T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày 12 tháng 10 năm 2009


Nhà văn nữ người Đức gốc Lỗ ma Ni (Romania) Herta Mueller đã được Hàn Lâm Viện Thụy Điển chọn là người đọat gỉai Nobel về Văn Chương năm 2009 với trị gía hiện kim 1.4 triệu Mỹ Kim.

Quyết định này được công bố ngày 8 tháng 10 năm 2009 kèm theo lời tuyên dương Herta Mueller là “người đã sử dụng sự cô đọng của thơ và sự chân thật của văn xuôi để miêu tả thế giới của những kẻ bị phát vãng” (who, with the concentration of poetry and the frankness of prose, depicts the landscape of the dispossessed.).

Herta Mueller sinh ngày 17 tháng 8 năm 1953 tại một thành phố nói tiếng Đức (Nitzkydorf ) ở Banat, Romania. Cha mẹ bà là người Lỗ gốc Đức. Năm 1987, bà cùng chồng là nhà văn Richard Wagner qua định cư ở Đức.

Từ thời còn sinh viên , bà đã tích cực tham gia phong trào những nhà văn trẻ nói tiếng Đức, chống lại chế độ độc tài cộng sản của Ceausescu và đòi hỏi tự do ngôn luận.

Những tác phẩm của bà đều nhắm vào những người bị áp bức, vào sự trì trệ của chế độ độc tài tòan trị và guồng máy tham nhũng bất lực của nó. Khi còn ở trong nước, sách của bà bị cấm không được phép xuất bản. Trong khi đó, ở ngòai ranh giới nước Romania của Ceausescu, giới thưởng ngọan đánh gía những tác phẩm của bà rất cao.

Một kẻ bị truất vãng (dispossessed) không thể làm gì mà không bị chính cái tình cảnh của mình ám ảnh. Nhất là kẻ ấy lại là người làm văn chương. Herta Mueller là một trong số những người đó.

“Quê hương là thứ mà người ta không chịu đựng nổi mà cũng không rứt bỏ được”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. (trích lại từ Lê Quang – Nobel Văn chương 2009 – Người lạ trên chính quê hương mình – tuanvietnam.net ).

Sau hai cuộc thế chiến, sau cuộc chiến tranh lạnh, sau những cuộc chiến tranh địa phương, tình cảnh những con người lưu vong (tự nguyện hay bắt buộc) vẫn nổi bật trên cái nền bất ổn của một thế giới , một mặt, tiến vùn vụt về phía tòan cầu hóa, một mặt, ra sức cổ vũ cho sự xiển dương và tồn tại của bản sắc cá thể. Dù ở trong bất cứ hòan cảnh nào, các chế độ độc tài tòan trị đều tìm được những kẽ hở để thóat thân. Vì thế, thế giới vẫn phải đối đầu với những vấn đề của một lớp người phải lìa bỏ quê hương để còn có thể tiếp tục yêu được quê hương của mình.

Đó cũng là lý do gỉai thích tại sao những người sống bên ngòai đất nước lúc nào cũng hướng lòng về nơi mình từ đó bỏ đi. . . ” Ai cũng có một quê hương, để khi xa thì nhớ về và để khi gần thì . . . ghét bỏ . ” ( T.Vấn- Quê nhà quê người ).

Giải thưởng cao quý nhất về văn chương được trao cho một tiếng nói miêu tả thế giới của những kẻ bị phát vãng là một cách nhìn nhận sự tồn tại của lớp người này và sự tồn tại của những chế độ độc tài tòan trị.


Sự chân thật của ngôn ngữ. Đó là con đường làm người của nhà văn. Đối với kẻ bị phát vãng, quê hương mới vẫn là vùng đất lạ so với một quá khứ đầy ắp hình ảnh quen thuộc của quê hương cũ. Và vì thế, kẻ lưu vong, khi ra đi đã mang theo quê hương được gói trọn trong ngôn ngữ mẹ đẻ, thứ tài sản lớn lao mà không một chế độc tòan trị nào tước đọat được .

Chính thứ tài sản lớn lao ấy đã đem vinh danh về cho nhà văn: Herta Mueller.

Bao giờ thì đến lượt những nhà văn lưu vong Việt Nam?

T.Vấn

10-10-2009

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search