T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Xé Lá Thư Tình Và… Hình Người Yêu.

 clip_image002

(Tranh minh họa do họa sĩ Lương Trường Thọ tặng)

Cơm nước xong, theo lời đề nghị của nội tướng, gia đình tôi ngồi lại coi video “Lá Thư Chiến Trường” của trung tâm Asia. Vị nể tình vợ con nên tôi phải ngồi cho có mặt vậy thôi chứ khiếu văn nghệ của tôi thì tồi vô cùng, nhất là đối với những sáng tác về sau này đại loại như: “Tình anh ngọn nến, xin em đừng đến”, hoặc giả “dậy đi em đừng ngủ dây dưa, dậy đi em mà nấu canh chua”, nhất là sau 10 năm đại hộc máu XHCN mà nghe các cô cậu hét bên tai “Trái tim ngục tù” thì chỉ có chết! Lời ca tiếng hát không hợp khẩu vị, quần áo ca sĩ thì nghèo nàn, xệ trên hở dưới thấy mờ mờ ảo ảo, dẫu có nhìn sát màn hình thì chỉ thêm nhức đầu, chẳng ích gì cho tuổi xế chiều.

Hơn nữa, không hiểu sao hồi này cứ sau bữa cơm tối là cô nàng “Song Thị Nhãn” lại rủ tôi lên giường sớm, viện cớ với lý do “căng da bụng thì chùng da mắt”, da bụng căng ra thì sẽ kéo da ở mắt khép lại, nhưng khi đi khám… bác sĩ, thì ổng lại nói rằng sau khi ăn xong, đường trong máu tăng cao làm ta buồn ngủ chứ không phải tại da bụng căng ra làm mi mắt kéo lại. Đang lơ mơ ngủ gật, tôi giật mình nghe tiếng con gọi:

-Bố bố, dậy mà xem trên TV người ta đang đọc lá thư chiến trường của Thiếu Tá Huỳnh Văn Phú kìa, lời thơ tình tứ và cảm động quá! Có phải đó là thư của bác Phú TQLC/K19 “của nhà mình” không? Có phải bác ấy viết cho bác Phượng không? Nếu không phải bác Phượng, má của Mimi thì làm sao bác Phú dám liều mạng đưa thư gửi người tình lên tizi?

Tuy chưa mở mắt ra được, nhưng nghe con hỏi là tôi biết tác giả lá thư tình đó là ai rồi. Trong chốn văn chương tình ái, chưa có ai trùng tên Phú họ Huỳnh nên tôi xác định ngay:

– Còn ai vào đây nữa, chính là bác Phú K19/TQLC ..“của nhà mình” đấy.

Không hiểu con gái tôi học được ở đâu câu nói: “của nhà mình” thay vì “bạn của bố”. Không riêng bác Phú mà bất cứ bác nào cháu biết thì đều vơ vào “của nhà mình”, có lẽ ý cháu muốn..“thấy sang bắt quàng làm họ”. Bác Doan, bác Bàng, bác Chiến, bác Giáng, bác Miên, bác Khương, bác Hải, bác Lâm, bác Đức, bác Cống, bác Cảo v.v.. đều là “của nhà mình” cả. Tôi đã nhắc cháu nhiều lần rằng nói như vậy có thể làm các bác buồn, nhưng cháu lại lý sự: “gọi như vậy nghe thân tình hơn” chứ bố (?).

Thấy con biết kính mến bạn của bố khiến tôi vui vui bèn giải thích thêm:

-Lá thư có thật đó con, bác Phú viết cho người yêu, còn người yêu là ai thì bố không nhớ hết, vì là lính đánh giặc từ Bến Hải đến mũi Cà Mâu, dừng quân đâu là có tình yêu đó. Độc thân vui tính biết thả ..thơ, biết tán, có tài khôi hài làm người khác cười tít mắt thì ắt có nhiều tình yêu, có nhiều thì sợ gì mà không dám kể.

Thấy bố mạnh miệng bênh vực cho bạn, con gái nháy mắt với mẹ ngồi bên:

-Bố có dám kể cho mẹ và con nghe lá thư bố viết cho người yêu không?

-Không nhớ hết những lá thư bố viết, và viết cho những ai, có lá thư bố viết cho những người tên Mai Liên, Thu Cúc, Trúc Xinh, v.v.. thì bị trả lại với dòng chữ ghi trên bì thư “không có người nhận”. Có một lần nhận được thư hồi âm của người yêu, bố chưa kịp đọc thì lá thư đó bị xé nát…

Vừa nói xong câu đó thì tôi thấy nhói bên hông, hình như có người nào nhéo ba sườn thì phải, rồi nghe tiếng ai thì thào bên tai: “xạo hoài”! Nhưng con gái thì không biết chuyện vợ chồng tôi vừa “cấu-chí” nhau nên cháu hỏi bố tới tấp là ai mà dám xé thư người yêu của bố? Người xưa ấy là ai? Yêu từ hồi nào, hiện nay bà ấy ở đâu? Canada hay Hoa Kỳ, hoặc còn kẹt lại ở Việt Nam? Đã có gì với nhau chưa? Có phải lá thư bị mẹ của con xé vì bả ghen..?

Liếc sang mẹ con gái, thấy bà ấy đang ngó lên TV nên tôi nói nhỏ với con:

-Coi chừng bố bị xé xác bây giờ!

Sau đó tôi kể chuyện lá thư tình bị xé cho con gái nghe đầu đuôi là thế này:

Tết năm 1963, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị là Thiếu Tướng Trần Tử Oai cho phân nửa K19 có điều kiện… đi phép tết, nhân dịp này, tôi quen được cô Th.., nữ sinh lớp đệ tam Gia Long, em họ của người bạn cùng học Pétrus Ký. Đêm giao thừa, SVSQ Võ Bị cầm tay cô nữ sinh GL, dung giăng đi xem hoa Tết và xin xâm ở Lăng Ông, Gia Định, xâm phán: “Tiền hung hậu kiết”, nghĩa là tình trục trặc lúc ban đầu, hồi sau sẽ đẹp.

Th.. và tôi quen nhau từ Tết 1963, mới chỉ tay cầm tay, “anh tiền tuyến em hậu phương” thôi, chưa có gì với nhau hết. Thư đi tin lại được vài năm thì “không phải tại anh mà cũng không phải tại em” mà tại vì chiến tranh nên tình yêu bị gián đoạn, mất liên lạc cho đến Tết Mậu Thân 1968, tức 5 năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khá bất ngờ.

Nghe tôi kể vậy, con gái tưởng tôi thêu dệt nên nói tiếp theo thay lời bố:

-Lại là chuyện tình éo le thời chiến, hai người yêu xưa gặp nhau trên phố, em đã tay bế tay bồng dắt theo ông chồng gìa, còn anh bận lo giữ biên cương nên vẫn còn độc thân, nay gặp nhau, liếc mắt ngậm ngùi rồi đường ai nấy đi! Có phải vậy không?

– Không phải gặp nhau trên phố, cô ấy cũng chưa có chồng, mà là gặp lại trong một trận “đánh nhau”.

Mắt con gái tròn xoe ngạc nhiên vì hiểu lầm chuyện “đánh nhau”, còn mắt mẹ thì cứ lơ đãng nhìn đâu-đâu, nhìn lên TV xem người ta đọc những “lá thư chiến trường”, phần tôi thì nhớ lại kỷ niệm ngày gặp lại Th.. khá bất ngờ trong trận Mậu Thân 1968 sau mấy năm xa cách và những gì xẩy ra sau đo cho tới ngày lá thư tình bị xé.

Tết Mậu Thân 1968, VC đánh chiếm nhiều nơi ở Saigon Chợ Lớn, TĐ2/TQLC đang hành quân tại Cai Lậy thì được trực thăng Chinook bốc về Saigòn, đổ quân xuống ngay trong sân cờ Bộ TTM. Rồi từ ngày đầu Tết Nguyên Đán TĐ2 hành quân liên tục khắp nội, ngoại thành phố Saigon Chợ Lớn, từ đợt 1 qua đợt 2 (tháng 5/68) cho tới tháng 9/68, Saigon thanh bình TĐ2 mới rời Saigon đi Hố Bò, Bời Lời (chiến khu D).

Vì VC đánh chiếm nhiều nơi trong thành phố nhưng mỗi nơi chỉ là những đơn vị nhỏ cấp đại đội, trung đội hoặc các toán đặc công nên TĐ2/TQLC ít khi phải hành quân chung cấp tiểu đoàn mà thường giao cho mỗi đại đội, với quân số trung bình trên 100, để thanh toán những mục tiêu khác nhau.

Sau khi cùng Đại Đội 2 của Đ/Úy Vũ Đoàn Dzoan thanh toán mục tiêu khu vực chùa Ấn Quang (bắt tên Bảy Lốp tại đây), đại đội tôi được lệnh thanh toán mục tiêu tại bến xe đò Miền Tây, nằm trên đường Thành Thái (Chợ Lớn).

Xe GMC đổ quân chúng tôi xuống tại ngã ba đường Thành Thái và Cộng Hòa để tiến dần về hướng Chợ Lớn, dọc theo hai bên đường Thành Thái, vượt qua ngã tư đường Thành Thái & Trần Bình Trọng vẫn an toàn, nhưng khi trung đội đi đầu gần tới bến xe thì súng nổ, một vài anh em bị thương nhẹ, tôi cho tạm dừng quân để báo cáo và thăm dò địch tình, tìm cách thanh toán mục tiêu cách nào để hạn chế tối đa thương vong, “đánh giặc trong thành phố”, địch tra trộn với khu vực dân thật khó nuốt vì không được dùng hỏa lực của pháo binh và không quân yểm trợ.

Trong lúc chúng tôi tạm dừng quân thì dân chúng hai bên đường hé cửa bước ra hỏi thăm. Dĩ nhiên quân tới đâu thì dân được bình an tới đó, nhất là những chú nhỏ chưa tới tuổi “tòng quân” mà thấy lính với súng đạn quanh mình thì các chú khoái lắm, tò mò bu quanh để tìm hiểu hỏi han đủ chuyện…Chợt thấy ai cầm tay tôi lắc lắc và gọi tên, ngó xuống, tôi nhận ra Tuấn, một trong số 8 em trai của Th..

-Ê Tuấn, sao em đến đây và nhận ra anh?

-Lúc đầu em ngờ ngợ nhưng sau thấy tên anh trên nắp túi áo nên em nhận ra, nhà em ở kia kìa… mấy hôm rồi sợ quá nên cứ đóng cửa, nay thấy lính về tụi em mừng quá.

Tuấn vừa nói vừa tay chỉ về căn nhà gần đấy…Tôi sực tỉnh nhớ lại đó là nơi tôi từng lui tới trước đây, số nhà là 347 đường Thành Thái, tôi vội hỏi Tuấn:

-Cả nhà bình an hết chứ Tuấn*?

-Ba mẹ và các em bình an nhưng… anh Phong tử trận cách nay nửa năm rồi!

(*Sau này, Tuấn đi trên HQ10 và đã hy sinh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974 và đã được “thủy táng”. Nói là thủy táng cho yên lòng gia đình có hai con trai tử trận chứ thực ra là mất xác ngoài biển. Theo lời thuật lại của một đồng đội cùng tàu HQ 10, trở về sau khi thoát chết, thuật lại diễn tiến thì Tuấn bị trọng thương ở đầu, được thủy thủ đem xuống xuồng vượt thoát, nhưng vài giờ sau thì Tuấn tắt thở, bắt buộc đồng đội phải thả Tuấn xuống biển!)

Tin Phong tử trận làm tôi choáng váng! Phong là con trai trưởng và là em kế của Th… Muốn được cảm tình của chị thì phải “lấy lòng” mấy cậu em trước nên tôi và Phong rất thân với nhau, Phong giúp tôi liên lạc thư đi tin lại, Phong “ét-coọc” chị ra khỏi nhà để ba-mợ an tâm, khi chúng tôi gặp nhau rồi thì Phong đi chơi riêng v.v…vậy mà “cậu em” tử trận tôi không biết! Tôi cũng không nhận ra chỗ đang đứng là khu nhà Th..

Xin các em hậu phương đừng trách lính chiến chúng tôi vô tình, mau quên. Trước mắt tôi lúc đó là địch quân, “bắn chậm thì chết”, kế bên tôi, vài chú em bị thương chưa chuyển đi được, nhiệm vụ quan trọng hơn hết, mọi tình cảm gia đình, cha mẹ, vợ con tạm gác qua một bên, nhất thời tôi chưa nhận ra chốn cũ là do vậy.

Không chỉ riêng tôi, mà hầu như 99% các cấp chỉ huy lính chiến, dù là trung đội trưởng, đại đội hay tiểu đoàn trưởng v.v.., trước mặt địch quân thì “súng là vợ, đạn là con”, còn đồng đội là những người thân yêu nhất, sống chết bên nhau, có nhau.

Chúng ta hãy nhớ lại xem… vào những ngày tháng đau thương 3-4/1975, có biết bao các cấp chỉ huy đã từ chối lời kêu gọi, năn nỉ của cha mẹ, vợ con: “Về đi” để cùng gia đình đến chốn bình an, nhưng vì nhiệm vụ họ đã cương quyết ở lại cùng đồng đội cho tới giờ phút cuối cùng, cùng chia nhau một trái mãng cầu “gài”, hoặc miệt mài 5-10-15 năm trong ngục tù CS. TT Thiệu nói: “Mất nước là mất tất cả”, nhưng các cấp chỉ huy ở lại với đồng đội dù có mất gia đình nhưng không mất đồng đội, họ sống và chết bên nhau nên mãi mãi vẫn còn danh dự, còn cái tình khi tỵ nạn CS ở hải ngoại.

Sau khi giải tỏa mục tiêu xong, tôi trở lại thăm gia đình Th và chia buồn cùng ba-mợ Th.., thắp nén nhang cho Phong. Ba của Th.. cảm động khi tôi tới chào, ông nói:

-“Các cháu đánh giặc giỏi lắm, lính của các cháu rất kỷ luật”.

Nghe sao mà ấm lòng, và thật mát dạ khi người cũ đưa tôi chai “33” và bao thuốc lá Ruby Queen (màu tím nhạt), hai thứ này là bạn thân của tôi. Ngoài yếu tố “tình cũ không rủ cũng đến” thì sự thương mến đời lính chiến của gia đình Th… khiến hai chúng tôi gắn bó hơn ngày xưa, nhưng tình vẫn chỉ là chuyện tình lính, một năm dăm ba ngày phép, rủ nhau dạo phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, ăn gỏi đu đủ bò khô gan cháy, uống nước mía Viễn Đông, ngồi café Mai Hương v.v.. Hết phép anh trở ra tiền tuyến em ở lại hậu phương, “chúng ta cách xa hoài”!

Tình yêu vẫn chỉ là thư đi tin lại, yêu nhau trên giấy được hơn một năm.. cho tới một hôm, ngày 19/6/1969, TĐ2/TQLC hành quân vùng Hỏa Lựu, tỉnh Chương Thiện, dừng quân bên hông chợ Hỏa Lựu để nhận tiếp tế và thư từ do hậu trạm mang tới. Tôi cũng nhận được lá thư của Th.., chưa kịp ngắm nghía cái tên người gửi thì hai chàng ĐĐT/ĐĐ2 và ĐĐ4 là Đ/Úy Trần Văn Hợp, Đ/Úy Vũ Đoàn Dzoan cùng với Phạm Hiệp Sĩ, thuộc TĐ4/TQLC cùng hành quân chung, đến kéo tôi vào quán cháo lòng bên hông chợ… Buổi sáng sương mù phủ kín đồng quê, trời lạnh, cháo nóng, bạn đồng khóa đông (4 tên), lại thêm cái bi-đông đế luôn bên hông của Hiệp Sĩ nên tôi để yên lá thư tình trong túi áo.

Khi đi hành quân, đang leo núi, băng rừng, lội sình mà nhận được thư gia đình, nhất là thư của người yêu thì mừng và quý lắm, cứ như gặp được người thật. Tâm trạng mừng vui tùy người, có anh vồ vập đọc ngay, có chàng từ từ mà cởi, mà mở sao cho cái bì thư không bị rách (?). Chàng khác thì cầm chắc trong tay cứ như “tay lại cầm tay”, mắt len lén nhìn quanh xem có ai để ý không rồi từ từ đưa thư lên mũi hôn như để tìm mùi da tay, mùi nước hoa quen thuộc. Còn tôi thì lúc nào cũng hôn tên người gửi rồi gói kỹ lại để dành tới cuối ngày khi dừng quân nằm đong đưa trên võng, uống café, hút thuốc lá mới bóc thư tình.

Còn gì vui bằng khi đóng quân xong, leo lên võng, đặt thư tình lên ngực tưởng như hai ta cùng nắm chung võng, vừa đu đưa vừa đọc thư, kéo một hơi thuốc lá, nhả khói vòng tròn thấy khuôn trăng người tình trong đó. Chuyện lính chiến trường khi dừng quân, nhận và đọc thư người yêu thấy lãng mạng và dễ thương làm sao! Người hậu phương nếu biết được tình cảm này chắc chẳng bao giờ nỡ cách xa, nỡ sang ngang, hay không bao giờ muốn chuyện tình “đôi ta lại vỡ đôi”.

Nhưng thực tế không đẹp như mong ước mà nhiều khi còn vỡ nát con tim, gặp nhiều đau thương sau khi đọc thư tình: “Anh ơi, em vẫn thương anh, nhưng mẹ bắt em đi lấy chồng, em không muốn mất chữ hiếu!”. Cũng có khi chưa đọc thư, hoặc vừa đọc thư em xong thì anh lăn quay ra làm người thiên cổ!

Ai đã từng đọc “Những Buổi Sáng Của Lựu” trong tập truyện “Mùa Xuân Âm Thầm” của nhà văn Huỳnh Văn Phú chắc khó tin đó là chuyện tình có thật, chuyện tình đẹp như tranh giữa Trung Úy TQLC Nguyễn Quốc Chính, K20/Võ Bị, và người tình tên Lựu, nhưng nửa đường gẫy gánh!

Đã lâu lắm rồi nhưng tôi còn nhớ rõ như mới xẩy ra, chiều ngày 29/12/1967, sau khi đóng quân xong, Chính và tôi nằm võng cạnh nhau bên bờ sông Cai Lậy, café, thuốc lá và tâm tình, Chính lấy thơ của Lựu ra đọc, họ mới trao nhẫn đính hôn trước khi đi hành quân. Sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, hôn hình vợ chưa cưới, Chính thở dài:

– Sao lần này đi hành quân, em thấy có cái gì lấn cấn và nhớ Lựu quá!

Chính là khóa đàn em và là đại đội phó của tôi, là một sĩ quan lý tưởng, chiến đấu gan dạ, giàu tình anh em, tôi ngạc nhiên vì cử chỉ khác thường của Chính nên chọc quê:

-Rõ chán! Chú mày mới đi dạm vợ thôi, vừa xa người yêu có vài ngày mà đã rối lên, chắc là chú mày nhớ cái “lấn cấn” phải không?

Sáng hôm sau, đại đội tôi đổ bộ trực thăng đầu tiên xuống kinh Cái Thia (Cai Lậy), Chính là đại đội phó nên thường đi với trung đội đầu, nhưng nhớ lại tâm sự buồn của chú chiều hôm trước nên tôi bảo Chính đi sau với trung đội súng nặng, nhưng Chính nhất định lên trực thăng nhẩy đầu với Th/Úy Huỳnh Vinh Quang (K22/VB), vì Quang mới ra trường và tôi giao nhiệm vụ cho Chính săn sóc Quang.

Trực thăng chở Chính và Trung Độ 14/ĐĐ1 của Quang vừa đáp xuống ruộng lúa ven bờ kinh thì bị VC trong bờ bắn ra rất mạnh bằng nhiều loại súng, không còn cách nào khác để tránh làm bia đỡ đạn, hạn chế thương vong là phải xung phong ngay. Từ phía sau tôi trông thấy rõ Chính cầm tấm bản đồ gấp tư phất tay cùng Quang và trung đội dàn hàng ngang, vừa bắn vừa tiến thẳng vào bờ kinh, khi người kinh binh đầu tiên bám được vào bờ cũng là lúc Quang báo cho tôi trong tiếng thét: “Anh Chính chết rồi!”.

Đạn xuyên màng tang! Nguyễn Quốc Chính đã “Đền xong nợ nước”!

Vừa đọc thơ người yêu, thơ vợ xong rồi tử trận như trường hợp của Nguyễn Quốc Chính không phải là hiếm! Tử sinh ngoài chiến trường nhanh như chớp mắt, có những điềm báo trước khó tin nhưng có thật!

Chiều tối đóng quân, sau khi Chính Tử trận, tôi ngồi trên nón sắt, hai tay ôm đầu bên miệng hố cá nhân mà khóc chú em. Có phải là dị đoan chăng khi Lựu có nốt ruồi dưới khóe mắt mà dân gian thường gọi nốt ruồi ấy là “thương phu trích lệ”. Tôi cương quyết gạt bỏ cái tính mê tín dị đoan ngay. Chính hy sinh không phải vì cái nốt ruồi mà vì lòng dũng cảm của một lính chiến, vì tình huynh đệ của đồng môn Võ Bị, Chính tình nguyện nhẩy trực thăng đầu tiên là do muốn hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho đàn em mới tra trường, chứ không hẳn Chính là đại đội phó là cứ phải nhảy đầu, đi với trung đội đầu là “bình thường” như lời “quan bạn” đã phán!

Tôi đang mơ màng nghĩ đến Chính, chú em thân thiết hơn ruột thịt mới “ra đi” thì người em cận vệ của tôi, B1 Nguyễn Văn Đá, mồi thuốc xong cho 2 hiệu thính viên, Hạ Sĩ Thà và B1 Tám, quay ra thấy tôi buồn nên Đá đưa điếu thứ ba cho tôi, hai cái đầu chụm vào nhau để mồi thuốc, ánh lửa vừa đỏ lên thì nghe một tiếng “chát”, tiếng súng xé toạc màn đêm, Đá gục xuống, máu và óc thằng em văng đầy mặt tôi, tôi vội lăn xuống hố, chưa biết mình có bị thương hay không, lấy tay xoa khắp mình, không có cảm giác đau đớn, tôi không bị thương, nhưng môi nếm được vị mặn của máu và nước mắt, máu của em Đá, em nằm gục trên miệng hố. Đá quê Cát Lở, Vũng Tàu, em đi nhanh quá, chết nhanh như đạn đạo, em không còn đi bên tôi nữa!

Lính trận kiêng không mồi thuốc lần thứ ba, không châm cùng một mồi lửa cho ba người hút thuốc liên tiếp, họ cho đó là điềm xui, dị đoan cũng như dị đoan tin vào nốt ruồi “thương phu trích lệ”. Nhưng thực ra đó không phải là điềm xui, không nên tin đó là dị đoan, nguyên do chính là tên VC bắn tỉa, với cây CKC có ống nhắm, từ bìa rừng nó đã theo dõi mục tiêu. Khi đốm lửa đầu lóe lên để đốt điếu thuốc lần thứ nhất thì nó lấy đường nhắm vào đốm lửa, khi mồi điếu thuốc lần thứ hai, đốm lửa đỏ vừa lóe lên thì ngón trỏ tên VC đặt vào cò súng CKC, khi ánh lửa từ điếu thuốc thứ ba vừa lóe sáng là nó ..bóp cò, rất chính xác, viên đạn chưa xuyên táo là may. Trong đêm tối, không thấy gì, trừ đốm lửa là thấy rõ, dù rất xa, đốm lửa lóe lên ba lần là lãnh đạn của những tên bắn tỉa, không có dị đoan gì cả.

Khi tôi nhận được thư, nhìn tên người gửi, tôi cầm lá thư dầy là biết có hình trong đó, vì thư trước Th.. đã hứa “sẽ bất ngờ đến thăm anh”. Tôi biết cuộc hành quân vùng Chương Thiện này là phải lội qua nhiều kinh rạch nên tôi bọc lá thư thật kỹ bằng nhiều lớp nylon, giằng dây thung bên ngoài, để thư lên túi áo trái cho khỏi ướt.

Khi nghe tôi nói để thư trên “túi áo trái” thì con gái mỉm cười:

– Túi nào chẳng được mà bố lại tin dị đoan: “trai tay phải, gái tay trái”

– Không phải là tin dị đoan, mà vì trái tim nằm phía trái nên bố để thư của người yêu nằm phía túi áo trái đó cho…”.

Tuy là gái, nhưng cháu vẫn thường tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam và đang viết bài thuyết trình về tình yêu quê hương và gia đình của người lính VNCH nên cần những tài liệu sống, vì vậy nhân dịp này tôi kể lại chi tiết cụ thể của chính mình trong cuộc hành quân này cho cháu dùng làm tài liệu.

TĐ2/TQLC chia làm hai cánh để tiến vào mục tiêu, cánh A do TĐT Nguyễn Xuân Phúc chỉ huy, gồm có ĐĐ4 cùa Trần Văn Hợp, ĐĐ1 của Tr/Úy Lâm Tài Thạnh. Cánh B gồm có ĐĐ3 của tôi và ĐĐ2 của Dzoan. Đáng lẽ cánh B do TĐP là Thiếu Tá Nguyễn Kim Đễ chỉ huy, nhưng Anh Đễ đi nghỉ phép để chuẩn bị thành lập TĐ9/TQLC, nên Anh Phúc giao cho tôi coi cánh B.

Khi cánh B đổ trực thăng xuống cánh đồng ruộng nước để tiến vào làng thì tôi phát giác có dấu vết khả nghi trên các bờ mương, đường mòn dẫn vào mục tiêu. Theo lý thuyết học tại quân trường thì không bao giờ đi trên các đường mòn, vì vậy tôi cho lệnh đại đội lội dưới ruộng mà đi, men theo các bụi dừa nước để tiến vào làng. Nào ngờ, thực tế lại khác, VC đã gài sẵn mìn dưới gốc dừa nước, dây cước giăng chìm dưới nước luôn, làm sao biết mà tránh, mìn nổ tung ngay giữa ban chỉ huy cánh B, cố vấn Mỹ bị cụt tay, cận vệ tử thương, tôi bị trọng thương.

Đ/Úy Dzoan gọi máy báo cho Anh Phúc và Trưởng Ban Ba Chiến Đoàn là Đ/Úy Trần Kim Đệ, họ đang bay C&C, đáp trực thăng xuống tải thương cho tôi về bệnh viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Trong lúc y tá lựa thương tôi mới biết mình bị gẫy xương chân phải và tay trái, bể xương hàm, máu mũi và hai lỗ tai chảy ra. Tôi nghe loáng thoáng một bác sĩ lựa thương sờ chân tôi rồi bàn với nhau: “Phải cưa”! Vừa lúc đó thì bác sĩ TQLC Nguyễn Văn Hạnh đến nhận thương binh TQLC để chuyển thẳng ra phi trường về bệnh viện Lê Hữu Sanh tại Thị Nghè Saigòn điều trị. Tôi thều thào nói với BS Hạnh:

-“Đừng cưa”.

BS Hạnh mỉn cười, vỗ vỗ tay tôi an ủi rồi chích cho tôi thuốc ngủ, giảm đau.

Nửa tỉnh nửa mê nằm trên giường bệnh, toàn thân bị bó bột, thoáng nghe tiếng ai nhỏ nhẹ bên tai, nhướng mắt lên, nhận ra mẹ tôi và cô Th.., hai người thân yêu nhất đời tôi đang cạy những vết máu và bùn đã khô còn dính lại trên đầu và mặt tôi. Thấy tôi mở mắt, cô Th.. mỉn cười rồi thì thầm hỏi:

_ Anh đã nhận được thư và hình của em chưa?.

Lúc đó tôi mới sực nhớ đến lá thư trên túi áo trái, tôi vội hỏi Binh Nhất Xiêm, người em đi theo tôi, thì chú ấy lôi trong bọc nylon ra bộ đồ trận ẩm ướt hôi rình! Túi áo trái bị rách nát, lá thư và hình còn trong túi áo nhưng cũng bị rách! Trong bọc nylon gói lá thư còn có một miểng kim loại lớn hơn đốt ngón tay út.

Tôi hiểu ngay điều may mắn kỳ diệu đã đến với tôi, lá thư chưa đọc được bọc trong nhiều lớp nylon, tấm hình và những tờ giấy “pelure” tuy mềm nhưng đủ sức giữ miểng kim loại ở lại trong túi áo, nếu không có lá thư làm “lá chắn” thì chắc chắn miểng kim loại đó đã bay thẳng vào tim tôi! Tay run run cầm tấm hình bị xé rách và miểng đạn, tôi thều thào nói với người yêu:

– Thư và hình của em bị miểng đạn xé nát, nhưng chính hình em đã che chở cho anh, anh tặng em miểng đạn này để làm kỷ niệm… “khi em sang sông”.

Vừa nghe tôi kể tới đó thì con gái lau nước mắt rồi cười ré lên:

-Lãng mạng, lãng mạng: “Khi em sang sông, anh tặng em viên đạn đồng để làm kỷ niệm! Thế rồi cô Th.. thấy tương lai của bố mờ mịt, bố sẽ lê lết trên đôi nạng gỗ nên cô ấy sang sông, rồi bố được mẹ con mang về nuôi có phải không?

Nghe con cười và chọc quê bố, mẹ cháu cũng vui lây hát nho nhỏ:

– Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về làm dang dở đời em!

Lúc này thì trên TV, lá thư tình của nhà văn Huỳnh Văn Phú đã sang trang, mẹ toan đi ngủ thì con gái cầm tay mẹ kéo lại rồi quay qua điều tra bố thêm, cháu có vẻ như ghen thay cho mẹ.

-Thế cô Th.., người bố yêu ngày xưa ấy bây giờ ở đâu? Đã có chồng chưa, được mấy con? Chẳng hay cái… ấy hết hay còn, xuân sồn sồn nay được bao nhiêu tuổi và có bao giờ bố gặp lại bà ấy không?

-Gặp thường xuyên, bà ta tuy có chồng có con nhưng vẫn còn đẹp, bố và bà ta vẫn thỉnh thoảng cùng nhau coi lại tấm hình và lá thư tình ngày xưa bị xé rách.

Con gái tôi ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt:

-Thôi nghe cha (bố), bố đừng có lạng quạng với bà ấy mà có ngày cả bố lẫn con bị bỏ đói hay phải ăn food-to-go. Nhưng mà bố này, bữa nào bố mượn lại bà ấy tấm hình đó đem về đây cho con xem bà ta có đẹp hơn mẹ con không mà bố dám liều mạng.

-Nếu con muốn coi tấm hình đó thì hỏi mẹ, mẹ đang giữ.

clip_image003

Nghe tôi nói vậy bà già mỉm cười, còn con gái thì phụng phịu:

-Tưởng bố kể chuyện tình tiết éo le, hóa ra chuyện “huề vốn”, cô Th.. là mẹ Thúy, người trong hình bị xé là mẹ con! Xé lá thư tình và hình người yêu là do đạn xé chứ đâu phải bố. Chán bố quá!

Phila Tô

©T.Vấn 2017

.

Bài Mới Nhất
Search