T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Từ Linh: Thu Quyến Rũ

“. . .Thực ra, Từ Linh là tên một người bạn tri âm của Đoàn Chuẩn, không tham gia trực tiếp vào việc sáng tác. Nhưng Đoàn Chuẩn lấy tên như vậy để tôn vinh người bạn văn nghệ của mình. Điều này đúng với chi tiết mà vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã kể, rằng ông là một người sống chí tình với bè bạn.. .”

Từ Linh: Thu Quyến Rũ

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Thu quyen ru 1

Thu quyen ru 2

Thu quyen ru 3

Thu quyen ru 4

Thu Quyến Rũ – Sáng Tác: Từ Linh

Trình Bày: Tuấn Ngọc

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

*Tờ nhạc cũ chúng tôi có trong tay do nhà xuất bản Kiều Nga, chỉ ghi tên Từ Linh là tác giả bản Thu Quyến Rũ, trong khi đó, như hình bản nhạc Thu Quyến Rũ dưới đây của nhà xuất bản An Phú, chúng ta thấy có ghi đầy đủ tên tác giả: Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Để tôn trọng nguyên văn theo như bản chúng tôi có trong tay, phần tên tác giả chúng tôi chỉ ghi Từ Linh, dù theo hiểu biết chung trong chúng ta, ai cũng nghĩ rằng Đoàn Chuẩn mới chính là tác giả. Còn Từ Linh, theo tác giả Cung Mi trong bài đọc thêm ” Thực ra, Từ Linh là tên một người bạn tri âm của Đoàn Chuẩn, không tham gia trực tiếp vào việc sáng tác. Nhưng Đoàn Chuẩn lấy tên như vậy để tôn vinh người bạn văn nghệ của mình. Điều này đúng với chi tiết mà vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã kể, rằng ông là một người sống chí tình với bè bạn. . .” (TV&BH)

Đọc Thêm:

(Nguồn: http://www.sbtn.tv)

Những mùa thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn Từ Linh

Những mùa thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn Từ Linh

Cách đây 15 năm, vào ngày 15/11/2001, những người Việt Nam yêu mến thể loại nhạc tiền chiến đã ngậm ngùi tiễn đưa nhạc sĩ Đoàn Chuẩn- Từ Linh đi về cõi vĩnh hằng.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924, trong một gia đình tư sản nổi tiếng của Hải Phòng. Là một nhạc sĩ chơi đàn Hạ Uy Cầm, Đoàn Chuẩn được vợ con mô tả lại là một người có phong cách sống hết sức phong lưu, lãng tử, khoáng đạt, ngay cả sau này khi hoàn cảnh gia đình không còn khá giả. Có người ví ông như là một “Công Tử Bạc Liêu” của miền Bắc. Trong các sáng tác, ông lấy bút hiệu là Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Thực ra, Từ Linh là tên một người bạn tri âm của Đoàn Chuẩn, không tham gia trực tiếp vào việc sáng tác. Nhưng Đoàn Chuẩn lấy tên như vậy để tôn vinh người bạn văn nghệ của mình. Điều này đúng với chi tiết mà vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã kể, rằng ông là một người sống chí tình với bè bạn.

Cả sự nghiệp sáng tác của Đoàn Chuẩn-Từ Linh chỉ trên dưới 20 ca khúc. Nhưng nhiều ca khúc của ông đã trở thành bất tử, được thuộc lòng bởi nhiều thế hệ những người yêu nhạc Việt Nam. Nhắc đến Đoàn Chuẩn-Từ Linh, khán giả nghĩ ngay đến những bài nhạc lãng mạn, trữ tình đặc trưng theo phong cách tiền chiến. Ông cũng được xem là một trong những nhạc sĩ tiền chiến viết về chủ đề mùa thu hay nhất. So với Đặng Thế Phong, một nhạc sĩ tiền chiến khác cũng nổi tiếng với những tình khúc thu, thì mùa thu trong nhạc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh không quá ủy mị, buồn thảm. Mùa thu của Đoàn Chuẩn –Từ Linh mơ màng, tình tứ, đầy chất thơ.

Hãy nghe lại bài Thu Quyến Rũ, một ca khúc thu rất tiêu biểu của Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Có thể nhận thấy rằng, màu sắc mùa thu của Đoàn Chuẩn trong sáng một cách đặc biệt:

Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả mầu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi…

Nếu thả hồn một chút, người nghe có thể nhận ra trong giai điệu phảng phất âm hưởng của tiếng đàn Hạ Uy Cầm của người nhạc sĩ. Mà tiếng đàn Hạ Uy Cầm thì ít khi có màu sắc ảm đạm, buồn bã. Thu Quyến Rũ tạo cho người nghe cảm giác bâng khuâng, lâng lâng. Một mùa thu của chốn thiên thai, có lẽ chỉ có trong nhạc của Đoàn Chuẩn.

Nhạc của Đoàn Chuẩn không buồn u uẩn. Những ca khúc nổi tiếng nhất của Đoàn Chuẩn rất ít viết ở cung bậc thứ. Lá Đổ Muôn Chiều, một ca khúc thu nổi tiếng khác của Đoàn Chuẩn-Từ Linh- là một ngoại lệ, được viết ở cung Rê thứ. Thế nhưng từ ở đoạn giữa, tác giả cũng chuyển sang lại cung Rê trưởng. Hình như điệu thứ chỉ để diễn tả tâm trạng buồn của người nhạc sĩ khi người yêu cất bước sang ngang.

Thu đi cho lá vàng bay,
lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé
ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt
Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
đã vội chi men rượu nhấp đôi môi
mà phung phí đời em không tiếc nhớ
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,
phải chăng là nước mắt người đi
Em ơi đừng dối lòng dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta…
Nhưng ngay sau đó, giai điệu trưởng trong sáng quen thuộc của Đoàn Chuẩn cũng trở lại. Người nghệ sĩ thăng hoa cuộc tình lỡ của mình qua những giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát vào bậc nhất của dòng nhạc tiền chiến:
…Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thu còn lại đôi ba cánh
đành lòng cho nước cuốn hoa trôi
Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi
Thuyền rơi xa bến vắng người ơi
Hướng dương tàn tạ trong đêm tối
Còn nhớ phương nào hoa đã rơi…

Một tuyệt tác thu nữa của Đoàn Chuẩn Từ Linh không thể không nhắc đến, đó là ca khúc Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Hình như có ba hình ảnh thường xuất hiện trong ca khúc của Đoàn Chuẩn. Đó là lá thư, tà áo xanh, và lá vàng rơi. Cả ba hình ảnh này đều được nhắc tới trong Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay:

Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi phím tơ đồng tìm duyên
Gửi thêm lá thư màu xanh ái ân
Về đôi mắt như hồ thu…

Có lẽ vì những hình ảnh đan lẫn vào nhau này, mà nhiều khán giả vẫn lẫn lộn tựa đề của ba ca khúc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn-Từ Linh là Tà Áo Xanh, Lá Thư, và Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Nhưng cũng chẳng sao. Vì trong cả ba ca khúc này, vẫn chỉ là một thế giới chung của Đoàn Chuẩn. Thế giới của cái đẹp lãng mạn, mơ màng của một thời đã qua, mà rất khó tìm lại được trong ca khúc của thế hệ hôm nay.

Có nhiều khán giả cho rằng nhạc của Đoàn Chuẩn thích hợp với những giọng nam trầm ấm. Xin mời khán giả tìm lại thế giới tiền chiến của Đoàn Chuẩn – Từ Linh qua giọng hát của các nam ca sĩ Sĩ Phú, Anh Ngọc và Tuấn Ngọc…

Cung Mi / SBTN

Bài Mới Nhất
Search