T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Xuân Sơn: hầm hố trên không

Ong Bo

Ma Quỷ hay Người – Tranh: Thanh Châu

 

 

sau mậu thân lũ ma sống túm tụm bàn cãi về hiệu lệnh

đứa nào cầm chịch giết hết chôn hết

mày mày mày               thằng này

không phải tao tao không có mặt

rõ ràng tao thấy mày sờ báng súng

tên kia lảy cò

không.  không phải đó chỉ là hai cái bóng chập một

ma quỷ hay người cũng chẳng rõ

thu lu bóng đèn

còn mày tay thọc túi quần tay chỉ năm ngón

rõ là ra lệnh

chỉ huy đấy nhá

mậu mậu.  không phải ngộ đâu

tớ chỉ ẩn nấp cơn sướng rên đồng nhập

chấp chới bài thơ xuân

phen này phục thù được rồi

kách mệnh đồng bào kíu quốc

cái cuốc chày vồ nện thấy mẹ nó

cứ lưỡi lê xốc tới

lấp nông vùi cạn

kệ mẹ nó

giết.  giết hết máu mủ vinh danh

hết đất ta đào huyệt trên không

đố đứa nào tìm ra sạn đạo

 

50 năm sau dây kẽm gai còn rớm máu

bọn quỷ sống vẫn cứ lòi chòi

đứa diếm kỹ cái đầu lâu

đứa đẩy xe bán dạo linh hồn

duy chỉ một tên ma mị láu cá

đào trúng mỏ sách tự phong

 

hoàng xuân sơn

cận tết mậu tuất

 

*Trích BBC:

Ngày 31/1 năm  2018, Đảng CSVN tổ chức lễ kỷ niệm 50 sự kiện mà Việt Nam gọi là “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”.

Năm 1968, biến cố tổng tấn công trên khắp các địa phương của Việt Nam Cộng Hòa đã tạo ra bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ, nêu lập trường chính thức của Đảng:

“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do, được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Ý kiến ‘phi chính thức’

Tuy vậy, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói với BBC: “Tôi cho rằng không nên làm kỷ niệm Mậu Thân rầm rộ, nghiên cứu thì cứ nghiên cứu để tìm ra bài học ngăn ngừa chuyện ấy trong tương lai.”

“Không nên khoét sâu những nỗi đau của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn như vậy.”

“Người nhà đánh nhau, nồi da xáo thịt thì oai hùng nỗi gì mà tưởng niệm.”

“Hơn nữa, tôi thấy bây giờ dư luận không để ý nhiều đến buổi lễ này.”

“Bây giờ không phải bất kỳ sự kiện nào Đảng làm thì người ta cũng theo dõi, hoan nghênh đâu,” ông Khắc Mai cho hay.

Hôm 1/2, nhà báo tự do Nguyễn An Dân bình luận với BBC:

“Đảng Cộng sản Việt Nam dùng chữ “tri ân”, vậy lễ này tri ân những người nằm xuống vì cái gì? Vì họ chiến đấu cho đảng? Hay vì họ nội chiến với chính đồng bào của mình?”

“Nếu Đảng làm lễ tri ân Mậu Thân thì sẽ luôn có một bộ phận nhân dân nhớ về trận tái chiếm Quảng Trị 1972.”

“Ngay cả nếu Việt Nam Cộng Hòa là “bên thắng cuộc”, tôi cũng sẽ phản đối nếu họ làm lễ chiến thắng Mậu Thân,” ông An Dân nói.

Bình phẩm trên Facebook, nhà văn Nguyễn Viện ở TPHCM nói: “Bao nhiêu máu, nước mắt, đau khổ và sự mất mát của nhân dân 2 miền… nhưng dường như chính trị vẫn đi con đường riêng của nó. Bất nhẫn.”

(Nguồn BBC)

Bài Mới Nhất
Search