T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 122)

clip_image002

Giai thoại làng văn xóm chữ

Nhà thơ rất nổi tiếng là Xuân Diệu bình bài thơ Đề miếu Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương, đến câu “Ghé mắt trông lên thấy bảng treo” thì cứ khăng khăng phải là “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo” thì mới đúng, mới thể hiện được khí phách… mà quên mất rằng chữ “lên” đã rành rành trong bản thơ Nôm lưu trữ.

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ (5)

Cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước láng giềng mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.

Hai tiếng Nôm na mà ai cũng cho là “Nôm” là Nam, vậy thì “na” là gì? mọi người đều lờ đi!

Thật ra, “Nôm và na” đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đời…đã có từ lâu.

[Các tiếng Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng “nôm na” và đều giải thích như vậy]

Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, truớc khi ông bà ta gặp người Tàu.

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

 Tục ngữ Tầu

Thái dương đả tây xuất

(Mặt trời mọc đàng…tây)

Ý nói chuyện ngược đời

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Không có chữ Việt cổ

Ít lâu nay có nhiều nhà biên khảo cho rằng chữ Việt cổ (chữ nòng nọc (*) có từ thời lập quốc. Qua tích thần thoại vua Hùng Vương mang quân đến núi Khả Lao, Thanh Hóa được thần báo mộng cho trống đồng thúc quân mà thắng trận. Sau khi thắng, vua ban sắc phong là Đồng cổ đại vương và lập đền thờ Đồng cổ thần từ.

Theo Lê Văn Siêu qua Việt Nam văn minh sử cương dẫn đoạn truyện cổ tích trên rồi chú thích:

“Xin lưu ý hồi này chữ Hán chưa truyền vào Giao Chỉ làm sao vua Hùng Vương có chữ để phong cho thần là Đồng cổ đại vương hay Áp Lãng chân nhân hoặc Đồng cổ thần từ

Việc mang quân đi đánh phương Nam theo truyền thuyết có thể là có thật. Nhưng đặt duệ hiệu theo những tiếng Nôm nào đó, còn sự phong tặng chỉ là thêm thắt của người đời sau”.

Như thế theo tác giả Lê Văn Siêu đã gián tiếp khẳng định nước ta chưa có chữ viết vào thời Hùng vương.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ và nghĩa (2)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những từ ngữ “hiểm hóc”, đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng những trở ngại về từ ngữ cổ.

Trong câu Thứ nhất “thả cá”, thứ nhì gá bạc là “thả cá xuống ao đầm để nuôi”, một nhà giáo tên tuổi đã diễn giải câu này là: “Việc thả cá có lợi là đúng và cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm ăn bất chính” (Nguyễn Lân. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam).
Thực ra, thả cá là từ cổ còn có một nghĩa nữa là “thách cá”, như nhiều từ điển đã ghi nhận.

(Tạp chí Ngôn ngữ – Nguyễn Đức Dương)

Triết lý củ khoai

Lúc bé tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh.

Tên Nôm tên Tự (6)

Sự hình thành tên Nôm đình làng “Đình Bảng”

Đình Bảng, cách Hà Nội chừng 20km, vượt qua sông Hồng và sông Đuống, hay một con đường liên tỉnh từ Sơn Tây. Tham khảo nhà văn Nguyễn Khôi để biết dân gian lưu truyền tên Đình Bảng thế nào đồng thời học không ít các kiến giải về nguồn gốc của nó. Các giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, Chu Quang Trứ cho cái nhìn  toàn diện, và có căn cứ về Đình Bảng mặc dù nhiều điểm không thể khẳng định.

Đình Bảng, Hán tự viết là 亭榜 được nhắc tới trong thư tịch như “Đồng Khánh dư địa chí” năm 1886, và trong một tác phẩm khác là “Việt sử địa dư” của Phan Đình Phùng năm. Tên Nôm không những của Đình Bảng mà hết thảy các địa phương khác về địa dư viết thời vua Đồng Khánh không có chỗ cho một tên nôm,  tục danh, tục hiệu những tên gọi rất ư gần gũi và ưa dùng trong dân gian. Mặc dù đương thời đã có chữ Nôm – một dạng chữ Hán vay mượn để ghi âm ngôn ngữ địa phương đã tồn tại, tên nôm bị loại bỏ khỏi thư tịch, văn bản.

Nhà văn Nguyễn Khôi, một cư dân bản địa đã dày công sưu tầm nhiều tư liệu dân gian về đình làng Đình Bảng cũng như nhiều mặt đời sống, phong tục xưa và nay của một phạm vi lớn hơn là quê hương, nơi phát tích họ Lý và trung tâm Phật giáo một thời. Theo Nguyễn Khôi, ở địa phương xưa kia có rừng Báng. Từ đó cư dân địa phương và chính địa danh đó có tên nôm là “Kẻ Báng”. Không ngạc nhiên khi thấy rằng chữ “kẻ báng” không được nhắc tới trong các thư tịch. Khi triều đại xưa kia không thể ghi nhận tên Nôm thì tên Hán tự phải tạo ra bằng cách này hay cách khác. Xâu chuỗi nhiều sự kiện lịch sử và cả huyền sử, các tên Đình Báng theo đó Đình là tiếng Việt mang nghĩa to lớn, Báng là các từ thuần Việt. Chữ “đình” là chữ đồng âm với một số chữ Hán được tìm thấy trong các thành ngữ như “tày đình”, “cái nồi đình”. Từ đây tên nôm “Đình Báng” chịu thêm một lần cải biến ngữ nghĩa để “Đình Báng” trở thành “Đình Bảng” 亭榜. Cây Báng và cả rừng báng đã bị tuyệt giống ở địa phương, cũng như chữ viết của tổ tiên đã bị vùi dập trong lớp lớp thế hệ thì nay cây Báng đã được dân làng chọn giống mang về trồng như một sự hồi sinh quá khứ, gợi nhớ tiếng nói của tổ tiên.

(David Phùng – Sự hình thành tên Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

Phe

Phe: khe khẽ lay đi lay lại

(cầm quạt phe phẩy)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Trong dịp đi dạo phố ở kinh đô Thăng Long với bạn, nhân gặp một đám ma đi ngang, người bạn đố Lê Qúy Đôn làm câu đối khóc người không quen. Lê Qúy Đôn ứng khẩu đọc ngay…

Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu mà khóc mướn?
Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, não can tràng cho nên phải thương vay!

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi: Có ai biết cái đù đì là cái gì không?

Vì mình thường nghe người ta nói cái đù đì, chẳng hạn khi mình hỏi thằng bạn “mày làm cái gì đó?” nó trả lời “làm cái đù đì” mà tui không biết cái đù đì là cái gì.

– Chắc là đ… đi wá…. hông biết có đúng hôn….clip_image003

– Trau dồi Việt Ngữ kiểu này chắc tiêu quá.

Đáp: Hồi nhỏ, cái hồi già còn nằm xuống để bà ngoại già xoa lưng dỗ giấc ngủ, già đã được nghe bà ngoại già nói (cái đù đì ông sư) rồi, vì hồi đó già thường thắc mắc, hỏi han lung tung ví dụ như: ai đẻ ra con? ai đẻ ra mẹ? ai đẻ ra bà? ai đẻ ra cố…
Rồi…. cứ thế mà hỏi tới ông trời luôn, nhưng khi già hỏi đến ai đẻ ra ông trời thì già mới biết là:

– Cái đù đì ông sư đẻ ra ông trời.

Vậy đó: Cái đù đì hay đù đì ông sư chỉ là câu nói để lấp liếm cái mà người ta chưa biết hay chưa rõ về một cái gì hay chuyện gì!.

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ và nghĩa

Kỷ nguyên, thời đại, thời kỳ, giai đoạn…

Nên dùng chữ kỷ nguyên cho một thời gian dài trong lịch sử nhân loại, đánh dấu bằng các biến cố quan trọng có ảnh hưởng lâu dài; thí dụ kỷ nguyên công nghiệp, kỷ nguyên tin học.

Thời đại nên dành cho các thời gian lịch sử lâu dài hơn, thí dụ thời đại đồ đá, thời đại đồ sắt, thời đại phong kiến.

Khi viết về lịch sử một dân tộc nên dùng những chữ thời kỳ, chẳng hạn thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh.

Những khoảng thời gian ngắn hơn dùng những từ như giai đoạn, hoặc thời, đủ rồi. Chẳng hạn thời Việt Nam Cộng Hòa, thời chiến tranh Nam Bắc.

(Nguồn: Ngô Nhân Dụng)

Giai thoại La De Trái Thơm (3)

Chai la de lớn đặc biệt gọi là La De Trái Thơm. Theo lời đồn, trong mỗi thùng 6 chai chỉ có một chai Trái Thơm, giá đặc biệt và cũng là quà tặng đặc biệt mỗi khi có khách quý. Ai đã được uống La De Trái Thơm đều khen ngon hơn chai la de thường.

clip_image005

(La De Quân tiếp vụ)

Thiệt tình mà nói là La De Trái Thơm, La De thường, La De Quân tiếp vụ cũng là một thứ, vô chai có hình trái thơm thì nó trái thơm, vô chai thường thì nó là la de thường, gặp chai Quân tiếp Vụ thì nó biến thành La De Quân tiếp vụ. Vậy mà có người khen chê cho La De Trái thơm là ngon nhứt, xong đến La De Con Cọp và hạng chót là La De Quân tiếp vụ vì là cho quân đội uống. Chẳng qua là cái mã ở ngoài cả vì nấu 2 loại bia (la de lớn và bia 33) đã tóe phở, học xì dầu, BGI đâu có quởn nấu ba bốn loại còn vô chai vô cộ, đổi kíp đổi người. Phức tạp lắm. Nội cách đổi vỏ chai cho hạp với rượu cũng đủ hao tiền.

(Phan Văn Song)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Thơ ngây: ngây thơ

Thành hoàng (5)

Còn ở trong văn học Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì việc thờ Thần hoàng được đề cập lần đầu tiên ở bài Chuyện thần Tô Lịch trong sách Việt điện u linh. Sách này chép:
Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) tên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó…Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng…(Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương.

(Thần Thành hoàng – Bùi Thụy Đào Nguyên)

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả con trâu (của một học sinh thành phố)
Nhà em có nuôi một con trâu. Nó đáng yêu lắm. Hàng ngày, mẹ xích nó ở góc hiên. Trên cổ nó có đeo một cái nơ màu hồng thật xinh xắn. Nó ăn rất ít cơm. Nó có khuôn mặt trái xoan thanh tú.

Không đề

Hôm nay dưới bến xuôi đò

Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.

Anh đi đấy, anh về đâu?

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

Thơ Nguyễn Bính. Tựa “Không đề”. Chỉ có bốn câu. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính. Bài thơ có hai nhân vật, một người con trai và một người con gái. Người con trai ở dưới bến chờ xuôi đò. Người con gái ở trong nhà, qua khung cửa sổ, thẫn thờ ngó ra.

Nguyễn Bính nói họ “thương nhau”. Chắc chỉ là thương thầm. Nên không có tiễn đưa. Nên người con gái mới băn khoăn tự hỏi “Anh đi đấy, anh về đâu?” Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. “Anh đi đấy” là câu hỏi thảng thốt. Ðau nhói. “Anh về đâu?” là câu hỏi ngậm ngùi. Buồn tênh. Người con gái ngạc nhiên, rồi bàng hoàng, rồi ngẩn ngơ. Chiếc thuyền rời bến, từ từ đi xa. Hình ảnh người con trai mất hút. Chỉ còn chiếc thuyền. Rồi chiếc thuyền cũng khuất. Chỉ còn cánh buồm vươn cao, vươn cao, chới với, chập chờn, lung linh, xa xăm:

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ ngắt thành ba nhịp (Cánh buồm nâu / cánh buồm nâu / cánh buồm…), tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhoà đi trong khói song bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất.

(Thu Tứ – Gocgio.net)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

Bài Mới Nhất
Search