T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngô Thị Kim Cúc: Khóc cười trên một xứ sở buồn vô hạn

nhungthangnamcuongnokd

(Về tiểu thuyết Những tháng năm cuồng nộ của Khuất Đẩu)

Cái làng ấy có tên là An Định, nhưng cũng có thể gọi là Bất An, Bất Định hoặc bất cứ tên nào khác, kể cả tên Việt Nam, bởi vì nó đúng là một làng quê Việt tiêu biểu. Tiêu biểu không có nghĩa là nó hội đủ các thứ tinh hoa, lọc lựa, nhân văn nhân bản…, mà vì chính những thứ ấy đã bị thử thách, xúc phạm, chà đạp trên cái làng quê ấy.

Nhân vật chính có tên Lê Văn Được, nhưng tên đó chỉ xuất hiện trong sổ đinh, còn ngoài đời thật người ta gọi hắn là Thằng Chó Đẻ, bởi xuất thân quá tù mù, thấp kém của hắn. Bị thả trôi sông trên một cái nắp bầu trét dầu rái khi mới sinh ra, có vẻ hắn là hậu quả của một cuộc gái trai vụng trộm xấu xa. Hắn đã trôi tấp vào chân một phụ nữ đang đãi cát tìm hến và được bà cứu một cách rất tình cờ. Người đàn bà cũng thuộc loại trôi sông lạc chợ không gia đình nhà cửa này đã nhờ một con chó cái mới đẻ nuôi hắn bằng sữa chó, và vì vậy hắn mới có cái tên đầy miệt thị kia, cái tên ám vào số phận hắn cho đến tận cuối đời.

May mắn lớn nhứt của Thằng Chó Đẻ chính là việc hắn đã rơi xuống cuộc đời mẹ nuôi của mình, một Con Người với sự từ ái, lạc quan bẩm sinh, đã nuôi lớn phần Người trong hắn không phải bằng lời lẽ hay sự ép buộc, mà từ chính những việc làm đơn giản, trung thực và dũng cảm một cách hết sức bản năng. Bà đã bỏ tiền hối lộ để xin cho hắn một suất đinh vì không muốn hắn chẳng tên tuổi và cũng sẽ bị cộng đồng loại bỏ như chính mình, đã cõng hắn tới trường để hắn tập tò học chữ, và luôn là tường thành vững chãi ấm áp, mỗi khi giông bão ập xuống cuộc đời hắn.

Cho dù chỉ là loại cùng đinh mạt hạng, Thằng Chó Đẻ vẫn phải chia sẻ tất cả những gì mà mỗi người dân làng An Định gánh chịu, trong cuộc đổi thay đảo điên điên đảo của thời cuộc.

Ban đầu, với dân làng, đó là những ngạc nhiên bất ngờ khi cách mạng xuất hiện, khi “ông bầu Kiên ngoắc ông lý trưởng đang đứng sợ hãi dưới thềm bảo phải đem nộp gấp con dấu cùng sổ đinh và sổ điền. Khi ông lý vội vàng về nhà thì ông kêu lại dặn thêm phải nộp hết số tiền quỹ”. Rồi sau đó, ông Khứ- một thứ kép không biết hát, chỉ chuyên vai chạy hiệu trên sân khấu bỗng thành người nắm quyền sinh quyền sát với tất cả dân làng, quản lý và quyết định tất tần tật mọi thứ từ tinh thần tới vật chất. Mọi sự cứ xáo tung nháo nhào lên, mọi người chưa kịp hiểu ra chuyện này thì đã có ngay chuyện khác tiếp tới, xoay tít họ như trong cơn bão. Những điều chưa kịp hiểu dần trở thành nỗi hoài nghi, rồi cuối cùng là một sự chịu đựng đầy thách đố, kéo dài tưởng như vô cùng tận.

Nếu ông Khứ là người xung phong cầm búa nện những nhát đầu tiên lên cái bàn thờ thờ các vị tiền hiền trong đình làng thì cô Thảnh cũng thừa tàn nhẫn để lôi bà hương bộ với cái nồi cơm chưa kịp chín đi bêu rếu khắp đường làng, để mọi người đả đảo kẻ đã dám ăn cơm thay vì ăn cháo theo lệnh chính quyền…

Phải chăng kẻ nắm quyền luôn coi dân là thứ thấp kém, là đối tượng cho những suy nghĩ, hành xử kỳ quặc tình cờ hiện ra trong cái đầu thiếu vắng lòng nhân của họ? Phải chăng lổ hỗng quá to về kiến thức đã biến họ thành những kẻ liều lĩnh vô trách nhiệm, gây ra bao thương tổn và thảm họa cho người dân mà vẫn cứ đinh ninh là mình làm đúng?

Thằng Chó Đẻ cũng như bao nhiêu người dân làng An Định, phải è cổ ra gánh chịu tất cả những gì mà kẻ cầm quyền ở các thời kỳ có thể làm với họ. Cho dù các chính quyền đó là những kẻ thù không đội trời chung của nhau, thì với họ dân vẫn giống như cỏ rác, cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết. Hầu hết người dân vốn ít khi quan tâm tới thời cuộc bỗng phải xoay như chong chóng mỗi khi chính quyền thay đổi, hết Nhật lại tới Pháp rồi Mỹ, hết cộng sản lại tới chống cộng rồi lại cộng sản…. Cứ thế, làng An Định tiếp tục chảy máu ngoài da và trong tim, chết vì bị chặt đầu, chết bởi súng bởi bom, chết trong nhà chết ngoài ruộng, chết trên đường chạy loạn, chết đi sống lại không biết bao lần mỗi khi nhớ lại một quãng đời, một người thân đã chết…

Câu chuyện làng An Định được Khuất Đẩu “kể lại” một cách giản dị theo trình tự thời gian. Nhiều chỗ, câu văn gần như trần thuật, chỉ mô tả hành động theo cách đơn giản nhứt, như cố chạy cho kịp các biến cố. Có vẻ như cảm xúc từ các sự kiện tàn bạo quá đau đớn, mà nếu dừng lại để tu từ, thì tác giả thành ra có lỗi với nhân vật.

Cũng có thể coi các chi tiết chính là “kỹ thuật” của Khuất Đẩu. Những chi tiết của ông đều chắt lọc, nồi liền nhau đậm đặc, tạo thành một chuỗi hành động với những ấn tượng rất mạnh. Tất cả giống như một bộ phim, chỉ toàn hành động và hành động.

Rất nhiều đời sống đã được gọi dậy từ những câu văn giản dị. Nhưng có rất ít đối thoại. Thật ra, người trò chuyện nhiều nhứt chính là tác giả: ông đã chuyện trò thay cho bao nhân vật, đã phát ngôn, chia sẻ và thấu cảm cùng họ.

Đọc Những tháng năm cuồng nộ, rất nhiều khi độc giả cảm thấy rằng mình có thể phá lên cười đến chảy máu mắt, vì sự phi lý điên rồ quái gở trong việc con người đối xử với nhau: hành hạ, sỉ nhục, giết chóc nhau… chẳng vì gì cả. Như bị quỷ ám mà không tự biết, đẩy người khác và cả chính mình cùng rơi xuống địa ngục.

Nhưng khi xuất hiện câu thoại hay nhứt trong tác phẩm, chỉ có mấy từ:

-Chào cha đi con.

Mọi thứ thay đổi.

Đó là sự cứu chuộc cho tất cả những điên rồ náo loạn máu chảy đầu rơi suốt mấy chục năm. Đó là sự lạc quan và độ lượng của lòng dân: rốt cuộc, hận thù và cái ác không thể cứ tiếp tục thống trị. Tình yêu và cái đẹp sẽ vượt lên cái chết, nối dài sự sống. Cô gái con ông thầy thuốc ngụ cư ở làng An Định đã sinh cho Lê Văn Được đứa con trai mà chắc chắn cuộc đời nó phải khác hơn, đẹp hơn, Người hơn cuộc đời của Thằng Chó Đẻ ngày nào…

Ngô Thị Kim Cúc

(Nguồn: Văn Việt)

Bài Mới Nhất
Search