T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: Đọc “CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH THI SĨ MIỀN NAM”(Thơ Lê Mai Lĩnh)

                 Spirit free

Sải Vó – Tranh: Mai Tâm

 

Tặng nhà bình thơ CHÂU THẠCH,
Hãy múa bút xem sao.

                              LÊ Mai Lĩnh

 

Bảy năm làm lính
Tám năm, sáu tháng làm tù
Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong
Giờ 72, mình vẫn không muốn làm người đào binh
Nhưng xin cho mình cái phép thường niên
Để gối đầu lên địa đàng trăng và làm thơ tình
Để tìm chút hơi ấm của nụ hôn
Để lấy lại hơi thở bình sinh
Cho những ngày trận mạc mới.

Mình không bỏ ngũ
Mình không phản bội anh em
Mình vẫn hiện
diện dưới cờ
Minh sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa
Nhưng xin cho mình cái phép thường niên
Mình cần một chút l
lướt
Mình cần một chút bay bướm
Mình cần một vòng tay ôm của một người tình
Mình cần một nụ hôn mặn chát của người yêu
Mình cần một cái liếc mắt sắc như lưỡi dao cạo
Và chấp nhận máu chảy, ròng ròng
Mình cần một lời thầm thì, ngọt như mía lau
Để quên đi mùi cay của thuốc súng, bom đạn
Mình cần một cái cắn môi của người học trò
Để thấy đạn thủng cũng chưa đau bằng cái cắn môi của người học trò
Mình cần một đêm trăng mật
Để thấy một tuần là quá thừa, cho một người lính trận.

Hãy nhớ
Cấp cho mình cái phép thường niên
Để sau ngày hết hạn
Minh sẵn sàng cầm súng đi tới bốn vùng chiến thuật.

Mình không đào ngũ
Mình không phản bội anh em
Mình vẫn hiện diện dưới cờ
M
ình hứa.
Nhưng mỗi năm,
xin hãy cấp cho mình cái phép
Để mình còn là CON NGƯỜI.

Lê Mai Lĩnh

 

Cảm nhận của Châu Thạch:

Theo định nghĩa “chân dung” là tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh thể hiện đúng diện mạo, hình dáng một người nào. Ví dụ: vẽ chân dung, tranh chân dung. Vậy thì không có “viết chân dung”. Thế nhưng nhà thơ Lê Mai Lĩnh viết “Chân dung”. Như thế tạm định nghĩa “viết chân dung” là dùng chữ để  khắc, họa, nhiếp đúng diện mạo bằng lời. Ba nghệ thuật vẽ, khắc và nhiếp khi dùng để thể hiện chân dung thì tả được diện mạo con người nhưng không lột tả được nội tâm con người. Ngược lại nghệ thuật “viết chân dung” không cho thấy cụ thể được diện mạo con người nhưng lại lột tả được tâm tư tình cảm trong chiều sâu tâm hồn của con người. Điều đó được xác nhận bởi bài thơ “Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam” của nhà thơ Lê Mai Lĩnh.

Đọc khổ thơ đầu của Lê Mai Lĩnh ta  thấy ông có 56 năm cầm bút. Ông nói “giờ 72”. Suy ra ông là thi sĩ khi 16 tuổi. Điều đó không ngoa vì tôi biết ở tuổi đó ông đã xuất bản tập thơ “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”. Nghe tên tập thơ đầu tay của ông, ta thấy ngay câu thơ “Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong” của ông là sự thật, bởi vì ông đã trăn trở vì đất nước ngay khi còn chưa thành niên. Đọc những câu thơ mở đầu “Bảy năm làm lính / Tám năm, sáu tháng làm tù /Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong” ta thấy thấy được sự kiên cường cúa một người “Lính Thi Sĩ”. Khi người lính thi sĩ Lê mai Lĩnh thất trận, buông súng, vào tù vẫn “xung phong” được bằng cây bút của mình. Nhiều nhà thơ đã buông bút khi vào tù, nhiều nhà thơ đã quay ngược cây bút, hùa với phe thắng cuộc để bắn vào quá khứ của mình. Lê Mai Lĩnh không giống họ.  Lê Mai Lĩnh không  đầu hàng. Khi chưa là tù binh, nhà thơ vừa cầm súng vừa cầm bút. Khi bị cướp súng đi, nhà thơ đưa thêm công dụng của cây súng vào ngọn bút  để xung phong. Khi trở lại đời thường nhiều nhà thơ từng là “Thi Sĩ Lính” trở thành thi sĩ tình, thỉnh thoảng sáng tác một vài bài thơ khóc lóc cho thân phận mình. Khác với họ, nhà thơ Lê Mai Lĩnh hình như không khóc cho mình bao giờ. Nếu Lê Mai Lĩnh có khóc chăng, là khóc cho thời cuộc với những suy đồi diễn ra trước mắt. Lê Mai Lĩnh vẫn viết thơ tình và nhiều chủ đề khác, nhưng dầu chủ đề nào thì thơ ông vẫn là những phát súng xung phong và công phá vào chiến tuyến địch một cách kiên trì, liên tục, ròng rã  không ngơi nghỉ bao giờ. Sự thật đó hiển hiện trong thơ Lê Mai Lĩnh mà ai cũng thấy.

Dầu là một chiến sĩ gan dạ, dầu là một anh hùng chăng nữa mà tấn công vào thành trì địch 56 năm không ngơi nghỉ thì mệt mỏi là lẽ thường. Nhà thơ lính Lê Mai Lĩnh cũng thế thôi, nên ông tự xin “ được nghỉ một cái phép thường niên”:

“Giờ 72, mình vẫn không muốn làm người đào binh
Nhưng xin cho mình cái phép thường niên
Để gối đầu lên địa đàng trăng và làm thơ tình
Để tìm chút hơi ấm của nụ hôn
Để lấy lại hơi thở bình sinh
Cho những ngày trận mạc mới.”

Câu thơ thật là dễ hiểu, chẳng có gì phải bình nếu ai đó chưa từng là người xung trận. Thế nhưng, câu thơ trở thành một phút thư giãn tuyệt vời cho những ai đã từng lăn lộn trên chiến trường. Đọc thơ, ta nhớ ngay những ngày về phép khi ta còn là một quân nhân trong thời chiến. Tôi nhớ hình như phép thường niên của người lính miền Nam thưở trước là 15 ngày, được chia làm hai lần trong năm hoặc được cấp một lần trọn gói tùy ý của mình. Những ngày đó đối với người chiến binh về phép thì có biết bao nhiêu việc để giải quyết  nhưng đối với nhà thơ lính Lê Mai Lĩnh thì đặc biệt vô cùng: Chỉ làm thơ và hôn. Có người nói với tôi rằng nhà thơ Lê Mai Lĩnh tự xưng mình là “Khùng thi sĩ” nhưng có thấy ông khùng chỗ nào đâu? Xin thưa, khùng chỗ nầy đây. Có người lính nào nghỉ phép mà làm thơ tình đâu. Họ có làm chăng thì chỉ sau khi quay về đơn vị, còn thời gian quý giá của những ngày xa sự chết đó, họ vui chơi cho thật thỏa lòng. Thương thay, khác với hầu hết người lính, khùng thi sĩ Lê Mai Lĩnh có những nụ hôn, những bài thơ tình làm trong khi nghỉ phép cũng chỉ là những phút ông cố ý nghỉ ngơi để chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo, nên có lẽ nó cũng đầy mùi thuốc súng và ánh hỏa châu lung linh soi sáng chiến trường.

Đọc câu thơ của ông: “72 mình vẫn không muốn làm người đào binh” là một bài học quý giá cho những con người vì mọi lý do xuôi tay theo thời cuộc.  Cái tinh thần “xông lên”, “không muốn làm đào binh” đó thể hiện nhân cách của một người lính ở mọi nơi và mọi thời đại.

Những câu thơ kế tiếp nhà thơ khẳng định lại ý chí mình như một lời thề trung tín để xin một “cái |phép thường niên”:

Mình không bỏ ngũ

Mình không phản bội anh em

Mình vẫn hiện diện dưới cờ

Mình sẳn sàng xả thân cho đại nghĩa

Nhưng xin cho mình cái phép thường niên

Đọc thơ ta thấy nhà thơ khao khát cái phép thường niên là bao nhiêu! Hình như đã lâu rồi ông vẫn miệt mài xung trận. Hình như đã lâu rồi kể từ khi ông buông súng, cây bút ông phải chiến đấu bằng hai nên ông quên ngày tháng. Nay đến tuổi 72 ông chợt thấy mình mất đi quá nhiều vui thú của cuộc đời. Rồi trong một phút  giây nào đó nhà thơ thấy mình đã già, phải nghỉ ngơi để chiến đấu tiếp. Quả thế, ở những câu thơ sau, ta thấy ông già 72 trẻ lại như thanh xuân:

Mình cần một chút l lướt
Mình cần một chút bay bướm
Mình cần một vòng tay ôm của một người tình
Mình cần một nụ hôn mặn chát của người yêu
Mình cần một cái liếc mắt sắc như lưỡi dao cạo
Và chấp nhận máu chảy, ròng ròng
Mình cần một lời thầm thì, ngọt như mía lau
Để quên đi mùi cay của thuốc súng, bom đạn
Mình cần một cái cắn môi của người học trò
Để thấy đạn thủng cũng chưa đau bằng cái cắn môi của người học trò
Mình cần một đêm trăng mật
Để thấy một tuần là quá thừa, cho một người lính trận.

Hãy nhớ
Cấp cho mình cái phép thường niên
Để sau ngày hết hạn
Minh sẵn sàng cầm súng đi tới bốn vùng chiến thuật.

Có người nhận xét rằng “ Lê Mai Lĩnh làm thơ như nói chuyện, mà nói chuyện như làm thơ”. Tôi nghĩ rằng nói chuyện thành thơ chớ không phải như làm thơ! Đọc khổ thơ trên ta thấy Lê Mai Lĩnh khát tình đến cùng cực. Nhà thơ cần vòng tay, cần nụ hôn, liếc mắt, cắn môi của người tình. Tất cả nhu cầu đó của nhà thơ, lạ thay như không có một chút dục tình. Từng câu thơ cuốn hút chúng ta vào một thứ tình yêu đam mê cuồng nhiệt nhưng đại lượng và hy sinh. Những câu thơ “Mình cần một cái liếc mặt như lưỡi dao cạo /Và chấp nhận máu chảy, ròng ròng” hay là “Mình cần một cái cắn môi của người học trò /Để thấy đạn thủng cũng chưa đau bằng cái cắn môi của người học trò” còn hay trên cả sự nói chuyện thành thơ. Chú ý rằng những câu thơ đậm yêu và bùng nổ trên là của ông già thất thập cổ lai hy. Điều đó chứng minh được ý chí kiên cường xung phong trong tâm hồn người Lính Thi Sĩ của Lê Mai Lĩnh là thật. Đọc thơ ta thấy được bản chất nói và làm song hành cũng như sự nhiệt thành của con người ấy cho ta hiểu vì sao ông luôn luôn dương cao ngọn cờ xung trận.

Và những câu thơ cuối cùng, nhà thơ lại nhắc những điều mình đã hứa ở trên, để cũng chỉ xin cho mình một cái phép thường niên. Già rồi lẩm cẩm chăng? Không đâu, đọc đoạn thơ ấy, tôi gần như rơi lệ vì hiểu được niềm đau của tác giả khi buông cây bút súng của mình để nghỉ ngơi:

Mình không đào ngũ
Mình không phản bội anh em
Mình vẫn hiện diện dưới cờ
M
ình hứa.
Nhưng mỗi năm,
xin hãy cấp cho mình cái phép
Để mình còn là CON NGƯỜI.

Khi còn tại ngũ, có những lúc một mình trên vọng gác, tôi thấy mình cô đơn làm sao! Những lúc đó cơn buồn ngủ kéo tới và tôi tự dày xé mình để được tỉnh thức. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh cũng thế, những Thi Sĩ Lính như ông ngày nay không còn là mấy. Nhà thơ như tên lính một mình xông lên trước. Ý chí kiên cường trong Người Lính Thi Sĩ không cho ông buông súng, súng ấy chính là cây bút hiện nay của ông, vì nếu ông buông nó để nghỉ ngơi thì những kẻ phía sau ông sẽ buông vũ khí xuống  hẳn. Trong thâm tâm nhà thơ không muốn nghỉ phép thường niên, nhưng không nghỉ phép thường niên thì ông cũng gục ngã ngay trên chiến trường vì biết bao mệt mỏi. Nếu ông phải gục ngã thì tự ông kết tội mình không phải CON NGƯỜI viết hoa, bởi đã không làm tròn trách nhiệm, để cây cờ xung phong vùi mình trong đất.

Người Lính Thi Sĩ miền Nam Lê Mai Lĩnh xin một cái phép thường niên nhưng xin ai bây giờ? Ai là người cấp phép cho ông? Không còn ai hết! Vậy thì ông xin chính ông. Nhà thơ phải hứa hẹn, phải thề thốt chỉ là để tự nguyện với lòng mình. Nhà thơ ngại mình tuổi già, sức kiệt, nghỉ ngơi rồi sẽ buông luôn cây bút xung trận đã 52 năm. Cây bút ấy thay súng cũng đã nhiều năm. Vì vậy nhà thơ phải tự nhủ với lòng mình phải kiên cường cho đến chết. Ông xin một phép thường niên cũng như tôi ngày xưa xin một giây để chợp mắt ngay trước phòng tuyến địch. Một giây thôi nhưng phải chuẩn bị tinh thần để không bao giờ ngủ thêm giây nào nữa.

Bài thơ cho tôi thấy một CON NGƯỜI, CON NGƯỜI ấy dầu ở phe nào, bên nầy hay bên kia, đều được trân trọng và nhìn với con mắt kính phục./.

Châu Thạch  

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search