T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 124)

 clip_image002

Kiến văn tiểu lục (4)

Cách đây 300 năm, cụ Tam nguyên Duyên Hà Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (chép vặt những điều thấy nghe) ghi chép lại trong sách những chuyện hay, nhỏ, vui, lạ như: Diệp đa

Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ

Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất

Thế sự như diệp đa

Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự

(Sáng trăng em tưởng tối trời

Em ngồi, em để cái sự đời em ra

Sự đời như chiếc lá đa

Đen như mõm chó chém cha sự đời)

(Hoàng Hải Thủy – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Tay anh ôm hũ rượu, buồng cau,
Đi ngả đường sau, thầy mẹ chê khó, đi ngả cửa ngõ, chú bác chê nghèo,
Nhắm chừng duyên nợ cheo leo,
Sóng to, thuyền nặng không biết chống chèo có đặng không.

Nghiêng lụy (4)

 Em ngự trị một góc lớn của Thơ. Em thường ở trong đời. Thỉnh thoảng có Em ra ở ngoài đời, như Em Kiều trong Đoạn trường tân thanh,  Em Sư trong…Nghiêng lụy.

Đời không phải cứ bước ra khỏi là quên được đâu. Mà không phải đã cố ý tránh là sẽ không gặp lại. Cho nên một chiều, dưới mái tam quan, tiếng chim rơi thánh thót, giọt trăng lã chã. Ới Bụt ơi!
(…)
Từ mượn nâu sồng che kiếm bạc,
Mười năm gió núi lộng thư phòng.
Rượu cạn, bình khô, chiều nắng tắt,
Nhớ người, tê buốt ngọn thu phong.

(…)

Thôi trả dọc ngang cho thiên hạ,
Tình ơi, chuyện cũ xót xa lòng.
Khóe mắt giai nhân tàn trí cả,
Chùa nghèo, trà đắng, nhện đầy song.

(Chuyện Tiêu Sơn – Phạm Thái)

 Lu

Lu: mờ mờ

(trăng lu)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Mũ gai đai chuối

Tục đội mũ rơm quấn thật to quanh đầu, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối ngày nay đã lỗi thời, nhiều nơi đã bãi bỏ, còn tục chống gậy chỉ áp dụng đối với con trai tang cha (gậy tre) tang mẹ (gậy vông),vẫn còn ở nhiều địa phương.

Nguyên do: Đời xưa, đường đi lại còn hẹp, có khi còn phải leo núi cao, người mất được chôn cất ở nơi xa khu dân cư, trong rừng núi, có nơi chôn ở triền núi đá có nhiều hang động. Đã có trường hợp, người con vì quá thương xót cha mẹ, khóc lóc thảm thiết, đến nỗi không kể gì đến sinh mạng của mình, đập đầu vào vách đá, khi leo núi đi về vì thương cảm quá mất cả thăng bằng ngã lăn xuống vực.

Để tráng tình trạng trùng tang thảm hại đó, người ta mới đặt ra lệ phải quấn quanh đầu những vật liệu mềm, xốp để nếu va vấp đỡ gây tổn thương và đặt ra lệ phải chống gậy để đi đứng an toàn hơn. Vật liệu dễ kiếm nhất, giàu nghèo ai cũng có thể tự liệu được và ở đâu cũng có thể kiếm được để làm chất đệm, đó là rơm, lá chuối, dây gai, dây đay. Vì ngày thường ở đồng ruộng, núi rừng hoặc đi đứng đều mặc quần áo gọn bó vào người, đến khi có tang tế phải mặc áo dài rộng, dễ vướng gai góc nên phải có dây đai, tục đó xuất xứ từ việc tránh nạn trùng tang.

 Hương lửa ba sinh

Thành ngữ này, có sách ghi là “ba sinh hương lửa”. Theo “Từ điển truyện Kiều” của cụ Đào Duy Anh thì sách “Truyền đăng lục” chép là: có người mộng thấy một vị lão tăng, trước mặt có tia khói rất nhỏ. Vị tăng nói rằng: “Đó là khói hương của một người đàn việt kết nguyện, đã trải qua ba kiếp mà hương vẫn còn”.
Trong tiếng Việt, thành ngữ “ba sinh hương lửa” được dùng để chỉ lời nguyền, lời thề có ứng nghiệm đến ba kiếp, ba đời.

 Rượu ta…ngoại truyện (5)

 Rượu đế – B

 Mà tôi thấy dường như hồi xưa người ta nhậu chỉ uống là chánh, còn mồi nhậu và thức ăn là phụ. Mồi nhiều khi chỉ là một trái cóc, trái ổi, một dĩa tôm khô củ kiệu, một con khô mực nướng. Tôi thấy họ chỉ nhậu có một thứ rượu duy nhất là rượu đế. Tôi tưởng “rượu đế” là rượu ngon nhất theo ý nghĩ “Đế” là vua.

Nhưng hóa ra “đế” ở đây có nghĩa là cỏ đế, một thứ cỏ hoang cao rậm giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Đó là nơi lý tưởng để giấu rượu lậu khi có thanh tra ruồng xét để bắt.

Địa danh Đồng Đế ở Nha Trang cũng mang ý nghĩa này chăng, một cánh đồng mọc toàn cỏ đế?

(Nhậu – Phan Hạnh)

 Chữ nghĩa làng văn

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em lấy chồng anh tiếc lắm thay

Bàn về câu “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”, phải chăng tác giả túng vận nên tác giả chỉ nói suông, cho hợp với vần “iếc” trong từ “tiếc” ở câu sau?

Đây là bài theo thể lục bát thất ngôn, khi đưa ra chữ “biếc” để gieo vần, tác giả hoàn toàn tự do vì chưa phải tìm vần. Nếu chữ “tiếc” gieo vần với chữ “biếc” mà không có nghĩa thì mới gọi là câu thơ bị ép vần vì tác giả bị túng vần.

Thế nhưng phải có một loài tầm xuân nở ra xanh biếc?!

Vì đã có một nhà thơ đã diễn tả: “Chạm vào nhánh tầm xuân – Vẫn xanh biếc nụ, vẫn ngần ấy hương”. Theo nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đức thì hoa tầm xuân mọc dài từ Thanh Hóa, Nghệ an, Bình Thuận. Hoa thuộc họ đậu mầu xanh tím.

Và được dân giã gọi là “Hoa đậu biếc”.

***

Còn bài ca dao đi vào văn chương qua sự đối đáp giữa Trịnh Tráng và Đào Duy Từ vẫn là những ẩn khuất! Vì lấy gì làm bằng chứng hai người đối đáp nhau bằng…ca dao như thế? Văn khố nào giữ bút tích của người xưa. Thật khó tìm thấy câu chuyện văn chương này trong những thư tịch khả tín. Thế nhưng giai thoại thì vẫn được dễ dãi chấp nhận qua một số nhà biên khảo và học giả.

(Phan Bảo Thư – báo Sài Gòn Nhỏ)

Đăng cao viễn chiếu

Đăng: Bước lên.

Viễn chiếu: Soi, rọi.

Nghĩa bóng câu thành ngữ Hán Việt này chỉ

với con người, còn sống còn phải học.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Câu văn chữ Quốc ngữ đầu tiên

Năm 1533, có giáo sĩ Irigo (I-Nê-Khu), người Âu, theo đường biển vào nước ta ở Đàng Ngoài, tại Nam Định để giảng đạo. Năm 1596, giáo sĩ Diago Advarte đến Đàng Trong ở một thời gian rồi bỏ đi, cho đến năm 1615, giáo sĩ Francesco Buzomi đến lập Giáo Đoàn Đàng. Trong (Mission de la Cochinchine), đến năm 1627, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) mới lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission de Tonkin). Cả hai giáo đoàn nầy đều thuộc Dòng Tên, có một trung tâm truyền giáo ở Áo Môn (Macao).

Có lẽ câu sau đây là dòng chữ xuất hiện đầu tiên, trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.

” Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian “.

Câu nầy, theo giáo sĩ Christofora Borri là câu mà các giáo sĩ đàng trong đã dùng trước khi ông có mặt tại đây, nó có nghĩa là : Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng ?

Danh từ Hoa Lang, không rõ do đâu mà có, nhưng đó là danh từ do người Việt Nam thời bấy giờ dùng để chỉ cho người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng để gọi chung các nhà truyền giáo Tây Phương. Như vậy câu trên là câu các nhà truyền giáo Tây phương muốn hỏi một người Việt rằng : ” Muốn vào đạo Thiên chúa chăng ? “

Vì lẽ câu nói không diễn tả được rõ ý nên Linh mục Buzomi đã sữa lại như sau : ” Muon bau dau Christiam chiam ? “ (Muốn vào đạo Christiang chăng ?).

(Huỳnh Ái Tông – Nguồn gốc chữ Quốc ngữ)

Đầu chày đít thớt

Nghĩa câu này chỉ người hèn hạ.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn (1)

Tự điển Wikipedia giải thích về Quốc hiệu Việt Nam:

Quốc hiệu Việt Nam xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, nhà Thanh đổi ngược lại thành Việt Nam, và tuyên phong tên này năm 1804.

Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện sớm hơn.

Ngay từ cuối thế kỷ 14, bộ sách Việt Nam thế chí do Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) nhiều lần nhắc đến 2 chữ “Việt Nam”. Trong tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Ngoài ra, 2 chữ “Việt Nam” tìm thấy trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương. Bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội. Bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh…Đặc biệt bia Thủy môn đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam trấn giữ phương Bắc).

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết:

Sau khi đọc bản gốc Sấm Trạng Trình, tôi khẳng định 2 tiếng Việt Nam đã được sử dụng từ thế kỷ 15. Song bản sấm này được truyền qua những bản chép tay, không ai dám chắc! Tôi liền chuyển qua thơ văn của cụ để so sánh. Thật bất ngờ, hai tiếng Việt Nam được cụ nhắc tới 4 lần: Trong tập thơ Sơn hà hái động thường vịnh (Vịnh về núi non sông biển) đã đề cập tới.

Rõ hơn, trong các bài thơ gửi trạng Giáp Hải, cụ có viết: “Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại, Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam”. Trong bài gửi trạng Nguyễn Thuyến: “Tiền đồ vĩ đại quân tu ký – Thùy thị công danh trọng Việt Nam”.

(Nguyễn Thiên Thụ – Tổng luận về sấm ký Trạng Trình)

Triết lý củ khoai

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một bữa
Nào ngờ đâu.. không thấy cửa đi về
(Thích Tánh Tuệ)

Chữ nghĩa làng văn (2)

Để tìm hiểu thêm, tôi đi tìm trong bi ký (bài ký trên bia đá). Tôi đã tìm ra trong bia trùng tu chùa Phúc Thánh (Quế Võ, Bắc Ninh) năm 1664, phần bài Minh có câu: “Việt Nam cảnh giới, Kinh Bắc thừa tuyên”. Sau đó là bia trùng tu chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558: “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”. Bia chùa Cam Lộ (Hà Tây), năm 1590: “ Chân Việt Nam chi đệ nhất”. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tấm bia Thủy môn đình ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị thứ tám (1670), có câu: “Việt Nam hầu thiệt trấn bắc ải quan” (cửa ải phía Bắc Việt Nam).

Đây là tấm bia có niên đại muộn hơn song nó có danh tính người soạn, hơn nữa đây là một mệnh quan chính thức của triều đình.

Cho đến nay, sau tôi một số nhà nghiên cứu khác đã phát hiện tổng số 12 bia có hai tiếng Việt Nam. Tất cả đều có niên đại thế kỷ 16, 17. Ngoài ra, còn một bản in khắc gỗ có danh xưng Việt Nam năm 1752. Như vậy, 2 tiếng Việt Nam đã có từ lâu, và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên sử dụng. Và ở thế kỷ 16, cụ đã cho biết ở thế kỷ 19, nước ta mang quốc hiệu Việt Nam.

(Nguyễn Thiên Thụ – Tổng luận về sấm ký Trạng Trình)

Chữ nghĩa làng văn

Những từ có vần “un” lám chỉ việc “dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất định”. Thí dụ: Ùn, Chùn, Ðùn, Thun, Chun, Cùn, Hùn, Vun, Lún, Lùn v,v….

Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị!

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt dễ mà khó)

Chữ nghĩa làng văn

 Theo gương Lý Bạch tuổi trẻ đi chu du khắp Trung Quốc, ba năm Nguyễn Du đã đi giang hồ: “Giang Bắc, Giang Nam cái túi không”; thành nhà sư Chí Hiên, đội mũ vàng, lưng đeo trường kiếm như các nhà sư Thiếu Lâm, trong túi vải nâu một quyển Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn. Tụng kinh làm công quả kiếm ăn bữa rau đậu, cư ngụ từ chùa này sang chùa khác, ngày viếng danh lam thắng cảnh, đêm tụng kinh Kim Cương trong suốt ba năm (1787-1790) từ Vân Nam, lên Trường An, lại xuống Hàng Châu, lên Bắc Kinh rồi lại về Thăng Long.

 Vô tự kinh: Nguyễn Du kể chuyện khi ông đi sứ, có viếng một thạch đài trên đó thái tử Chiêu Minh con Lương Vũ Đế, khắc chữ phân chia kinh Phật. Ông làm bài thơ nói là cốt tủy của Phật giáo là không, kinh kệ Pháp Hoa hay Kim Cương chỉ là ngôn ngữ.  Bốn câu thơ chót nói ông đã đọc ngàn lần kinh Kim Cương mà chẳng thu thập gì nhiều, nay viếng cảnh chữ khắc trên thạch đài đã bị thời gian xóa mờ chẳng còn thấy chữ nào mới thấy vô tự mới đúng là chân kInh:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh

Kỷ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ

Chung tri vô tự thị chân kinh.

Với chữ: “Vô” đây, Lạt ma Mathieu giải nghĩa là theo Phật Giáo, những chuyện xảy ra ngòai đời chỉ là những hiện tượng theo nguyên lý nhân qủa. Những điều đó không phải là chân lý tuyệt đối vì đã bị ảnh hưởng qua nhiều điều kiện. Chúng chỉ là “tục đế”. Còn thực tại tối hậu (chân đế) thì chỉ qua cảm xúc, giác quan, thiên kiến…mà thôi.

Lạt ma Mathieu nói “không” có nghĩa là “emptiness” nhiều hơn (trống vắng, không có một hiện tượng nào xảy ra), chứ không có nghĩa là “nothingness” (hư vô).

(Nguồn: Hoàng Dung)

Chữ và nghĩa

 Ấn tượng – Hai chữ này vốn là một danh từ, bây giờ được dùng như một tĩnh từ. Thay vì viết “có ấn tượng rất tốt,” hoặc “gây được nhiều ấn tượng,” người ta viết “rất ấn tượng!” Đây là một lối viết không đáng khuyến khích. Viết để đùa cợt thì được, cũng như khi dùng hai chữ “hoàn cảnh!” Nhưng không nên viết khi nói chuyện đứng đắn, trang nghiêm.

(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search