T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Lettre a France, Michel Polnareff và những chuyện bên lề

clip_image010

Michel Polnareff Pop Rock En Stock L’intégrale… ou presque ! Coffret 23 CD

Đã có một lần, tôi với em,

Đừng quên nhé một thời, tôi với em.

 

Từ khi xa em, xa rất xa,

Tôi cảm thấy như tôi đã đánh mất chính tôi,

Và tôi luôn nghĩ tới em.

Em chỉ cách xa tôi sáu múi giờ thôi,

Còn tôi cách xa em hàng mấy năm trời,em ở tận nơi xa ấy

Sự khác biệt có chăng, là sự im lặng đôi khi tôi cảm thấy tận đáy lòng …

(Dịch thoát phần đầu nhạc phẩm Lettre à France, nhạc Michel Polnareff, lời Jean-Loup Dabadie)

Với những lời ca bàng bạc nhớ thương, với lối nhân cách hóa nước Pháp như một người tình, ca nhạc sĩ Michel Polnareff đã đưa người nghe – nhất là những kẻ xa quê hương như tôi – vào một không gian của một Lá Thư gửi nước Pháp, chứa chan những kỷ niệm vui buồn. Tôi biết đến Michel Polnareff trước đây chỉ qua vài ba bài nhạc hay nhất của ông, đó là Love Me, Please Love Me, rồi Holidays, Lettre à France và sau cùng là Goodbye Marylou. Riêng Lettre à France tôi chỉ nghe qua hai ban nhạc hòa tấu Paul MauriatRaymond Lefèvre, nên không có dịp tìm hiểu lời ca. Thế rồi, trong một dịp gần đây, với lòng quyết chí tìm hiểu nguồn gốc của những bài nhạc tuyển Pháp quốc, tôi đã “phát hiện” ra Michel Polnareff, tìm cách nghe phần lớn các nhạc phẩm cùng xem những video về ông trên YouTube, cũng như đặt mua các CD nhạc và những quyển sách liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.

clip_image002

Bản nhạc tờ – Nguồn: www.amazon.fr

 Thế nhưng tại sao ông lại phải viết một lá thư gửi nước Pháp? Câu chuyện rất ly kỳ, nhưng nói tóm tắt thì năm 1973, trong lúc sung sức nhất, đỉnh cao nhất của sự nghiệp sáng tạo, ông bị nhân viên tài chánh cuỗm tiền chạy mất, để lại một khoản tiền thiếu thuế khổng lồ. Cùng khoảng thời gian đó, ông bị khủng hoảng nặng nề vì những chuyện không may khác dồn dập xảy ra: người đỡ đầu Lucien Morisse (giám đốc đài Europe #1 và Disc AZ, cũng là chồng danh ca Dalida) tự tử, rồi mẹ ông qua đời, rồi ông bị phạt 60 ngàn quan về tội dám trưng bày 6000 áp phích với “mông trần” khắp Paris để quảng cáo show Polnarevolutionở Đại Hí Viện huyền thoại Olympia (cuối năm 1972.)Mặt khác, với lòng vốn say mê,”thần tượng” những kỹ thuật tân kỳ và lối chơi nhạc, thu âm nhạc tuyệt hảo của Hoa Kỳ, đồng thời cũng muốn tạo dựng tên tuổi mình bên Mỹ, ông bèn lên tàu thủy France tạm lánh nạn ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Sau khi tạm trú tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục sáng tác nhạc và hát với cả lời Mỹ lẫn Pháp, nhưng ông vẫn luôn dõi mắt trông về xứ sở bên bia bờ đại dương. Trong một lần ngồi quán cà phê ở Nữu Ước, ông nghe văng vẳng một nhạc phẩm Pháp, rồi nao nao nghĩ về quê nhà. Một giai điệu thoáng qua bất chợt trong đầu, ông liền viết ngay xuống tờ giấy chùitay (napkin) những nốt nhạc dạo đầu cùng điệp khúc. Không bao lâu sau, ông hoàn tất bài nhạc và giao phó cho ông Jean-Loup Dabadie – một nhà viết lời cự phách và cũng đã có nhiều thành công trước đây cùng với Polnareff – để hoàn tất bản nhạc. Tất nhiên, Polnareff đã không quên dặn dò ông Dabadie tìm tòi những ý tưởng, lời văn diễn tả đúng tâm trạng hoài cảm về cố hương của ông.

Không phụ lòng trông đợi của Polnareff, ông Dabadie đã hết sức thành công trong việc đặt lời cho bản Lettre à France, góp phần không nhỏ cho sự thành công tột bậc của bài nhạc vào mùa hè năm 1977, tạo tiền đề cho sự trở về Pháp rất lẫy lừng của Michel năm 2007. Qua bản nhạc, người nghe thông cảm được với tâm tư của Michel, lúc nào cũng ngong ngóng nhớ về cố hương nơi mà “em không phải lúc nào cũng là người đẹp nhất, còn anh thì cũng không thể chung thủy tuyệt đối cùng em. Nhưng ai mà biết được chuyện tương lai của chúng mình sẽ ra sao?” Dabadie quả thật đã nói hộ tấm tình của Michel với những lời chia sẻ thầm kín: “Oui, đôi khi anh quá điên cuồng yêu em, cho dù anh không nói ra, nhưng tình yêu là thế đó, rằng anh luôn nghĩ về em tận sâu thẳm đáy lòng.”

Có xem video trên YouTube bài hát do Michel Polnareff trình diễn live ở Bercy năm 2007, ta mới cảm nhận rõ tài năng của người nghệ sĩ, cùng lòng yêu âm nhạc ông từ người hâm mộ. Mười bẩy ngàn khán giả hát say sưa, chiêm ngưỡng cú adlib thần sầu của ông trên piano (khoảng phút thứ ba) cũng như guitar adlib của nhạc công trước đó. Hai ba thế hệ người nghe, ta thấy cả mẹ lẫn con say mê bá vai nhau hát theo. Trong một hình ảnh khác, ta chứng kiến một nữ khán giả mặt rạng rỡ hát rồi nhắm nghiền mắt lại tận hưởng niềm hoan lạc của buổi trình diễn – khi thần tượng của mình chính thức trở lại công diễn trên đất Pháp sau ba-mươi-bốn năm vắng mặt sân khấu.

clip_image004

Khán giả thưởng ngoạn bài Lettre à France – Nguồn: youtube

Tôi còn nghiệm ra, nếu chỉ nghe nhạc hòa tấu, ta sẽ không thấy hết được vẻ đẹp toàn mỹ của bài nhạc. Với hai lối chơi hơi khác nhau của hai ban nhạc Paul Mauriat hay Raymond Lefèvre, ta nghe ra một giai điệu đẹp, và chỉ thế thôi. Với Michel Polnareff, ta thấy xúc cảm của chính tác giả qua câu dạo đầu piano đơn giản, rồi lối hát như kể chuyện thật lôi cuốn, với lối nhả chữ thật đặc trưng. Sau khi nghe trọn hai điệp khúc, ta hiểu trọn vẹn câu hát “l’amour à faire de ça”, rằng tình yêu phải làm bằng cả yêu lẫn ghét, rằng “giận thì giận, mà thương thì thương”.

clip_image006

Câu guitar adlib trộn lẫn, cùng lúc đối chọi với tiếng hát bè ở giữa bài “Đã có một lần, tôi với em, Đừng quên nhé một thời, tôi với em thực là đỉnh điểm của bài nhạc, làm người nghe rùng mình vì câu adlib quá “rock” mà cũng quá “pop”, và rất phù hợp với tâm trạng giằng xé giữa yêu và ghét, giữa tâm trạng nửa chung thủy, nửa ruồng rẫy của tác giả.

Gần đây, người viết đọc được một bài khảo cứu được dịch sang tiếng Anh trên mạng, với tựa đề “The production of success: an anti-musicology of the pop song”, tác giả là Antoine Hennion. Bài viết chỉ rõ rằng sự thành công của một bản nhạc pop là do bốn yếu tố sau, mà Lettre à France là một bằng chứng hùng hồn:

1: giai điệu (tune),

2: lời ca (lyrics),

3: ca sĩ (singer), và

4: sự pha trộn, gia giảm (mixture) của ba yếu tố đầu.

Tôi nghiệm ra rằng suốt 8, 9 năm vừa qua vì chỉ nghe nhạc hòa tấu, tôi vô tình tự giảm khả năng thưởng thức âm nhạc đại chúng của mình từ 100% xuống chỉ còn 25%, vì đã tự loại trừ lời ca, ca sĩ, lẫn cách pha trộn các yếu tố! Những lý giải khác của bài khảo cứu trên cũng chứng minh cho riêng tôi thấy là một khi bài hát với ca sĩ và lối phối nhạc đã nhập tâm, thì tôi không thể nào cảm được cùng bài hát ấy, nhưng với ca sĩ và cách hòa âm khác!

Bài Lettre à France còn làm tôi suy nghĩ đến thật nhiều điều khác, thí dụ như tâm trạng lưu vong không ngày về của tôi, về lời hát phổ từ thơ “Quê hương mỗi người chỉ một” của thi sĩ Đỗ Trung Quân, trong khi tôi thì đã “xin chọn nơi này làm quê hương”. Vậy thì người ta có hai quê hương được không??? Tôi cũng thử vụng về viết lời cho phiên khúc của bài Lettre à France, mời bạn cùng ngân nga hát theo bài gốc sau:

Thư Gửi Em

[Lời Việt (dang) dở của Học Trò]

Mình đã có một thời, em với anh!

Đừng quên nhé một thời, ta có nhau!

 

Từ khi anh xa em, xa rất ra,

Anh như chim bay quên lối về,

Và anh luôn nhớ đến em …

 

Em, nơi phương xa em có biết chăng?

Bao nhiêu năm ta chưa thấy nhau

Còn đó giấc mơ hồi hương!

 

Ôi, nỗi nhớ thương!

Thân lưu vong câm lặng,

Xót xa tận đáy trái tim!

Từ khi “cảm” được nhạc của Michel Polnareff, tôi đâm ra “nghiện” nhạc của ông. May mắn thay tôi tìm mua được “box” nhạc với 100 bài hay nhất của ông, rồi sau đó là hai CD live ông trình diễn năm 2007 và 2016.

clip_image008

Tưởng vậy là “ngon” rồi, cách đây hai tuần tôi được biết nhạc sĩ sẽ tung ra (tháng 12/2017 này) toàn bộ tác phẩm đã từng ghi âm trong suốt trên 50 năm sáng tạo của ông, với 1 collection gồm 23 đĩa !!!Giá cả chắc trên dưới 100 USD, chắc từ từ tôi cũng phải tậu thôi, lỡ làm fan rồi, biết làm sao? Ông có một đặc điểm khác là mỗi khi có dịp trình diễn live, ông rất hay phối lại cách khác, hay dùng intro khác. Tôi có bốn bản Lettre à France khác nhau: bản gốc, bản live ở Roxy 1996, bản live 2007 ở Bercy, và bản live 2016 ở Olympia, bản nào cũng khang khác nhau và cũng hay hết! Làm fan phải cố công tìm hết các bản khác nhau!

Trong khi chờ đợi, tôi muốn bạn cùng khám phá và thưởng thức những tác phẩm để đời khác của Michel Polnareff như: Love me please love me, Goodbye Marylou, L’Amour avec toi, Ame caline, Holidays, Le Bal des Laze, Une simple mélodie, Qui a tué grand-maman, Je suis un homme, J’ai tellement de choses à dire,On ira tous au paradis, La poupée qui fait non, Tout tout pour ma chérie,Je re6ve d’un monde… cũng như một số bài thành công khác như: Je t’aime, Radio, Tam Tam,Sur un seul mot de toi, Elle rit, Le belle veut sa revanche, v.v. , chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.May mắn thay, một fan ruột với bí danh sdup đã gửi thật nhiều “clip” nhạc lên YouTube tại địa chỉ sau, mời bạn cùng xem.

https://www.youtube.com/user/sdup/videos?disable_polymer=1

Chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại bạn trong một kỳ tản mạn tới.Mến chúc bạn một Lễ Tạ Ơn thật ấm cúng bên gia đình.

Tiểu Sài Gòn, Tháng 11 năm 2017

Học Trò (https://hoctroviet.blogspot.com/ )

Tài liệu tham khảo:

1. Eudeline, Christian. Derrière les lunettes: La biographie de Michel Polnareff. Fayard. Kindle Edition.

2. Polnareff, Michel (avec la collaboration de Phillipe Manoeuvre.) Polnareff par Polnareff. Grasset.

3. Cachin, Benoit. Polnaculte. Tournon.

4. Polnareff: Quand l’ecran s’allume [Documentaire] RTBF 19/09/14. https://www.youtube.com/watch?v=OBQALRt844U

5. Dicale, Bertrand. Dictionnaire amoureux de la chanson française. PLON. Kindle Edition.

6. Calvet, Louis-Jean. Cent ans de chanson française. Archipel. Kindle Edition.

7. Lecoeuvre, Fabien. Le petit Lecoeuvre Illustré Dictionaire: Histore des Chansons de A à Z. Edition du Rocher.

8. Hennion, Antoine. The production of success: an anti-musicology of the pop song.Dịch sang Anh ngữ: Marianne Sinclair và Mark Smith. Có thể tải về ở đây: http://www.academia.edu/866652/The_production_of_success_an_anti-musicology_of_the_pop_song

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search