T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: PHẢN BIỆN BÀI “BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP” CỦA PHẠM ĐỨC NHÌ

Hoa Lư

Hoa Lư – Tranh: Mai Tâm

Vừa qua nhà thơ Phạm Đức Nhì có viết một bài “Bình thơ không bàn thi pháp” trong đó ông kết tội Châu Thạch, Nguyễn Bàng và Bùi Đồng là đã bình thơ không bàn thi pháp, theo lời ông là làm cho “thơ hay thơ dở đánh lộn sòng”. Cụ thể, ông đã đem bài nhận xét của tôi về bài thơ “Thềm Xưa Đợi Em Về” của thi sĩ Hà Nhữ Uyên ra phê phán.

Thi sĩ Hà Nhữ Uyên, một người tôi chưa từng quen biết, có thơ hay được thi hữu miền Nam mến mộ, lại bị anh Nhì đặt vào cái cẩu đầu trảm mà tôi cho rằng chỉ vì tôi đồng cảm với thơ anh ấy và viết lời bình cho bài thơ “Thềm Xưa Em Đợi Người về”. Bởi vậy tôi xin có đôi lời phản biện để không phải biện hộ cho tôi mà là lấy lại sự công đạo cho Hà Nhữ Uyên.

Trước hết nhà thơ Phạm Đức Nhì nói loanh quanh về các định nghĩa thi pháp là gì của người xưa rồi cuối cùng anh tự định nghĩa sau đây:

Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc làm thơ – sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.”

Tôi cũng đồng ý hoàn toàn với anh Nhì định nghĩa nầy nhưng tôi nghĩ theo định nghĩa nầy thì người bình thơ nào mà “không bàn thi pháp” được nhỉ? Người nào đã viết bình thơ mà có thể không bàn về việc tác giả “Sử dụng vần, nhịp điệu, nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả”. Anh Phạm Đức Nhì nói Châu Thạch, Nguyễn Bàng, Bùi Đồng “chỉ bình tán ý tứ mà không bàn thi pháp”. Vậy cái ý tứ đó có phải là “sử dụng vần, nhịp điệu, nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp, cảm xúc” không nhỉ? Chẳng có nhà thơ nào mà không sử dụng những cái ấy để đưa ý tứ của mình vào. Cho nên một nhà bình thơ “bình tán ý tứ” của bài, chính là nhận xét cái tài “sử dụng vần, nhịp điệu, con chữ” của họ hay đến đâu hoặc dở đến đâu. Anh Nhì nói chúng tôi “bình tán ý tứ không bàn thi pháp” là chính anh đã “đánh lộn sòng con chữ” chớ không phải chúng tôi. Một bài thơ mà không có ý, tứ và không biết sử sụng ý tứ đó cho hài hoà, độc đáo thì là bỏ. Khi chúng tôi khen một bài thơ hay là chúng tôi khen tác giả có tài thi pháp, có ý tứ hay của thơ và có cả ý tứ trong sáng tác để kết cấu bài thơ gây cảm xúc cho người.

Bây giờ xin bước qua biện hộ cho bài thơ của Hà Nhữ Uyên.

Bài thơ như sau:

THỀM XƯA EM ĐỢI NGƯỜI VỀ

Em đợi người bên Thềm Xưa trầm lắng

nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn

ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng

nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan.

.

Em khắc khoải đợi một dòng tin nhắn

thèm giật mình khi nghe tiếng chuông reo

chiếc điện thoại cũng tảng lờ im ắng

ném niềm vui như chiếc lá bay vèo.

.

Mắt ngân ngấn “Người ơi” – em khẽ gọi

đợi tiếng người trầm ấm phía bên kia

mà: “… rất tiếc, số này không kết nối”

ngỡ trời tình ai thổi tắt trăng khuya.

.

Buồn vây ráp đêm dài thêm sợi tóc

tựa vào đâu ấm áp một bờ vai?

em cố dặn: thôi đừng mau mắt khóc

dẫu muộn phiền có thể chẳng nguôi khuây.

.

Người gieo lại nửa hồn nghe ngơ ngẩn

nửa trên tay em bồng nắng về rừng

như thạch thảo bên tường mưa ướt cánh

nghe con chim góa bụa hót rưng rưng.

.

Em khờ khạo xới lên miền cổ tích

như mối đùn trăm nỗi nhớ về nhau

khi yêu dấu môi hôn chưa nhàm nhạt

ai cam tâm hờ hững tự khi nào?

HÀ NHỮ UYÊN

 

– Phạm Đức Nhì chê:

1/ Nhịp điệu: Mỗi câu 8 chữ, mỗi đoạn 4 câu, đọc lên nhịp điệu đều đặn tẻ nhạt. Tác giả tự trói buộc mình trong quy luật của thơ mới nên tâm thế, phong thái không được tự do.

– Châu Thạch biện hộ:

Xin hãy đọc đoạn thơ trong bài Ave Mari của Hàn Mạc Tử:

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả

Dâng cao dâng thần nhạc sánh hơn trăng

Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đường

Huyền diệu bến thành muôn linh trọng thể

Toàn bộ bài của Hàn Mạc Tử đều mỗi đoạn 4 câu và mỗi câu 8 chữ. Bài thơ nầy đã trở thành bất hủ.

– Phạm Đức Nhì chê:

2/ Vần: Vần gieo cả 1/3 lẫn 2/4 kỹ lưỡng (6 đoạn 12 cặp vần, không bỏ sót cặp nào), có nhiều cặp gieo chính vận nên hội chứng nhàm chán vần rất nặng, đọc 2 đoạn đã thấy giọng “ầu ơ”. Thêm vào đó, tác giả lại còn chơi cả yêu vận (vần lưng)

Châu Thạch biện hộ:

Mời đọc bài thơ “Trên Đường Về” trong tập thơ Điêu Tàn của Chế lan Viên có 7 đoạn và 14 cặp vần gieo 1/3 lẫn 2/4 không bỏ sót cặp nào.

Xin đơn cử một đoạn thôi:

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát giữa thời gian

Những sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than

Bài thơ nầy cũng cũng đã trở nên biểu tượng của thơ.

 – Phạm Đức Nhì chê:

3/ Dòng chảy của tứ thơ: Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu diễn tả một ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy.

– Châu Thạch biện hộ:

Đọc bài thơ Tràng Giang của Huy Cận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, 

Con thuyền xuôi mái nước song song. 

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả; 

Củi một cành khô lạc mấy dòng. 

.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu, 

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều 

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót; 

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu. 

.

Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng; 

Mênh mông không một chuyến đò ngang. 

Không cầu gợi chút niềm thân mật, 

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng. 

.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc, 

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa. 

Lòng quê dợn dợn vời con nước, 

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Đọc bài thơ Tràng Giang của Huy Cận ta thấy có 4 đoạn, mỗi đoạn diễn tả không những một ý riêng biệt mà còn một cảnh riêng biệt. nhưng tất cả cũng chỉ mục đích là miêu tả Trường Giang. Từ khổ thơ trước qua khổ thơ sau cũng không hề bắt vận. Ở đây bài thơ “Thềm xưa em đợi người về” mỗi đoạn tỏ bày một tâm tư của em, và tất cả cũng để nói lên nỗi lòng của người ngồi bên “Thềm xưa em đợi anh về”. Thiết tưởng liên kết của các ý thơ còn sít sao và trôi chảy hơn Tràng Giang nữa.

 – Phạm Đức Nhì chê:

4/ Cảm xúc: Cảm xúc tạo được ở đoạn nào nằm tại đoạn đó, không chảy thành dòng để có sự tiếp nối “sóng sau dồn sóng trước” tạo cao trào, hình thành hồn thơ. Cảm xúc phần lớn ở tầng 1 (câu, chữ hay), rất ít ở tầng 2 (thế trận), hoàn toàn không có cảm xúc ở tầng 3 (cao hứng, nổi điên). Với vóc dáng này Thềm xưa em đợi người về chắc chắn không thể có hồn thơ.

– Châu Thạch biện hộ:

Khổ 1: Em đợi chàng với sự nóng lòng hiện lên trên cử chỉ

Khổ 2: Em khắc khoải mong chờ và giật mình mỗi khi tưởng có tin anh

Khổ3: Măt ngấn lệ, em gọi tên anh những đến trăng khuya cũng tắt.

Khổ 4: Em cố nhủ lòng thôi đừng phiền đừng khóc nhưng muộn phiền vẫn chẳng nguôi khuây.

Khổ 5: Anh gieo vào lòng em nỗi sầu như hoa Thạch Thảo bên tường mưa ướt, như con chim góa bụa hót rưng rưng.

Khổ 6: Em khờ khạo nên để mối đùn trăm nỗi nhớ. Ngược lại anh thì cam tâm hờ hững tự bao giờ.

Bài thơ có một nối kết rõ ràng từ khổ 1 cho đến khổ 6. Cảm xúc “sóng sau dồn sóng trước’ và mỗi lúc một cao độ hơn. Cuối cùng tác giả dùng hình ảnh tổ mối đùn lên để nói về nỗi nhớ thật là sống động đến độ tuyệt vời.

Sở dĩ người viết dùng  thơ của các nhà thơ đã đi vào văn học sử để so với thơ của Hà Nhữ Uyên chỉ để chứng minh tác giả đã khôn khéo sử dụng thi pháp như những tài danh đã sử dụng. Không phải thi pháp ấy làm cho bài thơ dở như Phạm Đức Nhì đã kết luận.  Ngoài ra người viết, tất nhiên, không dám đem thơ Hà Nhữ Uyên để so về mặt cao thấp  với các thi tài đã vang danh một thời.

Tóm lại theo tôi, đây là một bài thơ hay. Bất kể ông Phạm Đức Nhì đã phê bình bài thơ theo cách nhìn của ông ấy như thế nào.

Châu Thạch

Thư Độc Giả:

LÁ THƯ ĐỒNG CẢM CÙNG CHÂU THẠCH

Lê Thiên Minh Khoa

Anh Châu Thạch quí mến!

Sáng nay, em đọc bài Phản Biện … của anh. Thấy  đồng ý hoàn toàn về lập luận của anh, và thấy không cần phải nói thêm gì với ông Nhì  nữa.  Thực ra, bài viết của ô Nhì có nhiều  “lỗ hỏng”  lắm.  Chỉ nói  với anh về  vài  “lỗ hỏng” trong bài viết của ông ta:

  1. Thi pháp là một thuật ngữ của một  của một ngành học mới_ thi pháp học, một chuyên ngành hẹp của lý luận văn học (và của cả Mỹ học nữa). Là thuật ngữ thì nó có nghĩa khái niệm được chuyên ngành qui ước, không thể  tự hiểu tự định nghĩa theo ý  hạn hẹp chủ quan mình như Ô Nhì đã phát biểu: ““Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc làm thơ – sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.”  Cách hiểu của Ô Nhì có nhiều cái sai:

– Trước hết, không nên chiết tự từ (vì thuật ngữ nầy đã có sẵn nghĩa qui ước của thuật ngữ do môn khoa học nầy  quy định) mà lại hiểu đơn giản: thi là thơ; pháp là phép, rồi suy ra: thi pháp la quy tắc làm thơ!… Thực ra, thi pháp  ngày nay được người có học trong ngành văn chương hiểu như  GS-TS Trần Đình Sử, nhà khoa học hàng đầu về Thi pháp học VN trích dẫn  định  nghĩa  của Viacheslav Ivanov: “Thi pháp học là khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong đó”.  Hiểu như vậy thì  Thi pháp (poetics) không chỉ là phương pháp, quy tắc làm thơ  mà  rộng hơn nữa: quan niệm nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, hình tượng tác giả trong sáng tạo nghệ thuật là bốn vấn đề cốt lõi  của tinh thần thi pháp (Theo Đào Thái Sơn – Vài nét về Thi pháp học hiện đại). Còn nữa, đối tượng của thi pháp không chỉ là thể loại thơ (trữ tình) mà còn mở rộng ra các thể loại khác: truyện (tự sự), kịch và ký. Bởi vậy, ngoài  kiểu nói: thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu…, người ta còn nói: Thi  pháp truyện ngắn, thi pháp tiểu thuyết, thi pháp kịch…  nữa.

   –  Hơn nữa,  thi pháp không chỉ là “sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận” chỉ gồm các yếu tố thuần hình thức, như ô Nhì định nghĩa mà thi pháp còn là  “khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong đó”. Chỉ nói riêng về  từ “cấu tạo”:  Cấu tạo bao hàm cả yếu tố nội dung: ý, tứ, nghĩa…, chứ không chỉ là hình thức, thủ pháp nghệ thuật thơ ca hoặc “sử dụng vần, nhịp điệu”. Đúng ra phải nói là tính nhạc của thơ, vì nhạc tính của thơ mới  bao gồm đủ cả 4 yếu tố: âm (âm đầu, âm chính, âm cuối), thanh, vần, nhịp của thơ, trong đó, thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, chứ không phải là vần và nhịp như Ô Nhì đã khẳng định trong định nghĩa trên. Chính chúng (thanh và nhịp) đã góp phần làm cho thơ văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu…….

  1. Lại nữa, Ô Nhì viết: “Dòng chảy của tứ thơ: Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu diễn tả một ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy”. Như thế, rõ ràng là: ô Nhì chưa nắm rõ về khái niệm ‘tứ thơ”. Cũng đúng thôi, vì Tứ thơ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải… “Tứ thơ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ). Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ – tác phẩm. Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”. Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại”. (LTMK_ Lại Nghĩ Về Thơ_ tuần báo Văn Nghệ số 5, 03.02.2018). Như thế, tứ thơ không phải do vần mà có, như Ô Nhì đã tưởng và viết : “từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy“. Hơn nữa, trong thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại , thơ văn xuôi… có những bài  không  vần (chứ chưa nói ” không bắt vần”) mà tứ thơ vẫn liên tục, liền mạch. Thơ không vần thì lấy đâu vần mà bắt, và như vậy là không có tứ thơ và không phải thơ sao? …

Vài dòng cùng anh. Chúc anh vui  khỏe.

Thân quý.

Người em chưa gặp mặt anh

         Lê Thiên Minh Khoa

MỜI XEM THÊM:

http://baovannghe.com.vn/lai-nghi-ve-tho-17599.html

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search