T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trúc Phương: Đò Chiều

“. . .Nhạc sĩ Trúc Phương đã yêu, đã sáng tác nhiều ca khúc Bolero trữ tình nổi tiếng. Khó ai có thể quên được những Đò chiều, Nửa đêm ngoài phố, Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Ai cho tôi tình yêu, Chiều cuối tuần… man mác tâm sự cô đơn của ông. Nhạc của ông đem lại cho người khác hạnh phúc; người thưởng ngoạn có được những bài Bolero vừa bình dân vừa bác học; chủ hãng băng đĩa in sang vô tội vạ làm giàu khá nhanh. Còn riêng ông, ông được gì?…”

Trúc Phương: Đò Chiều

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Do chieu 1

Do chieu 2

Do chieu 3

Do chieu 4

 Đò Chiều – Sáng Tác: Trúc Phương

Trình Bày: Thanh Thúy (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

Trúc Phương đi chuyến đò chiều

Vũ Đức Sao Biển (Nguồn: Nhac-viet.com)

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1932 tại Trà Vinh (tỉnh Vĩnh Bình cũ). Khi nghe tin ông bệnh, tôi đã đến thăm ông. Tháng 2/1995, mùa xuân đang còn phơi phơi thì nhạc sĩ Trúc Phương lâm trọng bệnh, nằm thoi thóp trong căn phòng nghèo nàn phía sau một căn hộ ở cư xá Lữ Gia. Thấy tôi đến thăm, ông thật sự vui mừng, hối hả bảo con trai đỡ dậy và mặc chiếc áo sơ mi vào. Ông cố gắng cười nói, giọng đôi khi đứt quãng vì những cơn ho. Nhà không có cây đàn guitar nào nhưng tôi vẫn cao hứng hát để ông nghe lại những ca khúc của ông. Ánh mắt mệt mỏi thỉnh thoảng lại sáng lên cái ánh sáng nghệ sĩ diệu kỳ phía sau đôi mắt kiếng cận thị nặng độ. Tôi hứa sẽ viết một bài về các tác phẩm âm nhạc Bolero đặc sắc của ông, về cuộc đời đáng yêu của ông. Và tôi đã làm được điều đó trên tờ Thanh niên bán nguyệt san số ra tháng 3/95, trong đó tôi ca ngợi ông như một nhạc sĩ tài năng biến điệu Bolero Nam Mỹ trở thành một phong cách Bolero Việt Nam chậm rãi, trữ tình và đầy ấp niềm tâm sự với ca từ rất lạ, rất sáng tạo mà chưa nhạc sĩ nào làm được.

Một chiều nào trên bến cô liêu

Xóm ven sông tiêu điều

Buồn hắt hiu mây chiều…

Tình của người thôn nữ

Vừa trao người viễn xứ

Trên sông khuya mênh mông

Đôi bóng đẹp đôi

(Đò chiều)

Nhạc sĩ Trúc Phương đã yêu, đã sáng tác nhiều ca khúc Bolero trữ tình nổi tiếng. Khó ai có thể quên được những Đò chiều, Nửa đêm ngoài phố, Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Ai cho tôi tình yêu, Chiều cuối tuần… man mác tâm sự cô đơn của ông. Nhạc của ông đem lại cho người khác hạnh phúc; người thưởng ngoạn có được những bài Bolero vừa bình dân vừa bác học; chủ hãng băng đĩa in sang vô tội vạ làm giàu khá nhanh. Còn riêng ông, ông được gì? Một cuộc sống hạnh phúc vụt khỏi tầm tay, một đời cô đơn cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở thành người thiên cổ và những mối tình đứt đoạn như những dây tơ đàn lên quá diapason.

Mưa lên phố nhỏ

Có một người vừa ra đi đêm nay

Để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi (Mưa nửa đêm)

Trong những ca khúc của ông, cái hồn Nam Bộ lãng mạn, trữ tình và bình dị, đậm đà đã được hình thành một cách hết sức rõ ràng. Bức thông điệp mà ông gởi đến cho đời sao mà buồn thê thiết. Hầu hết các ca khúc đều nói về những tình yêu dang dở, những người yêu xa biệt. Đò chiều là một đột phá duy nhất, trong đó ông phác nên một giấc mộng đoàn viên. Nhưng người khác thì đoàn viên, còn riêng ông, hai từ ấy chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng.

Mong sao đừng quên mỗi lần

Chiều qua cuối tuần

Có tôi đợi trông em khi phố cũ vừa lên đèn (Chiều cuối tuần)

Nếu âm nhạc là tiên tri của định mệnh thì chính âm nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương là những lời tiên tri đúng như thế. Tâm trạng cô đơn đã khiến cho tác phẩm của ông trĩu nặng những u hoài ly biệt và tác phẩm báo trước một ngày ra đi.

Tôi thiếp đi trong niềm vui

Và đêm rớt những giọt mưa cuối cùng (Mưa nửa đêm)

Đêm nay, giữa Hà Nội mùa thu có cơn gió heo may chớm về, thoáng nghe chút hương hoa sữa đầu tiên thoảng qua trên phố, tôi nhớ thương nhạc sĩ Trúc Phương, nhớ thương anh biết bao nhiêu. Thôi thế là hết những lần gặp nhau và hát cho nhau nghe Anh Trúc Phương đã thiếp đi trong niềm vui về cõi tiêu dao. Anh đã đi trên chuyến đò chiều của mỗi đời người. Đêm Hà Nội không mưa mà mắt tôi chợt ướt.

Vũ Đức Sao Biển

Bài Mới Nhất
Search