T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 117)

 

clip_image001

Bằng hữu kim kỳ phú

Bài phú của Nguyễn Đôn Phục, ông đỗ cử nhân khoa quý dậu năm thời Tự Đức là một kho ngôn ngữ dân gian gồm những tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn cúa một vùng đất, hàm súc về nhân sinh, tình yêu, tinh bè bạn ..v..v.. Nguyễn Đôn Phục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chọn lọc từ khó tàng văn học dân gian đem sắp xếp hệ thống lại một cách công phu trong  bố cục của một bài phú có vần điệu, có đối xứng theo luật bằng trắc vừa kết hợp được tính cổ  điển và tính dân gian phóng khoáng từ thời Tự Đức thứ 26 (1873).

Kiến ăn cá, cá rồi ăn kiến, mưa đừng ỷ thế ỷ thần, rồng lộn rắn, rắn lại lộn rồng, khuyên chớ rằng khôn rằng giỏi.

Ai cho nói vãi thì lại nói vơ, hễ muốn ăn phải lăn vô bếp.

Nơi sao ăn chẳng hết, nơi sao thết chẳng khắp. Nói với khôn không lại, nói với dại không cùng.

Đừng hung hăng như trâu húc nhà thần; lật đật như ma trật đám quải.

Suy đi nghĩ lại cơm mắm thấm về lâu; nhắm trước nhắm sau, bến hiên thuyền đậu.

Dạ gịữ dạ mựa đừng sợ lậu, nhà có vách, ngạch có tai; lòng dặn lòng đâu dám đơn sai, ăn coi nồi, ngồi coi hướng.

Chớ thấy của đời mơ tưởng, con trê cũng tiếc, con diếc cũng ham; Đừng cho miệng thế thị phi, bánh sáp trao đi, bảnh chì trao lại.

Chữ Hán

Trong một buổi nói chuyện với bằng hữu, Mai Thảo cho hay ông rất tiếc không biết chữ Hán. Vì theo ông: Viết văn không biết chữ Hán như ngồi ghế không có…cái tựa lưng.

Khoa cử (5)

Giới nho gia thời ấy nhao nhao đòi cải tổ khoa cử gồm Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Bích San, Hùynh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…

Đặc biệt nhất là Phan Chu Trinh, xuất thân nho học, đỗ tiến sĩ, mà lên án Hán học rất nặng nề: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc”, nghĩa “không bỏ tiếng Hán, không cứu được nước Nam”.

Hùynh Thúc Kháng tuy kết tội khoa cử, nhưng công nhận phần lớn lỗi ở người học đạo không đến nơi: “Lối học Tống Nho chính là chỗ hư, chỗ hở của người Tầu mà mình bắt chước”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Tục ngữ, ca dao

Tục ngữ (…) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi (…) Ngạn ngữ (…) chữ ngạn nghĩa là lời nói của người xưa truyền lại. Còn phương ngôn (…) là tục ngữ chỉ thông dụng trong một vùng (…)
Thành ngữ (…) là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta (…)

Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ này: một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ (…) còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè (…)
Ca dao (…) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (…)

( Dương Quảng Hàm – Việt Nam văn học sử yếu)

Chữ nghĩa tên đất

Có những tên vùng đất gốc tích Mã Lai hoặc Cao Miên như :

Mỹ Tho – Do chữ Me Sa có nghĩa Bà Trắng.

Sa Đéc – Do chữ Phsar Dec có nghĩa Chợ Sắt.

Trà Vinh – Do chữ Pratapeang có nghĩa Hồ của Phật.

Sóc Trăng – Do chữ Soc Treang có nghĩa xứ hay kho.

Bắc Liêu – Do chữ Po Loenh có nghĩa cây da cao.

(Thái Văn Kiểm – Ai về Gia Định Đồng Nai thì về)

Chiều hôm nhớ nhà

Bà Huyện Thanh Quan

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Ðài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

 

***
Ốc: tù và làm bằng vỏ ốc lớn.
Viễn phố: bến xa.
Cô thôn: xóm vắng.
Ngàn mai: rừng mai.
Dặm liễu: dặm đường có trồng liễu, ý nói đường xa.
Kẻ chốn Chương Ðài: người vợ đang ở nhà.
Lữ thứ: nhà trọ; người lữ thứ: người đang ở xa quê.
Hàn ôn: lạnh ấm; nỗi hàn ôn: chuyện tâm tình.

Tạo hóa

Tạo từ sáng tạo. Hóa từ hóa sinh. Tức chỉ ông trời.

Thơ bà Huyện Thanh Quan có câu:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”.

Người Việt phát minh ra giấy…?

Năm 2006, trên mạng lưới, trang của đài phát thanh Bắc Kinh (phần tiếng Việt) vừa tiết lộ cho biết qua sách “Bách Việt hiền chí – Lĩnh Nam di thư” thì Thái Luân, một người Việt làm quan cho triều đại nhà Hán đã phát minh ra giấy viết và được gọi là “Giấy tước hầu Thái” nhưng bị người Tầu nhận là do người Tầu làm ra.

Tuy nhiên, qua bài tường thuật có nhiều chi tiết cần xem lại. Như:

– Xưa, người Tầu sống trên sông Dương Tử mới là người Tầu nguyên thủy. Còn những dân du mục sống phía dưới sông Dương tử là man di hay “Bách Việt” với cả mấy chục sắc dân khác nhau (trong đó có người Lạc Việt hay người Việt ta bây giờ).

– Bài tường thuật không sáng tỏ, gần như hiểu theo nghĩa nào cũng được với người Việt theo Lĩnh Nam di thư của sử gia Âu Đại Nhậm là Việt của Câu Tiễn hay…An Nam (Việt Nam).

(Vì ít nhất có hai học giả thời danh người Việt gần đây cho là vua Thần Nông (bên Tầu) và Lão Tử người nước Sở cạnh nước Việt (Câu Tiễn) là người…Việt Nam ta).

– Với Lĩnh Nam di thư, theo Lĩnh Nam chích quái thì Lĩnh Nam thuộc Tầu.

Không thấy nói gì đến Tây Thi, Phạm Lãi là người Việt? Quái thật!

( Trần Lam Giang – “Bách Việt hiền chí – Lĩnh Nam di thư”)

Tục ngữ Tầu

Tam nhật bất độc thư, ngữ ngôn dã vô vị

(Ba ngày không xem sách, nói năng nhạt nhẽo khó nghe)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ Việt gốc Tầu

Chữ Việt gốc Tầu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại. Như:

Thồi là bàn tiệc. Người Bắc hay dùng từ “thồi”. Người Nam thường dùng chữ bàn.

Phổ ky là người hầu bàn. Tiếng Hán Việt là “hỏa ký”, liên quan đến bếp núc.

Phàn là cơm. Hán Việt là “phạn” để có phạn điếm.

Từ phàn qua phạn tơi phay là những miếng thịt thái mỏng. Như…gà xé phay.

Hộp là…cái hộp đựng đồ ăn dư về. Nguyên chữ là lượng cơ hộp, là hộp đựng đồ ăn.

(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Bõ già

Theo họ đạo, bõ già là người trọng tuổi trông coi việc đạo ở một nhà thờ.

Xưa, xưa lắm….bõ già chỉ quan thái giám, thường được gọi là hoạn quan.

Chữ quốc ngữ

Đến thế kỷ 17, với mục đích truyền bá đạo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được sự giúp đỡ của các giáo sĩ người Việt đã La tinh hóa chữ viết để truyền giáo, đồng thời tách người Việt ra khỏi khuôn viên của chữ vuông và văn hóa Khổng giáo.
Quá trình xây dựng chữ viết trên cơ sở chữ La tinh mà ngày nay gọi là chữ quốc ngữ đã lặp lại quy trình sáng tác chữ nôm. Alexandre de Rhodes (Bá Đa Lộc) và các giáo sĩ người Âu phải giải quyết hai vấn đề: một là thêm những dấu phụ để phù hợp với cách đọc của người Việt khác với tiếng La tinh, tiếng Bồ Đào Nha…, hai là ghi riêng biệt từng tiếng khác với cách viết liền như tiếng châu Âu đa tiết.
Quá trình này được hình thành qua ba cuốn từ điển:
An Nam – Bồ Đào Nha (Gaspar de Amaral);
Bồ Đào Nha – An Nam (Antoine de Barbosa) và
An Nam – Bồ Đào Nha – La tinh (A. de Rhodes – 1651).
Vì tôn trọng cách phát âm của người bản ngữ nên A. de Rhodes đã ghi các âm “ph” thay cho “f”, “tl” thay cho “tr”, ngaoc (ngọc), thaoc (thóc), bvua (vua); bvui (vui)…
Chính vì địa vị không chính thức và tính không chuẩn hóa của chữ nôm mà chữ quốc ngữ dễ dàng thay thế. Hơn nữa hệ chữ La tinh lại rất dễ đọc và tiện lợi. Vì vậy, lúc đầu các cụ đồ Nho đã hết sức sỉ vả, coi nó là thứ chữ con giun, con dế. Sau này khi thấy nó dễ thì chính các cụ Đông kinh Nghĩa thục trong khi chống “cựu học”, cổ vũ “tân học” đã phát động việc truyền bá chữ quốc ngữ.

(Phạm Đức Dương – Vietreader.com)

Truyện chớp: Truyện một câu

Có lẽ ranh giới tận cùng của truyện chớp là một câu. Nhưng câu cũng có năm, bảy loại câu. Trong văn chương hiện đại, dưới ngòi bút của không ít nhà văn có tên tuổi, nhiều câu dài dằng dặc trong một hay hai trang giấy, nghĩa là dài bằng cả một truyện thật ngắn bình thường. Bởi vậy, câu trong truyện chớp phải là những câu vừa phải. Càng ngắn càng tốt.
Trước khi hắn trút hơi thở cuối cùng, họ dẫn hắn ra ngoài để nhìn mặt trời lần cuối, và lần đầu tiên.

Văn hóa người Việt xưa (6)

Michel Đức là con của Jean Baptiste Chaigneau 1769 làm qua lâu dài và lấy vợ Việt (Nguyễn Thị Sen) dưới thời vua Gia Long sau khi giúp vua thắng nhà Tây Sơn.

Michel Đức viết quyển Souvenir de Huế miêu tả: “Nhà của người Việt Nam thì lụp xụp, tối tăm, lâu đài kiến trúc chẳng có gì đồ xộ. Việt Nam sở dĩ không có thợ danh tiếng vì hễ người nào tay nghề khéo là bị sung công làm cho triều đình cho đến già. Nên họ thường hay dấu tài và không truyền nghề cho người ngoài”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search