T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 118)

clip_image001

Chữ Việt gốc Tầu

Chữ Việt gốc Tầu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại. Như:

Phở nguồn gốc từ chữ “phảnh” của tiếng Quảng Đông.

Nạm là miếng thịt ở bụng con bò có một lớp mỡ đính sát vào miếng nạm.

Ngầu mà ta đọc là gầu. Hán Việt là “ngầu đục”, đúng nghĩa là…miếng thịt bò.

***

Hủ tíu giống như bánh phở của ta. Triều Châu đọc là “quẻ tíu”. Hán Việt là “qua điêu”.

Mì là bột lúa mì pha trứng, mầu vàng, sợi nhỏ. Đúng ra là “mìn”, ta đọc trại đi là…mì.

Tiệm xấm là tiệm ăn sáng. Hán Việt là điểm tâm.

Lẩu, Quảng Đông đọc là “lò lửa”. Ta đọc là…”lẩ-u” là dụng cụ nấu nướng gồm cái lò và nồi nước. Vì nồi nấu có nước bao quanh một cái ống nên còn được gọi là…cù lao.

Lẫu còn gọi là “tả pín lù”. Hán Việt là “đả biên lư” nghĩa là “đánh bên lò”.

(Từ “tả pín lù” của Tầu ta có…”thịt bò nhúng dấm”).

(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Những câu đối hóc búa

Những câu đối hóc búa là những câu đối có vận tài tình về lối chơi chữ. Như:

Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả

Nem chả ngon, chả ngon

Chị hươu đi chợ Đồng Nai, ghé qua Bến Nghé ngồi nhai khô bò

(Thân Trọng Thủy – Tập san Tân Văn)

Truyện hậu hiện đại (1)

Nền văn học trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Tây phương, nếu chủ nghĩa hiện đại, trong nửa đầu thế kỷ 20, gắn liền với những thử nghiệm táo bạo của thơ, từ chủ nghĩa dada đến chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai và chủ nghĩa hình tượng (imagism) thì chủ nghĩa hậu hiện đại, từ giữa thế kỷ 20 đến nay chủ yếu gắn liền với tiểu thuyết, từ tiểu thuyết của Georges Perec và Monique Wittig ở Pháp đến tiểu thuyết của Italo Calvino và Umberto Eco ở Ý, của Gabriel Garcia Márquez ở Colombia, của J.M. Coetzee ở Nam Phi, và đặc biệt, của những tên tuổi như John Barth, Donald Barthelme, Robert Coover, Thomas Pynchon.

Như vậy, nhìn từ bất cứ khía cạnh nào, người ta cũng đều không thể phủ nhận một sự kiện: Từ mấy thập niên gần đây, tiểu thuyết đã thay thế thơ trong vai trò một thể loại chủ đạo trong sinh hoạt văn học. Đáng kể hơn, tính chất chủ đạo ấy còn thể hiện ở phương diện kỹ thuật và mỹ học: Chính ở tiểu thuyết, chứ không phải trong thơ, người ta chứng kiến được nhiều thử nghiệm táo bạo và độc đáo nhất liên quan đến nghệ thuật ngôn ngữ.

(phỏng theo Nguyễn Hưng Quốc – Truyện: Một số vấn đề mỹ học)

Khoa cử (7)

Nền khoa cử chỉ một lũ hủ nho, mở miệng ra chỉ biết “chi, hồ, giả, dã”. Trong Việt Nam quốc sử khảo, về bãi bỏ thi cử Phan Bội Châu viết: “Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ 1894, Trung Hoa bỏ từ năm Canh Tý 1903 duy chỉ nước ta còn có mà thôi”.

Và tiếp: “Người ta mửa ra, mình lại nuốt vào”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Văn học miền Nam

Trước khi tìm hiểu chỗ đứng của văn học miền Nam từ 1954 đến 1975 trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam, chúng ta cần nhìn lại sự hình thành và phát triển văn học quốc ngữ tại miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Chữ quốc ngữ được sử dụng, về mặt hành chánh, ở trong Nam trước, vì người Pháp chiếm Nam Kỳ trước và họ thúc đẩy việc dùng quốc ngữ trong Nam. Một mặt khác, nhờ sự tiếp xúc với Pháp và văn học Pháp, người Nam cũng hấp thụ được tinh thần dân chủ của Pháp qua ngả học đường và sách vở báo chí Pháp. Những nhà trí thức Tây học đầu tiên như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1897), đều thấm nhuần hai nền giáo dục: thủa nhỏ học chữ nho, sau đó được các thày tu đưa vào trường đạo học tiếng La tinh và tiếng Pháp, rồi đi du học (các trường đạo) ở Cao Mên, Mã Lai. Trương Vĩnh Ký nổi tiếng biết 15 ngoại ngữ, 11 tử ngữ, trở thành nhà bác học được các đồng nghiệp Tây phương kính trọng. Ông cũng là nhà bác ngữ học (philologue) và Việt học đầu tiên của nước ta. Bộ từ điển tiếng Việt “Đại nam quốc âm tư vị” do Huỳnh Tịnh Của soạn năm 1893, cũng là một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng nền văn học quốc ngữ. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo, do Pháp lập năm 1865, với chủ bút Trương Vĩnh Ký, rồi Huỳnh Tịnh Của. Tiếp đó đến tờ Nam Kỳ Nhật Trình (số 1 ra ngày 21/10/1897), Nông Cổ Mín Đàm (số 1: 1/8/1901), Lục tỉnh tân văn (số 1: 15/1/1907) v.v… Theo tài liệu của Nguyễn Văn Trung (công bố năm 1987), cuốn tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, Thày Lazzaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, xuất hiện ở trong Nam ngay từ 1887 và bản dịch Tam Quốc Chí đầu tiên, cũng khởi đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số một. (Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học).

Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954, họ ngạc nhiên thấy những người phu xe xích lô Sàigòn, buổi trưa, tìm chỗ mát nghỉ ngơi, ngồi gác chân đọc nhật trình, việc không thể có ở ngoài Bắc. Sở dĩ có hiện tượng này bởi vì miền Nam có truyền thống đọc sách báo của người bình dân mà ở ngoài Bắc không có; bởi miền Nam đã là vùng đất của quốc ngữ và báo chí, tiểu thuyết, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khiến nền văn chương bình dân phát triển mạnh ở trong Nam, trong khi ngoài Bắc, sách vở, báo chí phần lớn chỉ dành cho người có học.

(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)

Chữ Nghĩa hiện thực

Tiền thì anh không thiếu!
Nhưng nhiều thì anh không có

Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu

Nguyên nhân làm cho một số thành ngữ, tục ngữ trở nên khó hiểu là phương thức cấu tạo chúng đã không còn được nhận ra nữa nên làm cho người ta cảm thấy chúng có vẻ kỳ quặc hoặc bí hiểm. Chẳng hạn: “nghèo rớt mồng tơi”; “già cóp bình thiếc” (mà ngày nay nhiều người nói thành “già cúp bình thiếc”); “say quắt cần câu”; “mê tít thò lò”; v…v…

Những thành ngữ trên đây sẽ trở nên dễ hiểu nếu người ta biết rằng chúng được sản sinh do nhu cầu tạo ra sắc thái hài hước bằng cách phối hợp với một số yếu tố thực tế không có liên quan gì với nhau về mặt ngữ nghĩa. Xin phân tích một thí dụ. Trong “say quắt cần câu”, chẳng hạn, thì “quắt” vừa miêu tả vừa nêu lên mức độ cao của “say” ; “Say quắt” là say đến quằn người lại cong như cái cần câu bị cá đớp mồi mà kéo xuống.

Trong thí dụ vừa phân tích ở trên, sắc thái hài hước vẫn còn hoàn toàn rõ ràng nhưng ở một vài thành ngữ cùng loại thì sắc thái đó khó lý giải về mặt ngữ nghĩa, thí dụ: nghèo rớt mồng tơi. Thành ngữ này cũng được tạo ra bằng phương thức y hệt như “say quắt cần câu”. Do đó mà câu hỏi «nghèo rớt mồng tơi là nghèo như thế nào?» sẽ không bao giờ trả lời được.

Đối với một phương thức mà mục đích là tạo ra sắc thái hài hước bằng sự phi lý (cái cần câu mà lại liên quan đến sự say xỉn, cây mồng tơi mà lại liên quan đến sự nghèo túng, cái bình thiếc mà lại liên quan đến sự già cỗi, …) thì tất nhiên không có cách nào giải thích kết quả của nó bằng sự hợp lý được.

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Tiếng Việt trong sáng

Làm tốt: Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.

(Triêu Thanh tạp chí)

Tam xuyên tứ mục

Nhà Lê Quý Đôn ở gần ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý. Một hôm, một vị quan bên Liêu Xá đến thăm ông Lê Trọng Thứ. Vị quan có nghe tiếng cậu bé con quan Thượng Lê rất hay chữ, muốn trực tiếp thử tài. Nể tình, ông Lê Trọng Thứ cho gọi Lê Quý Đôn tới. Khoanh tay, kính cẩn chào khách xong, Lê Quý Đôn đứng nép bên cha, chờ đợi.

Ông khách nói:

Nghe cháu còn bé đã hay chữ. Vây ta ra vế đối, cháu đối lại nhé!

Lê Quý Đôn lễ phép:

Dạ, xin Bác ra đề ạ!

Ông khách nói :

Nhà cháu gần ngã ba sông, vậy ta ra vế đối là:tam xuyên!”

Vế đối giản dị mà hóc búa, chữ tam có ba nét sổ ngang nhưng dựng lên, thành ba nét sổ đứng và là chữ xuyên. “Tam xuyên” có nghĩa “ba con sông”.

Lê Quý Đôn chưa đáp ngay mà cứ trân trân nhìn ông khách có mang cặp kính. Ông khách rất vui vì tìm được vế đối rất hiểm. Thấy Lê Quý Đôn chưa đối được, ông khách hỏi:

Sao, có đối được không, cháu bé?

Lê Quý Đôn lễ phép thưa:

Dạ, cháu xin đối là: “ tứ mục”.

“Tứ mục” có nghĩa “bốn con mắt”. Ông khách chỉ còn biết thốt lên:

Tuyệt vời!

Chữ đối lại thật chuẩn, chữ “tứ” viết quay dọc lại, cũng là chữ “mục”.

Quay sang ông Thượng Lê, khách xuýt xoa:

Thằng bé này về sau văn chương sẽ lẫy lừng đấy!

Chữ nghĩa làng văn

Nữ nhà báo: Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo.

Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói
nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”.

(Triêu Thanh tạp chí)

Chữ Việt cổ (I)

Sách Tân Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh viết trong thế kỷ 15 gọi lối ký tự Việt cổ là chữ Khoa đẩu do có hình những con nòng nọc. Sách Thông Chí của Trịnh Tiêu biên soạn trong đời Tống có đoạn viết rằng “Đời Đào Đường, nam di Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đã biếu một con rùa thần, rùa ước được ngàn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ Khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến ngày nay. Vua Nghiêu cho chép lấy gọi là Quy lịch”.

Khác với chữ Hán tượng hình, Khoa đẩu của người Việt cổ là thứ chữ tượng thanh gồm nhiều ký âm viết thành hàng ngang như chữ Quốc ngữ ngày nay.

Gần đây nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền sắp xếp lại thành 47 chữ cái cùng phép chính tả và vài niêm luật. Trước đó trong khoảng năm 1850, vị quan Phạm Thận Duật cũng là nhà văn hóa lớn đã tỉ mỉ ghi chép, phân loại các dị bản chữ cổ ở vùng Tây Bắc.

(Trần Vân Hạc – Chữ Việt cổ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search