T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Bài Ca Hạnh Ngộ

 

clip_image002

Hình minh họa (Nguyễn Đức Tuấn Đạt)

… Luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương.

Lê Uyên Phương

Quỳnh Lâm báo tin sẽ đến Đức trong tuần lễ từ 11.10.2002 đến 17.10.2002. Nisha vội vàng thu xếp “sự vụ lệnh“ để công du sang Đức. Nisha lo đi chợ sắm sửa đầy mấy tủ lạnh, tủ đá, để ba cha con Lộc, Lâm, Liêm sống còn trong thời gian nữ tướng đi xa.

Chúng tôi hồi hộp quá, ngày nào cũng thư từ, nhắn nhủ, dặn dò đủ điều tẳn mà, tẳn mẳn. Điện thư qua, về hoa cả mắt. Thư nào chúng tôi cũng nhắc nhở nhau giữ gìn sức khoẻ, vì đứa nào cũng “lão” rồi. Khi gặp nhau, tụi tôi nhất thiết phải đầy đủ tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện. Có hôm, đến trưa, chưa nghe tăm tiếng, tôi sốt ruột, xuất khẩu làm thơ… bút tre:

Bây giờ đã một giờ trưa,

Bạn dzàng bận việc? Sao chưa í-mèo!

Munich ngồi buồn chèo queo,

Làm thơ con cóc, tréo heo cẳng ngồng.

Nisha sẽ đáp chuyến xe lửa đêm từ Paris, đến München vào sáng sớm. Quỳnh Lâm bay từ Stockholm đến phi trường vào buổi chiều. Ban đầu, tôi định lấy ngày phép trong suốt thời gian gặp mặt. Nhưng rồi, tôi chỉ nghỉ được ba ngày.

Sáng thứ sáu, tôi đạp xe ra trạm xe điện, để từ đó đáp xe vào nhà ga thành phố đón Nisha. Thường, mỗi lần đưa đón ai, vợ chồng tôi dùng xe hơi cho thuận tiện. Nhưng hôm nay, tôi muốn thi vị hóa cảm giác mở màn bài ca hạnh ngộ của chúng tôi. Đây rồi cổng số 21, xe xuất phát từ Paris-Est, toa số 115. Nisha đang đứng ở cửa xe, một va-li to, một tay xách túi ny-lông, hai bịch nhãn bự, lỉnh kỉnh mấy món bánh đặc sản của quận 13, Paris. Tay kia Nisha ôm một cây trúc. Cảm động quá, tựa cảnh Kim Cương ở quê lên tỉnh trong vở kịch Lá Sầu Riêng. Thương mi quá Nisha ơi. Tao biết mi có cái cột sống già trước tuổi. Vậy mà cũng ráng khuân vác cho tao. Lên xe điện, hai đứa bắt đầu hót.

-Tao chỉ đem 3 bộ đồ thôi. Còn lại là hàng hóa cho con Lâm đó. May, mày nói không cần gì. Thiệt, tao chẳng biết nhét vô đâu nữa. Anh Lộc đã chiết sẵn cây cúc Nhật rồi. Nhưng tao không sao cõng đi được.

-Cây trúc là đã quá sức mày rồi. Để hồi nào tụi tao qua chơi, tụi tao sẽ vời cây cúc về.

Trước khi qua, Nisha hỏi tôi cần mỹ phẩm gì của Paris không. Tôi viết cho Nisha, rằng tôi không cần mỹ phẩm, với lý do:

Cũng vì mắt ngó trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời. *

Nisha mong trời München xanh hoài để tôi khỏi cần tốn tiền cho phấn mắt.

Đến trạm xe gần nhà, trời mưa, đường trơn ướt tiêu điều. Chúng tôi hì hục khiêng đồ đạc ra xe… đạp. Va-li to để yên sau. Túi đồ ăn nặng trĩu treo nơi tay lái. Tôi đẩy xe đạp. Nisha ôm cây tre. Trời mưa bất ngờ, không có dù nón, chúng tôi lấy khăn trùm đầu. Hai đứa đi dưới mưa, vẫn chuyện trò giòn giã. Tiếc, tôi không chụp được cảnh đôi bạn chân tình (hay để dấu sai thành đôi bạn chằn tinh!) sánh bước dưới mưa, tình tứ tận mạng.

clip_image004

Hình minh họa (Nguyễn Đức Tuấn Đạt)

Nisha bàn với tôi, bây giờ chỉ có hai đứa, chúng tôi sẽ bàn bạc những đề tài cấm kỵ, không thích hợp với đầu óc ngây thơ, hồn nhiên của Quỳnh Lâm. Quỳnh Lâm nghe được chuyện này, chắc sẽ phản đối ầm ỹ. Chúng tôi rù rì, Có những niềm riêng gần như hơi thở… Trong lúc Quang Tuấn đang ngọt ngào, … Anh là mùa thu, cho Em mơ màng, Anh là lời ru, quấn quít bên nàng... Nisha nhẩn nha:

-Ừ, Quang Tuấn ca cũng hay. Nhưng sao sánh với Tuấn Ngọc được.

Nisha đem đến cho tôi bao nhiêu là quà, tôi thương nhất là hai bài nhạc: Tâm Khúc của Nguyên Chương và Phiến Đá Sầu của Diệu Hương với hàng chữ nắn nót của Nisha: “Chép tặng người mang tâm hồn lãng mạn… như ta”. Tôi cỡi ngựa sắt, phóng ra chợ mua bánh mì. Đồ ăn sáng đầy bàn, mà cả hai hầu như quá bận rộn với những tâm sự đầy kín trong lòng. Nisha chủ trương “tiên vi chủ, hậu vi khách”, cho tôi ưu tiên tỉ tê. Bài luận tôi nộp cho Nisha chỉ có nhập đề và thân bài, chứ không có kết luận. Bố cục xem ra rất lủng củng. Không gian, thời gian không liền lạc. Vậy mà, Nisha vẫn hiểu được tôi kể gì. Thấy có người dỗ, cái khả năng giọt vắn, giọt dài tưởng đã ngủ quên, giờ thức dậy.

Nisha tặng cho tôi chiếc khăn quàng cổ, trông rất sang, rất… tây. Hợp ý tôi vô cùng. Nisha nói:

-Cho đúng cái tính điệu của mày.

-?

-Hôm mày đi làm bên Paris, ghé lại tao, mày tròng mấy cái khăn quàng. Đến bé Liêm còn thấy cái sự… nhiều khăn của mày.

-Thiệt ra, sự điệu chỉ là phụ. Tôi giảng giải. Khăn nhỏ sát cổ, để giữ ấm thanh quản, khí quản và giữ cổ áo… cho sạch. Khăn vuông to hơn khoác lên vai, cho bờ vai em gầy guộc nhỏ khỏi bị lạnh mà còn… vác cuốc ra đồng. Khi ra đường, trong cái lạnh cắt da, cắt thịt, mấy cái khăn lụa nhằm nhò gì. Lúc đó, phải quấn khăn len. Mày không biết chứ, lúc lạnh 10 độ âm, xe buýt đến trễ, còn đau khổ gấp mấy lần bị người yêu cho leo cây.

Nisha tặng cho tôi chai dầu thơm Weekend của Burberrys.

-Mùi này trẻ trung lắm, hy vọng hợp với mày.

-Cám ơn mày còn nghĩ là tao chưa già khụ. Tôi nghĩ thầm, chớ không phải mày chê tao già, khi biết tao xịt bay hết mấy chai Chanel No 5.

Đã đến lúc đi đón Quỳnh Lâm. Tụi tôi chẳng đủ thì giờ gỡ đám tơ lòng rối rắm hai đứa vừa trải ra. Trời vẫn mưa tầm tã. Xa lộ bị kẹt xe. Anh Lợi đổi đường mấy lần. Đến nơi khá trễ. Máy bay của Quỳnh Lâm lại làm lanh xuống hơi sớm. Tôi sợ Quỳnh Lâm bị hải quan ách lại đâu đó. Nàng đã thông báo, có mang theo chừng 500 dĩa VCD phim chưởng và nhạc karaoke. May quá, Quỳnh Lâm đã xong mọi thủ tục, nai nịt gọn gàng, đang dáo dác tìm chúng tôi. Tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt, khi thấy hai túi chữ nghĩa nặng chình chịch Quỳnh Lâm “tha” cho tôi. Không biết khi nhận hành lý chất lên xe đẩy, có văn nhân, võ nhân tốt bụng phụ cho Quỳnh Lâm chăng.

Về đến nhà, chúng tôi sà xuống mấy va-li của Quỳnh Lâm như bầy kên kên. Ai cũng có quà. Tôi được nhiều nhất. Hai bộ sách truyện kiếm hiệp, tha hồ luyện chưởng. Nisha nhõng nhẽo chậm hơn tôi, nên va-li Quỳnh Lâm hết chỗ. Thêm mấy cuốn Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, Trần Văn Khê, Trịnh Công Sơn. Ủa, tự nhiên sao tôi lại quan tâm đến hồi ký vậy ta. Hổng chừng vài chục năm sau, tôi cũng tập tễnh viết hồi ký. Anh Lợi và Nisha chia nhau mấy trăm dĩa VCD chưởng. Mấy bịch cơm cháy để nhâm nhi khi xem phim. Quỳnh Lâm viết điện thư báo tin đã mua “com chay”. Nisha đọc, khen thầm, bạn vàng đã hồi tâm, ăn cơm chay. Ai dè, cơm cháy với thịt chà bông, thơm nồng mùi nước mắm, cay xé, ngon hết biết.

Buổi tối đầu tiên, sau một ngày chạy lui, chạy tới từ nhà ga, phi trường, phố xá, Nisha chẩn bệnh:

-Tụi bây bị trúng gió rồi. Để tao cạo gió, đấm lưng cho khỏi bệnh. Ngày mai mình còn đi du hí nữa.

Quỳnh Lâm rất mê màn chữa bệnh này, tán thưởng nhiệt liệt. Tôi ngại ngùng, bởi tôi chưa bao giờ dám thử thú đau thương của cạo gió. Nisha chăm chú cạo sột sột trên lưng tôi, xuýt xoa:

– Trời ơi, gió quá trời! Chốc chốc lại hỏi. Đau không?

Tôi tê tái, nghẹn ngào:

-Không đau lắm.

Vậy mà, khi Nisha đấm lưng, tôi mong mình bị trúng gió nặng, để Nisha đấm lưng tới sáng. Ban chiều Nisha trầm trồ cái chân nến bằng thép đen, uốn hình một cô sơn nữ mang gùi.

Tôi gạ:

-Nisha, mày có thích cái chân đèn cầy ngoài phòng khách chui vào va-li của mày không?

-Cũng được. Nhưng tao muốn có đủ bộ. Tức là có luôn cô thôn nữ trên kệ sách ngoài phòng ăn nữa.

-Mày thích gì trong nhà tao, cứ tự tiện khuân. Nhưng trước khi khuân, mày làm ơn đấm lưng lâu lâu một chút.

Nisha hỏi tôi có thấy đỡ không, tôi bèn làm bộ đau khổ:

-Tao thấy còn mệt mỏi lắm. Chắc phải đấm lưng thêm nữa.

Nisha phát lên mông tôi một cái, đau điếng

-Khỉ mốc, dẹp mày đi, đừng có làm bộ, đủ rồi.

Sáng hôm sau, chúng tôi chuẩn bị để đi lên nhà chị Cẩm Thành. Nisha khám tôi, phán rằng tôi vẫn còn… phải gió. Tôi than thở:

-Tao muốn gội đầu. Tóc đầy những dầu, đủ để chiên chả giò.

-Thôi được, để tao gội cho mày. Lấy khăn lông quấn cổ lại, đừng để cổ bị ướt.

Cảnh Robert Redford gội đầu cho Meryl Streep trong phim Trời Phi Châu (Out of Africa) làm sao sánh với cảnh gội đầu trong phòng tắm bé tí của chúng tôi. Tôi cảm- động- đậy ghê lắm. Tôi ngồi yên, tận hưởng sự săn sóc của Nisha. Tay gãi đầu tôi nhè nhẹ, Nisha đều đều giọng… gia huấn ca:

-Tụi bây phải biết giữ gìn sức khoẻ. Già hết rồi, sụm lúc nào không hay. Đừng bắt chước tụi Tây. Tắm rửa tan xà lan, không để ý gió máy gì…

Tội nghiệp Nisha. Tính ra, Nisha rệu rạo hơn tụi tôi nhiều. Nisha bị đau lưng phải nghỉ làm việc một thời gian dài. Nisha kể vui rằng, bác sĩ nói, nếu phụ tùng của con người cũng thay được như xe hơi, chắc bác sĩ thay ráo trọi cho Nisha rồi. Tôi gật gù:

-Vậy, chỉ còn dàn đồng là chiến thôi. Tôi nghĩ thầm, với lại bộ thắng nữa. Nhưng không dám nói.

Nisha qua Đức, anh Lộc lo lắng, lăng xăng. Nisha chưa đi đâu một mình bao giờ. Tôi ghẹo Nisha:

-Tại mày lá ngọc cành vàng. Chớ như tao đây, con nhà nông, dù sáng sớm tinh mơ, hay đêm tối mịt mù, hiên ngang một mình, một ngựa, vác cày ra ruộng.

Tôi làm bộ khép “đôi mi gầy”:

-Mày thấy có thương cái thân già cà khổ của tao không? Vừa lao tâm, lại vừa lao lực.

Nisha nghiêm mặt:

-Đừng có nhắc đến chữ khổ. Đời tụi mình như vậy là sung sướng, phúc đức lắm đó.

-Ừ, giỡn chơi tí thôi, chứ tao biết chứ.

Chúng tôi chuẩn bị đi Karlsruhe. Nisha phát cho hai đứa hai viên thần dược Di-Antalvic. Nisha nói là thuốc trị nhức mỏi, chống cảm cúm. Quỳnh Lâm uống xong, còn để vỏ giấy trên bàn. Nisha nghiến ngầm:

-Đứa nào ăn rồi… ị tại chỗ đây?

-Con Lâm đó. Thuốc của tao còn đây. Tôi mừng quá, vội lên tiếng. Hên, tôi chưa uống. Chứ không thôi, tôi cũng chung một tội như Quỳnh Lâm.

-Sao mày không uống cho rồi, mà còn rề lui, rề tới đó?

-Tại tại tao… Chết cha, tôi không tìm ra lý do để chạy tội.

-Thôi, đừng chối quanh, chối co. Mày uống liền cho tao. Nói thiệt tụi bây, ba đứa mình ở chung một nhà, vì mấy cái vụ này, chắc tao chửi tụi bây tối ngày sáng đêm.

-Có lý. Tưởng tượng mày vừa chửi, vừa đấm lưng thì đã quá. Tao tình nguyện trúng gió hai ngày một lần để được nghe chửi. Tôi còn giỡn cù nhây.

Sáng chủ nhật ở Karlsruhe, lại thêm một đêm nói nhiều, chớ ngủ chẳng bao nhiêu. Ba đứa chia phòng trên tầng ba với gia đình Hiền Trọng. Dù mắt còn cay xé vì thiếu ngủ, ba đứa lại mở máy. Quỳnh Lâm một hai còn đau nhức trong người, xin lương y ra tay cứu nhân độ thế. Tôi không hảo món cạo gió, nhưng ghiền món đấm lưng của Nisha. Tôi vờ cằn nhằn:

-Hôm qua tao ít đau. Mày cạo gió làm sao, bây giờ tao thấy bịnh quá.

clip_image006

Hình minh họa (Nguyễn Đức Tuấn Đạt)

-Đồ cà chớn! Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhơn, nhơn trả oán. Nhớ nghen, đứa nào bịnh tao cho ngủm luôn, không thèm chữa. Coi thử tụi bây làm sao.

-Tự đó đến giờ mày coi tao là vật nhiều hơn là nhơn mà. Khi thì mày kêu tao là đồ khỉ. Ngang như cua, chậm như rùa, dữ như cọp, lạch bạch như vịt bầu. Dzậy thì, tao là vật đứt đuôi con nòng nọc rồi. A, bữa qua mày ám chỉ gì gì đó với ngựa Thượng Tứ. Ừ, mà mày nói ngựa Thượng Tứ không phải là ý xấu. Mày cắt nghĩa tao nghe thử coi.

-…

Chúng tôi nhảy từ đề tài này sang đề tài khác.

Anh Tư từ nhà dưới phóng lên:

-Ba mụ họp chợ um sùm quá. Bòn Bon vừa mắng vốn chủ nhà, rằng ba con mén nói lắm, cười nhiều.

Nhân cơ hội đó, Hiền cũng méc luôn:

-Ba chị rù rì cái gì, mà anh Trọng nhịn cười không nổi. Ảnh trùm mền lại để cười, mà vẫn nghe lén tiếp tục.

Chị Cẩm Thành còn chêm thêm:

-Miệng của ba đứa bây như cái… đít vịt, cứ láp nháp không nghỉ.

Ba đứa thót ruột ngó nhau. Chết dở. Nãy giờ tưởng mình điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, cho nên bàn bạc bao nhiêu điều quốc cấm. Ráng chịu, cho chừa tật họp chợ bừa bãi.

Anh Lợi và tôi vẽ vời chương trình du sơn, du thủy cho hai nàng. Sẽ đi thăm lâu đài Neu Schwanstein đẹp như trong chuyện cổ tích. Sẽ đi dạo trong lâu đài Nymphenburg trên những thảm lá mùa thu. Sẽ vào phố, đến ngắm Tòa Đô Chính, ngắm nhà thờ kiến trúc giống như củ hành, dạo chơi trên đại lộ Maximilian rực rỡ… Quỳnh Lâm nhất định phải đến Làng Thế Vận Hội một lần cho biết. Nàng đã đến München hai lần rồi, mà vẫn chưa diện kiến dung nhan của Làng.

Sáng thứ hai, anh Lợi và tôi đều nghỉ phép. Định sẽ khởi hành khi trời vừa sáng để tận dụng thời giờ. Nhưng tối chủ nhật, ba đứa chuyện vãn khuya lắc, khuya lơ. Sáng dậy sớm, vừa mở mắt, ba đứa mở miệng, lăn qua, lăn lại… nướng cháy đen, cháy đét. Khi tất cả quyết định đi Salzburg, trời đã quá ngọ. Ông trời sụt sùi không thua gì ca sĩ Anh Khoa trong nhạc phẩm Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi. Gần tới biên giới Áo, trời hơi quang đãng. Trên núi cao, thấy được chút tuyết phủ, Nisha suýt xoa:

-Dễ thương ghê.

-Mày làm như bên Pháp không có tuyết vậy.

-Sau này khu vực Paris ít khi có tuyết lắm.

-Ui chao, như tao sáng sáng lầm lũi lội tuyết, thương hổng nổi…

-…

Câu chuyện vẫn như bắp rang với tất cả đề tài. Tôi dỏng tai nghe và đóng góp đầy đủ mà vẫn cảm thấy mắt muốn sụp xuống. Lâu nay, anh Lợi đã tập cho tôi một thói quen rất lý tưởng cho cả hai. Hễ lên xe chừng vài phút, tôi chợp mắt. Anh Lợi thoải mái nhấn ga, không phải nghe những lời bàn lằng nhằng của vợ. Tôi lo ngủ bù cho những ngày đã thiếu ngủ, hoặc sẽ không có thì giờ ngủ, khi mấy chị em gặp nhau. Như thường lệ, tôi mang cặp kiếng mát lên. Người khác cứ tưởng tôi đang ngắm phong cảnh, chứ ai mà biết được là tôi đang… khò đâu.

-Mày làm cái trò gì vậy Thúy? Trời có nắng đâu.

-Không nắng. Nhưng tao nghĩ mang kính vào đẹp thêm, thì mang. Tôi giả đò.

-Phu nhân của Lợi sắp sửa ngủ rồi. Anh Lợi giảng giải.

-Lâm cũng sắp sửa ngủ đây. Giọng Quỳnh Lâm nhừa nhựa.

-Ưng ngủ thì ngủ. Chớ trời này, mày mang kính, tao thấy quái dị quá. Bên Tây, như vậy người ta có nhiều giả thuyết. Hoặc là bị chồng dợt cho bầm mắt. Hoặc là khóc nhiều, mất ngủ, mắt quầng thâm…

-Thôi, thôi đủ rồi. Tao dẹp cái kính ngay.

Vẫn không chống cự nổi cơn buồn ngủ… Tôi nghe anh Lợi và Nisha chuyện trò rôm rả. Lơ mơ, tôi nghe anh Lợi nói giỡn với Nisha, rằng kiếp sau anh ước được làm bông hoa, để được tôi chăm sóc chu đáo… Có cả đề tài kiếm hiệp. Quỳnh Lâm mang vừa sách, vừa phim qua. Kỳ này tha hồ thuận vợ, thuận chồng, mà tát cho hết mấy bộ kiếm hiệp…

Đậu xe xong, bốn người đi dạo trong mưa, tìm đường đến phố cổ. Mới mấy bước, đã gặp một “thắng cảnh” đầu tiên. Một tiệm áo quần có ghi chữ đại hạ giá tổ tướng. Nisha xông xáo như tướng lãnh ra trận. Quỳnh Lâm theo bén gót. Chớp mắt một cái, hai nàng đã cầm trong tay ba bốn món. Tôi xác nhận đó là hàng hiệu. Quỳnh Lâm khoái chí, như vậy về Việt Nam mặc không sợ “đụng hàng”. Anh Lợi tranh thủ, nhớ nhà (tôi) châm điếu thuốc…

Mau lên các nàng ơi, thì giờ ngựa chạy tên bay. Đến giữa phố Salzburg, thành phố quê hương của Mozart, nơi nhạc sĩ đã ra đời vào năm 1756. Những quày hàng chợ phiên bày bán những món quà lưu niệm của quê hương Mozart. Nhiều nhất là sô-cô-la, loại có hạt dẻ nằm chính giữa. Giấy gói lúc nào cũng có hình nhạc sĩ Mozart và cây đàn vĩ cầm. Không biết ông Mozart ngày xưa có hảo ngọt không. Tôi mù mờ về tiểu sử của Mozart, dù tôi thích rất nhiều tấu khúc của ông. Khi Bê còn bé tí teo, giấc ngủ tối, hôm nào tôi không ru Bê, tôi để cuộn băng nhạc Mozart, với Türkische Marsch, Eine Kleine Nachtmusik, trích đoạn của Khúc Giao Hưởng số 40

Quỳnh Lâm đã đến đây với chị Tâm vào mùa đông, buốt giá quá. Bây giờ đang mùa thu. Thành phố có vẻ đẹp khác. Hai nàng trầm trồ, thành phố dễ thương ghê. Anh Lợi đi trước vài bước. Ba nàng mắt ngắm ngang dọc, nhưng miệng không ngừng nghỉ phát thanh.

Đi ngang qua một cửa hiệu chụp hình nhỏ hẹp, phía trước có mấy tấm hình mẫu. Nisha và Quỳnh Lâm đồng la lên:

– Giống tấm hình anh Lợi và Ngọc Thúy chụp ngày xưa đây.

Tôi nhớ lần hai vợ chồng tôi đi chơi hội chợ với chị Thanh Tâm và anh Bernd. Khi thấy loại hình đó, tôi nhất định phải có. Anh Lợi thấy tôi dừng chân trước cửa tiệm, anh vội co giò, tính chạy trốn. Tôi níu tay anh Lợi. Tôi chẳng phải năn nỉ lâu. Thuở ấy, anh Lợi chiều chuộng tôi lắm. Anh theo tôi vào tiệm. Người ta biến hóa anh thành một công tử mặc áo đuôi tôm, đội nón nồi, tay cầm gậy. Anh mắc cỡ, quay mặt vô vách tường. Tôi rất mau mắn mấy vụ hóa trang như vậy. Tôi thành tiểu thư mặc đầm xòe, đội nón vải, cầm dù.

-Tụi mình cũng chụp một tấm hình làm kỹ… nghệ chứ lỵ. Nisha đưa ra sáng kiến táo bạo.

-Tại sao không? Mà phải rủ anh Lợi chụp chung. Quỳnh Lâm biểu đồng tình.

Chết rồi, tôi than thầm cho đức phu quân của tôi. Anh Lợi mơ hồ cảm thấy tai họa đang giáng xuống, nên bắt đầu rảo bước. Tôi vội phóng như bay đến anh Lợi, xuống giọng con cá sống vì nước. Đàng kia Nisha và Quỳnh Lâm, đầy hy vọng, hướng mắt về chúng tôi. Anh Lợi hoãn binh:

-Mình ít thì giờ lắm. Sợ không kịp đến thăm nhà của Mozart đâu.

-Nhanh lắm, chỉ năm phút thôi.

-Ừ, vậy thì lè lẹ lên. Anh Lợi ỉu xìu như mèo mắc mưa.

-Xin đa tạ hảo đại huynh. Quỳnh Lâm dài giọng phim chưởng

Trong chớp mắt, chúng tôi thành một đại công tử và ba tiểu cô nương, đầy đủ áo mão, đúng điệu tuồng tích. Cô thợ chụp hình đạo diễn.

– Mời ông ngồi ghế giữa. Cô quay qua tôi. Mời bà đứng sát vào phía bên trái, đặt tay lên vai ông.

Thì ra, cô bắt mạch, biết tôi là phu nhân của đại công tử.

Cô xếp đặt tiếp. Nisha đứng bên phải của anh Lợi, hai tay ôm dù lụa (cũ mèm, lủng lỗ tùm lum). Quỳnh Lâm đứng bên trái của tôi, cầm quạt xoè, trông đài các hết biết. Cửa tiệm trước đó vắng hoe. Khi chúng tôi đến, cô thợ đang ngồi đuổi ruồi. Bây giờ, có lác đác mấy người đứng trước cửa tiệm. Không biết họ có định vào chụp hình, hay họ tưởng đang đi ngang qua sở thú. Thấy có bốn con khỉ đột ngồ ngộ, nên đứng lại xem. Anh Lợi chắc sượng sùng chết… ngồi rồi.

Xem hình anh Lợi với ba nàng ngự lâm pháo thủ, dù đang đứng giữa phố, tụi tôi cười ngất ngư, bất kể đám đông chung quanh. Về sau và ngàn năm sau nữa, có cười nhưng chẳng bao giờ nhiều bằng hôm nay. Phải không, các hảo bằng hữu.

clip_image012

Công Tử và Ba Nàng Ngự Lâm Pháo Thủ, Salzburg – Austria 10. 2002

Căn nhà nơi Mozart từng cư ngụ ở Marktplatz thu hút bao nhiêu du khách. Ai đến Salzburg, cũng muốn đến thăm nhà của một trong những thiên tài âm nhạc hàng đầu của nhân loại. Chụp mấy tấm hình ở nhà Mozart xong, trời nhá nhem tối. Chắc ai nấy đã kiến bò bụng. Tôi đề nghị tấp vào một nhà hàng đối diện nhà Mozart. Nhà hàng Zum Eulenspiegel có ba tầng, kiến trúc cổ. Trang trí nội thất ấm cúng. Trên mỗi bàn, ngoài đèn cầy còn có một trái bí kiểng, trông hay hay. Tôi nói, thích trang trí mùa thu như vậy. Quỳnh Lâm có sáng kiến:

-Ăn xong, mình vời trái bí về cho con Thúy.

Khi nghiên cứu phiếu tính tiền, tôi thấy có khoản tiền khăn ăn và muỗng nĩa. Nisha la lên:

-Làm ăn kiểu này tao thấy có mùi gian lận. Thúy, mày coi quanh đây, mày thích cái gì, cứ chỉ tao, tao rinh về cho mày. Chân đèn cầy, khăn…? Gặp kiểu làm ăn như vầy, mình phải thẳng tay trừng trị. Tao không bao giờ trở lại tiệm kiểu này đâu.

-Thôi, thôi. Ở đây khách thập phương, nhà hàng đâu cầu lấy lòng ai đâu. Tao chỉ xin trái bí thôi.

-Tức mình ghê. Lúc nãy tao định đổi trái bí của bàn bên kia. Nhưng không sao, trên đường đi lên tao còn thấy mấy trái chưng cũng đẹp. Nisha hậm hực.

Cả nhóm rời nhà hàng. Nisha tỉnh bơ quơ trái bí trên bàn, như thể đó là ví đầm của nàng. Tôi rét quá, kéo tay anh Lợi đi nhanh. Ra hành lang, Nisha lại hùng dũng ôm thêm một trái bí nữa. Tôi gần như chạy nhanh ra khỏi tiệm:

-Mau lên anh Lợi. Hông thôi chủ tiệm xách dao phay ra rượt mình đó.

Trên đường về xe, Nisha cười hỉ hả:

-Hên cho nhà hàng là tao chỉ có hai tay. Chớ không, đám bí nằm lủ khủ đó về hết ở nhà con Thúy. Tụi bây đồ hèn nhát. Nói cho lắm, tới khi đụng chuyện chạy mất tiêu.

Kệ, bị mắng mỏ nhưng có hai trái bí để trang trí. Tôi sẽ đi lượm ít lá phong vàng về trưng chung, cho có không khí mùa thu trong nhà.

Buổi sáng sau, tôi phải vác cuốc ra đồng. Dù đã chuẩn bị xiêm y sẵn trong phòng tắm, tôi vẫn phải chạy ra, chạy vào. Đồng hồ. Khăn quàng. Túi xách. Hôm nay kẹp tóc, phải cần cặp bông tai. Hai nường mắt còn nhắm tít, nhưng bắt đầu mở máy.

-Lâm, mày coi kìa. Con Thúy nó sàng lui, sàng tới, hổng biết được mấy thúng rồi. Tụi mình thử đếm coi nó đi ra, đi vô bao nhiêu lần nghe.

-Mày yên tâm, nó còn chạy ra, chạy vô vài chục lần nữa. Ngày xưa tụi tao học ở Sư Phạm, đã chạy mặt cái bịnh lề mề của nó. Quỳnh Lâm xác nhận.

-Không phải bịnh đâu mày. Bịnh gì cũng chữa được. Mà đây là cái nết tốt. Tôi phản đối:

Xàng xê là nết trời cho,

Xàng xê không được, ốm o gầy mòn.

Đã quá, một mũi tên bắn sụm hai con nhạn là đà. Quỳnh Lâm và Nisha đều gầy mòn hơn tôi.

Ôi, phải chi có Aladdin và cây đèn thần xuất hiện, tôi xin ngay một điều ước. Ước được chui vô mền, gác chân Nisha, nghe Quỳnh Lâm tụng kinh… khổ. Tụi tao thấy mày vui, tụi tao cũng vui. Mà có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai. Bộ tao không được cười hay sao? Bộ tao chỉ được khóc thôi sao? Nisha chẳng đã cọng trừ nhân chia rồi, một đời ba vạn sáu ngàn ngày. Hết mất vạn ngày sầu, mình bây giờ còn được mấy vạn ngày tươi nữa đâu. Đúng rồi, nhưng mày có thấy không? Ai trong thiên hạ có được hạnh phúc như của tụi mình. Tao làm gì sai đâu? Chưa, chớ không phải là không. Trong cuộc đời, ai biết được chữ ngờ. Nghe sặc mùi cải lương. Nhưng đó là sự thật. Quỳnh Lâm ơi, hình như bây giờ, mày lớn hơn tao rồi. Ngày xưa, mày chỉ bàn vô thôi. Mày chỉ quan tâm tao thích cái gì, lúc nào mày cũng chiều lòng tao. Còn bây giờ, mày bắt tao nhớ, tao phải làm gì.

Tôi chợt nhớ phim Tình Mộng (Roman Holiday), có Audrey Hepburn thủ vai công chúa và Gregory Peck thủ vai phóng viên nhà báo. Ngày xưa, thuở còn là tiểu thư con nhà sách, tôi đã hồi hộp du mình theo cô công chúa cùng chàng ký giả phiêu lưu trong thành phố La Mã lãng mạn. Ông Hoàng Hải Thủy phóng tác truyện Tình Mộng hay tới trời.

Cô công chúa đến thăm thành phố La Mã. Là công chúa, cô phải hành xử như hoàng gia mong đợi. Cô phải làm những điều ngược lại với những mong muốn của bản thân cô. Cô mơ màng được lang thang, sinh hoạt cùng với thế giới bên ngoài cung điện nên đã âm thầm trốn khỏi cung điện. Ra khỏi tháp ngà, dù còn lạ lẫm, cô thấy cuộc đời bên ngoài thật lý thú. Cô tình cờ gặp một thanh niên dễ thương, là anh chàng phóng viên nhà báo. Thấy cô gái đi lạc, chàng phóng viên muốn đưa cô về nhà của cô, nhưng cô không biết đi đâu. Không nỡ để cô gái nhỏ lơ ngơ giữa phố, chàng phóng viên đành phải cho cô gái tạm trú trong gác trọ của chàng. Theo lịch của nhà báo, ngày hôm sau, sẽ có một cuộc phỏng vấn quan trọng với công chúa, chàng nhất định sẽ nhờ lần phỏng vấn này thăng quan, tiến chức. Buổi sáng, khi chàng thức dậy. Quá trễ cho giờ họp báo. Không còn cách nào khác, chàng bèn sáng tác một bài phỏng vấn ma, định nộp cho tòa soạn. Khi bị chủ báo lật tẩy, cuộc họp báo tạm hủy, đọc tin nóng bỏng của báo, chàng mới kinh ngạc. Công chúa, chính là cô gái xinh xắn, đang ngủ li bì ở nhà chàng. Cô gái vui vẻ nhận lời mời đi chơi trong thành phố với chàng thanh niên. Cả hai cùng dấu sự thật. Cô công chúa muốn được làm quen, hoà nhập với nếp sống thường nhật của thành phố Rom trong lốt của người dân. Chàng phóng viên muốn có bộ sưu tập hình quý giá với công chúa. Chàng đưa cô công chúa dạo chơi khắp Rom. Cô thích thú ngắm mái tóc ngắn, trẻ trung của mình, thay cho mái tóc dài quý tộc. Cô cười trong trẻo, khi chàng chở cô đi bằng xe vespa giữa lòng phố. Cô hào hứng ôm cứng chàng, lúc cả hai chạy bạt mạng trong thành phố Rom. Anh thợ chụp hình, bạn anh phóng viên, theo sau, bí mật chụp những tấm hình độc đáo của chàng phóng viên và nàng công chúa. Một cơ hội ngàn vàng cho chàng để tạo tiếng vang. Những tấm hình chụp chàng và nàng chắc chắn sẽ biến chàng từ một tên phóng viên vô danh tiểu tốt thành ngôi sao của làng báo chí. Chàng say mê dệt mộng. Giữa những suy tính đó, con tim chàng mạnh mẽ lên tiếng. Không! Chàng không thể bán những tấm hình đó được. Chàng không thể bán những nhịp đập rộn ràng của tim chàng. Trong cuộc đời lang bạt của chàng đến giờ, tiếng chuông trong lòng chàng, chưa bao giờ thánh thót như ngày hôm nay, khi cùng nàng ném những đồng xu xuống giếng ước. Chàng đưa công chúa trở về cung điện. Hôm sau, khi họp báo, chàng đến. Với tư cách là người dân Rom, chàng tặng cho công chúa một món quà: Những tấm hình của một ngày hạnh phúc trong đời chàng và có lẽ đời nàng. Nàng kiêu kỳ đưa tay nhận món quà với lời cám ơn máy móc. Giờ ra chơi thơ mộng đã chấm dứt. Cô công chúa lại phải làm công chúa. Phải nhận lời mời đến một nơi cô không thích. Phải từ chối món quà mà cô vẫn hằng ao ước.

Quỳnh Lâm ơi, Nisha ơi, phải chăng trong mỗi con người mình đều có vai trò công chúa? Phải vui lòng làm ngược lại những ý thích thật sự của mình. Phải chấp nhận trong héo ngoài tươi, để cuộc sống giữ được cái quân bình (dầu là giả tạo) của nó. Tao chưa trốn khỏi cung điện. Tao biết là tụi bây vì thương tao mà lo, sợ rằng ngoài cung điện không có chàng phóng viên có tình, có tâm. Ngoài cung điện, chỉ toàn là cạm bẫy, sẽ phá hủy tháp ngà cuộc đời. Ôi, sao rắc rối dữ vầy Quỳnh Lâm ơi, Nisha ơi.

Tôi đi làm, hồn lơ đễnh mộng ra ngoài cửa… văn phòng. Về đến nhà, Nisha cứ phải mắng vốn rằng con Lâm nó đoảng không chịu được.

-Nó nướng nửa ngày mới mò dậy. Nó gọi điện thoại nam tào bắc đẩu xong, rồi mới thều thào với tao: Nisha ới, tao đói bụng quá. Làm sao đây. Đồ ăn có đầy trong tủ lạnh. Nhưng bát dĩa của mày, hàng hàng lớp lớp, lỡ xài không đúng với cái kiểu màu mè hoa lá hẹ của mày, mất công mày về mày la oai oái nữa. Đã vậy tô chén nho nhỏ như mấy cái chung uống trà. Xúc cả chục chén cơm mà sau đó bụng vẫn còn lưng lửng.

Tôi nói với Nisha

-Quỳnh Lâm phước đức mấy chục đời mới gặp được anh Đức.

-Nói đúng hơn, anh Đức kiếp trước chắc phá mấy chục cái chùa nên kiếp này phải trả nợ. Nisha tiếp lời.

-Nói vậy thôi. Mày nghe nó nhỏng nhẽo với anh Đức, thì sẽ hiểu tại sao anh Đức sẵn sàng chịu vô phước mà hầu nó. Tôi nhái giọng nhão nhoét của Quỳnh Lâm: Anh ơơơi, bé với Thúy đói bụng quá hààà… Anh tìm gì cho tụi bé ăn đi. Vậy là anh Đức nhà ta lấy xe phóng đi như anh hùng xa lộ thứ thiệt. Mấy phút sau rinh về một bịch to tướng, nào là bánh bò, bánh tiêu, giò cháo quảy nóng hôi hổi, vừa thổi vừa ăn.

-Thôi, nghe cái giọng như dzậy, tao muốn nổi da gà.

-Tao trông cho nổi da gà, luyện được cái giọng như nó, cho được sung sướng phận gái thuyền quyên.

Tôi than với Quỳnh Lâm và Nisha, mấy tên đồng nghiệp trong hãng “thuốc” tôi bằng súc-cù-là. Bữa thì Ritter Sport, bữa thì Lindt. Khi có hạt dẻ, lúc có vị rum. Khổ quá, nuốt nhiều sợ mập, không ăn lại thèm. Nisha trấn an:

-Mày có lên cân, áo quần không vừa, tụi tao lo. Lọt sàng xuống nia, chớ mất đi đâu mà lo.

-A, tao có mấy áo thổ cẩm xinh lắm, coi không. Tôi sực nhớ đến mấy cái áo em chưa mặc một lần.

-Mấy món đó nhường cho tụi bây ở đây. Tao ở Việt Nam, diện áo đó, thành sơn nữ ca mất. Quỳnh Lâm thỏ thẻ. Cái áo guess màu xanh của mày, tao mặc vừa y.

-Vậy thì thân ái tặng mày, để khi nào… em đến với anh xin đừng quên chiếc áo xanh

Ba đứa miệt mài lựa quần, thử áo.

Đêm cuối cùng, đi nghe giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện. Về đến nhà đã hơn nửa đêm. Dù không quá đau khổ như Đêm Cuối Cùng của Phạm Đình Chương, không có lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau, nhưng ba đứa cũng cảm thấy… dù chậm thế nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau. Quỳnh Lâm đã sức tàn, hơi kiệt. Nisha và tôi bê cái máy VCD bỏ túi lên giường, hai đứa dí sát hai loa vào lỗ tai, ráng chống chỏi cho cặp mắt khỏi sụp xuống.

Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là lên đường, Nisha tranh thủ trị mấy cái mắt cá lì lợm dưới bàn chân tôi. Nhờ Nisha mát tay, tôi thấy chân cẳng như được chắp cánh.

Nhìn đống hành trang của hai nàng, tôi chóng mặt. Quỳnh Lâm có sáu túi, hành lý gần một tạ. Xui cho hãng Lufthansa. Nếu ai cũng khuân như Quỳnh Lâm, máy bay làm sao cất cánh. Tôi ra vườn, đào cây ớt, gói ghém gọn gàng tặng Nisha. Cây trúc đi, cây ớt về. Thương nhau mới tặng ớt này, để làm kỷ niệm những ngày xa nhau. Nghe thông báo đường xa lộ ra phi trường bị kẹt xe, chúng tôi quyết định đi xe lửa. Trời vẫn mưa không dứt hột. Anh Lợi và Bê đi trước. Ba đứa tôi lúp xúp chạy theo. Ở trạm xe, trông đồ đạc lỉnh kỉnh giống như người Thổ Nhĩ Kỳ di dân qua Đức vào đầu thập niên 70. Như đã đoán trước, Quỳnh Lâm bị quá tải, chỉ mang theo được có… 65 ký. Vì lằng nhằng vụ hành lý, Quỳnh Lâm là hành khách cuối bước lên phi cơ. Không kịp bịn rịn chia tay cho đúng bài bản. Anh Lợi, Nisha và tôi cũng vội vàng trở về nhà ga chính, để Nisha kịp đáp tàu đêm về lại Paris. Anh Lợi phải vác thùng hành lý của Quỳnh Lâm bị Lufthansa “xù”. Đến nhà ga, còn 10 phút nữa tàu chạy, hú hồn. Đưa Nisha lên tàu, cùng toa với Nisha có một bà cụ trông dễ mến. Vậy là yên tâm. Anh Lợi, vác thùng hàng trên vai, tôi cầm cây dù. Sợ trễ giờ, vắt giò lên cổ mà chạy. Lại cũng không kịp cầm tay mà thấy trăm ngàn biệt ly.

Gần một tuần lễ trôi qua, vẫn còn nhiều mục chúng tôi chưa thực hiện được. Nisha không đủ thì giờ để kiểm duyệt “dâm thư” trong tủ sách của tôi, như đã dọa dẫm trước khi qua. Và cũng chưa nghe hết và thâu hết những băng nhạc do anh- Tuấn- Ngọc- của-chúng-mình (nguyên văn của Nisha) hát. Nisha còn định hộ tống tôi, cưỡi ngựa sắt đi nhặt lá vàng ở công viên. Khóa dạy dạ vũ cấp tốc tôi hứa với hai nàng đành dời lại cho kỳ gặp tới. Tôi chưa kịp khoe Quỳnh Lâm mớ thư cũ Quỳnh Lâm viết cho tôi ngày xưa, có thư Quỳnh Lâm “ghen” với Lệ Hiền, vì tôi đã bật mí chuyện tình bé nhỏ của tôi cho Lệ Hiền trước Quỳnh Lâm. Mấy tập thơ Bá Nha chép tay chờ bao ngày, khi hai Tử Kỳ đến lại không có thì giờ trình làng. Quỳnh Lâm vẫn chưa thấy làng Thế Vận Hội, dù sự bất quá tam. Quỳnh Lâm đã qua Đức vào mùa đông, mùa hè và mùa thu. Lần tới, Quỳnh Lâm hỉ, mi qua đây vào mùa xuân, là đủ bộ bốn mùa. Nhất định sẽ dẫn mi đến làng Thế Vận Hội.

Quỳnh Lâm ơi, Nisha ơi, tụi mình, đúng là… mã tầm mã, ngưu tầm ngưu. Ba đứa có những cái cười rất chi là… vô duyên, vô nợ. Một đứa mới có hả miệng nói nửa chữ, thì hai đứa kia đã đáp trúng đài, rồi vừa nói, vừa rú lên những tràng cười vô cùng… ghê rợn.

clip_image016

Hình minh họa (Nguyễn Đức Tuấn Đạt)

Nói cho cùng, ba đứa rất thuận duyên mới có được những ngày qua. Đâu bao giờ mình tưởng tượng là có ngày tụi mình gặp nhau ở xứ người. Dù tuổi đời mênh mông, tụi mình đã nghe lại được tiếng cười trẻ dại của nhau. Tụi mình đã hòa giọng trong bài ca hạnh ngộ rất đẹp. Sáu ngày qua tụi mình chỉ có hỉ và ái, chứ không có nộ và ố. Quỳnh Lâm ơi, Nisha ơi, trong cuộc đời quá đỗi mong manh, mình tìm lại được nhau, những khoảnh khắc hạnh phúc quý giá sẽ theo mình, mãi hoài nghe.

Hoàng Thị Ngọc Thúy

* Trích trong Ngón Tay Hoa của thi sĩ Trụ Vũ.

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

Bài Ca Hạnh Ngộ của nhạc sĩ Lê Uyên Phương

https://www.youtube.com/watch?v=S7WmF2mD70E

Có Những Niềm Riêng của nhạc sĩ Lê Tín Hương

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/co-nhung-niem-rieng-tuan-ngoc.zUI6DW8B6G.html

Không Còn Mùa Thu của nhạc sĩ Việt Anh

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/khong-con-mua-thu-viet-anh-quang-tuan.6XQXfz6pBN.html

Mai Tôi Đi thơ Nguyên Sa, nhạc Anh Bằng

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/mai-toi-di-anh-bang-nguyen-sa-nguyen-khang-ft-diem-lien.Xc8zBLr_Iz.html

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search