T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Y Vân: Trống Cơm

“. . .Trống cơm là một bài dân ca quan họ nổi tiếng thường được hát và múa theo trong các dịp lễ hội ở khắp Việt Nam.

Trống cơm cũng là một loại trống có thân ống, căng da ở hai đầu, hơi múp, lúc đánh vang lên những tiếng trong tiếng đục rất hay và cũng rất hài hòa. Đó là một thứ trống mình dài và nhỏ, một loại trống Việt Nam hoàn toàn từ hình dáng, âm thanh cho đến cách biểu diễn. . .”

Y Vân: Trống Cơm

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Trong com 1

Trong com 2

Trong com 3

Trong com 4

Trống Cơm – Sáng Tác: Y Vân

Trình Bày: Tam Ca Đông Phương (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Trống cơm

Phạm Thu Hương

(Nguồn: Dotchuoinon.com)

Trống cơm là một bài dân ca quan họ nổi tiếng thường được hát và múa theo trong các dịp lễ hội ở khắp Việt Nam.

Trống cơm cũng là một loại trống có thân ống, căng da ở hai đầu, hơi múp, lúc đánh vang lên những tiếng trong tiếng đục rất hay và cũng rất hài hòa. Đó là một thứ trống mình dài và nhỏ, một loại trống Việt Nam hoàn toàn từ hình dáng, âm thanh cho đến cách biểu diễn.

Mình không biết có phải câu chuyện về sự ra đời của Trống cơm đã tạo nên bài dân ca Trống cơm hay không, hay ngược lại. Mà mình thấy dân ca Việt sao mà bay bướm, ngọt lịm, sao mà ý tứ thẳm sâu đến thế.. Vừa là hát đùa cho vui, vừa là lời gợi nhắc nhẹ nhàng, về một mối tình mặn nồng, kín đáo…

Tục truyền về bài Trống cơm – dân ca Bắc Bộ

Không ai biết trống cơm ra đời từ lúc nào. Chỉ biết các cụ ta thường dùng nó trong những dịp tế lễ thần thánh, những buổi hát chèo. Nhất là trong việc đưa ma.

Tục truyền rằng: Ngày xưa có một nho sinh rất nghèo, thi mãi không đỗ, túng cùng phải đi xin ăn. Hằng ngày, khi sang ngang nhà của một phú hộ thì có một cô bé ở chực sẵn đem cho cơm trắng canh ngon. Công việc đó cứ theo thời gian trôi qua một cách đều đặn.

Suốt năm trời như thế, chàng nho sinh vô cùng cảm động nhưng không khỏi ngượng ngùng. Một hôm, chàng tỏ lời cám ơn cô bé và không nhận lãnh của cho nữa. Chàng lại từ giã, đi sang ở làng khác kiếm ăn. Cô bé thực thà cho biết việc làm của cô là vâng theo lời dạy của cô Hai, con gái của chủ nhà mà thôi. Ơn đó là ơn của cô chủ.

Chàng cảm động, yêu cầu xin gặp mặt cô chủ để tỏ lời cám ơn và từ giã. Cô bé ở hẹn lại hôm sau, để xem cô chủ có bằng lòng không, rồi sẽ cho biết. Nếu cô chủ bằng lòng cho gặp mặt thì chàng cứ chờ tại chỗ này.

Hôm sau, chàng vừa đến thì đã gặp ngay cô chủ nhà đứng đợi. Nàng rất đẹp. Chàng nho sinh cúi đầu, chấp tay xá nhưng nàng khoát tay vội nói:

– Tôi đã hiểu ý chàng muốn nói gì rồi. Tôi ở đây lâu rất bất tiện, mà chàng cũng không cần phải nói ân nghĩa gì. Sở dĩ, tôi giúp chàng vì biết chàng lỡ vận và cảm thương người trong bước đường cùng mới ra nông nỗi, không lẽ chí của người con trai chịu cùng nhụt như vậy mãi sao?

Đoạn, nàng trao cho chàng một cái bọc bằng giấy, nói tiếp:

– Nay chàng từ giã đi, tôi xin tặng một số bạc và một cây thoa vàng để chàng tìm cách lập nghiệp. Một ngày nào thành đạt, chàng sẽ trở về quê. Chừng ấy…

Nàng bỏ lửng lời nói, lại quày quả thoăn thoắt đi.

Chàng nho sinh vô cùng cảm động.

Theo lời người ngọc dặn dò, chàng cần phải tạo lấy một sự nghiệp, nhưng sự nghiệp gì? Chàng không duyên số với đường công hầu danh tướng thì chàng phải chuyển sang nghê khác. Bất cứ nghề gì cũng tốt đẹp cả miễn đừng làm điều gì phi nghĩa. Thế là chàng đeo đuổi môn âm nhạc, một nghệ thuật trong 7 nghệ thuật.

Thời gian 3 năm, chàng đã thành tài và lãnh đạo một giáo phường. Chàng hớn hở, vui tươi vội quay về quê xưa mong gặp mặt người ân nhân yêu quý. Nhưng thảm thay, chàng vừa đặt chân về nhà nàng, thì gia đình nàng đương làm đám táng cho nàng. Nàng vừa chết trong một cơn bạo bịnh!

Chàng nhạc sĩ tài hoa vô cùng đau đớn. Chàng muốn đưa đám táng cho nàng. Chàng muốn khóc kể nàng. Chàng muốn để tang cho nàng. Nhưng phải làm sao để mọi người đừng biết việc làm của chàng đối với con người đã khuất?

Chàng liền xin cha nàng cho chàng đem phường nhạc của chàng đến để đưa vong linh người chết. Chàng sáng tạo một cái trống nhỏ dài, hai mặt trống có đính hai nắm cơm nhỏ, để nhắc lại kỷ niệm sâu xa cao đẹp là ngày xưa, nàng đã cho cơm chàng ăn. Sợi dây trống đeo lên cổ bằng vải trắng là chàng để tang nàng.

Lúc đưa đám chàng mang trống cơm lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng, vận dụng mười ngón tay vỗ trên mặt trống, phát thành tiếng kêu bi ai, tha thiết:

– “Tình tang, tang tình! Tình tang, tang tình!…”

Đó là tiếng khóc kể kín đáo của chàng đối với người yêu có một tâm tình cao thượng, thanh khiết. Đó là tiếng nức nở ở cõi lòng của một nghệ sĩ đối với mối tình đầu đã tan vỡ, mà chàng chỉ còn mượn lấy âm thanh của “Trống cơm” để tiễn vong linh nàng.

Tục truyền là như thế.
Lời bài hát:

Trống cơmTình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ
Ố mấy bông mà nên bông
Ố mấy bông mà nên bông

Một đàn tang tình con xít
Một đàn tang tình con xít
Ố mấy lội, lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai

Đôi con mắt ố mấy lim dim
Đôi con mắt ố mấy lim dim

Một bầy tang tình con nhện
Ô ố ô ô mấy giăng tơ
Giăng tơ ô mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Duyên nợ khách tang bồng
Duyên nợ khách tang bồng.

Bài Mới Nhất
Search