T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Từ Công Phụng: Bài Cho Em

“. . .Tuy không phải là người dễ dãi trong sáng tác, nhưng số lượng tác phẩm của ông được người nghe chấp nhận và cảm thụ không ít. Hơn hai trăm tác phẩm trong đó nhiều ca khúc đã nằm sâu trong ngăn trí nhớ của người nghe như: Trên ngọn tình sầu, Mắt lệ cho người tình, Kiếp dã tràng, Giọt lệ cho ngàn sau, Tuổi xa người, Bài cho em, Vào mưa, Ơn em….”

Từ Công Phụng: Bài Cho Em

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Bai cho em 1

Bai cho em 2

Bai cho em 3

Bai cho em 4

 Bài Cho Em – Sáng Tác: Từ Công Phụng

Trình Bày: Nhật Trường (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

Từ Công Phụng

Người nhạc sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Từ Công Phụng và vợ trong một lần về thăm VN

Tuy không phải là người dễ dãi trong sáng tác, nhưng số lượng tác phẩm của ông được người nghe chấp nhận và cảm thụ không ít. Hơn hai trăm tác phẩm trong đó nhiều ca khúc đã nằm sâu trong ngăn trí nhớ của người nghe như: Trên ngọn tình sầu, Mắt lệ cho người tình, Kiếp dã tràng, Giọt lệ cho ngàn sau, Tuổi xa người, Bài cho em, Vào mưa, Ơn em….

Từ Công Phụng có cái nhìn tinh tế trước những vần thơ hay. Ông nắm rất nhanh cái hồn mà bài thơ ẩn chứa phía sau những con chữ bình thường. Đối với ông, cảm nhận ngữ nghĩa của bài thơ chưa đủ mà phải rung với cái thần của nó, bật ra những từ ngữ mới trong âm nhạc, làm cho nét nhạc long lanh và sâu đắm hơn.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng nói: “Khi tôi đọc bài thơ thì tôi cảm nhận giòng nhạc cho bài thơ đó, đó là khởi đầu cho một bài hát mà tôi có thể viết dựa theo thơ. Trong một bài thơ thường thường tôi làm thì tôi phải thêm vào hay bớt đi cho phù hợp với giòng nhạc. Ca khúc là một hình thức nhẹ nhất trong cõi nhạc vì cõi nhạc thì lúc nào cũng mênh mông mà giòng nhạc lớn thì phần đông khán giả họ nghe không được, họ không hiểu thấu, cho nên phải dùng tới ca khúc, có nghĩa là dùng nhạc và lời để diễn đạt tư tưởng của mình.

Thơ là một lời hát có sẵn, nếu trong lời thơ nó có nhạc, tuy nhiên nếu có người nào hiểu thấu về âm nhạc thì biết là nó có những tiết tấu của nó, nó có luật riêng của nó, và cái phần cân đối của nó, giống như mình viết văn vậy thôi, thì tôi phải bắt buộc ngắt đi hoặc tôi phải thêm vào. Ít có bài thơ nào mà tôi làm hết nguyên văn, mà tôi phải sửa đi chút ít, không ít thì nhiều, thế thôi.

Bài thơ nổi tiếng nhất của Du Tử Lê là bài “Trên ngọn tình sầu”, trong đó câu đầu tiên của nó là” Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi từ những ngày con nước lớn”. Cái dòng nhạc nó đi từ trên xuống, nó đổ xuống, tự dưng ở cuối nốt nó lại bốc lên cao thì nó không được đẹp nên bắt buộc tôi phải bỏ chữ “lớn” đi và tôi thế bằng chữ “về”, thí dụ như là “Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về” thì nó hợp lý hơn là “từ những ngày con nước lớn”, chẳng hạn như thế!

Về sau này có những giòng nhạc có những câu như là “ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng”, nó chỉ có một câu “ngoài trời mưa mau, tay vuốt mặt khôn cùng” nhưng tôi thêm vào “ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau, tay vuốt mặt khôn cùng”, và “bầy sẻ cũ hom hem chiều mái xám, trời em cao chân nhỏ cũng không về…” đó là nguyên văn, thì tôi sửa như thế này: “Bầy sẻ cũ hom hem, chiều mái xám rêu xanh”, mái đã xám nhưng mà còn rêu xanh nữa, nó phủ thêm lớp rêu nữa, có nghĩa là thời gian rất là lâu, tức là nó cũ lắm… Và “trời êm cao chân nhỏ cũng không về” thì tôi thêm vào “trên giòng sông tội lỗi” cho nó đối câu trên với lại câu dưới. Thì đó là những cái sửa mà tôi cần phải sửa cho nó đẹp bài nhạc.”

Trên ngọn tình sầu

Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng

Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng như sương mờ lạnh ngắt

Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa
Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa

Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương

Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quên

Tình yêu là nghị lực sống

donngo-250.jpg
Ảnh chụp tháng 9 năm 2010. Photo by Don Ngo

“Ca khúc gây ảnh hưởng nhiều nhất là bài “Ơn em”, tức là “Giữ đời cho nhau”, cũng là thơ Du Tử Lê, nhờ chỗ tôi ca ngợi người tình và tôi biết trân quý người đàn bà cho nên bài đó gây cho tôi nhiều rắc rối lắm, nhất là các ông cứ phải phiền trách tôi hoài, bởi vì các bà nghe cái bài ấy thích quá cho nên các ông đâm ra không được vui lắm (cười) nhưng mà đó là lối mà các ông phải hiều, phải trân quý người đàn bà, bởi vì trong đời sống của các ông mà không có các bà thì các ông chẳng làm nên được sự nghiệp gì, phải không?
Họ như một cái bóng bên cạnh chăm sóc mình, giúp đỡ mình này kia. Hồi xưa là “chồng chúa vợ tôi” nhưng từ khi bài này ra thì “chồng” không còn là “chúa” nữa, và “vợ” không phải là “tôi” nữa. Đại khái mình làm một cuộc thay đổi dựa trên bài thơ của Du Tử Lê để làm một cuộc giải phóng phụ nữ.”

Ơn em

Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi
Ơn em dáng mộng mưa vời, theo ta lên núi, về đồi yêu thương
Tạ ơn em… tạ ơn em…

Ơn em ngực ngải môi trầm, cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan
Ơn em hơi thoáng chỗ nằm, giấu quanh giấu quẩn nỗi buồn một nơi
Tạ ơn em… tạ ơn em…

Ơn em tình như mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi, kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau
Tạ ơn em… tạ ơn em…

Bà Từ Công Phụng chia sẻ: “Trong đời sống vợ chồng thì có một cái giao ước với nhau, cái giao ước là yêu thương nhau lúc thời trẻ, rồi chung sống với nhau, rồi có những vui buồn trong đời sống, và để đi tới mảnh đời còn lại trong tuổi già bóng xế. Và đã giao ước với nhau như thế nào? Giao ước với nhau là sẽ yêu nhau trọn đời, và khi buồn vui cũng như khi đau ốm cũng cùng chia sẻ với nhau. Thì khi mà nghe những bài như “Ơn em” mà nhà tôi đã cho, không phải cho riêng tôi mà cho những người vợ đang sống trong một đời sống của người vợ thương yêu chồng và giúp đỡ chồng, không phải chỉ khi còn trẻ mà trong những lúc tuổi già.

Có những người đàn bà suốt một đời hy sinh cho chồng, cả trong thời gian chồng vắng mặt, yêu thương chồng không kể những nếp xấu hay nếp tốt, thì cái sự “Ơn Em” là một bù đắp cho những người đàn bà đó, không phải riêng tôi. Và tôi rất là vui khi mà nhà tôi thương yêu những người đàn bà đã sống với chồng với con, với những đưa cháu ngoại cháu nội kế tiếp, và ôm ấp tất cả trong tình thương cho người chồng. Thì mong rằng mấy anh chị em, cũng giống như quý bà, nghe bài “Ơn Em” mà cảm nhận rằng tình yêu của chồng mình đối với mình rất là nồng nàn.”

Hiền nội của nhạc sĩ Từ Công Phụng vừa chia sẻ với chúng ta về niềm kiêu hãnh thầm kín của một phụ nữ được chồng trân quý như thế nào. Trong cái tình cảm sâu nặng ấy, phải chăng người nhạc sĩ đã hòa cùng với những vần thơ mênh mông tình nghĩa để mang đến cho người trăm năm của ông những tuyệt vời được gọi là hạnh phúc!

nhacvietplus.com.jpg
ông hát và tự đệm đàn cho mình. Photo courtesy of nhacvietplus.comông hát và tự đệm đàn cho mình. Photo courtesy of nhacvietplus.com

Mấy tháng gần đây, tin dữ đã ập xuống gia đình người nhạc sĩ tài hoa này. Khi hay tin mình bị ung thư, cả nhà như hoảng loạn! Tin dữ loan truyền trên hệ thống truyền thông và hàng ngàn người hâm mộ giòng nhạc Từ Công Phụng đã bằng nhiều cách chi sẻ nỗi buồn với gia đình nhạc sĩ, còn chính ông thì sao?

Trong lần gặp mới đây nhất tại thành phố Portland (Oregon), nhạc sĩ tâm sự với chúng tôi:

“Cuộc sống của mình trôi theo dòng đời giống như dòng sông từ nguồn chảy ra biển cả vậy. Nó có những khúc quanh trong đời sống mà mình gặp phải và bắt mình suy nghĩ về đời sống, thì những bài hát về sau này có một chủ đề duy nhất là viết về tình yêu; nhưng tình yêu ở đây nó trải rộng ở chỗ thân phận làm người cũng giống như định mệnh đưa đẩy mình tới hoàn cảnh nào đó mà mình phải cố gắng gìn giữ tình yêu trong suốt cuộc đời của mình.”

Và đối với người yêu mến mình thì nhạc sĩ nghĩ sao khi cuối cùng chiếc lá cũng rơi về nguồn cội?  Người nhạc sĩ có một nghị lực rất mạnh mẽ này chia sẻ :

“Trong thời gian vừa rồi, lúc tôi nằm trên giường bệnh thì tôi nhận rất nhiều điện thư cũng như thư từ điện thoại gọi tới chúc lành tôi, đó là điều làm tôi rất là cảm động. Không có cái gì bù đắp được tình thương yêu mà quý khán thính giả đã dành cho tôi trong thời gian qua!

Thế mới biết rằng chính vì tình thương yêu đó mà tôi có nghị lực chống lại bệnh tật và tôi trở lại với đời sống, với quý vị khán thính giả đã từng dành cho tôi niềm ưu ái như vậy. Nói tóm lại, chính vì tình thương đó mà tôi trở lại được với đời sống ngày hôm nay.

Tôi chân thành cảm ơn tất cả những người yêu mến nhạc của tôi cũng giống như bạn bè yêu mến tôi trong hơn nửa đời người qua với những thăng trầm, những đớn đau mà mọi người đã có dịp san sẻ với tôi, chia sẻ với tôi khiến cho tôi rất lấy làm khích lệ. Cuối cùng tôi xin gửi tới quý vị khán thính giả lời cảm ơn chân tình, đã dành cho tôi một cảm tình đặc biệt trong cuộc đời của tôi. Xin cảm ơn quý vị.”

Và cuối cùng xin được trở lại với buổi ban đầu khi tiếng hát trong veo của người nhạc sĩ cất lên trong khuôn viên trường đại học nhạc phẩm đưa tên tuổi của ông vào với dòng nhạc thính phòng Việt Nam và cũng là niềm hưng phấn chính cho những cảm hứng sau này: nhạc phẩm “Bây giờ tháng mấy” do chính Từ Công Phụng trình bày…

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi .

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
áo em đẹp màu thơ,
môi tràn đầy ước mơ

Mai đây anh đưa em đi về,
mưa giăng chiều nắng tàn
cho buốt lạnh chúng mình.
Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,
nhìn nhau buồn vời vợi,
để mùa đông buốt giá bờ vai mềm .

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
mắt em đẹp trời sao
cho mình thương nhớ nhau

(Nguồn: RFA)

Bài Mới Nhất
Search