T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 114)

  cnlv hinh

Tiếng Việt cổ

 Một số chữ Việt có âm đầu “ph”, ngày xưa người Việt đọc là “b“.

“Phòng” đọc theo âm tiền Hán Việt là “buông”, từ buông là buồng.

“Buồng” nay thành “phòng”.

“Phiền” (toái) là buồn, “phọc” là buộc..v..v.

(Nguyễn Ngọc San – Cơ sở ngữ văn Hán Nôm).

Nguồn gốc tiếng Việt IV

Theo ông Bình Nguyên Lộc, viết thượng cổ sử khác xa với viết sử. Vì viết sử chỉ cần sử liệu, còn viết thượng cổ sử thì cần phải chứng minh bằng khoa học, do đó muốn tìm tòi về các chủng tộc ta phải vận dụng kiến thức khoa học chính xác của ngành Chủng tộc học (Anthropologie physique). Riêng về nguồn gốc của một chủng tộc thì khoa học chỉ nhìn nhận 3 chứng tích sau: Khoa chủng tộc học, Khoa khảo tiền sử, Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu (Études comparatives des Langues).

Theo ông trên thế giới ngày nay không còn chủng tộc nào là thuần chủng. Ngay cả trên cao nguyên của nước ta có người Thượng mà ta cứ ngỡ là thuần chủng, nhưng thực sự họ đã lai giống đến nhiều lần rồi. Về vấn đề nguồn gốc dân Việt, ngôn ngữ Việt, từ lâu đã có những nhà bác học Pháp thuộc viện Bác Cổ Viễn Ðông, các sử gia, ngữ học gia, giáo sư Việt Pháp khổ công tìm tòi nghiên cứu, nhưng vẫn chưa tìm được một giải đáp thoả đáng. Và họ đã đưa ra một số ức thuyết khá hỗn loạn:

Ông Kari Himy cho rằng tiếng ta có bà con với tiếng Môn.
Ông H. Maspe’so bỏ Việt Ngữ vào chung với Thái ngữ.
Ông E. Souvignet cho rằng tiếng Việt có liên hệ với Mã Lai.
Ông Reynand nhấn mạnh về ngữ vựng Miên Việt giống nhau quá nhiều.
Giáo sư Lê Ngọc Trụ và sử gia Nguyễn Phương khẳng định tiếng ta là tiếng Tàu.
Sử gia Phạm Văn Sơn kết luận Việt chủng là một chủng tộc, một ngôn ngữ riêng biệt.

(Tĩnh Túc – Nguồn gốc tiếng Việt)

Ba sinh hương lửa

 “Ba sinh” do chữ “tam sinh”, nghĩa là duyên tiền định từ kiếp này sang kiếp khác. Tích nhà Đường (618-907) có nhà sư tên Viên Trạch đi chơi cùng bạn gặp một bà bán nước, Viên Trạch nói: “Người đàn bà này đã có mang 3 tháng đợi tôi vào làm con. Nay gặp ở đây, không thể nào trốn được. Mười ba năm sau hẹn gặp bạn lại tại chùa Thiên Trúc”. Chiều đó sư Viên Trạch mất.

13 năm sau, bạn đến chùa Thiên Trúc ở hàng châu, thấy một cậu chăn trâu hát rằng: “Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn… “.

(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)

Văn hóa thể hiện qua tiếng nói

Tiếng Việt được các nhà ngữ học xếp vào ngữ tộc Nam – Á gồm 150 ngôn ngữ được chia làm 4 chi tộc căn cứ theo địa dư:

– Chi Mun-đa với tiếng nói Trung và Tây Bắc Ấn Độ.

– Chi Môn-Mên với tiếng nói Miến Điện và Cao Mên.

– Chi Mường-Việt với tiếng nói Mường và Việt.

– Chi Mã Lai và các hải đảo.

Theo thời gian tiếng Mường cổ và tiếng Việt cổ tách ra làm hai.

Tuy nhiên theo những cuộc di dân, người Việt vào đến Hóa Châu, pha lẫn giọng Mường và Chàm thời ấy để có tiếng Trung bây giờ.

Đồng thời cũng theo những cuộc di dân kế tiếp, người Việt vào đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, pha lẫn giọng Nam Dương và Mã Lai thời ấy để có tiếng Nam.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt)

 Chữ nghĩa…”du đãng

Lạc Việt tên gọi Bách Việt xuất hiện đầu tiên trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, ông kê cứu theo sách Lộ Sử của La Tất, với nhóm man di  trồng lúa nước, mà người Trung Hoa gọi là…”lạc”. Từ chữ lạc có Lạc Việt để có lạc vương, lạc hầu, lạc tướng. Với chủng Bách Việt thì “bách” đây không có nghĩa là “một trăm” mà có nghĩa là “không đếm được”. Thơ thẩn một cõi thì như Nguyễn Bính với “Mình đi trăm núi nghìn sông – Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam”, nào có ai bắt bẻ gì đâu. Rõ ra hơn chủng Bách Việt có cả hàng trăm bộ tộc, chi tộc, thị tộc, trong đó có chủng Yue. Lạc Việt là một bộ tộc lớn của chủng Yue này, gồm cả chục chi tộc, thị tộc với tiếng nói, địa bàn khác nhau.

Họ là những dân du mục nay đây mai đó, đau một cái là với cổ ngữ Hoa, họ lại gọi là dân…”du đãng”, vì là cổ ngữ, nên chẳng mấy ai bận tâm..

Chữ nghĩa làng văn

Mở đầu bài báo “Quan niệm của tôi đối với văn chương”, cụ Phan Bội Châu đã trích từ tác giả Tùy Viên:

“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối hạ thị văn chương”.

[Công ở non sông thiêng tấc dạ

Thân nhờ bút mực quá hèn trai]

 Và người sau hiểu là “Đừng dại dột dấn bước, lập thân bằng văn nghiệp “. Điều bất ngờ là có vẻ cụ Phan Bội Châu đã sửa thơ Tùy Viên. Cụ chỉ nhớ ang áng và dùng những từ gần gũi với từ gốc?

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập danh tối tiểu thị văn chương

Ta thấy câu thứ hai có hai từ khác với trích dẫn của cụ Phan Bội Châu là danh/thân, tiểu/hạ.

Văn học Việt Nam trong và ngoài nước

Những câu hỏi rất cũ đặt ra cho người cầm bút như Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Bây giờ vẫn còn có thể đặt lại trong một ý nghĩa mới. Nó không chỉ đúng cho người cầm bút hải ngoại mà theo Nguyễn Mộng Giác, nó còn đúng cả cho người cầm bút trong nước nữa. Ông kể xem một tạp chí hay một tuần báo văn chương trong nước, ông cảm thấy bị xúc phạm khi đọc hồi ký hay truyện ngắn của những cây bút Miền Bắc dùng những nhân xưng miệt thị như “y”, “hắn”, “chúng”, “bọn ngụy”, “thằng ngụy” y như trong thời chiến tranh. Rõ là người viết văn ấy viết cho họ đọc với nhau, bất kể những thay đổi trong hơn một phần tư thế kỷ qua.

Theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc thì trong văn hoá chiến tranh có ba điều đáng kể nhất: “chủ trương phi-nhân hoá kẻ thù, mỹ học về bạo động và đạo đức học về sự phá hoại”. Và trong quá trình phi-nhân hóa kẻ thù người ta tìm cách tước bớt chất người của kẻ thù bằng một hệ thống đại từ nhân xưng cực hạn chế: “thằng”, “con” và “mụ”. Những biện pháp phi-nhân hoá kẻ thù như thế làm cho hành động giết người được miễn trừ trách nhiệm đạo đức: giết kẻ thù chỉ là giết một khái niệm, một con thú hay một kẻ chưa thành người vậy thôi”.

(Phỏng theo Nguyễn Xuân Hoàng và  Nguyễn Hưng Quốc)

Chữ nghĩa làng văn

Tô  Hoài đặc biệt rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như những từ chung quanh chuyện ăn, uống, chết… Ông biên soạn một cuốn từ điển về từ ngữ các nghề nghiệp.

Như tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô.

Nên phân biệt “mồm với miệng”, nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”.

Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều”, chứ không phải là cờ đỏ.

Sơn đen phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”.

Có một chuyện rất vui là vào năm 60, Phạm Văn Đồng đề xướng một cuộc vận động gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn, nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này. Tô Hoài không được mời vì bị coi là viết sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt (!). Chính Tô Hoài nói cho tôi (Nguyễn Đăng Mạnh) biết chuyện này.

Yêu nhau…

Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau….

Về nhà cha mẹ hỏi ý a …………..

Qua cầu qua cầu …ý a qua cầu gió bay?

Trước đây 50 năm, tôi được hiểu bài dân ca này một cách hết sức cù lần [cả quỷnh] như sau đây: Là có một đôi trai gái ở nhà quê ở tuổi dậy thì và thường hẹn hò nhau ở địa điểm nào đó để tâm tình. Khi chia tay cô nàng cởi áo trao cho chàng trai mang về nhà, lâu lâu mang áo ra ngửi một cái để tưởng nhớ mùi hương cho nó đỡ nhớ và cũng chỉ nghĩ được có như thế? và anh chàng con trai bắt chước y vua Dực Tôn Tự Đức :

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi

Nhưng bây giờ ở vào tuổi hơn sáu mươi, mọi chuyện theo thời gian mà thay đổi, từ từ được bật mí hết sức tình cờ và tôi được giác ngộ, nếu không thì mang cái hiểu biết vừa nông cạn xuống lỗ. Sang Mỹ, tôi làm việc ở một hãng không được nghe nhạc. Bỗng một ngày, có một cô mới vào làm, ỏn ẻn: “Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau? về nhà cha mẹ hỏi ý a qua cầu qua cầu…gió bay…..”. Cô này trẻ và dễ coi nên được nhiều anh chú ý hơn? Nên không được các cô khác ưa lắm, thế rồi một hôm cô ta hát xong, một cô khác hát tiếp theo: “Yêu nhau ý a cởi…quần cho nhau?

Câu này như một cái dùi trống, đánh một cái thục mạng vào đầu tôi? Tôi đã hiểu… Xin thưa đây là chính bản thân tôi hiếu, chứ không phải người khác hiểu và cũng không phải là ai ai cũng hiểu như vậy. Thế là bài dân ca nghe từ trước đây 50 năm từ hồi xửa hồi xưa được…hiểu trong cái đầu của tôi như sau:

“…Là trong một đêm trăng thanh gió mát, chàng với nàng hẹn hò nhau, ở một nơi thanh vắng nào đó không có người thứ ba lai vãng, “yêu nhau cởi áo ý à cho nhau” hành động cởi áo này là của đấng nam nhi sử xự với khách má hồng. Chứ không phải khách má hồng cởi áo, còn câu hát tiếp theo “về nhà cha mẹ hỏi qua cầu gió bay” chỉ làm cho bài hát thêm phần…tối nghĩa và thơ mộng thế thôi. Chứ thực tế chả có anh chàng cù lần nào mà mang áo của nàng về nhà mà làm cái gì?…”

Còn yêu nhau ý a “cởi quần cho nhau” là rõ ý hiện thực quá rồi? Bổ sung cho câu đầu cởi áo. Bài hát vừa ý nhị vừa có duyên nhưng rất tiếc mãi đến năm hơn sáu chục tuổi mới hiểu nhờ cô gái làm cùng chỗ…

(Chu Vương Miện – Yêu nhau cởi áo cho nhau)

Giai thoại làng văn

Khi Lê Xuyên đang viết truyện dài Chú Tư Cầu. Độc giả thích thú theo dõi tình tiết diễn biến câu chuyện mỗi ngày. Chuyện hấp dẫn đến mức trong quán cà phê người ta cũng bàn tán, đoán già đoán non tình huống sắp xảy ra của một cặp tình nam nữ nhà quê. Chẳng biết cái gã nông dân quê mùa chất phác có “làm thịt” được con nhỏ kia không? Lê Xuyên cũng ra ngồi quán cà phê, lắng nghe người ta bàn tán về cái truyện của mình. Nếu người ta tiên đoán tình huống sắp tới sẽ xảy ra thế này, thì ông sẽ lái câu chuyện sang hướng khác. Cứ thế, ông gây cho độc giả nhiều lý thú bất ngờ. Ông lại có tài viết đối thoại. Hai người nói qua nói lại một cách rất ỡm ờ, có lúc tưởng xáp lại gần làm cái chuyện truyền giống tự nhiên của loài người. Nhưng không, họ cảm thấy bẽn lẽn, và tiếp tục ỡm ờ nữa. Ông kéo dài cuộc đối thoại đến mấy chục trang. Vào thời Lê Xuyên, viết truyện dài cho nhật báo, tính dòng ăn tiền. Càng viết đối thoại, càng xuống dòng nhiều. Có khi mỗi dòng chỉ vài chữ. Và dĩ nhiên, nhiều dòng thì nhiều tiền.

Lê Xuyên cũng mất rồi. Vài tờ báo hải ngoại đăng lại bài của ông như một niềm… hoài cổ

(Lâm Chương – Tán gẫu trong quán cà phê)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search