T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Mùa Thu Chết

“. . .Riêng nhạc sĩ Phạm Duy thì trừ cái tựa bài nhạc “Mùa thu chết” là dịch có khác với nguyên ngữ, còn lại lời nhạc toàn bài  dịch khá sát với nguyên tác. Lời dung dị nhưng cảm động. Phạm Duy khi phổ nhạc thì ở phần ca từ có thể chuyển dịch vị trí các câu thơ và có thể thay đổi từ ngữ, nhưng nhờ vậy bản nhạc có sắc thái riêng làm cho bài thơ được phổ có sức sống mới và giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt, chính ngay nhiều tác giả có thơ được phổ nhạc cũng đồng tình như thế . . .”

Phạm Duy: Mùa Thu Chết

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

mua thu chet 1

mua thu chet 2

mua thu chet 3

mua thu chet 4

Mùa Thu Chết – Sáng Tác: Phạm Duy

Trình Bày: Julie Quang (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

Mùa Thu – APOLLINAIRE – Bùi Giáng – Phạm Duy – Hoa Thạch Thảo
Sưu Tầm & Biên Tập của La Thụy


Sắc màu thu đã gieo nhiều cảm hứng cho hồn thơ tứ nhạc. Nhiều bài thơ, bản nhạc viết về THU dù đã trải qua bao năm tháng phôi pha vẫn in đậm nét trong lòng người thưởng lãm. Là người yêu nhạc (loại nhạc có air “bán cổ điển”), ai mà không thuộc các bản “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Giọt mưa thu”, “Đêm thu”, “Con thuyền không bến”… của Đặng Thế Phong , “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh , “Thu vàng” của Cung Tiến, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu,“Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn , “Mùa thu Paris” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương v.v… Đặc biệt, bản “Mùa thu Chết” của Phạm Duy, bản nhạc hay nhưng có nhiều thắc mắc về xuất xứ của ca từ.
Bản nhạc này lấy ý của bài thơ “ L’ADIEU” của Guillaume Apollinaire, điều này có lẽ được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên lời Việt của bản nhạc “Mùa thu chết” thì không ít ý kiến cho rằng là do chính thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp bài “L’ADIEU” nói trên, Phạm Duy chỉ phổ nhạc mà thôi. Để nhìn nhận cho khách quan, ta thử đối chiếu nguyên tác với bản dịch của Bùi Giáng và lời nhạc của Phạm Duy .
     a/ Bài thơ của Apollinaire :
   L’ADIEU
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
GUILLAUME APOLLINAIRE
     b/Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng :
                                                    LỜI VĨNH BIỆT
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
BÙI GIÁNG
(*)  Câu này còn có dị bản :
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
    c/ Ca từ trong bản “Mùa thu chết” của Nhạc sĩ Phạm Duy :

    MÙA THU CHẾT
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho   Mùa Thu đã chết rồi !
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho !
Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau…
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho   Mùa Thu đã chết rồi !
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ….
Vẫn chờ… đợi em !
PHẠM DUY
Như vậy, xem hai bản dịch nói trên, chúng ta thấy, chỉ có 2 câu đầu tiên là giống  nhau thôi, thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ tựa đề “LỜI VĨNH BIỆT” rất sát với nguyên ngữ “L’ADIEU”, trong bản dịch ông có dùng từ Hán Việt : “tương phùng”, “mộng trùng lai”, toàn bài dịch hơi thoát ( thêm câu “ Mộng trùng lai không có ở trên đời” ) . Riêng nhạc sĩ Phạm Duy thì trừ cái tựa bài nhạc “Mùa thu chết” là dịch có khác với nguyên ngữ, còn lại lời nhạc toàn bài  dịch khá sát với nguyên tác. Lời dung dị nhưng cảm động. Phạm Duy khi phổ nhạc thì ở phần ca từ có thể chuyển dịch vị trí các câu thơ và có thể thay đổi từ ngữ, nhưng nhờ vậy bản nhạc có sắc thái riêng làm cho bài thơ được phổ có sức sống mới và giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt, chính ngay nhiều tác giả có thơ được phổ nhạc cũng đồng tình như thế . Riêng Bùi Giáng, chính trong bài “Lời vĩnh biệt” ông lại chuyển dịch 2 , 3 …lần nữa thậm chí chuyển dịch ra lại tiếng Pháp. ( Mời xem tiếp phần sau : “BÙI GIÁNG BÌNH THƠ APOLLINAIRE” và vài hình ảnh HOA THẠCH THẢO cũng trong bài viết này.)

Bài Mới Nhất
Search