T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 116)

 

clip_image001

Giai thoại về một bài thơ

Đầu làng Ngang có một chỗ lội

Có đền ông Cuội cao vòi vọi

Đàn bà đến đấy vén quần lên

Chỗ thì đến háng chỗ đến gối

Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười

Cái gì trăng trắng như con cúi

Đàn bà khép nép đứng liền thưa

Con trót hớ hênh ông xá tội …

1 – Bài thơ “chỗ lội làng ngang” của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên vì tam sao thất bản nên ở một hai bài viết ở đâu đó còn thiếu mấy câu sau :

”Không, không, mi chẳng tội tình gì

Chỉ làm ông cứng con buội

Về bảo đàn bà khắp làng mày

Ra đây ông cho giống ông Cuội”

Từ đấy làng Ngang đẻ ra người

Đẻ ra rặt những thằng nói dối

2 – Nhà văn miền Bắc Lê Lựu, triển khai bài thơ trên ra tiểu thuyết “Chuyện Làng Cuội”, Từ địa danh của bài thơ, Lê Lựu dàn dựng truyện tình xung quanh cái đầm làng Cuội Hội thi nói khoác cũng xẩy ra ở tại miếu ông Cuội nên bị Hội Nhà Văn ở Hà Nội áp chế như Nguyễn Ngọc Tư bị Hội Nhà Văn Cà Mâu chế tài với “Cánh Đồng Bất Tận”.

(Trần Đăng Khoa – Chân dung và đối thoại)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Khi ta vẽ trừu tượng

Cái đầu ta hiện thực

Khi ta vẽ hiện thực

Cái đầu ta trừu tượng

Khi ta vẽ em

Đầu ta bay đâu mất

(Chóe Nguyễn Hải Chí – thơ Không đề)

Giai thoại làng văn

Một cuộc sống mới hình thành: tôi không muốn làm báo chửi bới nữa. Đọc sách báo Pháp mãi chán, tôi tìm đọc thơ của Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử và trong lúc này, tôi thường sang tán láo ở nhà Lưu Trọng Lư ở chung với Nguyễn Tuân đường Nguyễn Trãi. Mỗi khi đọc một truyện gì hay, chúng tôi lại thuật lại cho nhau nghe: Lư lúc ấy mê André Gide, còn Nguyễn Tuân và tôi thì ưa Dostoievsky.

Lúc ấy, Lư cộng tác với mấy tờ báo văn chương, rồi cùng Lê Tràng Kiều tổ chức tờ “Tân Thiếu Niên” của Trần Tấn Thọ, nhưng ra được vài số thì báo bị tịch thu và đóng cửa. Cái “chất” của Lư không phải là để làm báo hàng ngày: anh ốm yếu luôn, lại thêm lúc nào cũng lơ mơ như ở trên mặt trăng rớt xuống, có nhiều khi anh em ngồi đông đủ nói chuyện, mà tâm hồn để tận đâu đâu, sịch một cái, anh chạy ra vơ lấy quản bút và mảnh giấy ghi lại một câu thơ mà anh vừa nghĩ được. Lưu Trọng Lư làm thơ như một ký giả lão thành viết báo; báo thiếu một đoạn, thợ in đòi một bài ngắn để đắp vào, kẻo để trắng trông không được, thì Lư làm “Hà Nội báo”, “Tiểu thuyết thứ năm” cũng vậy. Lê Tràng Kiều phàn nàn thiếu bài, Lư nằm phủ phục xuống cái chiếu trải trên gạch viết luôn một bài thơ. Thú thực, lúc đó, tôi không bao giờ đọc thơ của Lư, vì yên trí là thơ nhăng nhít; mãi về sau này, có nhiều thời giờ nhàn rỗi, tôi mới bắt đầu thưởng thức thơ của Lưu Trọng Lư và do đó cũng yêu anh hơn, chớ thực ra lúc đầu thì tôi gần như không chịu được nhà thi sĩ đó, chậm chạp, lười biếng, trốn chui trốn lủi như con cù lần.

Tiếp xúc lâu hơn, tôi mới thấy Lưu Trọng Lư là một người có học, ham đọc và mâu thuẫn nhất là làm thơ như thế, anh lại thích đọc các sách chánh trị, và tìm hiểu các hiến pháp, các tổ chức, các đảng phái của Pháp lúc bấy giờ; vì thế sau này anh theo kháng chiến không về, tôi không lấy làm lạ, mà chỉ lạ sao trong anh em, có tin người này chết, người kia chết mà không lúc nào tôi nghe thấy tin anh chết trong khi anh mang bao thứ bịnh và bao nhiêu trác táng trong thớ thịt và huyết quản.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Tiếng Việt trong sáng

Một ông khách vào tiệm vi tính nói với cô bán hàng:

– Cô ạ, tôi thấy phần nhu hình mềm của cô không tương thích với cấu hình phần cứng của tôi ở nhà. Bộ xử lý trung ương của tôi sự cố yếu hẳn đi rồi lịm luôn. Tôi nghĩ là phần mềm của cô có sẵn mầm bệnh nội trú âm thầm.

– Thế anh cho em xem công cụ của anh được không?

Sau một hồi rà xoát, cô hàng vi tính nói:

– Em thấy phần cứng của anh yếu lắm, làm sao xử lý phần mềm của em được. Anh phải lấy công cụ tiện ích bổ sung của Trung Quốc này mới nâng cấp được.

– Thế nó có phục hồi chức năng phần cứng của tôi không?

– Cực kỳ. Nó giúp tái hồi bộ vi xử lý, tăng kích thước bộ mạch chính và tăng tốc xung kích cho phần cứng của anh nữa.

– Được rồi cô ấy ngay nha.

– Vậy anh lấy tay đặt phần cứng của anh lên phần mềm của em đi. Bang thông của em hẹp, anh chịu khó dẫn truyền nhè nhẹ. Đừng vội mà thao tác nhanh, kẻo làm em nghẽn mạch, còn bao nhiêu khách đang chờ kia kìa…

Khác biệt văn hóa

Đường yêu:

Hà Nôi: Quanh các bờ hồ

Sài Gòn: Quanh các công viên

Sách giáo khoa

Theo tinh thần Đổi Mới. Lúc đó tôi quan niệm rằng chương trình cũ cũng như cả nền văn học trước 1975 chủ yếu nhằm phục vụ đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Yêu cầu hàng đầu là phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Văn học lúc đó vì thế phải theo sát từng nhiệm vụ chính trị: kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất… Khi đất nước bị chia cắt thì chuyển sang phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Đấu tranh thống nhất đất nước, và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Văn học cứ phục vụ sát từng bước một. Khi Mỹ đánh ra miền Bắc thì văn học cùng với chương trình văn học lại phải tập trung cổ vũ cao trào cả nước chống Mỹ. Tất cả mọi ngành đều như vậy, văn học và giáo dục cũng như vậy. Do phải phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, nên tiêu chuẩn chính trị trong văn học đặt lên hàng đầu, tiêu chuẩn nghệ thuật đặt ở hàng thứ hai hay thứ ba gì đấy.

Do ưu tiên hàng đầu là phải phục vụ chính trị, cho nên có nhiều tác phẩm không có giá trị nghệ thuật gì, nhưng cũng được chọn vào chương trình.

(Nguyễn Đăng Mạnh – Dạy văn thì phải đúng là dạy văn)

Chữ “mình” trong ca dao

Mình nói dối ta mình hãy còn son

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng tro

Ta đi xách nước tắm cho con mình

Hay nhất bài ca dao trên là chữ “mình” và mang nhiều ý nghĩa khác nhau: 4 lần đầu “mình” là “em”, ngôi thứ hai số ít. Lần cuối: “mình là…chúng mình, số nhiều (thêm ca dao có câu “Mình với ta tuy hai mà một – Ta với mình tuy một mà hai).

Bài ca dao mở đầu bằng chữ “mình”. Kết thúc cũng bằng một chữ “mình”. Câu nào cũng có chữ “mình” và tổng cộng có tất cả năm chữ “mình”.

(Nguyễn Hưng Quốc – Đọc..chơi vài bài ca dao)

Chữ nghĩa làng văn

-Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm , chỉn chu. Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả miền Nam và hải ngoại?

– Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài từ trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Và nói chung, nhiều chữ tôi dùng hiện vẫn được sử dụng hàng ngày ở VN, chỉ không thông dụng ở hải ngoại. Vậy thì đâu có cần chú thích. Chúng ta phải tự làm giàu có vốn từ cho mình bằng cách đọc và học.

(Lê Quỳnh – Phỏng vấn nhà văn Lê Minh Hà)

Tiếng Việt rắc rối

Hỏi: Trong Quốc văn giáo khoa thư. Bài 31 tựa đề “Chăn trâu”. Phần bài tập có mục “Học tiếng” chữ “nón mê”. Vậy chứ nón mê là nón chi. Ai biết xin giải đạp cám ơn nha.

Đáp : Nón mê là nón cũ, nón rách.

Hỏi : Nghe kỳ! Sao không gọi là nón rách, nón cũ, mà lại gọi là…nón mê.

Đáp: Sao Nam Kỳ kêu cái mũ là…cái nón.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.

Đôi lúc vui đùa với chữ là dụng ý chính của những câu ca dao này:

Anh Hươu đi chợ Đồng Nai

Bước qua Bến Nghé ngôi nhai thịt bò

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Chữ nghĩa làng văn

Khi chúng ta viết, dù thơ hay văn (nhưng đặc biệt là thơ), sự chọn lựa, kết hợp các từ ngữ cũng chính là một hành động rất vũ đoán, một cách vô tình hay hữu ý, sử dụng những biện pháp chuyển nghĩa (trope) như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hoá, v.v.

Khi một người Việt Nam nào đó, trong xa xưa, đã sáng tạo ra câu Lòng em như quán bán hàng / Còn anh là khách qua đàng trú chân, hay câu  Em như cái giếng giữa đàng / Người khôn rửa mặt, kẻ phàm rửa chân, thì quả là người đó đã rất vũ đoán để đem so sánh tâm hồn hay thân phận của một con người (đặc biệt lại là một người con gái) với một túp hàng quán, hay như một cái giếng. Thế nhưng, chính cái vũ đoán đó đã để lại cho chúng ta những câu ca dao tuyệt vời như thế cho đến bây giờ.  Nó làm cho những hình ảnh ấy sống mãi.

Cũng thế, trong vở chèo Thị Kính, tác giả đã cho Thị Mầu “chào hàng”/”nhá hàng” với anh Nô bằng một câu chòng ghẹo táo bạo, Gió xuân đánh tốc dải yếm đào / Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương. Tác giả của câu chèo tinh quái và kinh khủng này đã đặt vào miệng Thị Mầu một ẩn dụ thật …trẻ không tha, già không thương vì “oản” là để cúng Phật, và câu hát bóng gió đầy tính…trêu hoa ghẹo nguyệt kia, “gọi mời thắp hương” kia, lại được thốt ra trong khung cảnh nghiêm trang nơi cửa thiền. Mà chính là vì ả Thị Mầu đang ve vẩy ở nơi đấy nên mới có cớ giục mời người ta vào thắp hương như thế!).

Một sự nhìn ngắm, liên kết để rồi so sánh đến vậy, không gì khác, chính là một sự vũ đoán, ập vào nhau những hình ảnh, những khái niệm đáng lẽ là rất xa nhau. Nó làm bật ra những tia lửa của sự sáng tạo. Đúng là có những cái vũ đoán chết người, nhưng chúng đã khắc nét vào văn chương như thế.

(Bùi Vĩnh Phú – Viết, đọc và thẩm thức văn chương)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search