T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 128)

clip_image002_thumb.jpg

 

Nghi vấn làng văn      

 Nguyễn Tuân trong Vang Bóng Một Thời có hai truyện Thả thơĐánh thơ rất gần với lối chơi Nhã Lệnh và Trù Lệnh của Trung Hoa (Cảo Thơm 1962 trang 61-100).

Không biết có phải người mình bắt chước họ hay không?

 (Nguyễn Duy Chính – Ấm Nghi Hưng theo thời gian)

Nguồn gốc tiếng Việt II

Theo ông Lê Ngọc Trụ thì tộc Việt đã có từ lâu đời sinh sống tại đồng bằng Bắc Việt. Còn nhóm người Việt (Câu Tiễn) miền Chiết Giang, sau thời loạn Xuân Thu bị nhà Sở thôn tính (333 tr. CN) đã di cư xuống miền nam theo đất liền đến chung sống với các dân tộc khác như Việt-Ðông-Hải vùng Ô Châu, Mân-Việt vùng Phúc Châu, Nam-Việt vùng Quảng Ðông, Âu-Lạc-Việt vùng phía nam tỉnh Quảng Tây và bắc Việt Nam, một lớp vào tới cả Thanh Hoá (Cửu Chân). Nhưng họ chỉ là nhóm người thiểu số và bị đồng hóa, chứ họ chẳng phải là gốc tích tổ tiên Việt như ông Léonard Aurousseau đã nêu ra.

Ngoài ra, ông Lê Ngọc Trụ còn cho rằng, tổ tiên tộc Việt đã cư trú ở những vùng triền núi từ sông Ðà (Hắc giang) tới Quảng Bình, sống chung hoà với dân tộc Mường. Cho nên đến ngày nay, tiếng nói ở những vùng này có nhiều chỗ tương tợ tiếng Mường. Dân Mường là dân miền núi, rải rác vào sâu dãy Hoành Sơn, do đó họ không bị ảnh hưởng văn hoá của các chủng tộc khác như Tàu chẳng hạn. Chính vì thế họ vẫn giữ được các cổ tục và tiếng nói của họ cũng không bị thay đổi nhiều. Nên khi so sánh hai thứ tiếng Mường Việt, ông cho rằng tiếng Việt và tiếng Mường có lẽ từ một nguồn gốc mà ra.

Thứ tiếng cổ ấy, về sau, trong ngôn ngữ người Việt, thâu nhận thêm những yếu tố vay mượn của các chủng tộc lân cận mà trở thành tiếng Việt. Và ông kết luận rằng: “dân tộc Việt Nam là kết quả tạp chủng và lai lẫn với các dân tộc đã sinh sống trên bán đảo Ðông Dương, và tiếng Việt là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng của các dân tộc ấy.”

(Tĩnh Túc – Nguồn gốc tiếng Việt)

Chữ nghĩa thập niên 30, 40

Bằng trang: bằng nhau

Hơn xương: già hơn.

Độc lực: sức một mình

Huyện hào: chức vị người chánh tổng đứng đầu hàng chánh tổng trong một huyện

Bia cây số

 Tôi (Nguyễn Văn Tuấn) nghĩ bất cứ gì khắc trên bia thì phải cẩn thận vì là kiến trúc lâu dài. Cẩn thận trong sự suy nghĩ và thực hành như bia cây số với quy ước chung là viết đơn vị đo lường và số cách nhau một khoảng trống.

Không nên viết 14km mà phải viết đúng là 14 km.

Thật cẩu thả! Thật đáng tiếc.

(Phụ đính: Họ viết theo Tầu, cột mốc ở biên giới là: Km0)

 (Nguyễn Văn Tuấn – báo Sài Gòn Nhỏ)

 Tiểu thuyết hiện sinh I

Tiểu thuyết hiện sinh xuất hiện ở miền Nam Việt Nam những năm 60, gần như cùng thời với sự phát triển ở Pháp. Ở thời điểm ấy, văn học Tây phương nhất là văn học Pháp, hội nhập vào xã hội miền Nam qua nhiều ngả: ngả đại học với những giáo sư triết học vừa du học Ấu châu (Pháp, Bỉ) về. Ngả văn chương với những nhà văn hầu như đại đa số vẫn còn chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp. Những nguyệt san như Sáng Tạo, Văn, Vấn Đề, Bách Khoa..v..v..với những cây bút từ Âu châu như Trần Thiện Đạo, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung…

Có thể nói là ảnh hưởng văn học và triết học hiện sinh gần như trực tiếp và phát triển ở miền Nam cùng thời ở Pháp, tạo ra một phong trào khá rầm rộ, tạo ra một từng lớp trí thức trẻ dấn thân, có ý thức về tự do và bản ngã. Ảnh hưởng triết học hiện sinh cũng phần nào giải thích tính chất đa diện của xã hội miền Nam thời bấy giờ. Và trên bình diện văn chương, nhiều nhà văn dùng luồng tư tưởng mới này để sáng tạo. Họ đem vào văn chương một cách nhìn đời khác: sâu sắc, và đau đớn hơn.

(Thụy Khuê – Trần Thị Ngh, Lạc đạn và…)

Văn học miền Nam (V)

 Gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, vì có những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị loại trừ sau 30/4/1975. Chúng tôi xin giới thiệu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà phê bình miền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay.

***

Thụy Khuê: Phải chăng sự trở về với Văn học miền Nam của anh còn có một lý do khác, đó là từ khi về hưu anh có nhiều thì giờ đọc hơn và cũng đã khám phá ra nhiều cái mới.

 Vương Trí Nhàn: Cái đó cũng có. Giờ đây tôi có điều kiện đọc những cái mà trước kia bỏ qua, chẳng hạn một trong những say mê của tôi là đọc sử của mình những thời kỳ cũ. Thật ra ở Hà Nội người ta viết sử rất kém, từ lúc tôi đi học đã… không có sử. Rồi chúng tôi đâm lười đọc cả sử cũ.

Rất xấu hổ phải nói là một người viết văn, trí thức mà chưa bao giờ tiếp xúc một cách nghiêm túc với những bộ sử rất quan trọng của chúng ta như bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Thông Giám Cương Mục hay những bộ sử sau này như Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn. Rồi cả sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, thời người Pháp sang tổ chức lại xã hội của mình nữa.

Tất cả những trang sử ấy, bọn tôi biết quá ít, sự thực là chúng tôi có những thành kiến sai lầm, rồi cứ nuôi những thành kiến đó mà cứ tưởng đó là chân lý. Tôi có được may mắn là tự tìm ra được niềm vui đọc lại những cái đó và dần dà, qua liên tưởng đối chiếu, tôi hiểu thêm đời sống hôm nay. Thế thì Văn học miền Nam cũng là một bộ phận, một di sản của dân tộc, nó như những bức ảnh, những cuốn phim, ghi lại đời sống một thời. Với những nhà văn tư cách trí thức, chúng ta rất cần lùi xa lại quá khứ và từ khoảng cách xa như thế, nhìn chung cả lịch sử sự phát triển của dân tộc.

(Thụy Khuê: Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn)

Đê mê

Đê mê – Đê: thấp. : không rõ. Như chữ “mê mẩn”.

Thơ có câu: “Tâm thần mỏi mệt đê mê – Mộng hồn vơ vẩn muốn về một nơi”.

Chữ nghĩa tiếng Việt

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Vậy chứ “cầu kiều” là gì?

Có một tác giả tổng hợp được các ý sau: Về dị ngôn, dị bản thì có người viết thế này, có người nói thế nọ: cầu kiều, phù kiều. Do cách nói và viết khác nhau như vậy nên về nghĩa cũng khác nhau và được một số người giải thích như dưới đây:

– Cầu kiều là cầu tre, cầu gỗ…có người cho rằng cầu kiều là một thứ cầu có mái che ở trên hiểu cầu kiều là cầu đẹp .

– Tác giả “Việt Nam tân từ điển Thanh Nghị” cho là phù kiều (chứ không phải là cầu kiều) và phù kiều là cầu nổi, theo từ Hán Việt phù có nghĩa là nổi, nổi trên mặt nước, nổi lên, hư không.

Thêm một cách giải thích nữa của Trần Đồng Quang trong bài Nghĩ về một lời ru:

– Cầu kiều là cầu cao, do “kiều”  là “cao”, để cho đò dọc, đò ngang vẫn qua lại được…

(nguồn Wikipedia)

 Một…

 Những năm 80 ở Sài Gòn, tôi (Hoàng Hải Thủy) đọc Tuyến tập của Xuân Diệu với tựa đề Những kỹ sư tâm hồn ấy.

Tôi bực mình khi thấy Xuân Diệu tả một nhân vật đàn ông:

“Y đội một cái mũ phớt, tay cầm một cây ba-toong, miệng phì phèo một điếu thuốc lá…”

Tôi nghĩ: “Khỉ lắm, y đội cái mũ phớt, tay cầm cây ba-toong, miệng phì phèo điếu thuốc lá…là đủ rồi. Không lẽ nó đội hai cái mũ phớt, tay cầm hai cây ba-toong, miệng phì phèo hai điếu thuốc lá…?

(Hoàng Hải Thủy – Thi sĩ bánh chưng)

Chữ nghĩa bệnh già

Ngại lên xuống thang lầu vì sợ té.

Cứ bốn, năm giờ sáng là đã dậy.

Chữ và nghĩa thổ ngơi (VI)

 Ở Việt Nam, có hàng trăm địa danh bị thay đổi hay sai lệch về ngữ âm và chữ viết. Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra sự biến đổi này, chúng ta sẽ hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của các địa danh.

Do “Tây hoá”: Khi người phương Tây đến nước ta, họ đã nói và viết theo ngữ âm và chữ viết tiếng mẹ đẻ của họ, làm nhiều địa danh Việt Nam bị sai lệch.

Làng Cò –> Lăng Cô (Huế) – Hoài Phố  –> Faifo (Quảng Nam) – Mỹ Lại –> Mỹ Lai (Quảng Ngãi) – Đất Hộ –> Đa Kao (Tân Định) – Chí Hòa –> Kỳ Hòa (Sài Gòn).

(Lê Trung Hòa – Những địa danh bị đổi sai lệch)

Bún

Cả nước ta gọi sợi bún là bún. Bún chả, bún bung, bún ốc, bún riêu, bún bò, bò bún… Bún luôn luôn được làm bằng bột gạo tẻ. Chữ Hán gọi bột gạo tẻ là mễ phấn. Chữ phấn được chuyển sang tiếng Việt theo hai ngả :

Phấn (ngưu nhục phấn) biến âm thành phở.

Một số chữ Hán Việt có âm đầu “ph”, ngày xưa có âm tiền Hán Việt là “b“.

Thí dụ : phòng đọc theo âm tiền Hán Việt là buông, phòng là buồng, phiền là buồn, phọc là buộc v.v. (Nguyễn Ngọc San, Cơ sở ngữ văn Hán Nôm).

Phải chăng bún cũng là âm tiền Hán Việt của Phấn?

Ngày xưa, khoảng năm 1776, xã Hoa Sơn huyện Tân Phúc phủ Điện Bàn nộp chiếu hoa thay cho sưu lính. Hàng năm trước ngày mùng một tết, dinh Quảng Nam thu chiếu miến lớn 25 đôi, chiếu miến nhỏ 5 đôi, chiếu thảm 8 đôi, chiếu phản dài 8 đôi (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục).

Ca dao có câu :

Đêm nằm tàu chuối có đôi,
Hơn nằm chiếu miến lẻ loi một mình

Chiếu miến là chiếu nhỏ sợi, nằm êm.

Thế thì “chiếu miến” di cư vào đến trong Nam được gọi là “cái mền” chăng?

Đùa một chút cho vui.

(Nguyễn Dư – Chimviêt.free.fr)

Chữ nghĩa dân gian!

“Đường đi ở miệng”…nghĩa là gì?

Cụ nào hanh thông xin mách dùm…

Chữ và nghĩa

 Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Nâng cấp đúng là từ ngữ riêng của người trong nước và phần nào có nghĩa là “nâng/ đưa giá trị lên”. Nhưng chữ tương đương phía ta thì tùy trường hợp – nếu người trong nước nói “nâng cấp cái ô tô” ta nói “trùng tu cái xe hơi”; VC nói “nâng cấp đường sá,” ta nói “tu bổ đường sá”; họ nói “nâng cấp khuôn mặt” ta nói “sửa mặt.” Tóm lại linh động là một đặc tính của tiếng Việt; máy móc là một đặc tính của tiếng người trong nước sau 75.

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Chữ nghĩa làng văn

Những từ có vần “un” lại ám chỉ việc “dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất

định”. Thí dụ: ùn, chùn, đùn, thun, chun, cùn, hùn, vun, lún, lùn v,v….

Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt dễ mà khó)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search