T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Anh còn nợ em

Tình yêu và cuộc sống

Tình yêu và Cuộc sống – Tranh: Mai Tâm

Một ngày mùa đông. Tôi thức dậy hơi muộn vì hôm qua làm ca đêm. Nhìn ra cửa sổ vẫn âm u bầu trời và hơi lạnh dưới sàn nhà đủ biết bên ngoài lạnh nhiều…

Ngồi uống ly cà phê đầu ngày trong căn nhà vắng. Hai bàn chân cứ quấn quýt lấy nhau vì lạnh. Nhưng thay vì đi lấy đôi vớ, xỏ vào chân cho ấm thì tôi lại chỉ mở nhạc từ giàn máy hát và trở lại ghế bành. Tiếng hát Lâm Nhật Tiến với nhạc phẩm “Anh còn nợ em…” của cố nhạc sĩ Anh Bằng nghe thân quen vì đã nghe nhiều lần. Nhưng tôi nhớ em từng nói: khi nghe một bản nhạc, hay đọc một bài thơ, người thưởng ngoạn thấy khác hết thảy những lần nghe hay đọc trước đó vì tâm trạng của người thưởng ngoạn không lần nào giống lần nào, thậm chí làm ảnh hưởng nhiều đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm mỗi lần nghe hay đọc…

Tôi nhớ lại những ngày tháng êm đềm của hai người cùng sở thích từ trang trí trong nhà đến nấu ăn, nghe nhạc, xem phim, bàn bạc với nhau về những kế hoạch cho tương lai trong niềm tin và thấu hiểu ấy đã chấm hết như một người bị đột qụy tim mà người ấy mới vừa bấm chuông cửa, đang cầm bó hoa trong tay, chỉ đợi cánh cửa mở ra thì tặng ngay cho người yêu dấu. Nhưng. Mọi chuyện ở đời, ai chả muốn kết thúc có hậu. Song con người vẫn luôn phải đối mặt với những kết thúc ngoài ý muốn, không như ý, không mong đợi… Cũng như em không còn bên tôi trong không gian này nên sáng nay nghe bài anh còn nợ em thật thấm thía một cuộc tình đã lỡ.

Người đột quy đã ở thế giới bên kia. Nhưng người ngồi nhớ em bắt đầu ngộ ra từ đôi chân lạnh. Thường khi thời tiết như sáng nay thì em sẽ đem đến ghế tôi hay ngồi uống cà phê cho tôi đôi vớ. Nếu tôi đừng nhăn nhó nét mặt vì không thích mang vớ trong nhà thì em sẽ mặc vớ cho tôi. Còn tôi nhăn nhó thì em khuyên lơn bảo trọng sức khoẻ, “anh đừng cãi lời em rồi lại bệnh. Em không đi mua thuốc cảm cho anh nữa đâu đó!” Nghe cái giọng giận thì giận mà thương thì thương cứ như xoài xanh chấm nước mắm đường, ai đã ăn miếng đầu thường muốn ăn miếng nữa…

Nhưng tôi không thích mang vớ trong nhà nên phải mang là tù túng tư duy tôi ngay với cảm nhận bị ép buộc. Và một khi tư tưởng bị ràng buộc, trói buộc thì tâm hồn không thoải mái, nhất là ngày nghỉ mà không được thư giãn thì ai chả cộc. Rồi thì quanh co những chuyện vặt nhưng lại là cái mầm ung thư ấy nó tấy lên cấp tính hồi nào. Tôi trở thành chiếc bóng sống bên em, hôm em vui tôi được vui, hôm em không vui tôi không được ồn khi em có nhà…

Nên sáng nay nhìn lại thời gian từ yêu thương, rồi khuyên lơn, tới lên giọng, “Mặc vớ vào. Làm ơn!” Rồi ném đôi vớ lên người tôi. Rồi tiếng đóng cửa phòng giận dỗi… đến bữa trưa đã quá giờ cũng không nghe thấy tiếng động nào nơi nhà bếp.

Không gian thôi lãng mạn, âm nhạc như đòn thù, ly cà phê đắng nghét. Không đói bụng đến chết được với một bữa trưa không có ai mời ăn cơm. Nhưng tôi sẽ chết với sự lạnh lùng của người thương nên tôi ra đường với bạn bè, và thường là một bữa ăn chiều, hay tối với người bạn tâm đầu ý hợp… nên sẽ có vài người bạn cùng sở thích nữa sẽ đến chung vui khi những người cùng ái mộ được ngồi với nhau để lắng nghe, học hỏi nhau về điều cùng yêu thích như thơ văn, âm nhạc…

Thế là chúng tôi đã đến giai đoạn có những hôm tôi về nhà rất trễ, có khi là nửa đêm. Có hôm em còn nhà thì không mở cửa phòng. Hôm cửa phòng mở thì em đã đi… Tôi gọi con cái, nếu em không đến nhà con thì gọi mấy người bạn thân của em để yên tâm đi ngủ một mình khi đã biết em đang ở đâu. Rồi đến lúc em không quan tâm chuyện tối nay tôi có về nhà hay không? Tôi cũng dần quen với việc về tới nhà thấy cửa phòng mở… Biết vậy, nhưng không còn gọi con cái hay bạn bè…

Người đột qụy đã ở thế giới bên kia, nhưng anh còn nợ em một cuộc tình đã lỡ nên héo khô trong không gian đã từng hạnh phúc biết chừng nào. Để sáng nay nghe lại bài hát anh nghe suốt từ khi em rời xa anh. Có thể là tâm thức của người thưởng ngoạn nghệ thuật đúng như em từng nói không bao giờ giống lần trước. Thì lần này. Lần sáng nay anh đã ngộ ra duyên-nợ em à!

Duyên phận mang con người đến với nhau qua gặp gỡ mà thành bạn bè, đồng nghiệp, bạn thân, tri kỷ, tri âm, vợ chồng… Hết thảy mọi quan hệ trên đời đều khởi từ chữ “duyên”. Nhưng kỳ thực là món nợ. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ vô duyên diện kiến bất tương phùng. Không có ai trong đời vô cớ lại xuất hiện trong đời mình cả. Người đến với người ngoài sự hữu duyên ắt có nguyên do như ong bướm đến với hoa để hút mật thì giúp hoa thụ phấn thành quả để có hạt giống mà truyền đời cây, cây có mật hoa để giúp truyền đời ong bướm. Đó là món nợ không sổ sách mà là món nợ ân tình của sinh linh, đời người ngắn ngủi, duyên-nợ bền lâu…

Tình thân tộc trong gia đình nên anh chị em được cùng sống dưới một mái nhà, bạn bè được cùng nhau chung lớp, người châu Phi với người châu Mỹ trở thành đồng nghiệp với nhau trong văn phòng, hãng xưởng khắp toàn cầu, người dưng khác họ trở thành vợ chồng… Âu cũng là duyên số đã xui khiến nên những sự gặp gỡ của chúng sanh. Được nên duyên vợ chồng là một duyên số lớn. Duyên khiến hai người dưng khác họ sao đem lòng mến thương nhau đến thành vợ chồng. Sách xưa có nói:“tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới thành phu thê”. Được ngồi chung thuyền với nhau đã là một cái duyên phải tu trăm năm mới có được. Tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ để được sống vui buồn cùng nhau.

Nhưng sáng nay anh đã ngộ ra trên thế gian này, mọi sự gặp gỡ không chỉ là duyên vì còn có nguyên nhân khác. Mỗi cuộc gặp dường như đều là để hoàn thành một tâm nguyện. Có lẽ tình duyên kiếp trước chưa trọn vẹn, nên duyên kiếp này sẽ gặp lại bởi nguyên do ta còn nợ nhau. Ta quen nhau kiếp trước/ ta yêu nhau kiếp này/ kiếp sau ta chung nhẫn. Ôi cuộc tình ba kiếp. Ta đợi nhau ngàn năm với bao lần ngoái đầu nhìn lại mới nên phúc duyên kiếp này. Nhưng duyên sâu hay cạn là khoản nợ nhau tiền kiếp chưa hoàn trả. Nợ dầy sẽ vợ chồng lâu, bằng ít thì chỉ ở một thời gian ngắn…

Đời người ngắn ngủi, có thể gặp được bao nhiêu duyên trong dòng đời chảy trôi? Người đến người đi đều từ duyên, không hề ngẫu nhiên. Nhưng có người chỉ gặp thoáng qua, bởi kiếp trước đã không còn mắc nợ điều gì; có người cả đời ở bên cạnh, kỳ thực đều vì có món nợ chưa thể hoàn trả xong.

Theo nhà Phật, kiếp trước trí nhớ của mọi người bị xóa đi. Nên kiếp sau mọi người đã là một con người khác sau khi uống nước vong tình, nên những sự tình kiếp trước thảy đều được thanh tẩy sạch sẽ, chỉ còn lại duyên phận giữa người với người được ẩn giấu bên trong, bị dẫn dắt, chuyển dời đến kiếp này. Kiếp này sở dĩ gặp nhau đều là vì (để) trả nợ kiếp trước còn chưa công bằng với nhau.

Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của ai cả, sự xuất hiện của mỗi người này trong đời mỗi người kia đều có nguyên do của nó. Dù đều đáng được cảm kích. Mọi điều bắt đầu từ duyên phận, kết thúc cũng lại do duyên phận. Kiếp này là thân nhân của nhau, chính là để đem thân tình đến đền bù; là bạn bè của nhau thì đem tình bằng hữu đến hoàn lại khổ chủ; là người yêu của nhau thì đem tình yêu đến bổ khuyết cho vẹn toàn; là vợ chồng không nên để bụng sự oán giận, luôn cả sự tiếc nuối khi món nợ đời nhau theo duyên phận đã công bằng…

Nếu kiếp trước không nợ nần gì nhau thì kiếp này không đủ duyên để thành nguyên do gặp lại. Kiếp này tương kiến, đều là để trả món nợ tiền kiếp với nhau cho xong. Nên dù thế nào cũng hãy trân quý mỗi (một) người đã gặp trên đời. Bởi đó là duyên tiền kiếp, nguyên nhân tương kiến kiếp này giữa hai người là vẫn còn một món nợ chưa hoàn tất thì cũng nên tử tế với nhau cho xong nợ đời nhau để kiếp sau không còn gặp lại cũng không hối tiếc vì anh còn nợ em một cuộc tình đã lỡ… vì không có lỡ trong tình yêu mà chỉ có duyên cạn nợ tận theo vũ trụ luân hồi…

Phan

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

Bài Mới Nhất
Search