T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Lĩnh: Hoài Niệm Tháng Mười Một

_MG_6603

Chớm Thu – Ảnh: Lưu Na

1.

Tháng Mười Một lại về trong trí nhớ già cỗi của tôi vì đã chứa quá nhiều những điều cần quên và không đáng nhớ. Một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật không thể gởi vì người bạn cũ đã qua đời. Cành lan trắng được vẽ thật đẹp nhưng theo một cách cô đơn và buồn bã mà tôi đã lựa chọn trong một lúc quay quắt trong nỗi nhớ. Từ nay sẽ không còn ai nhận tấm thiệp đã để lại như một lời trăn trối của một ký ức buồn.

Con đường đi vào thành phố ở buổi tối, có chút sương ẩm giăng trên kiếng xe, hơi mờ của con lộ trải dài dưới hai hàng cây vắng vẻ. Tôi ngồi trong xe và nhận lại mùi hương của quá khứ: trà, gạo và mùi hoa sứ trắng thoang thoảng, bản giao hưởng số 40 của Mozart hùng tráng dạt dào, của niềm vui hạnh ngộ. Tôi nhìn cảnh vật đang chìm vào ánh sáng cuối cùng của hoàng hôn và mọi điều đang lắng đọng trong bóng tối đang phủ xuống.

Một bản nhạc kỷ niệm của chúng tôi lại vang lên, kịp cho ánh sáng cuối cùng bừng lên như ánh chiều của sự sống mãnh liệt như một níu kéo và hoài vọng, bản Serenade của Franz Schubert đưa cả hai chúng tôi vào thời gian của ngày xưa, tôi yêu bản dạ khúc này vì mỗi lần nghe đến nó, anh luôn luôn hiện diện trong trí nhớ của tôi với dáng vẻ tha thiết và dịu dàng.

Chúng tôi đến một cái quán khá vắng, trên đồi, nhưng thức ăn lại rất ngon, hầu như chỉ có bàn ăn của tôi và hai ông bà lão. Bàn ghế rất ít, trải đều trong một không gian trống hình bầu dục, có khung cửa sổ lớn ôm cong theo tường bằng kính, trong vắt thoáng và rộng để chúng tôi có thể nhìn suốt khỏang trống của hồ nước, liễu và cây lá lao xao trong màn sương mờ hiu hắt. Đèn cũng chỉ đủ cho người ta vừa ăn vừa nhìn nhau hay nhìn về quá khứ. Tôi cố gắng không nhìn ông bà cụ ngồi phía bên trái tôi, họ cứ cầm tay nhau trong xúc động và tôi thấy bà cụ thỉnh thoảng cứ chùi nước mắt. Một cuộc tương phùng đã quá trễ cho thời gian và tuổi tác của họ, cho tình yêu nghìn trùng cũng giống như của chúng tôi sao? Nhìn qua người bạn của tôi cũng nét đăm chiêu và trầm lặng, anh ít nói và chỉ nhìn tôi. Tôi cũng không muốn nói gì ở buổi tối không khí bỗng dưng nặng nề, vì hình ảnh sẽ không còn xa của chúng tôi là cặp đôi luống tuổi kia! Họ có lẽ cũng hơn tuổi chúng tôi khá nhiều, nhưng mà họ vẫn khổ vì tình? Ai đời gần đất xa trời mà vẫn có thể rơi nước mắt vì tình yêu thế kia? Nhìn anh, tôi cảm nhận có một nỗi xa vắng đang tỏa dần và bao bọc chúng tôi trong cơn buồn thê thiết.

Không khí càng buồn thảm hơn, khi tôi nghe tiếng nấc nhỏ của bà cụ ngồi kế bên. Hình như bà ấy đang khóc, ông cụ cũng đang cầm tay bà an ủi. Tôi thấy tim mình nhói đau một cách kỳ lạ, cảm giác như chúng tôi cũng đang chia tay nhau hay cùng một tâm sự giống như hai ông bà cụ ở bàn bên.

Khi anh đưa tôi ra xe, chúng tôi im lặng trong không khí buồn bã đến đáng sợ, tôi nghĩ đến những ngày sau này có lẽ sẽ rất khó gặp nhau, và cũng không muốn nói về một nơi chốn xa lạ đó mà tôi chưa hề đặt chân đến và có lẽ chắng biết bao giờ.

Tình yêu đẹp, khi chia tay để lại những nỗi buồn. Và chắc chắn là rất nhiều những nỗi nhớ!

 

2.

Ghé thăm một người thầy cũ, cảm thấy buồn vì thầy đã quá già và đang bị lãng quên. Đã lâu thầy cũng không còn đứng lớp để dạy dỗ cho đám sinh viên, có lẽ cũng hơn nửa thập kỷ. Không ai còn nhớ đến thầy cho dù thầy vẫn chăm chú ngày hai buổi đến văn phòng hí hoáy ghi ghi, chép chép. Ngạc nhiên vì thầy không có máy điện toán, cũng như email. Trường học vẫn dành cho thầy một văn phòng làm việc theo lối ưu tiên cho người đã bỏ nhiều công sức cho trường học ở quá khứ. Ngôi trường đại học này là gia đình, là sự liên hệ duy nhất của thầy. Nhưng không ai còn chú ý đến ông, vì sự cống hiến của thầy đã không còn cần thiết nữa, ngoài người lao công dọn dẹp. Thình thoảng đi ngang ghé coi chừng xem thầy có còn tồn tại hay không.

Ngồi với thầy nhắc về những chuyện của ngày xưa, đôi mắt của ông chợt sáng lên trong khi chúng tôi ôn lại kỷ niệm cũ. Những vị giáo sư đã rời trường, thành công và nổi tiếng và những người đã qua đời mà thầy biết tin qua cáo phó của trường. Hai mươi sáu năm cũng là một đoạn thời gian dài cho một đời người. Những cuốn sách cũ của thầy chồng chất trên bàn, bản thảo, ghi chép đầy nhưng không thấy sự đón nhận hào hứng từ người khác…thầy có lẽ cũng đã biết là thế giới của con người đã trải qua một bước tiến dài và mọi thứ mà chúng ta mới vừa đọc có cái đã bị đào thải hay thay thế bằng những khám phá mới…

Chúng tôi là những người già, vì già mới chỉ còn quá khứ để ôn và tương lai không còn có dịp để tạo được những thành tích như thời cũ.
Một tách trà nóng nấu vội, ngoài kia mưa thu chỉ đủ làm ướt những chiếc lá rơi trên nền cỏ còn xanh của tháng Mười Một miền Bắc Mỹ. Tòa nhà gạch đỏ khá cũ cũng đang bị bỏ quên như thầy, những vị giáo sư trẻ chuyển văn phòng vào các tòa nhà mới vừa xây dựng với mọi tiện nghi hiện đại. Chiếc máy sưởi trong phòng thầy thỉnh thoảng kéo một hơi như người già lên cơn suyển. Thầy cười hiền lành giải thích là như thế cũng tốt vì mới biết là nó còn đang chạy, không cần phải đến để tay vào mới biết nó có còn ấm hay không. Hơi lạnh làm cửa kính mù sương ẩm, và có vài chiếc lá bay là đà trước khi nằm trên mặt đất. Như một hình ảnh của sự có rồi mất. Một định luật của thành-tụ-hoại-diệt mà mọi thứ trên đời này đều có chung một số phận là đến và đi trong cuộc đời vô thường này.

Ghé thăm vài người bạn, ngắm biển và núi trước khi từ giã. Chuẩn bị hành lý trở về thành phố lặng lẽ và trơ trọi không có biển để ước mơ lãng du, không có núi để khao khát một sự chinh phục và thử thách. Chỉ có thảo nguyên và những chú bò đen trắng đứng gặm cỏ và những con cừu chậm chạp ngơ ngác. Chỉ có ta và nỗi trơ trọi khi bước trở về nhà, cô đơn và lặng lẽ cho một nửa mùa thu còn lại, và cả một mùa đông dài trên mặt hồ qua cửa kính.

Chiếc lò sưởi sẽ bắt đầu đốt lên cho bớt giá lạnh…

Hồng Lĩnh

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search