T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Văn Phụng: Bức Họa Đồng Quê

“. . .Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ… , các bản nhạc như Ghé bến Sài Gòn, Suối tóc, Ô Mê ly, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Bức họa đồng quê.. ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe. . .”

Văn Phụng: Bức Họa Đồng Quê

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Buc hoa dong que 1

Buc hoa dong que 2

Buc hoa dong que 3

Buc hoa dong que 4

Bức Họa Đồng Quê – Sáng tác: Văn Phụng

Trình Bày: Tốp Ca Năm Dòng Kẻ

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

Nguyễn Túc: Chúng tôi đã mất đi một người bạn và Việt Nam đã
mất đi một thiên tài âm nhạc
  –

                                        

(Nguồn: Cothommagazine.com)

Từ thập niên 50, 60, từ Hà Nội đến Saigon, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ… , các bản nhạc như Ghé bến Sài Gòn, Suối tóc, Ô Mê ly, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Bức họa đồng quê.. ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe.

Từ năm 75 có cuộc di cư vĩ đại ra ngoại quốc, nhạc Văn Phụng lại càng được trọng dụng. Các ban nhạc có khi đổi lại nhịp điệu cho hợp thời trang: slow đổi thành pop,boston thành rumba v.v… , ai mà không thích Ái Vân ca nhạc dân tộc tính Trăng sáng vườn chè…

Tôi là bạn thân của Văn Phụng hơn 50 năm nay, nên biết rõ nhau từ thuở mới bước chân vào nghề nhạc, chưa có danh vọng tiền bạc, cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Phạm Nghệ, và vì thời cuộc cùng gia nhập ban Quân nhạc, ta gọi là “lính kèn”, với Nguyễn Khắc Cung, Nhật Bằng, Ðan Thọ, Vũ Thành, Hoàng Trọng v.v… Chúng tôi cùng chia xẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống về nhạc, tuy nhiên không bao giờ tâng bốc nhau trong vấn đề nghệ thuật.

Hôm nay, Văn Phụng đã đi rồi, tôi viết ở đây vài giòng cảm nghĩ của tôi với người bạn vong niên mà tôi vẫn thần cảm phục, và tôi đã gán cho anh danh hiệu “thiên tài”, không phải là không lý do, cũng như đối với vài nhạc sĩ Việt Nam khác. Hai chữ đó là chữ Hán nhưng chắc ai cũng hiểu là nói về những người đã được trời ban cho tài cán đặc biệt mà người khác không thể nào bằng trong một giới nào, nhất là về nghệ thuật. Tìm trong hàng triệu người mới thấy một Beethoven hay một Picasso .

Văn Phụng đã được trời ban cho tài, không những là một nhạc sĩ về sáng tác mà còn là một nhạc sĩ về hòa âm, trình tấu và kỹ thuật âm thanh. Quý vị nào đã chơi hay hiểu về nhạc thấy rằng chỉ giỏi trong một phương diện về nhạc không thôi cũng đã khó và phải có đủ điều kiện thiên phú, thời gian học hỏi, kinh nghiệm v.v…

Trước hết, về tài sáng tác, anh đã viết rất nhiều, bài nào thường cũng hay cả lời lẫn nhạc, nét nhạc và đầu đề thật là độc đáo nên ca sĩ nào cũng thích hát nhạc Văn Phụng.

Về tài trình tấu, Văn Phụng chơi nhạc trong ban Quân nhạc Ðệ tam Quân khu, đài phát thanh và Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, tại phòng trà và vũ trường nhiều năm ở Hà Nội, Saigon và Hoa Kỳ, sử dụng nhiều nhạc khí.

Tôi thích nhất là tiếng kèn clarinet của anh lả lướt êm dịu như của những nhạc sĩ Âu Mỹ có tiếng về jazz và ngón chơi piano đặc biệt của anh, với những lèo láy bay bướm hay những hợp âm mới lạ, lồng theo tiếng ca, khi anh đệm nhạc cho một ca sĩ.

Sau hết, về tài kỹ thuật âm thanh, Văn Phụng rất thành thạo cả về máy móc thâu thanh và các nhạc khí điện tử. Tôi còn nhớ một lần, sau khi mua một đàn điện synthesizer, có hơn 100 tiếng đàn khác nhau, anh đã xóa hết những tiếng cũ và thay vào trong đàn những tiếng theo thứ tự anh lựa chọn, một điều không dễ mà chưa bao giờ một nhạc sĩ mua đàn, mà lại mất công tự làm lại theo ý thích của mình. Hơn nữa, anh lại lấy một số tiếng đàn tây phương thay đổi, chuyển thành tiếng đàn ta như sáo tre, đàn tranh, đàn bầu ..

Vì thế, mỗi lần mua đàn điện mới, tôi cứ việc nhờ Văn Phụng đi mua cho tôi một chiếc đàn giống đàn của anh đã có và đã nghiên cứu rồi về chỉ lại cho tôi chơi ngay, nên tôi không phải mất công đọc sách chỉ dẫn. Tôi đã học hỏi nhiều ở anh nhữõng bước đầu về kỹ thuật và máy móc để thâu thanh.

Anh đã may mắn có nhiều kinh nghiệm về dụng cụ và kỹ thuật âm thanh khi anh làm việc tại đài phát thanh và cơ quan UFO Hoa Kỳ ở Việt Nam cùng đài TV56 PTA ở Virginia .

Nhân tiện, tôi xin phép quý vị kể vài cá tính của anh mà tôi biết đã giúp anh thành công trong đời nhạc sĩ của anh. Nhiều người có thiên tài chưa chắc đã thành công, nếu không thêm vào đó những cá tính hay, đặc biệt của mình.

Thứ nhất là Văn Phụng thật sự có một tâm hồn nghệ sĩ, một điều không bao giờ anh tự nói ra. Anh thích cây cỏ, thiên nhiên… Vài năm sau khi định cư tại Mỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ ở đường Backlick, Springfield, Virginia . Anh thích thú trồng nhiều cây khác nhau, như 150 cây hoa hồng đủ các loại và biến mảnh vườn nhỏ của anh thành một tiểu thiên đàng, để sáng dậy sớm ngắm trời xanh, nghe chim hót, ngồi uống trà… Chính anh tự sửa sang vườn lấy, chăm sóc từng cây, nghiên cứu từng loại và anh kể là có lúc anh làm vườn cả ngày trong thời kỳ không có việc. Anh cũng thường nói nếu sau này được sống trong một căn nhà biệt lập trên núi, hoặc ở bãi bể, gần rừng cây để làm nhạc thì thật tuyệt. Giấc mơ đó đã muộn mất rồi!

Văn Phụng thường nói với nhiều người là ước gì Cộng đồng Việt Nam thành lập được một Club giống như Country Club của Mỹ, nghĩa là một câu lạc bộ mà ngày nghỉ, gia đình, con cái, bạn bè đến tập họp ăn uống, vui chơi đủ môn giải trí, thể thao . Hơn nữa, câu lạc bộ còn có một sân khấu lớn đầy đủ âm thanh, đèn màu để tổ chức thường xuyên nhạc hội ca vũ nhạc Việt Nam, các đoàn ở xa đến đã có sẵn nơi trình diễn. Về cưới hỏi, câu lạc bộ có thể đảm nhiệm để lấy tiền. Các hội viên là những quý vị yêu nghệ thuật, sẽ đóng góp vài trăm một tháng, nếu cần Văn Phụng sẽ tình nguyện làm manager trông nom. Mỗi lần thấy Văn Phụng nói chuyện đó, tôi và Nhật Bằng thường cười với nhau, vì ước vọng của anh quá lớn, khó có thể thực hiện được.

Cá tính thứ hai của Văn Phụng là sự bền chí để đi đến tuyệt hảo. Anh tự thâu thanh lấy một nhạc phẩm của anh viết, soạn hòa âm và phối khí trên thị trường, có khi đến 5, 7 lần mà vẫn không nản, thú thật tôi thâu đến 2, 3 lần là phải nghỉ rồi . Anh chơi nhạc tại vũ trường từ xưa nên quen thức đêm, thường đến 1, 2 giờ sáng. Mỗi lần mua một đàn điện, anh thức đêm có khi mấy tháng để nghiên cứu cây đàn mới .

Cá tính thứ ba của Văn Phụng là sự cẩn thận rất mực. Ở nhà anh, bất cứ chỗ nào, nơi làm việc, kể cả trong nhà tắm, nơi nào cũng đầy những mảnh giấy nhỏ ghi bằng mực đậm những điều phải làm, có khi những ý nghĩ riêng của anh nữa. Anh rất có trách nhiệm khi đi trình diễn, bao giờ cũng có mặt trước 2 tiếng đồng hồ.

Một lần tôi đi chơi nhạc đám cưới với anh tại nhà hàng China Garden, bắt đầu lúc 7 giờ, thế mà Văn Phụng đã rủ tôi đi từ lúc 3 giờ chiều để sửa soạn đàn và thử âm thanh. Anh nói sớm còn hơn muộn, ở nhà thêm ít phút có hơn gì đâu. Việc gì cũng có thể xảy ra được, lỡ đi đường gặp tai nạn thì làm sao kịp giờ. Anh không thích ai đến nói chuyện trong khi anh chơi nhạc hay để ly nước trên mặt đàn dương cầm của anh. Trong phòng nhạc, anh tự đóng lấy nhiều kệ bằng gỗ rất đẹp, chạy chung quanh tường, để xếp đàn, sách nhạc, dàn âm thanh v.v…

Vài kỷ niệm và đức tính của Văn Phụng kể trên đây có thể là những điểm son của một người bạn tài hoa, vui tính, đáng mến mới vĩnh biệt chúng tôi và Việt Nam cũng mất đi một thiên tài âm nhạc.

Nguyễn Túc (Arlington, đầu năm 2000)

Bài Mới Nhất
Search