tập) của Pháp, và nhận được tiền tác quyền từ những ca khúc do ông soạn nhạc, được đặt lời hát bằng tiếng Pháp, Ý, Đức, Hòa-lan, Li-băng…

Emil Dimitrov qua đời vào tuổi 64 tại thủ đô Sofia năm 2005, khi chế độ cộng sản đã sụp đổ.

Trở lại với ca khúc Je n’pourrai jamais t’oublier do Nicoletta thu đĩa năm 1969, sau khi được phát hành vào 1970 và không gây được sự chú ý, đã chìm dần vào quên lãng.

Nhưng 11 năm sau, sau khi được dàn nhạc Paul Mauriat thu đĩa, Je n’pourrai jamais t’oublier đã được đón nhận nồng nhiệt – tương tự trường hợp ca khúc L’amour est bleu hơn 10 năm trước đó.

[L’amour est bleu, đã được chúng tôi giới thiệu trong một bài trước đây, của hai tác giả André Popp và Pierre Cour, được Vicky Leandros đại diện Lục-xâm-bảo trình diễn tại cuộc thi Eurovision năm 1967 và chỉ đứng hạng tư. Cùng thời gian, Vicky Leandros đã thu đĩa cả nguyên tác lời Pháp lẫn phiên bản lời Anh Love Is Blue nhưng cả hai đĩa này đều không đạt thành công quốc tế. Nhưng tới khi được dàn nhạc Paul Mauriat thu đĩa vào cuối năm đó, L’amour est bleu / Love Is Blue

đã trở thành hiện tượng, vào đầu năm 1968 đứng No.1 liên tục trong 5 tuần lễ trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 (cho tất cả mọi thể loại) và 11 tuần lễ trên bảng xếp hạng Easy Listening ở Hoa Kỳ, và sau đó được đứng hạng nhì cho cả năm 1968, chỉ sau ca khúc Hey Jude của “Tứ Quái” The Beatles]

clip_image009

Phụ lục 1: Je n’pourrai jamais t’oublier, Paul Mauriat

Từ đó, Je n’pourrai jamais t’oublier do Paul Mauriat soạn hòa âm rất được người đàn dương cầm cũng như giới thưởng ngoạn yêu thích.

Ít lâu sau, Je n’pourrai jamais t’oublier được dàn nhạc Raymond Lefèvre, một dàn nhạc Pháp có tầm vóc hơn dàn nhạc Paul Mauriat, thu đĩa và cũng đạt thành công đáng kể.

Đặc biệt, Je n’pourrai jamais t’oublier dưới hình thức hòa tấu rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, nơi phiên bản lời Nhật đã được hầu hết các nữ danh ca của Nhật, như Yosiko, Akiko Okuda, Yukari Kaneko thu đĩa.

VIDEO:

YOSHIKO / 再会 Je N’pourrai Jamais T’oublier

Quay trở lại Pháp quốc, sau khi hai đĩa hòa tấu Je n’pourrai jamais t’oublier của các dàn nhạc Paul Mauriat, Raymond Lefèvre trở nên phổ biến, được yêu chuộng, người ta mới nhớ lại và tìm nghe đĩa do Nicoletta thu âm 11 năm về trước!

Je n’pourrai jamais t’oublier

Tiens ! Bonjour, comment vas-tu, dis-moi ?
Dis, te souviens-tu encore de moi ?
Moi, il m’arrive souvent de penser à toi

Mais à part ça comment ça va ?

Toi, vraiment tu n’as pas trop changé
Moi, tu sais, j’ai beaucoup voyagé
Oui en effet j’ai découvert d’autres pays

Et toi qu’as-tu fait de ta vie ?

Je parle trop
Tu es pressé
Je ne voudrais pas te déranger
Si j’en dis trop
C’est pour t’aider

À retrouver le temps passé
Est-il vrai qu’elle me ressemble un peu ?
On dit qu’elle a aussi les yeux bleus
Es-tu certain d’être plus heureux maintenant ?

Moi, je t’aime, je t’aime toujours autant
C’est la vie, on n’y peut rien changer
Nous sommes aujourd’hui des étrangers
Je vois très bien, dans tes yeux, qu’il n’en reste rien
Notre amour que tu es loin !

Je parle trop
Tu es pressé
Je sais, je ne veux plus te retarder

{x2:}
Encore un mot
Et je m’en vais, tu sais
Je ne pourrai jamais t’oublier

Phụ lục 2: Je n’pourrai jamais t’oublier, Nicoletta

Tới khoảng cuối thập niên 1980, Je n’pourrai jamais t’oublier đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa đề Nhớ anh mà thôi.

Nhớ Anh Mà Thôi

Này người yêu,
Còn nhớ không tháng năm đã quen nhau?
Và người yêu,
Còn nhớ anh không ngày hôm nào?
Anh vẫn yêu người,
Và còn nhớ mãi khi ta yêu đời…
Cuộc đời vui, đôi ta song chơi…

Người tình ơi,
Ngày tháng qua thấy em vẫn như xưa
Và giờ anh,
Tình vẫn không ngơi, vẫn yêu người
Vẫn đa tình,
Vẫn tỏa sắc như hoa trên cành
Em ơi, em ra sao trong đời em??

Đời em giống như là một giấc mơ
Nên anh không muốn kéo em là đà…

Và anh dứt đi để khỏi ngát tan
Bức tranh tình yêu giữ yên thời gian…

Cuộc tình ơi, rồi trái tim em trao hết cho ai??
Người tình ơi đẹp ngất ngây hơn anh nhiều
Và bây giờ niềm hạnh phúc trong tim em rồi
Anh yêu người, anh yêu em như xưa thôi…

Này người yêu, ngày tháng qua thấy em vẫn im lìm
Mà mình nhìn nhau,
Cớ sao như người xa lạ anh vẫn đa tình,
Vẫn tỏa sắc như hoa trên cành
Bên em, sao như muôn năm xa em?

Còn muốn nói thêm, thì em nói đi…
Nên anh không muốn, giữ em làm gì…

Vài phút nữa thôi, là ta chia phôi
Suốt trong đời anh, nhớ em mà thôi…

Ngọc Lan là nữ ca sĩ đầu tiên thu đĩa phiên bản lời Việt của Phạm Duy.

Phụ lục 3: Nhớ anh mà thôi, Ngọc Lan

VIDEO:

Nhớ anh mà thôi-Nhạc Ngoại quốc-Ca sĩ: Ngọc Lan – YouTube

Tới năm 1991, Je n’pourrai jamais t’oublier đã được nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt khác với tựa Mưa trên biển vắng. So với nguyên tác, tuy lời Việt của Nhật Ngân đặt không sát nghĩa bằng phiên bản của Phạm Duy, nhưng Mưa trên biển vắng lại phổ biến và được người yêu nhạc ưa chuộng hơn.

Mưa trên biển vắng

Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào gợi lên nỗi đau trong em
Bao nhiêu chiều lang thang một mình.

Anh giờ đã như mây dạt trôi phương nào?
Em còn mãi nơi đây ngồi ôm kỷ niệm
Ôi cách biệt đêm nào bước chân đôi ta
Âm thầm sóng đã xóa nhòa những bước êm

Tình như bóng mây, ngàn năm vẫn bay
Mây ơi mây hỡi, cánh mây giang hồ
Ngày tháng lênh đênh, bờ bến nơi đâu ?
Biết chăng tình em, mãi luôn chờ mong !

Bao ngày tháng nên thơ tình yêu đâu rồi
Nay tình đã xa xăm mù khơi phương trời
Ôi nỗi buồn như mây kín che đôi ta bao ngày
Cô đơn, lạnh lùng
Anh còn nhớ hay quên tình xưa êm đềm
Anh còn nhớ hay quên vòng tay ân tình
Son phấn nào xui anh lãng quên đi bao kỷ niệm
Bên nhau với tình yêu ngất ngây

Người yêu dấu ơi, tình em vẫn xanh
Anh nơi phương đó, biết chăng em chờ ?
Ngày tháng cô đơn, lặng lẽ đi qua
Với bao sầu thương kín dâng hồn em.

Ký giả Tuấn Thảo (Tạp Chí Âm Nhạc, RFI) giải thích nguyên nhân:

Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào, gợi lên nỗi đau trong em
Bao nhiêu chiều lang thang …. một mình

Trong phiên bản tiếng Pháp, bài hát không có mãi rơi hạt mưa mà cũng chẳng có âm thầm biển xưa. Nội dung của bài Je n’pourrai jamais t’oublier nói về cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đường phố, hai tình nhân cũ gặp lại nhau sau bao năm tháng xa cách. Thế nhưng giây phút tái ngộ ấy lại diễn ra trong nỗi ngỡ ngàng, thực tế hơi phũ phàng cho thấy mối nhân duyên thật sự bẽ bàng. Tình sử tưởng chừng sống mãi với năm tháng, nào ngờ từ lâu đã sang trang…

Bài Mưa Trên Biển Vắng còn cho thấy một điều khác lạ. Đó là lúc sinh tiền, tài nghệ của Emil Dimitrov chưa được công nhận đúng mức.

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Có lẽ đây cũng là dịp để viết bài nhắc nhở tài nghệ của Patricia Carli và Emil Dimitrov nói riêng, của những nghệ sĩ dày công sáng tác nói chung. Bởi vì đằng sau những nét chấm phá sắc sảo của giai điệu Mưa Trên Biển Vắng, tiềm ẩn cả một chân trời giai thoại bập bùng, nhạt nhoà mông lung… (ngưng trích)

Ngọc Lan cũng là nữ ca sĩ đầu tiên thu đĩa Mưa trên biển vắng, và bản này đã trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của cô; sau đó, nhiều nữ ca sĩ khác, ở hải ngoại cũng như trong nước, đã nối gót Ngọc Lan và đều đạt thành công đáng kể, như Khánh Hà, Lâm Thúy Vân, Như Quỳnh, Thu Phuơng, Cẩm Ly…

Phụ lục 4: Mưa trên biển vắng, Ngọc Lan

 

VIDEO:

Mưa Trên Biển Vắng (Je n’pourrai jamais t’oublier) – Ngọc Lan …

Phụ lục 5: Mưa trên biển vắng, Cẩm Ly

Phụ lục 6: Mưa trên biển vắng, Khánh Hà

Hoài Nam

Tài liệu tham khảo:

“Mưa trên Biển Vắng” là một ca khúc Pháp?”, Tuấn Thảo, RFI

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search