T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Trở Về Mái Nhà Xưa

“Bản ca nổi danh của nước Ý là COME BACK TO SORRENTO cũng được tôi soạn lời Việt với cái tên TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA tại Chợ Neo, Thanh Hoá. Lời ca nói lên phần nào sự mệt mỏi của con người trong kháng chiến, mơ tới ngày được trở về với cái bình thường của mình. Bài này có thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông. . .”

Phạm Duy: Trở Về Mái Nhà Xưa

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

tro ve mai nha xua 1

tro ve mai nha xua 2

tro ve mai nha xua 3

tro ve mai nha xua 4

Trở Về Mái Nhà Xưa – Nhạc NQ-Lời Việt: Phạm Duy

Trình Bày: Carol Kim (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2018

Đọc Thêm:

Trích: Hoài Nam: Những ca khúc ngọai quốc lời Việt (7)- Come Back to Sorrento (Trở về mái nhà xưa), DE CURTIS – Serenata (Chiều tà), TOSELLI

. .  .  .  . .

Sau phần dẫn nhập và giới thiệu một số sáng tác để đời của các nhà soạn nhạc lừng danh ở Đức, Áo, Ba-lan và Đông Âu trong nền nhạc cổ điển, bắt đầu từ bài này, chúng tôi mời quý độc giả cùng xuôi về phương Nam để thưởng thức những ca khúc nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Ý, Tây-ban-nha và Mỹ La-tinh.

Trước hết là bản Torna a Surriento (tựa tiếng Anh: Come Back to Sorrento, tựa tiếng Việt: Trở về mái nhà xưa) của hai anh em người Ý Ernesto De Curtis (1875-1937) và Giovanni Battista (gọi tắt là Giambattista) De Curtis (1860-1926).

Viết một cách chi tiết hơn,Torna a Surriento là một ca khúc được Ernesto phổ từ một bài thơ có cùng tựa của Giambattista. Tuy nhiên hiện nay, nếu không kể ở Ý, hầu như tất cả mọi ấn bản được lưu hành chỉ ghi tên tác giả là Ernesto De Curtis.

Trong số này, có người (Việt) còn lầm lẫn một cách tai hại khi viết: “…tác giả là Ernesto De Curtis, còn được gọi là Giambattista”!

Tìm hiểu tới nơi tới chốn, chúng ta sẽ thấy nếu không có bài thơ của Giambattista, hoặc ông không yêu cầu Ernesto phổ nhạc, đã không có ca khúc bất hủ này. Có thể nói, Torna a Surriento là một sự phối hợp tuyệt vời giữa những rung động trong lời thơ của Giambattista và nét nhạc của Ernesto.

clip_image004

Giovanni Battista De Curtis (1860-1926)

* * *

Torna a Surriento là một ca khúc thuộc thể loại “ca khúc xứ Naples” – tức “Neapolitan songs”.

Naples (tiếng Ý là Napoli) được xem là cái nôi của nền ca nhạc hiện đại của Ý, khởi đầu vào cuối thời kỳ lãng mạn với những ca khúc thiết tha, trữ tình, mà lời hát được phát âm theo thổ âm đặc biệt của vùng Naples, chẳng hạn chữ ”sorrento” phát âm thành “surriento”.

Ngoài bản Torna a Surriento, người Ý còn có nhiều “ca khúc xứ Naples” nổi tiếng quốc tế khác, chẳng hạn bản O Sole Mio (Mặt trời của tôi), một ca khúc quen thuộc qua tiếng hát của hầu hết danh ca tenor trên thế giới. Về sau, bản O Sole Mio còn được người Mỹ đặt lời bằng tiếng Anh với tựa It’s Now or Never, và trở thành một trong những ca khúc “nhãn hiệu cầu chứng” của Ông vua nhạc rock Elvis Presley.

Hai anh em Giambattista và Ernesto De Curtis sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Naples – nguyên là một vương quốc ngày nước Ý chưa thống nhất; cha là “họa sĩ fresco” tên tuổi Giuseppe De Curtis, và ông cố là nhà soạn nhạc nổi tiếng Saverio Mercadante.

Giambattista sinh năm 1860, còn Ernesto ra chào đời sau đó 15 năm. Với người Ý nói chung, Giambattista nổi tiếng hơn Ernesto, bởi vì trong khi Ernesto chỉ là một nhà soạn nhạc và viết ca khúc, thì Giambattista vừa viết ca khúc, soạn ca kịch, vừa sáng tác thơ văn, vừa điêu khắc, vừa vẽ tranh, đặc biệt là tranh “fresco”, nhờ được thân phụ huấn luyện, đào tạo từ nhỏ.

[Chú thích: “fresco” là một hình thức vẽ tranh đặc thù của thời Trung cổ và thời Phục hưng. Đó là kỹ thuật và nghệ thuật vẽ trên vữa (plaster) chưa kịp khô của các bức tường hoặc trần nhà, với mục đích giữ cho lâu bền.

Nhà nguyện Sistine (Sistine Chapel) ở Rome là nơi tập trung những bức “fresco” nổi tiếng nhất: trên trần là tranh của danh sư Michelangelo, và trên tường là các tác phẩm của Botticelli cùng nhiều họa sĩ thời danh khác.

Cái khó khăn nhất trong việc vẽ “fresco” là một khi đã vẽ, không thể sửa đổi các chi tiết. Bức họa lừng danh “Bữa tiệc ly” (The Last Supper) của thiên tài Leonardo Da Vinci – mà một số người gọi là “fresco” – tuy cũng được vẽ trên tường phòng ăn của tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, nhưng thực ra không phải “fresco” vì được vẽ trên tường đá, cho nên đã bị hư thoái trầm trọng (tróc sơn) ít lâu sau khi ông qua đời.

Cũng may cho hậu thế, vào khoảng năm 1520 (hơn 20 năm sau ngày bức họa được hoàn tất), Giovanni Pietro Rizzoli (có tên nghệ sĩ là Giampietrino), một người phụ tá của Leonardo Da Vinci, thấy được nguy cơ hư thoái của bức họa, nên đã vẽ lại bằng sơn dầu (oil on canvas) với cùng một kích thước (một bề 4.5 mét, một bề 8.7 mét) và với một mức chính xác tuyệt vời. Nhờ đó, gần 5 thế kỷ sau, khi bức họa The Last Supper nguyên thủy của Leonardo Da Vinci được trùng tu toàn phần – một công việc kéo dài 20 năm (từ 1978 tới 1998), người ta mới có “mẫu” để vẽ lại những phần đã bị tróc trên bức họa nguyên thủy.

Ngày nay, bức họa The Last Supper (vẽ lại) của Giampietrino thuộc quyền sở hữu của Hàn lâm viện Nghệ thuật Vương quốc Anh (Royal Academy of Arts) ở Luân-đôn.

* * *

Cũng nhờ tài vẽ tranh “fresco” mà Giambattista De Curtis được ông Thị trưởng Guglielmo Tramontano của Sorrento trọng đãi.

clip_image006

Thị trấn cổ kính Sorrento

Sorrento là một thị trấn cổ kính ở tỉnh Campania, miền Nam nước Ý, cư dân chỉ vào khoảng 16,500 người. Với những di tích lịch sử từ thời Đế quốc La-mã, khung cảnh thơ mộng hữu tình, nằm bên vịnh Sorrento xanh biếc của Địa Trung Hải, gần Naples, núi lửa Vesuvius và thành phố Pompeii đã bị núi này chôn vùi dưới lòng biển, Sorrento đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng, và nơi nghỉ mát lý tưởng.

Gia đình De Curtis là chỗ quen thân với ông Thị trưởng Tramontano của Sorrento, kiêm chủ nhân khách sạn nghỉ mát Grand Hotel nổi tiếng của thị trấn; và Giambattista đã được ông mời phụ trách việc trang trí, vẽ những bức “fresco” trên tường khách sạn; về sau, Giambattista còn vẽ nhiều bức tranh trên vải để trưng bày tại đây.

Sự trọng đãi của ông Thị trưởng Tramontano cùng với khung cảnh thơ mộng hữu tình, khí hậu lý tưởng của Sorrento đã khiến Giambattista De Curtis xem thành phố này như quê hương thứ hai; trong suốt 20 năm liên tục, năm nào ông cũng tới sống ở Sorrento trong 6 tháng hè, ngụ tại Grand Hotel, để vẽ, làm thơ, sáng tác ca khúc, và… xuất hiện bên cạnh những bông hoa biết nói đẹp nhất – cho tới khi lập gia đình vào tuổi 50 với tiểu thư Carolina Scognamiglio – sau 20 đính hôn!

* * *

Về phần cậu em Ernesto De Curtis, tuy không “bách nghệ tinh” và đào hoa như ông anh Giambattista, nhưng lại là một danh thủ dương cầm và nhà soạn nhạc, soạn ca khúc chuyên nghiệp, tốt nghiệp Nhạc viện San Pietro ở Naples.

Bình thường, Giambattista hay viết ca khúc chung với nhà soạn nhạc Vincenzo Valente (1855–1921), một người bạn vong niên, chỉ thỉnh thoảng mới viết chung với cậu em Ernesto, trong đó bản Torna a Surriento.

Theo lời truyền tụng, nguyên nhân ra đời của bản Torna a Surriento là chuyến viếng thăm thị trấn Sorrento của Thủ tướng Ý Giuseppe Zanardelli vào năm 1902. Dĩ nhiên, ngài Thủ tướng cư ngụ tại Grand Hotel. Vì thế ông Thị trưởng Tramontano đã yêu cầu hai anh em De Curtis sáng tác một “ca khúc xứ Naples” để đón mừng. Thế là Giambattista làm bài thơ Torna a Surriento rồi đưa cho Ernesto phổ nhạc.

Tuy nhiên, một số tài liệu được khám phá gần đây cho thấy ca khúc này đã được hai anh em sáng tác vào năm 1894, tức là 8 năm trước ngày Thủ tướng Zanardelli viếng thăm Sorrento; như vậy việc ca khúc này được xuất bản vào năm 1902 – năm có chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ý, chỉ là một sự vô tình trùng hợp. Thế nhưng cho tới nay, không ít tác giả khi viết về lai lịch ca khúc Torna a Surriento, vẫn cố tình “phớt lờ” khám phá nói trên, không ngoài mục đích duy trì tính cách thú vị của những thêu dệt đáng yêu, và vô hại ấy!

Lời hát trong Torna a Surriento (Hãy trở lại Sorrento), là lời trách móc một chàng trai đang bỏ Sorrento ra đi, bỏ lại biển xanh với những cổ vật dưới đáy, và trên mặt nước những nàng nhân ngư đang đắm đuối nhìn theo, bỏ lại những khu vườn thân thương vương thoảng mùi hoa cam dịu dàng…, cùng với lời nhắn nhủ “Hãy trở lại Sorrento!”

Ngay sau khi được đăng ký bản quyền quốc tế vào năm 1905, Torna a Surriento đã trở thành một “hiện tượng”, được ưa chuộng và phổ biến khắp nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nơi mà người di dân Ý còn mang nặng tình hoài hương.

Từ đó tới nay, hầu như không một danh ca nào của phương tây mà không hát bản này; riêng Dean Martin, một danh ca Mỹ gốc Ý, đã thu đĩa tới 3 ấn bản khác nhau: nguyên tác tiếng Ý Torna a Surriento, bản dịch sang tiếng Anh với tựa Come Back to Sorrento, và một bản lời Anh khác có tựa Take Me in your Arms.

Về sau, hai tác giả Doc Pomus và Mort Shuman còn soạn lại phần nhạc và đặt lời hát với tựa Surrender cho Ông vua nhạc rock Elvis Presley thu đĩa.

Bên cạnh đó, nét nhạc của Ernesto de Curtis trong Torna a Surriento cũng có một sức thu hút lạ thường, và đã được nhiều dàn nhạc cổ điển và bán cổ điển trình tấu.

Có thể nói, nếu cần một nhạc khúc, ca khúc quốc tế để diễn tả nỗi buồn xa xứ, sự hoài niệm quê xưa, thì Torna a Surriento phải được xem là nhạc khúc, ca khúc điển hình nhất.

Thật vậy, người nghe nhạc ở khắp năm châu, không phải ai cũng biết, hoặc bỏ công tìm hiểu thị trấn Sorrento nằm ở đâu, thơ mộng tới mức nào, nhưng sao qua nghe ca khúc này, hầu như mỗi người đều thấy trong đó hình ảnh một nơi chốn riêng đầy ắp những kỷ niệm thân thương của chính mình.

Riêng tại Việt Nam, theo ký ức của nhạc sĩ Thanh Trang, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Mạnh Phát trong Nam là người đầu tiên đặt lời Việt cho bản Torna a Surriento với tựa đề “Trở về mái nhà xưa”; lời hát tuy đơn sơ nhưng rất thấm thía.

Còn ở ngoài miền Bắc, vào khoảng năm 1949-1950, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đặt lời Việt cho Torna a Surriento, và cũng với tựa đề “Trở về mái nhà xưa”.

Ông viết trong hồi ký:

“Bản ca nổi danh của nước Ý là COME BACK TO SORRENTO cũng được tôi soạn lời Việt với cái tên TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA tại Chợ Neo, Thanh Hoá. Lời ca nói lên phần nào sự mệt mỏi của con người trong kháng chiến, mơ tới ngày được trở về với cái bình thường của mình. Bài này có thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì tôi là người Á Ðông. . .”

. . . . . . .

Bài Mới Nhất
Search