T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (73) – NHẠC ĐÔNG PHƯƠNG: Ruju (Người Tình Mùa Đông, Thuyền Tình Trên Sóng), Miyuki Nakajima

clip_image002

Bài đầu trong loạt bài giới thiệu một số ca khúc phổ thông điển hình của Đông phương được đặt lời Việt, chúng tôi viết về bản Ruju (Rouge) của nữ ca nhạc sĩ Nhật Bản Miyuki Nakajima, được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Người Tình Mùa Đông, và tác giả Khúc Lan với tựa Thuyền Tình Trên Sóng.

Nếu không kể một vài trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn bản Shina No Yoru (Chiều Tô Châu) đã được đặt lời Việt trước năm 1975, đại đa số ca khúc nhạc Nhật lời Việt bắt đầu xuất hiện tại hải ngoại vào giữa thập niên 1980, và nở rộ vào những năm cuối thập niên này.

Hồi tưởng lại, chúng ta chưa quên khoảng thời gian từ năm 1975 đến đầu thập niên 1980 là một giai đoạn mà nhạc sĩ Nam Lộc đã gọi là một giai đoạn khủng hoảng của âm nhạc Việt Nam, bởi các nhạc sĩ của miền Nam di tản ra hải ngoại không còn tinh thần để sáng tác, nhất là tình ca.

Trong bài “Tình ca Nhật Bản tại hải ngoại sau 1975”, phóng viên Kính Hòa của đài phát thanh RFA đã trích dẫn lời của Nam Lộc như sau:

“Hầu như không có một bản tình ca nào mà chỉ có nhạc về quê hương. Rồi cuộc đời cũng phải đi tới, bắt đầu có những nhu cầu, không phải lúc nào cũng là nước mắt, mà bắt đầu có những nụ cười, có tình yêu, mà lúc đó chưa có tình ca. Đối với ca sĩ thì họ có nhu cầu trình diễn, phải có những bản tình ca để họ hát, hát những bài cũ trước 75 thì không nói làm gì nhưng phải có những sáng tác mới. Theo tôi đó là lý do người ta bắt đầu soạn lời nhạc, dịch lời nhạc từ những bài hát tiếng ngoại quốc.”

Điều đáng nói là khi định cư tại các quốc gia Tây phương (chủ yếu là Hoa Kỳ), lẽ ra phần lớn “những bài hát tiếng ngoại quốc” ấy phải là của Tây phương, nhưng trên thực tế nhạc Nhật lại chiếm đa số.

Thực ra, nếu tính cả các ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt trước năm 1975 nay được hát lại qua phong trào “hồi sinh nhạc trẻ”, con số ca khúc nhạc Nhật lời Việt không thể sánh bằng, nhưng nếu chỉ kể tác phẩm mới, ca khúc nhạc Nhật lời Việt đứng đầu.

Giải thích hiện tượng này, nhạc sĩ Phạm Duy – tác giả của ít nhất 56 ca khúc nhạc Nhật lời Việt sau 1975 – đã viết trong hồi ký của mình:

“Ðây là năm (1988) nhạc Nhật được phổ biến khá nhiều trong Cộng Ðồng Việt Nam Hải Ngoại, với lời Việt do tôi soạn. Những bài này được hoan nghênh vì hương vị Á Ðông của ca khúc được người tị nạn thích hơn là những mầu sắc (hay nói cho đúng hơn là tiết điệu) Tây Phương.”

[Trừ một số rất nhỏ, các ca khúc nhạc Nhật lời Việt của Phạm Duy đã không được ông ghi tựa tiếng Nhật cũng như tên tác giả]

Phụ lục 1: Trái Tim Còn Trinh, Ngọc Lan

Phụ lục 2: Nhớ Quê Hương, Ngọc Lan

VIDEO:

CÔ EM NÀO KIA – YouTube

Một điều đáng nói nữa là các ca khúc nhạc Nhật lời Việt – thời gian đầu đa số do Ngọc Lan thu đĩa – không chỉ được ưa chuộng tại hải ngoại mà còn được thính giả trong nước nồng nhiệt đón nhận – một cách lén lút, dĩ nhiên; để rồi về sau, khi văn nghệ được cởi trói phần nào, một số tác giả trong nước đã tham gia vào việc dịch hoặc đặt lời Việt cho các khúc Nhật nổi tiếng.

Hai nhạc sĩ Nam Lộc và Tuấn Khanh (Tuấn Khanh trẻ ở trong nước) cho rằng “chính những nét tương đồng của âm nhạc và văn hóa Việt Nam và Nhật Bản là một điều kiện làm cho có nhiều bản tình ca Nhật được chuyển sang tiếng Việt như vậy” (bài đã dẫn)

Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác, các ca khúc Nhật Bản cũng rất phổ biến, các ca sĩ Nhật cũng rất được ái mộ.

Các “ca khúc Nhật Bản” nói tới ở đây hầu hết thuộc hai thể loại “kayokyoku” và “enka”; chúng tôi sẽ trở lại với hai chữ này ở một phần sau.

Cũng vì tính cách phổ biến của các ca khúc Nhật Bản, thiết nghĩ cũng nên có đôi hàng sơ lược về nền âm nhạc của xứ Hoa anh đào trước khi giới thiệu tiếp một số ca khúc điển hình.

[Trong bài này, chúng tôi cố tình giữ nguyên văn một số từ ngữ âm nhạc của Nhật với mục đích giúp những độc giả muốn tìm hiểu thêm]

Âm nhạc (music) tiếng Nhật gọi là “ongaku”, ghép bởi hai chữ “on” (sound) và “gaku” (enjoy). Những số liệu của năm 2014 cho thấy Nhật Bản là thị trường đĩa nhạc (physical music, nghĩa là không tính “online”) lớn nhất thế giới với thương vụ 2 tỷ Mỹ kim, và hạng nhì thế giới tính chung mọi loại thị trường với thương vụ 2.6 tỷ.

Theo các nhạc sử gia, nền nhạc truyền thống và dân gian của Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào triều đại Nara (Nara jidai, phiên âm Hán-Việt: Nại Lương triều đại, 710-794 sau Công Nguyên).

Nền âm nhạc Nhật Bản lúc đầu gồm hai thể loại chính: “shomyo” của Phật giáo (một hình thức huấn ca – sutra), và “togaku” là nhạc hòa tấu trong cung đình; còn thể loại dân gian thì chưa phát triển mạnh.

Thời gian này, nhà Đường (618-907) đang cai trị Trung Hoa, và cũng là thời cực thịnh của Phật giáo, Lão giáo và nền văn học nghệ thuật Trung Hoa, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lân quốc.

Tới triều đại Heian (Heian jidai: Bình An triều đại, 794-1185), ảnh hưởng của Trung Hoa tại Nhật Bản đã lên tới đỉnh cao, riêng trong lĩnh vực âm nhạc cung đình (togaku) có một có thể loại riêng biệt “gagaku”, là âm nhạc và các điệu múa xuất phát từ cung đình nhà Đường, vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Bên cạnh ảnh hưởng của Trung hoa, âm nhạc Nhật Bản ngày ấy còn

chịu ảnh hưởng của Ấn-độ, Mãn Châu và Triều Tiên, tất cả được du nhập vào quần đảo Phù Tang qua ngả bán đảo Triều Tiên.

Về nhạc cụ, biwa (đàn tỳ bà) là loại đàn gốc Trung Hoa đầu tiên được du nhập vào quần đảo Phù Tang (thế kỷ thứ 7), và hiện nay vẫn là nhạc cụ phổ biến nhất trong số 21 nhạc cụ trong nền nhạc dân tộc của Nhật Bản.

Kế tới là shamisen, tức đàn tam (đàn ba dây) cũng xuất phát từ Trung Hoa, rồi tới koto, tương tự đàn tranh (đàn thập lục) của Việt Nam và đàn cổ tranh (guzheng) của Trung Hoa.

Đặc biệt, trống (taiko) giữ một vai trò rất quan trọng trong nền nhạc dân tộc của Nhật. Người Nhật có một huyền thoại ly kỳ về nguồn gốc của taiko, tuy nhiên theo sử liệu thì trống, cùng với các loại nhạc cụ kể trên, đều được du nhập từ Trung Hoa, Mông Cổ, hoặc Triều Tiên…

* * *

Nhận xét một cách tổng quát, từ thế kỷ thứ 7 tới thế kỷ thứ 19, nền âm nhạc của Nhật Bản không có gì đáng gọi là rực rỡ. Nhưng tất cả đã thay đổi dưới thời Minh Trị Thiên hoàng.

Minh Trị Thiên hoàng (Meiji, 1852-1912), là vị Thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản, trị vì từ năm 1867 (khi ông mới 15 tuổi) cho tới khi qua đời. Ông được hậu thế ghi nhận là đệ nhất minh quân trong lịch sử Nhật Bản, người đã có công canh tân đất nước, sớm đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, hùng mạnh, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các đế quốc Tây phương, lúc đó đang đua nhau xâm chiếm các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á Châu làm thuộc địa.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, cuộc canh tân này có thể gọi là một cuộc “Tây phương hóa toàn bộ nền âm nhạc Nhật Bản”.

Tên tuổi lớn nhất trong cuộc canh tân âm nhạc Nhật Bản là Giáo sư Isawa Shuji (1851-1917). Ông từng du học về âm nhạc tại hai trường nổi tiếng Bridgewater Normal School và Harvard University, Massachusetts, Hoa Kỳ.

clip_image004

Giáo sư Isawa Shuji (1851-1917)

Năm 1879, ông về nước, thành lập Ongaku-Torishirabe-Gakari (Music Investigation Agency), một trung tâm nghiên cứu về nhạc Tây phương, sau này đổi tên thành Tokyo Ongaku Gakko (Tokyo Music Shool).

Năm 1880, ông mời được Luther Whiting Mason, thầy dạy và cũng là một người bạn Mỹ của mình, sang Nhật trong thời gian 2 năm để giúp thiết lập chương trình dạy nhạc tại các trường học. Nền âm nhạc Tây phương hóa của Nhật Bản (Westernized Japanese Music) được hình thành từ đó.

Trước tiên là những ca khúc ngắn sử dụng cung bậc (ngũ cung) của Tây phương do chính Isawa Shuji sáng tác. Tiếp theo là những ca khúc học đường (shoka) và quân nhạc (gunka) trở nên rất phổ biến.

Song song, nền nhạc cổ điển Tây phương của Nhật Bản cũng phát triển mạnh, sau này sản sinh nhiều nhân tài nổi tiếng quốc tế. Ngày nay, người yêu nhạc cổ điển trên thế giới hẳn phải biết tới những tên tuổi lớn như hai nhà soạn nhạc Kosaku Yamada, Toru Takemitsu, và nhất là Seiji Ozawa, vị nhạc trưởng từng điều khiển các dàn giao hưởng San Francisco Symphony, Toronto Symphony, Boston Symphony.

Về các ban đại hòa tấu kèn, Tokyo Kosei Wind Orchestra hiện được xem là số một thế giới, chỉ Dallas Wind Symphony của Mỹ mới có thể so sánh…

Tuy nhiên, vì mục đích của loạt bài này là viết về nền nhạc phổ thông hiện đại của Nhật Bản, chúng tôi xin được trở lại với ca khúc Ruju của Miyuki Nakajima.

Ruju là một ca khúc thuộc thể loại “kayokyoku” (pop tune), còn tác giả Miyuki Nakajima được ghi nhận là một ca nhạc sĩ của các thể loại “kayokyoku, folk, rock, enka”.

Hai chữ “folk, rock” chúng tôi không cần giải thích, chỉ xin viết về “kayokyoku” và “enka”.

“Kayokyoku” và “enka” đều thoát thai từ nền nhạc phổ thông truyền thống của Nhật Bản, được gọi chung là “ryukoka” (popular song).

Ca khúc phổ thông truyền thống bắt đầu xuất hiện từ triều đại Heian (Binh An triều đại, 794-1185), tuy nhiên phải đợi tới cuối thời Minh Trị Thiên hoàng (đầu thế kỷ thứ 20) nền âm nhạc phổ thông của Nhật mới thực sự phát triển.

Theo Wikipedia, ryukoka chịu ảnh hưởng của nhiều thể loại, trong đó có nhạc dân tộc truyền thống Nhật, nhạc cổ điển Tây phương, operetta, jazz, blues…

Từ ryukoka phát sinh bốn thể loại: kayokyoku, J-pop, enka, và trot.

Kayokyoku là các ca khúc phổ thông chịu nhiều ảnh hưởng Tây phương, trong đó có nhạc Mỹ La-tinh và rock-and-roll, tuy nhiên vẫn phối hợp với cấu trúc của nhạc truyền thống Nhật Bản. Theo một số tác giả, có thể gọi “kayokyoku” là “ryukoka hiện đại”.

J-pop là thể loại phổ thông cấp tiến nhất (từ thập niên 1960 trở về sau), chịu nhiều ảnh hưởng của các ban nhạc pop, rock Âu Mỹ như The Beatles, The Beach boys…

Enka là nhạc nặng về cách thức diễn đạt, phối hợp giữa âm hưởng truyền thống và âm hưởng cổ điển Tây phương.

Trot là một thể loại nhạc phổ thông của Đại Hàn, phát sinh vào tiền bán thế kỷ thứ 20 dưới thời gian bị Nhật đô hộ, chịu ảnh hưởng của nhạc Nhật, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Tới thập niên 1990, trước sự phát triển của K-pop (nhạc pop Đại Hàn), trot bị xem là lỗi thời, nhưng nay đang thịnh hành trở lại cùng với sự xuất hiện của các “siêu sao nhạc trot”.

* * *

“Kayokyoku” được Tờ Japan Times gọi là “standard Japanese pop”, như vậy chúng ta có thể xem tương đương với các ca khúc trong nền tân nhạc Việt Nam.

Thế còn “enka”?

Thực ra, thể loại enka không dính dáng gì tới ca khúc Ruju chúng tôi giới thiệu, nhưng vì hiện nay enka không chỉ được xem là một đặc trưng của nền ca nhạc Nhật Bản mà còn trở thành đề tài nghiên cứu (và tranh luận) của nhiều tác giả (trong đó người Việt), chúng tôi cũng xin phép được… lạc đề!

Chữ “enka” trong tiếng Nhật được ghép bởi chữ “en” (trình diễn) và “ka” (ca khúc). Từ “enka” có từ thời Minh Trị Thiên hoàng, được sử dụng để chỉ những ca khúc chính trị (political songs) do những nghệ sĩ đường phố (street performers) trình diễn.

Nguyên vào thời này, mặc dù ý niệm dân chủ đã trở nên phổ quát, các chính khách vẫn bị ràng buộc bởi một luật lệ khắt khe của chế độ Thiên hoàng, đó là không được phép nói về bản thân mình ở những nơi công cộng. Cho nên họ đã thuê mướn nghệ sĩ đường phố, trao cho bản văn (text) có nội dung về chính sách, lập trường của mình để các nghệ sĩ ấy soạn thành ca khúc, trình diễn ngoài đường phố để quảng bá.

Những nghệ sĩ đường phố làm công việc này được gọi một cách trân trọng là enka-shi (diễn ca sư) để phân biệt với các thành phần ca sĩ đường phố kém trình độ hơn, thường hành nghề quảng cáo thương mại.

Những ca khúc chính trị ấy được gọi là “soshi enka” để phân biệt với “enka hiện đại” được định nghĩa là “những ca khúc gây nhiều cảm xúc” (sentimental ballads).

Enka hiện đại được soạn trên căn bản ngũ cung (pantatonic scale) của Tây phương nhưng lại sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống, khiến thể loại này vừa mang âm hưởng truyền thống vừa có giai điệu của nhạc blues.

Về lời hát, enka thường viết về tình yêu, mất mát, cô đơn, đau khổ, chịu đựng, hoài niệm, thậm chí cả tự tử… cho nên luôn luôn mang lại những cảm xúc buồn.

Về cách thức trình diễn, enka đòi hỏi một kỹ thuật ngân rung để truyền đạt cảm xúc mãnh liệt của ca khúc.

[Trang mạng Wikipedia tiếng Việt dịch “enka” là “diễn ca”, theo suy nghĩ của chúng tôi tuy không sai nhưng cũng không đủ nghĩa; vì thế trước sau chúng tôi vẫn sử dụng chữ “enka”]

Enka hiện đại được hình thành vào thập niên 1930 và phát triển mạnh sau Đệ nhị Thế chiến, cao điểm là hai thập niên 1960, 1970.

Bước sang thập niên 1980, thể loại enka không còn được nhiều người quan tâm như trước, vì hai nguyên nhân: thứ nhất, không ít người thưởng ngoạn đã gộp chung enka vào kayokyoku (tân nhạc), thứ hai, sự du nhập ồ ạt của nhạc Âu Mỹ đã khiến enka không còn được các thế hệ trẻ yêu thích nhiều.

Nhưng viết như thế không có nghĩa là enka đã chết. Trên thực tế, mặc dù thời hoàng kim đã qua, enka vẫn tiếp tục phát triển, vẫn có một chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc tại Nhật cũng như trên thế giới.

Thí dụ điển hình nhất là bản enka Kawa no nagare no yo ni (Like the Flow of the River), đĩa đơn (single) cuối cùng của “Nữ hoàng enka” Hibari Mirora (1937-1989), thu đĩa ít lâu trước khi bà qua đời vì viêm phổi ác tính.

[Như chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về bản Shina No Yoru (China Night – Chiều Tô Châu), mặc dù ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của Li Xianglan (tức Lý Hương Lan, Shirley Yamaguchi…) qua cuốn phim có cùng tựa đề, nhưng riêng với người nghe nhạc, nghệ sĩ hát bản này đạt nhất, được ưa chuộng nhất phải là Misora Hibari, nữ diễn viên, nữ danh ca enka nổi tiếng nhất của xứ hoa anh đào]

VIDEO:

 Misora Hibari(美空.ひばり) – Kawa no nagare no you ni(川の流れのよう

Kawa no nagare no you ni, do Akira Mitake soạn nhạc, Yasushi Akimato đặt lời, không chỉ được trên 10 triệu khán giả của hệ thống truyền hình NHK bình bầu là ca khúc hay nhất xưa nay của nền âm nhạc Nhật Bản, mà còn được nhiều nghệ sĩ quốc tế trình diễn. Trong số này có The Three Tenors, Jose Carreras, Diana Ross, Teresa Deng (Đặng Lệ Quân)…

Tại Việt Nam, Kawa no nagare no yoni được Hồng Hạnh đặt lời Việt với tựa Đời như một dòng sông, do chính tác giả thu đĩa năm 1998.

VIDEO:

HỒNG HẠNH – ĐỜI NHƯ MỘT DÒNG SÔNG

Tới đây, chúng tôi viết về bản Ruju (Rouge) của Miyuki Nakajima, một ca khúc thuộc thể loại kayokyoku (tân nhạc Nhật), được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Người Tình Mùa Đông, và Khúc Lan với tựa Thuyền Tình Trên Sóng.

clip_image006

Miyuki Nakajima (2017)

Miyuki Nakajima sinh năm 1952, là một tên tuổi lớn trong làng nghệ sĩ Nhật Bản, vừa là ca sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác, đàn ghi-ta, diễn viên truyền hình, người dẫn chương trình truyền hình (host), nhà làm văn hóa (nhạc sĩ duy nhất được làm ủy viên Hội Đồng Quốc Gia về Ngôn Ngữ của Nhật Bản – National Language Council of Japan).

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, Miyuki Nakajima được liệt vào danh sách 16 ca sĩ Nhật lớn nhất của mọi thời đại. Cô sáng tác và trình diễn cả bốn thể loại kayokyoku, folk, rock, và enka. Tính tới năm 2013, Miyuki Nakajima đã có 37 album, 40 đĩa đơn, 2 album nhạc sống (live) và nhiều đĩa tổng hợp (compilation).

Song song, Miyuki Nakajima còn viết trên 90 ca khúc cho các ca sĩ khác, trong đó có gần một chục bản lên No.1. Các ca khúc của Miyuki Nakajima không chỉ được ưa chuộng tại Nhật Bản mà còn ở nhiều nước Á Châu khác, đặc biệt Hương Cảng và Đài Loan.

Được ưa chuộng nhất trong số này phải là bản Ruju (Rouge), viết và thu đĩa năm 1986. Ruju là cách người Nhật phát âm chữ “Rouge”. Rouge nguyên là tiếng Pháp có nghĩa là “màu đỏ”, nhưng khi trở thành tiếng Anh có nghĩa là “bất cứ thứ mỹ phẩm gì để bôi trên môi hay thoa trên má”; vì thế tựa đề ca khúc Ruju của Miyuki Nakajima trong khi được dịch sang tiếng Anh là “son môi” (lipstick) thì lại có người dịch sang tiếng Việt là “phấn hồng”.

Nguyên tác tiếng Nhật của Ruju được trang mạng lyricstranslate.com dịch sang tiếng Anh như sau:

Lipstick

Now I am very socialized

Even when I face a drunken man

Now I am very socialized

Every time applying lipstick I know I’ll become more and more communicative

In those days because of pursuing him

I followed him till this place

I only had a light cherry blossom colored lipstick with me

Because of pursuing that person

I had constantly mistaken identities

Unconsciously I accustomed to cry

Now I am very socialized

Every time applying lipstick I know I’ll become more and more communicative

 

Now I can make smiles to pacify

Even when that person is not my man

Now I can make smiles to pacify

Every time applying lipstick I know I am false enough

 

*Migratory bird is born to know travelling

It knows its instincts while tidying up its wings

But I’ll only discover by paying attention that

I almost forget to mirror that light cherry blossom color

The strange color that people laugh at now

Now I can make smiles to pacify

Every time applying lipstick I know I am false enough

Rất tiếc vì lý do bản quyền, chúng tôi không thể sử dụng audio của Miyuki Nakajima, thay vào đó xin gửi tới độc giả video clip (hát live) của Fuji Ayako (sinh năm 1961), một nữ ca sĩ nổi tiếng của thể loại enka.

VIDEO:

Fuji Ayako – Rouge ルージュ

Một điều thú vị liên quan tới Ruju là ca khúc này không nằm trong danh sách được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản, nhưng sau đó lại trở thành ca khúc của Miyuki Nakajima được ưa chuộng nhất ở nhiều nước Á châu khác. Nhờ công của Vương Phi (Faye Wong).

clip_image008

Vương Phi

Vương Phi, sinh năm 1969, là một nữ diễn viên kiêm ca nhạc sĩ Hương Cảng gốc Hoa Lục nổi tiếng.

Độc giả thích xem phim Tàu hẳn phải biết tới cuốn phim tình cảm lãng mạn Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express) của đạo diễn Vương Gia Vệ với các diễn viên Lâm Thanh Hà, Vương Phi, Lương Triều Vĩ, và Kim Thành Vũ (tức nam ca sĩ kiêm diễn viên Nhật Takeshi Kaneshiro mà chúng tôi đã có lần nhắc tới).

Qua vai trò trong Trùng Khánh Sâm Lâm, Vương Phi đã được trao giải nữ diễn viên xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế Stockholm, Thụy-điển.

Trong cuốn phim này, Vương Phi còn hát ca khúc chủ đề là bản “Người trong mộng”, nguyên là ca khúc “Dreams” của ban nữ ca The Cranberries của Ái-nhĩ-lan nổi tiếng đương thời. Ngoài ra, Vương Phi còn đặt lời và trình bày ca khúc chủ đề trong hai cuốn phim khác.

Năm 1992, Ruju được Vương Phi đặt lời Hoa (tiếng Phổ thông) với tựa đề Người con gái dễ bị tổn thương  (Fragile Woman), thu đĩa cùng năm và tạo tiếng vang lớn khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Phụ lục 3: Fragile Woman (Chinese), Faye Wong

VIDEO:

Faye Wong _ Fragile Woman

Sau này Ruju còn được đặt lời bằng tiếng Quảng Đông và nhiều ngôn ngữ Á châu khác; riêng tiếng Anh có tới năm phiên bản: That is love, Please don’t go away, Broken hearted woman, Only love is real, Keep on Loving You .

Chính vì phiên bản tiếng Phổ thông Người con gái dễ bị tổn thương do Vương Phi thu đĩa quá phổ biến, khi nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Người Tình Mùa Đông vào năm 1994, không ít người đã lầm tưởng đây là một ca khúc nhạc Hoa lời Việt

Người Tình Mùa Đông

Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa em không đến.

Đường vào tim em mây giăng kín
Bàn chân anh trên lối đi không thành
Vẫn mưa, đêm khuya buồn một mình
Có khi cho ta quên cuộc tình.


Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa
Lắm khi mưa làm cho ta nhớ mãi ngày qua
Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ
Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió.


Từng đêm ta vẫn đưa em về qua phố
Vẫn trên cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa
Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay.
Đường vào tim em bao cơn sóng


Đẩy tình anh xa bến xuân hoa mộng
Trái tim em muôn đời lạnh lùng
Hỡi ơi, trái tim mùa đông.

Người Tình Mùa Đông được nữ ca sĩ Như Quỳnh, lúc đó chưa mấy ai biết tới, trình bày trong video Giáng Sinh 1994 của Trung tâm Asia, và vụt nổi như cồn. Cũng từ đó, Người Tình Mùa Đông đã gắn liền với tên tuổi của Như Quỳnh, nhất là với khán thính giả ở trong nước khi cô về trình diễn tại Việt Nam.

Phụ lục 4: Người Tình Mùa Đông, Như Quỳnh

VIDEO:

«ASIA 6» Người Tình Mùa Đông – Như Quỳnh [asia REWIND]

Qua thưởng thức audio và video trên, chúng ta thấy Người Tình Mùa Đông đã được Như Quỳnh hát với một nhịp khá nhanh. Không hiểu đây là chủ ý của nhạc sĩ Anh Bằng hay vị nhạc sĩ trách nhiệm hòa âm phối khí, chỉ biết trong khi nghe thì vui tai (tương tự khi nghe bản Rose Rose I Love You, tức Mei Gui Mei Gui Wo Ai Ni – Cánh Hồng Trung quốc) nhưng đã mất đi những nét trữ tình và sức thu hút của một bản tình ca êm đềm, ai oán.

clip_image009

Khúc Lan

Thành thử trong khi không dám so sánh lời hát, chúng tôi cho rằng cách thể hiện bản Thuyền Tình Trên Sóng, lời Việt của Khúc Lan, do Don Hồ & Ngọc Huệ thu đĩa, trung thành với nét nhạc trong nguyên tác của Miyuki Nakajima hơn.

Thuyền Tình Trên Sóng

Tình đôi ta xanh như cơn sóng
Biển tươi thắm trong giấc mơ đong đầy
Lúc yêu hãy yêu cho thật nhiều
Trùng dương gọi đời hồn nhiên.


Tình đôi ta xanh như cơn sóng
Biển xa vắng trong những đêm mong chờ
Phố xưa với trăm ngọn đèn vàng
Lá hoa rơi muộn màng.


Chiều nay có tiếng mưa rơi đều trên ngõ
Nhớ anh cơn mộng đam mê, buốt giá thời gian
Yêu làm chi mà em yêu thật tràn trề
Những khi thiếu anh thật hoang vắng.


Chiều nay giữa bóng đêm nghe hồn đi hoang
Trái tim ru tình nhân gian, khúc hát tình lang
Câu tình yêu sẽ có lúc nghe nhạt phai.


Tình đôi ta xanh như cơn sóng
Trời mưa xuống nghe mắt môi ưu phiền
Sóng xô có con thuyền vội vàng
Lướt đi trong hồng hoang.

Phụ Lục 5: Thuyền Tình Trên Sóng, Don Hồ & Ngọc Huệ

HOÀI NAM

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search