T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Giọt lệ Chelsea

Giới thiệu: truyện của Lê Hữu luôn có một message kèm theo với những tình tiết thật hư pha trộn. Vì thế, câu truyện cũ gần 20 năm dưới đây vẫn còn có thể được đọc lại, để ngoài giá trị văn chương, người đọc sẽ được nhắc nhở về một nỗi ám ảnh suốt cả một đời người, nhất là với người đọc thuộc về thế hệ chiến tranh Việt Nam. (TV&BH)

clip_image002

Tender moment (Photo: Susan M. Ogrocki)

 

“Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?”

(“Đôi bờ”, thơ Quang Dũng)

Nghĩa ghé tôi, mang theo tờ Seattle Times. Hắn chỉ tay vào tấm ảnh trên trang nhất của tờ báo. Một đám đông người Việt vây kín ông Clinton trên đường phố Sài Gòn.

“Đây phải là tấm ảnh đẹp nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất của năm 2000,” Nghĩa nói.

Trong ảnh, tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt trẻ trung, háo hức, những đôi mắt sáng rỡ, những miệng cười khoái trá, những thân người cố chồm tới, cố vươn tay về phía Tổng Thống Mỹ để được bắt tay ông hay chạm được vào người ông. Tổng Thống cao lớn, nổi bật giữa đám đông, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười nở rộng, hai cánh tay vươn ra đón bắt những bàn tay, trông giống như một thần tượng nhạc trẻ hay ngôi sao bóng tròn được các fan cuồng nhiệt dàn chào.

“Bánh xe lịch sử quay nhanh thiệt, anh thấy không?” Nghĩa nói. “Chỉ sau một vòng 25 năm, mọi chuyện đều đảo ngược. Cảnh chen lấn, xô đẩy và những cái bắt tay hăm hở, vồ vập ấy thực sự có ý nghĩa gì, nếu không phải là ‘Rất vui mừng được đón tiếp ông. Chúng ta là bạn thôi. Hãy giúp chúng tôi! Hãy đến với chúng tôi! Hãy đứng về phía chúng tôi!’…”

Giọng Nghĩa phấn khích, sôi nổi. Hắn là em của Nhân, bạn tôi. Hai anh em tính nết trái ngược nhau. Tôi lại chơi được cả anh lẫn em.

clip_image004

(Photo: Larry Downing/Reuters)

“Tấm ảnh này có ý nghĩa đặc biệt,” tôi nói, “tuy nhiên theo tôi, vẫn chưa hẳn là gây được ấn tượng mạnh nhất.”

“Anh muốn nói tới cái gì khác?” Nghĩa nhíu mày. “Bài diễn văn mà ông Clinton đọc ở Hà nội chắc?”

“Cũng chưa hẳn,” tôi trả lời. “Bài diễn văn và những cái bắt tay đó có thể đoán trước được. Phải là một cái gì khác thật bất ngờ.”

“Chịu,” Nghĩa lắc đầu. “Vậy theo anh là cái gì?”

“Thực ra thì cảm xúc mỗi người có khác nhau,” tôi cười. “Tôi ít đọc báo, mà chỉ xem tivi. Có một hình ảnh chỉ xuất hiện trên màn hình có mấy giây đồng hồ thôi nhưng thật là bất ngờ, và nói như cậu, đã gây cho tôi ấn tượng thật là mạnh mẽ. Đó là những giọt nước mắt trên khuôn mặt của một cô gái Mỹ ở tuổi đôi mươi, cô Chelsea, con gái của ông bà Clinton, khi cô đứng cạnh bố mẹ tại địa điểm đang được đào xới để tìm hài cốt của một phi công Mỹ. Cô gái đưa tay quệt những giọt nước mắt đang chảy dài trên má. Một tay phóng viên người Mỹ đã ‘chộp’ được tấm ảnh này. Một tấm ảnh có ý nghĩa gấp nhiều lần một bài báo dài.”

“Em có xem tivi nhưng mà không để ý tới cảnh ấy, và cũng chưa được xem tấm ảnh ấy.”

“Hôm ấy là ngày đầu của chuyến viếng thăm Việt Nam. Ông bà Clinton được hướng dẫn tới một làng quê nhỏ ở ngoại ô Hà Nội, là nơi đang tiến hành việc đào xới để truy tầm hài cốt của một phi công Mỹ bị bắn rơi tại đấy vào tháng 11 năm 1967. Tất nhiên đây cũng chỉ là một màn dàn dựng nặng phần trình diễn như những màn dàn dựng trước đó, có điều lần này chắc phải chu đáo hơn nhiều vì đích thân ngài Tổng Thống Mỹ đến tận hiện trường để xem xét… Ông Clinton đứng giữa hai người con trai của viên phi công Mỹ xấu số, đang chăm chú lắng nghe ‘báo cáo’ về diễn tiến khúc phim chiếc máy bay F-105D của không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi trên không phận Bắc Việt 33 năm về trước, và quá trình tìm kiếm hài cốt của viên Trung Tá phi công tử trận. Chỗ ông đứng là một gò đất cao, nhìn xuống phía bên dưới là khu vực đang được đào xới. Một toán công nhân hỗn hợp Việt và Mỹ đang ‘khẩn trương’ làm việc. Phía người Việt, phần lớn là phụ nữ, ăn mặc luộm thuộm, đầu đội nón lá, hai ống quần xắn cao đến đầu gối. Đàn ông thì mặc quần áo bộ đội, áo bỏ ngoài quần, đội nón cối, đi chân không. Nhóm người này đứng xếp hàng ngang thành một dây chuyền và đang chuyền tay nhau những ki đất được đào lên từ một cái hố rộng để đổ lên bờ. Chelsea và mẹ cô đứng phía sau ông bố, mắt cô chăm chú quan sát đám người lam lũ đang ‘lao động tích cực’ dưới vũng bùn lầy lội, trong lúc tai cô lắng nghe những lời tường thuật phát ra từ một loa phóng thanh về câu chuyện chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ngay tại chỗ cô đang đứng. Cô đã khóc, và cô đưa tay quệt những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt… Ống kính quay phim đã tình cờ thu được cảnh đó.”

“Không phải tình cờ đâu. Mấy tay phóng viên Mỹ ‘nhạy’ lắm. Rồi sao nữa, anh kể tiếp đi?”

clip_image006

(Photo: Reuters, Nov. 18, 2000)

“Có vậy thôi… Chẳng ai có thể biết đích xác được những ý nghĩ trong đầu cô gái Mỹ trong giây phút đó, nhưng chắc chắn là cô phải xúc động ghê gớm lắm. Nếu đấy là những giọt nước mắt của cậu, hay của tôi, hay của bất cứ người đàn ông đàn bà nào có mặt trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh ấy thì cũng chẳng có gì đặc biệt lắm; thế nhưng, đây lại là những giọt nước mắt của một cô gái trẻ, mà lại là gái Mỹ, vừa tròn hai mươi tuổi, nghĩa là sanh sau đẻ muộn đến 5 năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chắc chắn là cô bé ấy đâu có hiểu gì nhiều về cuộc chiến lạ lùng và bi thảm đó… Cho dù là cô ta có ý định tìm hiểu hoặc chịu khó bỏ nhiều thì giờ để làm một cái research về đề tài chiến tranh Việt Nam đi nữa, thì nhiều lắm cô cũng chỉ thu thập được ít kiến thức lờ mờ qua một mớ tài liệu bao gồm sách vở, báo chí, phim ảnh ở các thư viện… Đấy là chưa nói những tài liệu quỷ quái này chẳng biết được viết ra từ phía nào của cuộc chiến. Khi được đi cùng với bố mẹ đến thăm lại ‘mảnh đất chiến trường xưa’ ở một đất nước xa xăm, nơi từng xảy ra trận chiến lịch sử cũng xa xăm như là truyền thuyết, chắc hẳn cô cũng đã bị thôi thúc bởi sự tò mò và ý định đi tìm lại dấu vết của cuộc chiến tranh tại vùng đất mà hơn 50 ngàn người lính Mỹ thuộc thế hệ cha anh của cô đã ngã xuống. Vậy mà, chỉ mới vừa chạm mặt với một phần rất nhỏ tàn tích của cuộc chiến tranh ấy, nỗi xúc động trong cô đã òa ra khiến cô không sao cầm được nước mắt.”

Chúng tôi chấm dứt câu chuyện ở đó và như đã hẹn trước với nhau đêm qua, Nghĩa đưa tôi đến một quán ăn quen thuộc mà hắn gọi bằng một cái tên hơi dài là “Trung Tâm Cung Cấp Mọi Thông Tin Thời Ðại”. Thực ra quán có một cái tên, là tên của nữ chủ nhân. “Trung Tâm” này chỉ là một quán ăn nhỏ trong khu phố người Việt, thực đơn hàng ngày chỉ có café và ít món điểm tâm nhẹ. Những món này cũng chẳng lấy gì làm đặc sắc thế nhưng quán không lúc nào vắng khách, nhờ vào hai lợi điểm: thứ nhất, chỉ cần ngồi ở đây một lúc thôi là có thể nắm bắt được mọi thông tin về đủ thứ chuyện trên đời, từ mọi sinh hoạt trong cộng đồng người Việt cho đến tình hình thời sự trong và ngoài nước; thứ hai, nữ chủ nhân là một bông hoa hương sắc, duyên dáng và thanh lịch, sẵn sàng hầu chuyện với những thực khách hào phóng tại những bàn đông khách hoặc tại quầy cashier. Bông hoa này tuy đã nở rộ và đã có một đời chồng nhưng vẫn còn mặn mà, duyên dáng lắm, và lại tỏ ra am hiểu chuyện thời thế, đáp ứng được yêu cầu của những tay ưa đấu láo, tán nhảm. Trước đây tôi cũng từng ghé vào quán này vài ba lần với vài ba tên bạn, và tuy rằng cũng có chút thiện cảm với cung cách tiếp đón của nữ chủ nhân, tôi vẫn không ưa cái kiểu đàn đúm tụ tập ở đây chút nào. Khi còn ở trong nước tôi đã quá nản cái cảnh ngồi quán café dầm dề cả ngày của những anh chàng vô công rỗi nghề, chẳng có chuyện gì để làm hay chẳng muốn làm lụng gì cả, qua tới Mỹ cảnh ấy lại tiếp tục tái diễn khiến tôi thêm ngán ngẩm.

Chúng tôi ngồi vào một bàn quen. Nói là quen chứ thực ra quen với Nghĩa nhiều hơn là quen tôi. Không khí chuyện trò khá sôi nổi. Câu chuyện thời sự hàng đầu vẫn là cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc giữa hai ứng viên Tổng Thống Mỹ rất là gay cấn, chưa từng có trong lịch sử bầu bán của Mỹ. Sau hơn mười ngày kiểm phiếu, đếm tới đếm lui, đếm ngược đếm xuôi, đếm đi đếm lại, vẫn cứ bất phân thắng bại và nước Mỹ vẫn chưa có Tổng Thống mới. Đề tài kế tiếp là chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên của một ông Tổng Thống Mỹ, sau 25 năm kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước này. Những lời bình phẩm về lời lẽ ngoại giao khôn khéo và đầy ẩn ý trong bài diễn văn của ông Clinton tại Hà Nội… Tôi chỉ lắng nghe mà không có ý kiến. Câu chuyện bên những tách café vẫn tiếp tục sôi nổi cho đến lúc Phượng, cô chủ quán, nhẹ nhàng đến bên cạnh bàn.

“Các anh nói chuyện gì vui thế?” Phượng hỏi, giọng Bắc kỳ ngọt lịm.

Câu chuyện tạm ngưng, mỗi người nói một câu để trả lời nàng. Phượng mỉm cười và quay sang phía tôi.

“Lâu quá không thấy anh ghé chơi?” nàng hỏi làm như nơi đây là nhà riêng của nàng vậy chứ chẳng phải quán xá gì. Tôi trả lời lúc này lu bu quá, nhưng mà rất nhớ cái quán này.

“Nhớ quán và nhớ người nữa,” Nghĩa thêm vào.

Phượng chỉ khẽ mỉm cười, cúi xuống nhìn tấm ảnh trên trang báo Mỹ chụp cảnh đám đông người Việt vây quanh ông Clinton trên đường phố Sài Gòn, và nàng có ngay một câu nhận xét:

“Những khuôn mặt này trông trẻ măng. Chỉ xấp xỉ bằng tuổi cô con gái của ông bà Clinton.”

Tôi ngước lên nhìn Phượng. Ít ra thì cũng có được một người nhắc đến Chelsea.

“Anh Hữu có thấy vậy không?” Phượng hỏi khi mắt nàng chạm ánh mắt tôi. Nàng vẫn còn nhớ được tên tôi.

Thấy quá đi chứ. Tôi rất muốn trả lời là tôi thấy… đôi mắt nàng đẹp lạ.

* * *

Ít ngày sau, Nghĩa lại mang đến cho tôi một thứ khác, lần này không phải tờ báo mà là những trang giấy rời.

“Em có cái này cho anh,” Nghĩa nói, đưa tôi một tờ. “Anh đọc thử coi.”

Cầm tờ giấy Nghĩa đưa, tôi không đoán ra được là thứ gì. Đọc lướt qua ít hàng, tôi ngước lên hỏi hắn:

“Cậu lấy cái này ở đâu ra vậy?”

“Trên internet. Tìm cái khác lại gặp cái này. Em in ra cho anh.”

“Thiệt hay giả đây?” tôi hỏi tiếp.

“Chịu,” hắn trả lời. “Làm sao mà biết được! Chuyện ở Mỹ mà, cái gì cũng thiệt, cái gì cũng giả được hết. Em nghĩ là anh thích nó thì em mang lại anh coi cho vui vậy thôi. Chắc là thật vì đâu có ai giả những cái này làm quái gì.”

Tôi cúi xuống, đọc tiếp ít hàng…

“Còn đây là tấm ảnh mà anh nói. Có đúng ảnh này không?” Nghĩa đưa thêm cho tôi một tờ khác. Tấm ảnh in lại cũng khá rõ.

“Đúng đấy. Thì cậu cứ đưa hết một lần cho tôi coi nào. Làm cái trò gì mà cứ thậm thà thậm thụt vậy?”

“Đâu có được,” Nghĩa lúc lắc đầu, cười cười. “Những cái này ‘tiền’ không, đâu có cho anh free được.”

Nói vậy nhưng rồi hắn cũng đưa hết cho tôi. Tôi nhìn lướt qua những trang giấy dày đặc chữ mà Nghĩa gọi là “Những trang nhật ký của Chelsea”.

“Đã gọi là ‘nhật ký’ thì sức mấy mà lọt ra ngoài được,” tôi nói.

“Chelsea đưa cho một cô bạn đọc, và cô này sau đó đã cho phổ biến trên net. Anh cứ đọc hết đi rồi biết.”

“Cậu cũng tài thật đấy. Đúng là chuyên viên sưu tầm tin tức.”

“Tài cán gì đâu,” Nghĩa nói, “một đứa bé cũng làm được. Anh chỉ cần gõ mấy chữ ‘Chelsea Clinton, Vietnam visit’ trong cái khung ‘Search’ là ra hết. Thời đại bùng nổ thông tin mà.”

Nghĩa là tay chịu khó săn lùng tin tức về các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đây và hắn rất enjoy công việc này. Không rõ hắn moi được những tin tức đó ở đâu, từ những nguồn nào, hay là có ai đó cung cấp cho hắn. Mỗi khi cần tìm kiếm tài liệu gì, tôi thường phải nhờ tới hắn. Lâu lâu cũng phải khen ngợi hắn ít câu và tỏ vẻ thán phục thì sau đó cần chuyện gì hắn sẽ mau mắn giúp cho. Tôi có được trong tay sớm nhất bài nói chuyện của ông Clinton tại Hà Nội cũng là nhờ hắn. Lần này hắn còn in thêm cho tôi mấy tấm ảnh đặc biệt về chuyến đi Việt Nam của ông Clinton, như ảnh ông duyệt hàng quân danh dự dàn chào, ảnh ông và đoàn tùy tùng ngồi trong một tiệm phở ở Sài Gòn, ảnh bà Hillary và Chelsea tươi cười đội những chiếc nón lá, ảnh gia đình Clinton vẫy tay chào tạm biệt dân Sài Gòn trước khi đáp Air Force One về lại Mỹ, và tất nhiên cả tấm ảnh có những giọt nước mắt của Chelsea nữa.

Tối hôm đó trước khi lên giường ngủ tôi đã bỏ ít thì giờ để đọc những trang giấy Nghĩa đưa. Lướt qua những đoạn tả tình tả cảnh, những tên tuổi một vài người bạn trai của Chelsea, những anh chàng Matthew, Andrew và Jeremy nào đó, tôi chú ý những đoạn dưới đây:

. . . . .

Thứ Bảy, 18/11/2000

Mình đứng cạnh Mẹ trong lúc Bố đứng giữa Daniel và David, hai người con trai của Trung Tá Lawrence Evert. Bố đang lắng nghe Daniel kể lại với giọng nghẹn ngào những hình ảnh cuối cùng về người cha mà ông ta vẫn còn giữ được trong trí nhớ. “Tôi còn nhớ rõ hôm ấy là một ngày hè oi ả vào cuối tháng Bẩy năm 1967, cả nhà tôi ra tận phi trường Phoenix, AZ, để tiễn bố tôi sửa soạn bay đi Nam Việt Nam. Ông ấy chậm rãi bước lên thang máy bay, chậm rãi quay lại vẫy vẫy chúng tôi trước khi bước vào lòng máy bay. Rồi bố tôi biến mất. Ông không bao giờ về lại nữa, và đó đúng là lần cuối cùng chúng tôi được nhìn thấy Bố.” Daniel nói khi ấy ông mới 8 tuổi và David, em trai ông, mới 6 tuổi. “Mẹ tôi kể, năm ngày sau khi máy bay bố tôi bị bắn rơi, Elizabeth, đứa em gái út của chúng tôi ra đời. Trước đó, Bố có gọi phone về nhà thăm hỏi mẹ tôi và nói là ông dự tính trở về Arizona sau phi vụ ấy để kịp có mặt trong ngày sinh của nó. Liz chẳng bao giờ biết mặt bố nó.”

Đến đây thì Daniel làm cho mình phải khóc thật. Mình cố kềm lòng nhưng nước mắt cứ ứa ra không sao ngăn lại được, và cảnh vật trước mắt mình bỗng dưng nhòe đi. Mình lau vội nước mắt, nhưng có mấy phụ nữ người Việt ở gần đó trông thấy. Họ cứ nhìn mình chằm chằm. Chẳng biết họ nghĩ gì. Trông họ có vẻ quê mùa và hiền lành quá. Vài người trong số họ đội những chiếc nón lá cũ kỹ, đi chân đất, quần áo lấm bẩn. Mình quay sang Mẹ, thấy khuôn mặt Mẹ lặng yên. Đôi mắt Mẹ giấu sau cặp kính đen nhưng mình chắc là mắt Mẹ cũng đỏ hoe. Mẹ vẫn hay đeo kính đen như vậy. Mọi người vẫn cứ tưởng Mẹ là người phụ nữ cứng cỏi lắm, nhưng thực ra chỉ có mình biết là Mẹ rất nhạy cảm và dễ xúc động. Mẹ lại mới nhận được tin vui được bầu vào ghế thượng nghị sĩ của New York tuần trước. Bố Mẹ ôm nhau mừng rỡ. Cả nhà đều vui, nhất là Bố. Buddy cũng vui nữa, cứ luẩn quẩn bên Mẹ, ngúc ngoắc cái đuôi. Mẹ phải trả lời nhiều cú điện thoại từ khắp nơi gọi đến chúc mừng… Chú Gore thì không biết thế nào, liệu có thắng nổi không, Bố cứ lo cho chú ấy. Ngày mình về chắc là đã có kết quả chính thức rồi.

Bắt chước Mẹ, mình cũng lấy kính mát đeo vào.

“Cô khóc à, Chelsea?” Nghe tiếng hỏi, mình quay sang và nhận ra David. Ông ta đứng cạnh mình lúc nào. “Câu chuyện không mấy vui phải không?” David nói. “Daniel không nên kể chuyện đó lúc này.” Rồi ông ta bỗng hỏi, “Có phải tên của cô được lấy từ bài hát Chelsea Morning của Joni Mitchell không?” Mình gật đầu, ngạc nhiên, hỏi sao ông ta biết. David mỉm cười và nói ông ta còn biết nhiều chuyện khác về mình. Mình tính hỏi còn chuyện gì nữa, nhưng thôi. David nói ông ta thích cái tên ấy và hỏi ai đặt cho mình vậy. Mình trả lời, “Chắc là Mẹ. Mẹ tôi nói đó là tên của bài hát mà Bố và Mẹ đều yêu thích thuở hai người mới quen nhau.” David nói, “Thế thì cô phải cám ơn mẹ cô. Mẹ tôi cũng thích bài hát ấy nhưng bà không nghĩ ra việc đặt tên nó cho đứa em gái tôi.” Mình thấy ông ta nói chuyện vui vui. Rồi David lại hỏi, “Buổi sáng cô là Chelsea, thế thì buổi chiều, buổi tối cô vẫn là Chelsea mà không phải là người nào khác chứ?” Mình không hiểu rõ lắm ông ta muốn nói gì, nhưng cũng trả lời, “Sáng trưa chiều tối gì thì cũng vậy thôi.” “Chắc chắn như thế chứ?” ông ta cười và hỏi tiếp. Mình sợ câu hỏi ấy có thể là cái trick nên chỉ mỉm cười, không trả lời.

clip_image008

(Photo: David Guttenfelder/AP)

Bố đang nói gì đó với Daniel trong lúc chỉ tay xuống khu vực đang được đào xới, lổn nhổn những tảng đất bùn đỏ quạch.

“Cô biết không,” David nói, “có một dạo, lúc còn nhỏ, hai anh em tôi vẫn cứ nghĩ là Bố còn sống, và cứ bàn tính với nhau làm cách nào đến được Việt Nam để giải cứu Bố ra khỏi nhà tù và đưa Bố về lại nhà, giống như là những chàng hiệp sĩ trừ gian diệt bạo vậy. Thật buồn cười!”

Mình chẳng thấy chút gì gọi là “buồn cười” cả, làm sao mà có thể cười được những chuyện như thế chứ. “Chúng tôi nói với Mẹ,” David lại kể tiếp, “nhưng Mẹ chỉ im lặng, chẳng nói gì. Mẹ thường dắt chúng tôi đến nhà thờ để cầu nguyện cho Bố… Đến khi lớn lên một chút, tôi hiểu rằng việc ấy không thể nào thực hiện được, và tôi cũng hiểu được sự im lặng của mẹ tôi. Mẹ tôi đã im lặng như thế suốt bao năm. Bà sống lặng lẽ như một cái bóng, hầu như không muốn tiếp xúc, chuyện trò với bất cứ ai về sự vắng mặt lâu năm của bố tôi, làm như là ông đã chết rồi vậy, mà đúng là ông chết thật. Mãi cho đến lúc không có mặt bố tôi trong số những người tù cuối cùng được trả về, lần lượt bước xuống thang máy bay, tôi hiểu rằng mọi chuyện đã thực sự kết thúc, như là chiến tranh đã kết thúc, và cũng dập tắt hoàn toàn niềm hy vọng của mẹ tôi. Liz, đứa em gái út của tôi cũng ít nói ít cười giống như mẹ tôi vậy. Đôi lúc tôi… tôi không hiểu được nó.”

David nói với giọng đều đều như người nói một mình. Nước mắt mình lại muốn ứa ra, nhưng lúc này mình đã đeo kính mát nên ông ta không thể biết được. Mình chẳng biết nói sao nên chỉ im lặng. David trách Daniel kể chuyện buồn, nhưng câu chuyện ông ta kể nghe lại càng buồn hơn. Sau đó là những phút im lặng. David đứng yên một lúc, chăm chú quan sát đám người đang làm việc bên dưới, rồi ông hạ thấp giọng, bùi ngùi:

“Thật hết sức cảm động khi nhìn những người dân quê Việt Nam đang mải miết làm công việc cực nhọc, mò mẫm trong những vũng bùn lầy lội để thu nhặt cho bằng được từng mẩu xương vụn của bố tôi lẫn trong đó. Chúng tôi muốn nói cho họ hiểu được rằng chúng tôi thực tình yêu mến họ, và không hề giữ trong lòng chút hờn oán nào; mà ngược lại, chúng tôi còn cảm kích và biết ơn họ đã giúp đỡ tìm kiếm bố chúng tôi nữa.”

Nhìn vẻ mặt David lúc đó mình hiểu là ông ta nói thật.

“Tôi tin là bố tôi sẽ rất vui sướng khi mà những đứa con trai của ông sau cùng đã tới được nơi đây,” David nói thêm, “để đưa ông về lại quê nhà, kề cận mẹ tôi.”

Thực tế, người ta chỉ đưa về được những mẩu xương vụn, mình nghĩ.

“Tôi cũng tin là như vậy,” mình chỉ biết nói phụ họa.

Trông David có vẻ thật thà, dễ mến. Ít ra thì mình cũng có được ai đó để chuyện trò trong chuyến đi này.

Im lặng một chút, David nói, “Tôi có vật này cho cô.” Ông ta lấy ra từ trong túi áo một cái túi nhỏ, dẹt, giống như là cái bao đựng kính đeo mắt vậy, rồi từ từ rút ra một chiếc lược bằng nhôm. “Chiếc lược này được làm bằng một mảnh kim loại từ chiếc máy bay của bố tôi bị bắn rơi ngay tại chỗ này. Những người thợ thủ công Việt Nam ở đây đã làm thành những sản phẩm xinh xắn là những chiếc nhẫn và chiếc lược như thế này đây. Tôi có ý định tặng nó cho một phụ nữ nào đó trong chuyến đi này.” David nói, mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt mình. “Khi nãy tôi thấy cô khóc vì câu chuyện của bố tôi, và bây giờ tôi muốn tặng cô chiếc lược này. Cô không từ chối chứ?” Mình ngạc nhiên, “Nhưng đây là kỷ vật của ông và gia đình, tôi không thể…” “Cô đã chia sẻ chút kỷ niệm về bố tôi nên tôi cũng muốn cô cùng chia sẻ với chúng tôi những kỷ vật này.” David nói và nhẹ nhàng đặt chiếc lược vào lòng bàn tay, xoè ra trước mặt mình với dáng vẻ trịnh trọng. Mình hơi lúng túng nhưng rồi không hiểu sao mình lại đưa tay cầm lấy chiếc lược ấy, và cả cái bao đựng lược nữa. “Cám ơn ông,” mình nói nhỏ, “tôi sẽ giữ mãi vật này.”

Sau đó David bước lại đứng cạnh Daniel, nghe Bố nói chuyện. Bố ngỏ lời khen ngợi và cám ơn toán công nhân Mỹ-Việt đang làm việc ở đây. Mắt Bố cũng rớm lệ, và giọng Bố nghe run run, có lẽ cũng vì cảm xúc. Nghe nói ngày xưa Bố từng tham gia phong trào phản chiến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Mình cũng không biết Bố làm vậy là đúng hay sai nữa. Chắc là Bố chỉ muốn kêu gọi mọi người ngừng tay bắn giết để chấm dứt thảm họa chiến tranh. Hơn 50 ngàn người lính Mỹ đã gục chết trên vùng đất xa xăm, quạnh quẽ này, và nghe đâu tới mấy triệu người lính Việt nữa. Những con số thật khủng khiếp. Đã có biết bao nhiêu người con David mất cha, biết bao nhiêu người vợ Evert mất chồng. Những người đi rồi không về lại nữa… Mình đâu có biết gì nhiều về cuộc chiến tranh ấy. Liệu có phải dốc toàn lực binh hùng tướng mạnh để đánh nhau với những con người quê mùa, lam lũ như thế này? Chiến tranh vô lý quá, tại sao người ta lại phải tìm cách giết hại lẫn nhau? Ở nước mình, muốn khép tội chết một người nào, phải qua bao nhiêu là thủ tục xét xử. Thế mà trong chiến tranh, người ta giết người hàng loạt, nhanh chóng và dễ dàng. Thật lạ lùng! Mình không hiểu nổi, nhưng mình chỉ nghĩ, việc đó không thể xảy ra trong một xã hội văn minh. Giết hại đồng loại là việc làm độc ác nhất trong số những việc làm độc ác… Vẫn còn hơn 1.500 người lính Mỹ mất tích nghĩa là vẫn còn những đứa con tiếp tục đi tìm dấu vết những người cha thân yêu, vẫn còn những người mẹ đang sống âm thầm như chiếc bóng. Rồi lại còn biết bao nhiêu người mẹ Việt Nam nữa chứ. Những bà mẹ Mỹ hay bà mẹ Việt Nam đều giống nhau. Như mẹ mình, như tất cả những bà mẹ trên thế gian này, mình tin là như vậy.

Đám đông, những người dân quê đứng quanh đó mở to mắt nhìn chằm chằm vào đoàn người mới đến thăm ngôi làng nhỏ bé của họ như thể đang quan sát những sinh vật lạ lùng đến từ ngoài trái đất. Biết đâu gia đình họ lại chẳng có người thân đã thiệt mạng trong cuộc chiến đó. Thế nhưng, trong cái nhìn tò mò của đám người ấy, mình không thấy vẻ gì là oán ghét, thù hằn cả. Trông họ cũng không có vẻ gì là dữ tợn. Liệu họ có tìm cách che giấu vẻ dữ tợn trong cái vỏ hiền lành ấy không? Mình không tin như vậy. Mình chú ý nhất là những đứa bé đen đủi, lem luốc, chỉ mặc độc chiếc quần cụt. Phía xa xa là những túp lều tranh lụp xụp, những thửa ruộng xiên xẹo ngập nước và bùn. Ngoài ra chẳng có gì cả. Họ sống trong những túp lều đó sao? Họ sinh ra, lớn lên, và sống như vậy suốt đời trên mảnh đất đó sao? Mình nghe nói đây là một đất nước nghèo nàn, nhưng mình vẫn không thể hình dung được cái nghèo của họ ra sao cho đến khi trông thấy tận mắt… Thực sự, chưa có chuyến đi nào làm mình phải khóc và mang cảm giác nặng nề đến vậy.

Chỉ ít tuần nữa thôi Bố đâu có còn là Tổng Thống nữa. Mình hiểu tại sao Bố đã dành những ngày tháng cuối nhiệm kỳ để đến thăm đất nước này. Bố từng nói với Mẹ và mình nhiều lần về ý định ấy, nhưng mãi đến bây giờ Bố mới thực hiện được. Bố có vẻ chuẩn bị rất kỹ cho bài diễn văn đọc ở Ðại học Quốc gia Hà Nội hôm qua. Bố có đọc thử phần mở đầu và phần kết cho mình nghe.

“Con chỉ sợ chẳng ai hiểu gì cả khi nghe Bố nói mấy câu tiếng Việt mở đầu ấy,” mình chỉ cười và nói khi nghe Bố phát âm ngọng nghịu một ngôn ngữ lạ tai.

“Đây sẽ là bài diễn văn lịch sử, lần đầu tiên được đọc lên ngay giữa thủ đô của một nước từng là thù địch của Hoa Kỳ trong suốt bao nhiêu năm.” Bố nói, làm ra vẻ trịnh trọng, và nháy mắt với Mẹ và mình.

Bố hay dùng chữ “lịch sử” khi nói đến chuyện gì quan trọng. Mẹ chỉ mỉm cười, nhún vai, nói với mình:

“Bố muốn đi vào… lịch sử.”

clip_image010

(Photo: Claro Cortes IV/Reuters)

Một đoạn khác:

. . . . .

“Ái nữ của Ngài thật tuyệt. Cô ấy làm tôi nhớ đến Emily, cô con gái yêu quý của Norman Morison, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình. Emily cũng từng sang thăm Việt Nam trước đây cùng với mẹ cô, và họ quả là biểu tượng đẹp cho tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc.” Bố kể mình nghe là trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở Hà Nội hôm nay, người ta đã nói về mình như vậy. Khi mình hỏi Bố là giữa mình và cô Emily ấy (cô gái có ông bố tự thiêu trước Tòa Bạch Ốc năm 1965 để phản kháng chiến tranh Việt Nam) có điểm nào giống nhau, Bố chỉ cười, “Ông ấy nói chuyện chính trị ấy mà, đừng có thèm để ý.” Mình ghét chiến tranh và cũng không thích chính trị chút nào hết. Thiếu gì những đề tài hấp dẫn và thoải mái hơn, như thể thao, văn chương và nghệ thuật chẳng hạn, tại sao người ta lại cứ phải đưa những lời lẽ ngoại giao và chính trị vào trong những câu chuyện tản mạn bên tách trà. Mình thấy những lời lẽ ấy có một vẻ gì không thật. Mình ghét sự giả dối. Đấy là lý do mình sẽ chẳng bao giờ chọn con đường của Bố và Mẹ.

Tính Bố thì chẳng bao giờ xem việc gì là quan trọng cả và lúc nào cũng đùa được. Chẳng hạn, lúc bắt tay chào từ giã mọi người khi rời Hà Nội, Bố nói, “Tôi phải chạy về để coi thử ở nhà đã có Tổng Thống mới chưa.”

Chủ Nhật, 19/11/2000

. . . . .

Mình đã lo cho Bố khi Bố bị vây kín trên đường phố Sài Gòn. Mẹ cũng lo cho Bố, mọi người đều lo cho Bố, nhưng có vẻ như Bố chẳng lo sợ gì cả. Bố cứ sấn tới, mỉm cười, bắt tay từng người. Hầu hết là thanh niên. Đám đông chen lấn, xô đẩy, nhiều người cố chồm tới, vươn tay về phía Bố. Có người bị té ngã, rồi bị những người khác đè lên. Mình thấy những cảnh sát người Việt chạy tới chạy lui, la hét, nhưng không sao ngăn cản được họ. Những nhân viên an ninh cao lớn cũng phải chen lấn để bám sát Bố. Quang cảnh đường phố gần như hỗn loạn. Mình không thể nào biết được tình cảm đích thực của họ đối với Bố như thế nào, nhưng trông họ có vẻ thân thiện nên mình cũng bớt lo. Có người cuồng nhiệt quá như bị kích động, kêu lớn tên Bố, cố ý cho Bố nghe thấy. Rồi Bố cũng nghe thấy, nhưng người đàn ông đứng xa quá, Bố không tới gần được, Bố chỉ đưa tay ngoắc ngoắc. Bố cũng đã được đón chào cách đó ở Hà Nội hôm kia. Thực ra, trong những lần đi cùng với Bố trước đây, mình cũng từng chứng kiến cảnh Bố được chào đón nồng nhiệt như vậy ở nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, gần như đây là lần đầu tiên cảnh này diễn ra ở một đất nước từng là cựu thù của Mỹ, khi mà những vết thương chiến tranh không chắc đã thực sự lành lặn và không ai biết chắc được tình cảm và phản ứng của dân chúng sẽ ra sao(?). Thế nào trong đám người trẻ tuổi chào đón Bố hôm nay lại chẳng có những người mà gia đình họ từng là nạn nhân của chiến tranh, của bom đạn Mỹ, vậy mà trông thái độ, cử chỉ, và mắt nhìn của họ đâu có vẻ gì là thù ghét người Mỹ.

Thỉnh thoảng có tiếng gọi lớn tên Mẹ trong rừng người dọc hai bên đường phố.

“Chelsea! Chelsea!…”

Tiếng người nào đó gọi lớn tên mình. Giọng một phụ nữ thì phải. Đám đông nhốn nháo, những cánh tay giơ cao, ngoắc ngoắc. Mình chẳng nhận ra ai cả.

“Chelsea, tôi đây nè! Tôi biết cô.”

Tiếng gọi lớn hơn. Chắc chắn mình không nghe lầm. Mình quay qua quay lại tìm kiếm, nhưng chỉ thấy người và người. Mình chỉ biết mỉm cười, bắt chước Mẹ, giơ tay vẫy vẫy về phía phát ra tiếng gọi ấy.

clip_image012

(Photo: White House Gallery)

Một đoạn khác:

. . . . .

Cái món “Pho” này cũng khá ngon đấy chứ. Mọi người có vẻ ngạc nhiên và thán phục khi thấy Bố sử dụng đũa có vẻ thành thạo. Họ đâu có biết là Bố đã phải practice nhiều lần, không phải mới đây mà từ chuyến đi Trung quốc năm trước. Trông Bố ăn ngon lành. Bố được cái là dễ ăn và ăn khỏe, cái gì cũng gật gù khen ngon, chả biết là khen thiệt hay khen giả. Bố ăn đến hai tô lớn, một phở bò, một phở gà, trong lúc mình chỉ dám ăn một tô nhỏ. Ăn xong, Bố còn đòi uống thêm ly nước trái cây xay, và phải là xoài Bố mới chịu, rồi lại thêm một ly café sữa nữa. Bố ăn rất nhanh, sau đó Bố lấy giấy bút viết ra những ý chính cho bài nói chuyện sắp tới. Bố có cái tài là có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, lúc ăn sáng hay ăn trưa, lúc trên xe hay trên máy bay, lúc trong phòng hay ngoài vườn. Lúc nào Bố cũng có sẵn cây bút, mảnh giấy trong người, lúc nào Bố cũng có thể tập trung tư tưởng, ghi ghi chép chép được. Mình vẫn phục tài ứng khẩu của Bố trong những lần nói trước đám đông. Mình lại không được như Bố. Cứ thấy bao nhiêu cặp mắt chòng chọc nhìn về phía mình là mình đã run rồi. Trong bài diễn văn đọc ở Đại học Quốc gia Hà Nội hôm kia, mình nghe loáng thoáng Bố nói đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em Việt Nam và Hoa Kỳ của một thế hệ mới và sự hợp tác, tình hữu nghị bền vững giữa hai nước. Mình từng nghe Bố lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau những điều tương tự. Đó quả là những điều tốt đẹp và hẳn là mọi người đều mong muốn như vậy, thế nhưng có thực hiện được hay không vẫn là chuyện khác. Câu mình thích nhất trong bài diễn văn ấy là câu mà Bố trích dẫn lời của ông Đại sứ Peterson, “Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi được tương lai.”

Những đoạn tiếp theo là những hàng chữ rời rạc, có đoạn chỉ một hai hàng ngắn ngủi… Chắc là Chelsea chỉ ghi vắn tắt vì không đủ thì giờ hoặc không có chuyện gì đáng ghi, và tôi cũng chỉ đọc lướt qua… Mắt tôi dừng lại ở một đoạn khác:

Thứ Tư, 22/11/2000

. . . . .

Thật lạ lùng! Mình nhớ rõ là đã bỏ chiếc lược ấy vào trong túi xách, và mình cũng nhớ rõ ánh mắt chăm chú của David nhìn mình vào lúc đó, nhưng bây giờ mình lại không thấy nó đâu nữa. Mình đã lục lọi từng ngăn nhỏ và dốc ngược cái túi xách để trút hết mọi thứ ra nệm giường. Tất cả vẫn còn nguyên, chỉ thiếu có chiếc lược, kỷ vật của David. Mình nhớ đến nó khi mình đang chải đầu. Mình hỏi Mẹ, Mẹ đưa cho mình chiếc lược của Mẹ vì tưởng mình cần nó.

“Không phải,” mình nói, “chiếc lược nhôm.”

“Chiếc lược nhôm nào?” Mẹ ngạc nhiên, hỏi. “Chiếc lược này cũng tốt vậy.”

Mình không muốn giải thích với Mẹ. Lúc David đưa mình chiếc lược, có Mẹ đứng gần đấy nhưng chắc Mẹ không để ý. Mình không hỏi Bố, vì tin chắc là Bố chẳng biết gì. Mình thật vô tâm quá và có lỗi với gia đình ông ấy. Có thể là David vẫn có chiếc lược khác. Dù sao mình vẫn ân hận. Mình không chắc có dịp nào gặp lại ông ta. Liệu ông ta có hỏi mình về chiếc lược ấy? Liệu ông ta có muốn được nhìn lại chiếc lược ấy? Mình sẽ trả lời sao đây? Mình không muốn nói dối, và không quen nói dối ai bao giờ…

* * *

Tôi nhìn kỹ lại tấm ảnh chụp cảnh mà tôi chỉ nhìn thấy được trong một thoáng vài ba giây trên màn hình. Chelsea trong một cử chỉ tự nhiên đang đưa tay quệt những giọt nước mắt lăn dài trên má. Ngấn nước mắt trông khá rõ. Khác với vẻ tươi tắn thường ngày, khuôn mặt cô khi ấy trông có vẻ thẫn thờ, xa vắng. Tấm ảnh chụp cận cảnh nên chỉ thấy có một mình Chelsea. Bên cạnh cô, phía tay trái là một bên vai và mớ tóc của một phụ nữ bị chiều dọc của tấm ảnh cắt lìa. Tôi đoán nhiều phần là bà Hillary tuy chỉ thấy được vài đường nét.

Điều may mắn cho ông Clinton không phải là ông đã mang theo được một bộ sậu hùng hậu, tả phù hữu bật, hay đoàn tùy tùng đến hơn một ngàn người với chi phí lên đến hàng trăm triệu mỹ kim cho chuyến đi này, mà là ông đã mang theo được cô con gái yêu quý của ông. Những giọt nước mắt và khuôn mặt đẫm lệ của Chelsea nói nhiều hơn bài diễn văn “lịch sử” dài năm trang giấy được nhiều người khen ngợi của ông Clinton. Những giọt ngắn giọt dài ấy không phải là những giọt châu rơi thánh thót hay những “giọt nước mắt ngà” lóng la lóng lánh. Những giọt lệ nóng ấm ấy cũng nói cho mọi người biết rằng mọi chuyện đã thực sự kết thúc. Còn gì nữa đâu, chiến tranh đã đi qua, và cả những tàn tích, những dấu vết buồn phiền cũng đã được rửa sạch, đã trôi theo dòng nước mắt cô.

Hai mươi lăm năm sau cuộc chiến tranh ấy, khi nước mắt của những người vợ khóc chồng, những người mẹ khóc con hồ như đã khô cạn thì mới đây thôi, những giọt lệ tươi rói cuối mùa vẫn còn chảy ràn rụa trên má cô gái Mỹ hai mươi tuổi đến từ bên kia bờ đại dương. Có giọt nào nhỏ xuống dưới chân cô, ngay chỗ cô đang đứng, trên mảnh đất nghiệt ngã đó. Cô khóc vì cảm thương câu chuyện người phi công xấu số, hay khóc vì xót thương người vợ trẻ góa bụa và đàn con nhỏ dại khi lớn lên không được trông thấy mặt bố mình, hay khóc vì động lòng trắc ẩn trước cảnh lao động chân tay cực nhọc của người dân quê Việt Nam nghèo hèn lam lũ… Cho dù cô khóc vì chuyện gì đi nữa thì những giọt lệ rưng rưng ấy cũng đã bộc phát từ một tấm lòng nhân ái, một trái tim ăm ắp tình người.

Mai sau, dù có bao giờ, hồi tưởng lại những kỷ niệm về một chuyến đi đến một đất nước nhỏ bé cách xa cô mãi đến nửa vòng trái đất, hẳn Chelsea vẫn còn nhớ được rằng, đã có những phút giây nào đó trong đời, cô đã từng để lòng mình nghiêng xuống những nỗi bất hạnh của kẻ khác, đã từng để cho những cảm xúc tràn bờ trào ra thành những giọt nước mắt xót xa thương cảm cho những số phận rủi ro, những số kiếp hẩm hiu. Cô đã không tìm cách che giấu những tình cảm bộc phát tự nhiên, những dòng lệ dạt dào ấy, như cô từng có những khi yêu khi ghét, những lúc vui lúc buồn.

Đây chắc chắn không phải là lần đầu Chelsea đánh rơi những giọt nước mắt. Cô cũng đã từng khóc những lần trước đây như cô cho biết ở một trang nhật ký khác, chẳng hạn như lần bố cô đắc cử Tổng Thống vào năm 1992, có điều ngày ấy cô còn bé quá, chỉ vì thấy Mẹ khóc cô bé 12 tuổi cũng… khóc theo. Lần khác, cô cũng đã xúc động đến trào nước mắt trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và lời chúc mừng thân mật của bạn bè trong buổi lễ tốt nghiệp tháng Sáu năm 1997, sau khi hoàn tất học trình bốn năm tại Sidwell Friends High School.

Chelsea không phải là cô gái xinh đẹp lắm. Cô có khuôn mặt hơi dài, miệng cô lại hơi rộng, nhất là khi cười trông càng rộng hơn, để lộ hàm răng trắng bóng, đều đặn. Vẻ mặt cô lúc nào trông cũng có vẻ tươi tắn, có lẽ vì cô hay cười. Đôi mắt cô thường mở lớn khi ngắm nhìn sự vật, và như có chút gì rụt rè. Mớ tóc vàng hoe của cô cũng khá đặc biệt với những lọn tóc xoăn tít thả xuống quá vai. Chừng ấy đặc điểm hẳn là chưa đủ để tạo sức hút cho những đôi mắt nhìn ngắm. Nếu cô có được chú ý chẳng qua vì cô là First Daughter, ái nữ duy nhất của một ông Tổng Thống Mỹ đầy quyền lực. Tuy nhiên, có thể nói được rằng cô có một vẻ đẹp tự nhiên, không kiểu cách màu mè, và tính tình cô cũng tự nhiên, không che giấu ngụy tạo, như thể trời sinh ra cô thế nào thì cô cứ là như vậy, khiến cô dễ chiếm được cảm tình của nhiều người.

Những đoạn nhật ký tiếp theo không thấy đề cập gì đến chiếc lược nhôm ấy nữa, chiếc lược Chelsea để lạc chỗ nào tìm mãi không thấy. Không rõ là về sau này cô có tìm được nó, và cô có còn nhớ đến nó hay đã quên nó như đã quên đi những dấu vết, những tàn tích của một cuộc chiến tranh đã trôi vào quên lãng. Có thể là cô cũng tiếc nhớ nó ít hôm, rồi thôi, chứ không đến nỗi ra ngẩn vào ngơ. Có chuyến đi nào mà cô lại chẳng mang về những vật lưu niệm lỉnh kỉnh, rồi cô cũng chỉ cất giữ chúng được một thời gian, trên bàn computer, trên đầu tủ, đầu giường, hay trong những ngăn kéo, ngăn bàn nào. Chiếc lược nhôm ấy, cô sẽ dễ dàng quên đi thôi, như đã quên đi bao nhiêu chuyện vặt vãnh trong đời mình. Cô còn nhiều chuyện quan trọng hơn để làm, còn nhiều vật đáng giá hơn thế nữa để tiếc, để nhớ.

Tấm ảnh mới nhất của Chelsea, ít ngày sau chuyến đi Việt Nam mà Nghĩa in ra được cho tôi là ảnh chụp Chelsea trong dáng điệu “phấn khởi, hồ hởi”, đang cầm dao và nĩa hăng hái xẻ thịt chú gà tây trên bàn ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn ở trại David, Maryland. Vẫn là chiếc miệng rộng, đôi mắt mở lớn và nụ cười rạng rỡ nở rộ trên khuôn mặt cô. Cùng với gia đình, cô sẽ “tạ ơn” những gì đây trong ngày lễ ấy? Tạ ơn bà mẹ vừa được bầu vào chức vụ dân cử mới khi sắp sửa từ bỏ danh vị First Lady. Tạ ơn ông bố được bình yên, tai qua nạn khỏi sau hai nhiệm kỳ tám năm nhiều sóng gió. Tạ ơn sau vài chuyện lục đục giữa bố và mẹ, gia đình cô vẫn cứ là một gia đình “ấm no hạnh phúc”. Tạ ơn những người bạn trai dễ mến đã tạt ngang qua cuộc đời cô, đã mang đến cho cô chút tình yêu đầu đời, rồi lặng lẽ xa cô vì đã không đi được chung một đường, chung một hướng. Tạ ơn gia đình cô vừa trở về an lành sau một chuyến đi xa thật là xa…

Nhớ lại chuyến đi ấy, liệu cô có tạ ơn đất trời về cái may mắn là gia đình cô đã không phải dính dấp, không phải chịu đựng những hệ quả của cuộc chiến tranh nghiệt ngã đã gây biết bao thương tổn cho biết bao gia đình người Mỹ khác? Cuộc chiến tranh nào cũng đều là mất mát là chết chóc, là hủy diệt là tàn bạo, cho dù ở phía nào của cuộc chiến. Nếu cô ra đời sớm hơn chừng một phần tư thế kỷ, hẳn cô đã nhìn thấy rõ hơn bộ mặt đáng ghét của cuộc chiến tranh ấy, và có khi cô sẽ phải lựa chọn đứng về phía nào của cuộc chiến. Không giống như là những lựa chọn trong tình yêu đâu. Tất nhiên trong tình yêu, cô khó có thể yêu cả hai chàng trai cùng một lúc, nhưng vẫn có thể yêu hơn kém chút đỉnh, nếu cả hai đều… đáng yêu. Còn trong chiến tranh thì không thể nào có chuyện đó được, mà chỉ có yêu và ghét, hai phía đối nghịch. Một khi cô đã yêu bên này thì cô phải ghét bên kia, và phía ấy sẽ là thù địch. Cũng không thể có chuyện vừa yêu, vừa ghét theo kiểu “giận mà thương” được.

Trong những giờ phút enjoy bữa tiệc gà tây cùng với gia đình, tôi chắc là Chelsea đã chẳng còn nhớ gì nữa. Sau bữa tiệc này, cô sẽ phải gấp rút trở lại với những chồng sách vở ở trường học sau khi đã nghỉ hẳn một fall quarter để được gần Bố nhiều hơn trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng Thống, và cũng để theo phụ giúp mẹ trong mùa vận động tranh cử ở New York vừa qua. Rất nhiều thứ đang chờ cô phía trước. Cô sẽ rất là bận rộn trong năm học cuối ở Stanford để chuẩn bị cho ngày ra trường mùa xuân năm tới. Rồi sau đó lại còn phải sửa soạn cho quarter đầu tiên ở ngôi trường mới Oxford University nữa chứ, ngôi trường bố cô từng theo học nhiều năm trước đây. Con đường trước mặt cô còn dài thật dài, và cô cũng sẽ còn nhiều chuyến đi xa kỳ thú khác.

* * *

clip_image014

(Photo: Jennifer L. Chloe)

Sắp tới đây ông Clinton sẽ không còn là Tổng Thống nữa. Hai nhiệm kỳ tám năm ròng rã của ông chỉ còn lại những ngày tháng phù du. Có thể là sau khi về vườn ông sẽ dành thì giờ để viết sách, viết hồi ký, hoặc sẽ làm một chuyến giang hồ đây đó, và biết đâu ông lại chẳng ghé thăm Việt Nam thêm một lần nữa, để lại bắt tay thêm một lần nữa những người trẻ của một đất nước mà lớp tuổi dưới ba mươi chiếm đến hai phần ba dân số. Lớp tuổi mà đối với họ, chiến tranh đã đi qua như một kỷ niệm buồn. Chẳng ai muốn gợi lại mãi những kỷ niệm buồn. Những chương sách cũ đã khép lại. Những người trẻ tuổi lớn lên sau chiến tranh, họ muốn viết tiếp những chương sách mới, muốn những đổi thay cho đất nước họ. Và Clinton, ông đã được chào đón nồng nhiệt, được hăm hở, vồ vập bắt tay là vì ông đáp ứng được lòng mong mỏi, khát khao của họ. Ông cũng dễ dàng chia sẻ với họ những hoài bão, những ước mơ lớn lao làm nên những chuyện quốc gia đại sự để mang về một vận hội mới cho đất nước, cho dân tộc họ. Ông là biểu tượng của tự do và nhân quyền, và còn là biểu tượng của sự trẻ trung, tiến bộ và đổi thay nữa.

Ông Clinton còn trẻ lắm khi mới đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ đầu, và đến bây giờ trông ông cũng vẫn còn trẻ trung. Ông đã làm việc sôi nổi, như đã yêu sôi nổi. Ông cũng chẳng tài cao đức rộng gì cho lắm mà có đủ cả hai mặt tốt, xấu lẫn lộn theo cái nghĩa “nhân vô thập toàn”, chưa kể có lắm chuyện bê bối như ông từng thú nhận. Người Mỹ không care lắm chuyện đó, miễn ông làm được việc, và quả là ông đã làm được việc. Người Việt trong nước cũng chịu ông và tỏ ra ngưỡng mộ ông, nhất là giới trẻ, vì họ cảm thấy ông gần gũi với họ, và vì họ cũng muốn được thành công như ông vậy. Ông Clinton hẳn cũng thấy được điều đó trên các đường phố ở Việt Nam qua những tiếng reo hò, những tràng pháo tay, những cánh tay vẫy vẫy, những tiếng kêu lớn tên ông đầy kích động. Và khi đến gần họ hơn, ông còn nhận được những bàn tay siết chặt, những ánh mắt đồng tình, những nụ cười đồng cảm. Không có ai nháy mắt hay kề tai ông nói nhỏ điều gì, nhưng mà ông thấy được, nghe được, hiểu được. Ông đã có chủ đích trong chuyến đi, đã gặp gỡ được những đối tượng cần gặp gỡ.

Chuyến đi “lịch sử” của ông Clinton mai đây sẽ chỉ còn lại những tấm ảnh màu giữ làm kỷ niệm; thế nhưng, nếu đấy là một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm chính trị của ông, chắc ông vẫn muốn đi tìm lại những kỷ niệm ấy. Bắt tay những người trẻ thêm một lần nữa, những người trẻ yêu mến ông và xấp xỉ tuổi con gái ông, có lẽ ông Clinton cũng chỉ muốn như thế nếu còn dịp nào đi thăm lại Việt Nam. Nếu chỉ vì muốn ăn thêm tô phở nữa, ông đâu có cần phải đi xa đến vậy. Ngay tại đây, tại khu phố Little Saigon này, lúc nào cũng sẵn có và còn ngon hơn phở trong nước nữa là khác.

Sắp tới đây Chelsea cũng chẳng còn là First Daughter nữa. Nhưng điều đó cũng đâu có gì là quan trọng, và chắc cô cũng chẳng thiết tha gì lắm với cái danh vị đó. Chắc chắn một điều là nhiều người vẫn còn nhớ đến cô, và vẫn còn nhớ đến những giọt nước mắt cô trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua. Những giọt nước mắt hiếm hoi ứa ra nơi khóe mắt cô gái Mỹ đang sống giữa những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. Cô đang sống những năm tuổi đôi mươi, tuổi thanh xuân, tuổi hoa bướm, tuổi mộng mơ, tuổi ngọc tuổi ngà gì gì đó trên một đất nước từng được gọi là “the land of dreams”. Chắc hẳn là cô cũng từng có những giấc mơ. Một trong những giấc mơ của cô, tôi nhớ có đọc ở đâu đó, là được trở thành bác sĩ chuyên khoa chữa trị bệnh tim cho trẻ em. Cô yêu trẻ em, và cô cũng yêu thú vật. Cô không hiểu rõ chiến tranh Việt Nam lắm như cô từng thú nhận. Cô cũng không cần biết chiến tranh là gì, cô chỉ thấy nó thật là vô nghĩa, thật là độc ác và khác với những gì diễn ra trong cuộc sống bình lặng thường ngày của cô. Như ở đất nước cô người ta chẳng bao giờ đánh đập thú vật cả, như cô thích vuốt ve chú Buddy thân thiết vẫn luẩn quẩn bên cô, như trẻ em không hề biết nói dối, như mọi người vẫn mỉm cười say hi với những người quen và không quen khi gặp nhau ở ngoài đường. Một người trẻ tuổi nào đó trong đám đông những người trẻ tuổi trên đường phố Sài Gòn đã gọi lớn tên cô, cô quay đầu tìm kiếm, và cô ngoắc ngoắc tay chào tất cả. Cô cũng đã mỉm cười và say hi với họ bằng chiếc miệng rộng của cô. Chiếc miệng quả có hơi rộng một chút thật nhưng cũng chẳng sao, vẫn cứ tươi tắn, vẫn cứ đẹp như thường vì đã được cô gắn lên nó nụ cười thân ái. Thế là đủ. Cô đã khóc và rồi cô lại cười. Cầu cho những bóng mây buồn bã chỉ thoáng hiện trong phút giây thôi, rồi sẽ nhanh chóng bay đi, trả lại cô bầu trời xanh ngắt trong khuôn viên đại học Stanford ngày cô trở lại trường.

Hãy quên đi, quên đi nhé, Chelsea!… Nhìn lại tấm ảnh cô lần nữa, nhìn lại ngấn lệ đọng trên má cô lần nữa, tôi muốn nói nhỏ với cô theo lối nói thông thường của người Mỹ, “That’s ok, Chelsea. It’s over. Everything will be fine.”

Tôi cẩn thận lấy kéo cắt rời tấm ảnh màu được Nghĩa in ra từ internet. Chỉ là tấm ảnh cắt ra trên giấy, nhưng cũng ok, có còn hơn không. Bộ ảnh sưu tập của tôi lại vừa có thêm tấm ảnh mới, tấm ảnh mà Nghĩa đặt tên là “Giọt lệ Chelsea”.

Lê Hữu

(Truyện đăng lần đầu trên tạp chí Văn Học, 6/2001)

Bài Mới Nhất
Search