T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Người yêu Chúa nhất

vô ưu

Vô Ưu – Tranh: Thanh Châu

Cái tên đi học rất tân thời của Síu thì tôi không thích. Tôi thích tên Síu từ hôm nghe mẹ Síu gọi: “Síu ơi, con có bạn đến chơi kìa!” Tôi không muốn giải thích với bà là Síu nhờ tôi đến nhà để giúp Síu làm toán hình học. Không phải tôi đến chơi! Cũng may là ông cụ non không tạo ra ác cảm với người mẹ hôm đó để có thể đến chơi bất cứ lúc nào từ đó về sau……

Mãi bốn mươi năm sau. Đêm lạnh tàn giấc mơ đông ngày cũ…

Tôi thường đến chơi nhà Síu. Tôi cũng tưởng mình có cảm tình với Síu nên thường đến chơi nhà sau cả buổi gặp nhau trong trường. Síu nói giọng khàn, tánh tình ngang ngược, bất chấp phải trái khi tranh luận cũng như sẵn sàng đánh lộn với con trai khi cần. Síu không phải loại người biết lắng nghe, chia sẻ với người khác. Từ Síu toát ra là một ngưới bạn đáng tin cậy khi mình không đủ sức, hơn là một người bạn thấu hiểu những suy tư, rung động đầu đời…

Những buổi tối trước sân nhà Síu, kẽo kẹt tiếng xích đu và lẽo đẽo con mèo theo cô chủ. Tôi thường ra về bâng khuâng như hương với khói. Khói trong hương hay hương trong khói. Hương khói đâu đây rất đậm đà, chưa bao giờ Síu tiễn tôi qua cánh cổng. Nhưng tối đó, Síu không khép cổng, cài then và nói lời tạm biệt thường quen. Síu đưa tôi mươi bước, ra tới bụi bông trang, vài bước nữa là tới đường xe chạy, Síu nói, “Tối mai, Giáng sinh vui vẻ nha.” Đôi bàn tay con gái lạnh như nước đá, áp vào mặt tôi nóng bừng. Không biết ở đâu ra kiểu tạm biệt này, nhưng những gì bám riết lấy tim tôi trên đường về lại không phải là cảm giác mà cảm nghĩ: Tối mai, hết bạn bè có hẹn ở nhà một người bạn. Sao Síu lại chúc riêng tôi: Giáng sinh Vui vẻ? Nghĩa là Síu không đến với bạn học? Chắc Síu đi chơi với bạn bè!…

Bọn con trai đã chuẩn bị những món quà ngộ nghĩnh, tự làm nhiều hơn vì túi tiền học trò đâu cho phép ra phố mua quà với những thứ thích mắt thường nhiều tiền. Món quà của tôi-sẽ tặng ai đây? Món quà vừa xinh vừa gói trọn tình đầu…

Chiều tan trường hôm sau lâu đến lắm, tất cả chúng tôi cùng chờ đợi tiếng chuông quen thuộc reo lên để ra về với một đêm rộn rã tiếng cười, bữa tiệc nửa đêm không đầy bàn rượu thịt như trong phim ảnh. Nhưng bạn bè sẽ lớn hẳn ra trong y phục khác thường đi học, mấy đứa con trai vô tích sự lâu ngày sẽ có dịp trịnh trọng nhận trách nhiệm trước bạn bè là đưa người bạn gái nào đó về nhà lúc nửa đêm. Mọi việc đều quan trọng làm cho người ta thấy mình quan trọng hơn chính mình, quan trọng hơn hôm qua tẻ nhạt là đến trường, rồi ra sân banh tới tối mù tối mịt mới mò về nhà kiếm cơm. Xong lại long nhong đi chơi nhà bạn.

Tôi đến nhà tên bạn, phụ hắn trải khăn bàn, kê ghế… vài gương mặt bếp núc trong lớp đang khói lửa bập bùng dưới nhà bếp quanh năm rau cháo thời khan hiếm lương thực sau hoà bình. Mùi cà ri sực nức xoan mũi, là đóng góp của tên bạn nhà quê lên tỉnh học lớp Mười. Nó tha từ quê lên thành hai con vịt cho lần đầu tiên trong đời nó biết về lễ Giáng sinh. Mấy đứa làm gỏi đu đủ với khô bò (giả) ồn ào như vỡ chợ… Món khô bò thật thời ấy cũng có bán ở những nơi chúng tôi không léo hánh tới được vì quá mắc tiền. Nhưng trong lớp có tay đầu bếp trứ danh là cô bạn mồ côi, cha chết trận mất tiêu trong chiến tranh Việt nam. Mẹ buôn bán tảo tần ngoài chợ để nuôi mấy đứa con. Bạn tôi là chị Hai nên lo cơm nước ở nhà cho mấy đứa em. Lạ lùng là bạn bè lại thích ăn cơm nhà nó vì nó nấu ăn rất ngon, mới khổ thêm cho mẹ nó. Đầu bếp của lớp chúng tôi đã chế biến ra được món khô bò giả từ mì căn, nhưng ăn rất giống mùi vị khô bò thật. Trộn gỏi đu đủ với ít lá quế cây nhà lá vườn là hết sảy…

Người nhạc sĩ của lớp đang so dây đàn trong tiếng ồn không ngớt lẫn tiếng nói cười. Kẻ khéo tay đang cắm hoa (cắt hái từ bờ rào, vườn nhà), nhà ảo thuật đang cắt giấy xé từ quyển tập cũ, nhưng kéo ra thành dây, giăng mắc lung tung-thế mà lại ra không khí lễ hội rộn ràng……

Mặt trời đã lặn hay bị bọn trẻ dìm xuống biển cho đêm về, chút ráng đỏ nhạt dần theo bóng đêm… mọi việc chuẩn bị đã xong. Giờ xuất phát đi dạo Sài gòn một vòng đã tới. Kế hoạch được dặn dò tỷ mỉ: Nếu lạc nhau thì đừng tìm kiếm cho mất công! Tất cả sẽ gặp nhau tại nhà thờ Tân Định vào lúc 11 giờ đêm. Hiệu lệnh khởi hàng là tiếng then cửa rào bật mở.

Cả đoàn xe đạp sạch boon lên đường, không phải cặp bồ mà là nhiện vụ được chia trước trong lớp: Thằng A chở con B: đơn giản, dễ hiểu là xe nó vỏ cũ-thích hợp cho con B nhẹ ký, thế thôi.

Thằng tôi, chở cái thùng đồ nghề với cái ống bơm xe đạp. Tôi vá xe nhanh gọn, miễn phí lại an toàn nhất Sài gòn trong thời thau nước thử bánh xe của ông thợ vá xe đạp lề đường nào cũng đen ngòm vì trong thau nước… có cây kim!

Không bao giờ quên được những người bạn từ thuở bé đã biết tổ chức chu đáo mỗi khi cần. Chỉ tiếc là tôi tốn nhiều công sức để chế tạo ra những dây kiềng có khóa, có thể rịt chặt cái thùng đạn đại liên và cái bơm xe đạp vô khung xe: an toàn, thẩm mỹ, dễ tháo gỡ khi cần. Nhưng vô phương cho tay trộm, vì không biết những bí mật của tôi thì không lấy cắp được thùng đồ nghề và cái ống bơm của tôi đâu! Chỉ quên tính khi còn nhỏ tuổi là trộm lấy luôn cái xe đạp chứ hơi đâu tháo gỡ linh tinh cho mất thời giờ. Và cái bí mật của riêng tôi thì chỉ mình tôi biết, là cố chừa cái yên sau trống trải để chở một người, dù chỉ là hy vọng thôi! Bởi người ta có đi chung với bạn học thì cũng sẽ tự đạp xe của mình để phô diễn tài năng của một người con gái nhưng đi xe khung ngang như con trai, phóng lên xe như cao bồi phóng lên yên ngựa. Con gái mà đạp xe đứng nhiều hơn ngồi, khi xe không thể nhanh hơn được nữa thì cúi gằm mặt xuống ghi-đông cho bớt cản gió, như cua-rơ thứ thiệt. Xe không gắn yên sau, không vè, không thắng tay… chỉ xài cái thắng chân. Mỗi lần trở bàn đạp, nghiêng tay lái là thắng quay đầu, bụi lùng lên mới khoái……

Dù sao, đêm Giáng sinh ở Sài gòn mà đạp xe thui thủi một mình cũng buồn lắm chứ, tôi cầu trong bụng cho có đứa bạn nào bị bể bánh xe để mình có việc làm. Nhưng bạn bè đã săn sóc con chiến mã trước Giáng sinh tử tế để vui cho trọn vẹn. Tôi không có cơ hội được phô diễn tài nghệ vá bánh xe. Nên tôi đạp đến nhà thờ Tân Định trước, định bụng chờ bạn bè ở đó!

Bỗng đâu có lọn gió buồn, buồn ghê gớm lắm, buồn ngồi yên không được! Phải làm một việc gì đó, có lẽ càng khác thường càng đỡ buồn… Tôi đạp lòng vòng nhà thờ Tân Định, cuối cùng cũng tìm được một chỗ ngồi: thấy được tháp chuông, nhưng lại có bia uống và khô nướng, hột vịt lộn, ốc leng xào dừa… linh tinh, hấp dẫn; không như túi tiền rất chừng mực, đơn điệu. Chỉ đủ uống chai bia lên men rồi lên cơn, gọi thằng nhỏ lại mua thuốc lá, không có quẹt thì mượn.

Thằng nhỏ là hiện thân Sài gòn sau ba mươi tháng tư! Nó nói nhỏ với tôi: “Anh đi về đi, tụi nó đang tính cướp xe đạp của anh đó!” Nó nói thật nhỏ, rồi bỏ đi!

Tôi trả tiền, phóng lên xe-giông mất trong tiếng truy hô: Ăn cắp xe đạp…! Thế mới đểu, vừa ăn cướp vừa la làng. Nhưng giang hồ hiểm, lòng người nham hiểm hơn. Thằng nhỏ bảo tôi: chạy theo nó! Nó không biết là tôi cũng biết: Đó là con hẻm cụt! Nó dẫn tôi vô ổ của bọn nó. Nó quên là tôi cũng đã từng trốn học đi bán thuốc lá thùng gỗ với bạn giang hồ, từng đi đánh giày, đánh lộn khắp Đa Kao, từ Đinh Tiên Hoàng đổ ngược lên cầu bông… tới Lăng Ông Bà Chiểu. Từng bán báo Trắng Đen, Đại Dân Tộc từ khi nó mới thôi nôi hay dứt sữa. Khu nhà thờ, chợ Tân Định cũng đâu xa lạ gì với tôi. Hẻm nào thông ra đâu, hẻm nào là hẻm cụt, tôi biết mà! Chỉ buồn cho đám vỉa hè sau hoà bình không có khí độ của lớp đàn anh. Tôi nghĩ thế, chân đạp bâng quơ, về tới nhà Síu bao giờ không biết!

Ánh đèn vàng hiu hắt ra sân không người, tôi lòn tay qua cửa rào mở khoá. Dắt xe đạp vào sân, chỉ có tiếng lá rơi. Đêm Giáng sinh quạnh quẽ người chị tâm thần ngồi thêu cườm. Một mình. Trong căn nhà thênh thang trống vắng. Tôi hỏi: “Chị không đi lễ à?””

“Không đi. Ra nhà thờ, người ta cứ chọc ghẹo. Không thích.””

“Không thích đi nhà thờ thì ngồi chơi. Chị thêu tầm bậy tầm bạ. Bác về lại rầy chị vì phải tháo ra, làm lại đó…”…”

” “Không có đâu. Coi nè…(Tay chị chỉ mẫu thêu trước mặt). Thì ra chị đang thêu con rắn trên áo dài con nít. Chắc cho tết năm 1977. Nhưng áo dài con nít thì người ta chỉ cần xanh xanh đỏ đỏ, lấp lánh, là được. Đúng là hành vi của kẻ tâm thần… Nhưng phải nói là chị thêu đẹp thật.

Những hạt cườm nhảy múa trên khung thêu. -Giờ này. Tôi nghĩ… chắc Síu cũng đang nhảy nhót trong một căn phòng bí mật-trong một biệt thự bí mật-với những người bạn bí mật! Chỉ mình tôi biết bí mật của Síu là mê nhảy đầm nên bỏ bạn học mà đi với bạn bè. Nhưng Síu không bao giờ biết bí mật của tôi đêm Giáng sinh năm ấy đâu? Một tấm lòng, một nỗi buồn như cánh chim trốn vào đêm; tôi chui vô cái vỏ chai bia lên men nên thấy Sài gòn đêm Giáng sinh năm ấy bớt lẻ loi nhiều…

Tôi hỏi người con gái tật nguyền: “Chị có muốn đi nhà thờ, bây giờ không? Em chở chị đi.””

“Nói thiệt hả?”

“…”“…”

Người chị tâm thần, không son phấn nhưng cũng có quần áo mới. Niềm hãnh diện không phân biệt người bình thường hay tâm thần nên chị nói, chị cười, chỉ trỏ đủ thứ trên đường… Yêu thích tất cả những thứ người ta cướp đi của một người tâm thầm trong đêm Giáng sinh. Đặc biệt là giọi nước mắt người điên trước hang đá. Chị cởi chiếc áo khoác, móc bằng mấy sợi len thưa rỉnh, đắp cho Chúa hài đồng vì trời lạnh quá!

Nhưng người ta nói chị điên. Ném cái áo con điên vào đêm tối. Không ai thấy những giọt nước mắt ngà trong đêm Thánh vô cùng của người yêu Chúa nhất…

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search