T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 132)

 clip_image002_thumb.jpg

 

Chữ Việt gốc Tàu

Chữ Việt gốc Tàu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tàu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.

Như:

Thồi là bàn tiệc. Người Bắc hay dùng từ “thồi”. Người Nam thường dùng chữ bàn.

Phổ ky là người hầu bàn. Tiếng Hán Việt là “hỏa ký”, liên quan đến bếp núc.

Phàn là cơm. Hán Việt là “phạn” để có phạn điếm.

Từ phàn qua phạn tơi phay là những miếng thịt thái mỏng. Như…gà xé phay.

Hộp là…cái hộp đựng đồ ăn dư mang về. Nguyên chữ là lượng cơ hộp, là hộp đựng đồ ăn.

(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Cây chanh

Tôi tra từ điển. Hoa-Việt của ông Đào Duy Anh, tôi thấy một chữ mà ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là chanh. Chẳng những thế, lại còn chua chữ Pháp là citron, citronnier. Tôi ngạc nhiên quá. Bên Tàu không có cây chanh. Thế sao họ lại có danh từ chanh để mà cho ta vay mượn (chữ chanh viết bằng chữ đăng là lên đường, nhưng với bộ mộc). Tôi đã biết rằng Trung Hoa, vì không có trồng được cây chanh, nên không có danh từ, phải mượn danh từ lemon của Anh mà họ đọc là lì mông (viết ra chữ Tàu thì các nhà nho ta đọc sai là ninh mông). Vì vậy, tôi cũng phải hỏi lại ông Lý Văn Hùng cho rõ trắng đen.

Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông ta đã viết được vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và nhứt là ông ta dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn khoa Đại học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.

Ông ấy nói:

–  Ông Đào Duy Anh đã lầm. Người Tàu đâu có trồng được chanh, đâu có trái citron. Cái chữ nầy phải đọc khác, và trỏ món khác, chớ đâu có trỏ chanh bao giờ.

– Trỏ cái gì, và đọc như sao ?

– Quan Thoại đọc là xản, Quảng Đông đọc là tsat và trỏ cây cam và trái cam. Có lẽ đồng bào của tiên sinh đọc là sành để rồi ghép thành ra cam sành.

Lại xin trình thêm một chữ nữa. Chữ nầy ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là thũng và định nghĩa là sưng lên. Té ra bịnh thũng là tiếng Tàu, thế mà từ bao lâu nay, tôi cứ tưởng đó là tiếng Việt. Vậy là giáo sư Lê Ngọc Trụ rất có lý, cái gì cũng do tiếng Tàu mà ra cả. (Chữ Hán này được viết bằng chữ trọng với bộ nguyệt mà người Tàu gọi là bộ nhục.)

Lần nầy, tôi không thắc mắc, không hỏi ai hết. Nhưng một nhà nho Việt Nam, mới có 30 tuổi, một hôm đã tinh cờ nói về vấn đề là hiểu lầm về chữ nghĩa Tàu. Anh bạn ấy nói: “Cái chữ đó, không phải đọc là thũng đâu, mà đọc là trương, mà có người phát âm là chương. Chương lên, có nghĩa sưng tấy lên đó mà (con trâu chết chương, cơn ngựa chết chương).” Ấy, ông Đào Duy Anh lần nầy không có lầm về nghĩa mà chỉ lầm về phát âm thôi, nhưng cái lầm nầy khá tai hại, làm cho ta tin rằng các từ của ta đều do tiếng Tàu mà ra tuốt hết, tin theo thuyết Lê Ngọc Trụ.

(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)

 Chữ nghĩa làng văn

Không rõ từ “em” xuất hiện từ thời nào trong văn chương Viêt. Trong các truyện cổ (Trầu cau, Thiếu phụ Nam Xương, Trương Chi Mỵ Nương…) và một số áng văn nôm (Nhị độ mai, Bích câu kỳ ngộ, Phạm Công Cúc Hoa…) ngay cả một số thơ nôm (Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tự Đức, Nguyễn Khuyến) từ “em” cũng không được dùng. Ngay cả trong thơ bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương…

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ ấy, nhưng em đây là chỉ tình chị em giữa Thúy Kiều, Thúy Vân. Chứ không với Kim Trọng hay Từ Hải, với những “anh” này thì Kiều xưng là…thiếp.

Tôi chỉ tìm thấy từ này trong bài thơ Mất ô của Trần Tế Xương nói về ả cô đầu:

Hỏi ô, ô mất bao giờ

Hỏi em, em những ậm ờ không thưa

(Nguyễn Thùy – Nghĩ về một số từ tiếng Việt)

 Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Tuân thường say nhưng có điều thật lạ là ông đã làm một bài hát ả đào nói về cái say của mình – cả mưỡu và hát nói – vào năm 1931 mà ít người được biết:

Hạnh Hoa thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh.
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng?

Hung trung hữu Lý Bạch,
Đã say sưa mặc quách thế nhân cười.
Mượn màu men giả dạng làng chơi,
Cơn chếnh choáng coi ra trời đất nhỏ.
Ai muốn lấp sầu thiên vạn cổ,
Cùng ta hãy cạn một hồ đầy.
Doành nước mây, một tớ một thầy,
Vành gió bụi: Ai tỉnh? Ai say? Ai ngất ngưởng?

Đảo phá sầu thành thi thị tướng,(*)
Trường truy cùng tặc tửu vi binh
Rượu ngà say quên lẫn cả mình,
Khi túy lúy thoát hình ngoài cõi tục.
Mặc ai đàm tiếu, ai trong đục,
Tỉnh mà chi cho nhọc chẳng khề khà.
Nợ nần gỡ mãi không ra.

 (*)
Muốn phá thành sầu phải mượn thơ làm vị tướng,
Muốn đuổi giặc cùng phải mượn rượu làm quân lính.

(Nguyễn Quang Tuấn – Nguyễn Tuân với thú hát Ả đào)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Ngôi trường cổ nhất

Trường Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Thành ngữ miền Nam ‘ăn ở cho có đức có nhớn, nói lên đời sống đạo lý miền Nam, tránh lời nói việc làm tổn đức. Gẫy gánh, chắp nối. Miền Nam khi xưa vợ chồng là trăm năm, vì vậy ai mà chết vợ, chết chồng, thì người ta nói gẫy gánh giữa đường, đường đời vợ chồng chưa đi chung hết mà đã gẫy gánh. Đòn gánh một khi đã gẫy thì làm sao mà gánh đi hết cuộc đời. Vì vậy có từ chấp nối.
Người vá chồng kẻ vá vợ tìm nhau, chấp nối cái gánh mình đã gẫy để đi hết cuộc đời còn lại. Nhắc đến đàn bà vá tôi nhớ câu chuyện đời má tui có kể là hồi xưa có ông đồ về già ông mới cưới vợ, ông cưới con gái (ý nói là vợ ông còn con gái khi cưới, khác với đàn bà đã biết mùi đàn ông). Bạn bè cắc cớ hỏi tại sao ông không kiếm đàn bà vá, xồn xồn, để người ta lo cho ông miếng cơm, chén thuốc lúc tuổi già, lo việc chợ búa, trước sau trong nhà…? Ông nghiêm nghị trả lời gọn hơ là ông không làm chuyện ngược đạo lý đó được, phải để cho người ta thủ tiết. Kể xong má tui cười khì, “mấy ông già xưa, cay hơn gừng già, lời nói chơn giả, thiệt hư mấy phần có trời mà biết”.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)
Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (4)

 Tờ báo đầu tiên phát hành ở miền Trung

Những năm 20 thế kỷ trước, báo chí miền Bắc và miền Trung bắt đầu có sự vươn lên mạnh mẽ. Sự kiện tờTiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời năm 1927 tại Đà Nẵng đánh dấu việc báo chí đã lan tỏa đến Trung Kỳ.

 Tờ Tiếng Dân, khuynh hướng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng. Bản chất là một tờ báo yêu nước, bất cập với tình hình và thời đại.

 (SNg Paris – Một tài liệu hiếm)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Nói chữ

Nhân vật trong truyện Tàu được người dân miền Nam ví von như : Nóng (nảy) như Trương Phi, gian (hùng) như Táo Tháo, giỏi như Khổng Minh, Tài như Lã Vọng, Quảng Trọng, thần thông như ông Tề, đen như Uất trì Cung, lùn như Yến Anh, đa nghi như Tào Tháo, phước tướng như Triệu Vân, xấu như Chung Vô Diệm, đẹp tựa Tây Thi, ác như Đắc kỷ, độc như Lã Hậu, phản phúc như Lã Bố, đê tiện như Cao Cầu, giết người như Bạch Khởi, tham lam như Tần Cối, ngu (trung) như Tống Giang, mạnh như Vỏ Tòng, ngay thẳng như Lổ Trí Thâm. Mấy câu quen thuộc như: găp chùa thì tu, gặp giặc thì đánh, cái gan Tỷ Can, cái mật Khương Duy, cái lưởi Tô Tần, cái miệng Trương Nghi, uốn ba tất lưởi, thằng ba búa (giỏi lắm thì như Trình Giảo Kim chỉ đánh được ba búa), một (nhà) Mạnh Thường Quân, vòng vo Tam Quốc, quân sư quạt mo, nói chuyện ông Tề, nói chuyên Phong Thần, con dế Tôn Tẩn, y thuật (cao minh) như Hoa Đà, nhân mưu thiên định, xa xoi như Sở Tề, (buồn như) tiếng sáo Trương Lương, Hàn tín còn lồn chôn giữa chợ (ý nói lúc nhịn phải nhịn).

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Tiếng Việt trong sáng

 “Máu”, thay cho “hăng máu”, “hăng tiết” (vịt hay không vịt, tính sau). “Máu”, bề ngoài nhìn như một danh từ, nhưng thật ra lại là một tính từ thay cho “cực kỳ”, “rất”, “thậm”, như trong, “Thằng đó máu cực!”, hay “Thằng đó cực máu!”, (có nghĩa là “thằng đó rất ‘hăng máu’, chơi ‘tới bến’ luôn, không cản nổi).

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search