T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chuyện làng văn xóm chữ với bút hiệu (1)

lang van xom chu

Nguồn gốc bút hiệu

Bút hiệu xuất hiện đầu tiên tại Pháp. Vào thời Trung Cổ, công dân Pháp bị buộc phải tòng quân, trốn tránh sẽ bị tử hình. Do vậy, những người trốn lính phải lấy tên khác để che dấu tung tích. Tên đó Pháp ngữ gọi là “nom de guerre”, nghĩa là tên chiến tranh. Cũng vào thời Trung Cổ, dân Pháp không có quyền tự do ngôn luận. Tác phẩm nào xúc phạm tới giới chức chính quyền hay tầng lớp giáo sĩ sẽ bị trừng phạt. Do vậy, các văn sĩ bắt chước kiểu tên “nom de guerre”, đặt ra “nom de plume”, tức là bút hiệu để che dấu tung tích, lý lịch của mình trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa. Từ Pháp, bút hiệu lan ra khắp thế giới và lẽ dĩ nhiên có cả Việt Nam. Ngày nay, người Hoa Kỳ vẫn mượn từ ngữ “nom de plume”của Pháp để chỉ bút hiệu.

(Nghệ Danh)

Bút hiệu để che dấu tên thật.

Vì một lý do nào đó, các văn nghệ sĩ chọn một bút hiệu để che dấu tên thật. Trường hợp này có thể phân làm hai loại: che dấu hẳn và che dấu một phần.
Che dấu hẳn là lấy bút hiệu để người khác không biết ai là tác giả. Đại đa số các bút hiệu của người Việt Nam thuộc loại này. Một thí dụ điển hình là bút hiệu T.T. Kh, tác giả bài thơ nổI tiếng Hai sắc hoa ti gôn được đăng ở tập san Tiểu thuyết Thứ bảy, đã làm xôn xao dư luận xóm nhà văn vào năm 1937. Cho tới nay, không người nào biết T.T. Kh là ai. Báo chí một thời đã viết nhiều bài tìm hiểu về T.T. Kh, nhưng vẫn chưa ai biết tên thật của thi sĩ này là gì. Nhà phê bình thi ca Hoài Thanh, Hoài Chân đã trách khéo T.T. Kh rằng: Liệu rồi đây, người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối ?
Tác giả truyện Kho Vàng Sầm Sơn lấy bút hiệu là Tchya. Bút hiệu này gây thắc mắc cho nhiều người, có người giải thích chữ tắt đó là Tôi chẳng yêu ai, hoặc Tôi chẳng hề yêu ai. Cuối cùng, nhà văn Đái Đức Tuấn giải thích TCHYA là viết tắt của câu Tôi chỉ yêu Angèle.

(Nghệ Danh)

Lynh Bacardi

clip_image002

(Trần Tiến Dũng phỏng vấn Lynh Bacardi)

Trần Tiến Dũng: Tên khai sinh Nguyễn Thuỳ Linh (sinh ngày 3.4.1981, hiện sống tại Sài Gòn), bút danh Lynh Bacardi . Nó có ý nghĩa gì?

Nguyễn Thuỳ Linh: Lynh là tên của nhà thơ Thận Nhiên, bạn trai của tôi, ghép với tên tôi. Nghĩa là chữ viết tắt của Linh yêu Nhiên. Còn Bacardi là tên một loại rượu mạnh, đại khái là Linh yêu Nhiên đậm đà như rượu Bacardi đó mà. Cái tên này của tôi bị nhiều người viết lầm, đó là một lỗi nhỏ, nhưng cũng có thể cho thấy người viết đã không cẩn thận, không tỏ ra có trách nhiệm với bài viết của mình. Họ làm tôi nghi ngờ tính lương thiện và tính chuyên nghiệp của họ.

(Trần Tiến Dũng phỏng vấn)

J. Leiba

clip_image004

Chính tên là Lê Văn Bái, sinh năm 1921 ở Yên Bái. Ông viết Ngọ báo, Loa, Tin văn, L’Annam Nouveau, Tiểu thuyết thứ bảy. Ích hữu, Việt Báo, Nam Cường và lấy bút hiệu là J. Leiba

J. Leiba (viết tắt chữ Jean Leiba), tuy có vẻ Tây nhưng do hai chữ Lê Bái trong tên ông nói lái mà ra. Khởi đầu, ông ký bút hiệu Thanh Tùng Tử, sau mới đổi là J. Leiba.

Thơ đăng báo Loa với một tên ký chẳng Việt Nam tí nào, thế mà vừa ra đời Leiba liền được người ta thích.

(Hòai Thanh)

TchyA

clip_image006

Tên thật Đái Đức Tuấn, sinh năm 1908 tại Thanh Hoá.

Do đâu mà Đái Đức Tuấn lại chọn cho mình cái bút danh kì lạ ấy? Từ bấy cho đến giờ, chỉ có hai cách giải mã: “Tôi chẳng yêu ai” và “Tôi chưa yêu ai”. Nhà văn đã lấy phụ âm của bốn tiếng ấy: T. CH. Y. A rồi ghép lại thành bút danh. Tưởng như là có lý. Nhưng không đúng đâu. Ông có người vợ đẹp vào loại hoa khôi của thành phố Thanh Hoá thời ấy, con một viên tri phủ mà người ta thường gọi là ông phủ Hùng. Năm 1944 tôi đã thấy ở động núi Bồ, tuy đã qua thời thiếu nữ, nhưng vẫn đẹp như người trong tranh.

Năm 1946, tôi trở về quê tiếp tục học lên trung học phổ thông ở trường tư thục Bàn Lâm. Trường do thầy Đái Xuân Ninh (anh họ của nhà văn Đái Đức Tuấn) làm hiệu trưởng. Một lần tôi hỏi thầy về bút danh TchyA. Nhưng thầy cũng không trả lời được. Tuy vậy thầy cũng không tán đồng cách giải mã như đã dẫn ở trên.

Bỗng một hôm tôi gặp bác Nguyễn Xuân Dương – người đỗ tú tài thời Pháp thuộc, sau tháng 8 năm 1945 làm thầy giáo dạy văn, hiện nghỉ hưu tai thành phố Thanh Hoá. Tôi hỏi bác việc này. Bác Dương cho biết xưa nay sách báo viết bút danh của ông Đái Đức Tuấn không đúng – Tchya. phải viết hoa chữ A mới đúng – TchyA. Bác Dương giải thích ông Đái Đức Tuấn thời làm tham tá Nha học chính Đông Dương có yêu một cô vũ nữ rất đẹp, yêu lắm. Ông đặt tên cho cô là Angèle (tên tiếng Pháp). Như vậy, theo bác Dương bút danh ấy được giải ra là: Tôi chỉ yêu Angèle. Tôi nghĩ cho tới lúc này, thông tin từ bác Nguyễn Xuân Dương là có lý nhất.

(Nguồn: M.N.T)

clip_image008

Y Ban sinh năm 1961 tại Nam Định, học sinh học và dạy môn sinh học tại đại học Y Thái Bình.

Tác phẩm chính: I am đàn bà, Chợ tình dưới gốc cây cổ thụ, Người đàn bà có ma lực, Người đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Đàn bà xấu thì không có quà, v…v…

Khi gửi truyện ngắn đầu tiên của mình cho báo, một biên tập viên khuyên, Phạm Thị Xuân Ban thì… thường quá, lấy một cái tên gì không đụng hàng đi. Nghĩ mãi nghĩ mãi rồi à một tiếng, Ban trường Y thì lấy là…Y Ban thôi.

(Văn Công Hùng)

 

Trở lai chuyện một lý do nào đó, các văn nghệ sĩ chọn một bút hiệu để che dấu tên thật. Trong lối che dấu tung tích, các nhà văn còn dùng cách thức đặt hẳn một tên khác, cũng có tên họ, tên đệm và tên chính, nhưng đó không phải là tên thực của tác giả. Ví dụ nhà thơ Chu Vương Miện có tên thật là Nguyễn Văn Thưởng. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần. Nhà thơ Du Tử Lê có tên thật là Lê Cự Phách. Dùng bút hiệu loại này, các văn nghệ sĩ muốn độc giả nghĩ đó là tên thật vì một bài viết, một tác phẩm được đánh giá là đứng đắn, nghiêm túc khi chính tác giả dùng tên thật để xác nhận bản quyền. Che dấu một phần là phương pháp mà ta có thể đoán ra tên thật nhờ yếu tố có trong bút hiệu. Các văn thi sĩ áp dụng bốn cách sau đây để che dấu một phần tông tích:
Thứ nhất, lấy tên đệm và tên chính làm bút hiệu. Nhà văn Nguyễn Lan Khai lấy bút hiệu là Lan Khai. Thông. Nhiều nhà văn áp dụng thủ pháp này để chọn tên hiệu.Thứ hai, lấy tên đệm và tên chính rồi nói lái. Nguyễn Thứ Lễ  nói lái ra là Thế Lữ. Thứ ba, ghép vần tên họ với vần tên chính.Nhà văn Trần Khánh Giư (1896-1947) đảo lộn hai từ Khánh Giư thành Khái Hưng để làm bút hiệu.Thứ tư, lấy tên chính viết ra Hán tự, rồi lấy bộ chữ tạo thành tên chính đó làm bút hiệu. Ví dụ học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) lấy bút hiệu là Hồng Nhân. Chữ Quỳnh nếu viết ra Hán tự có bộ Ngọc nghĩa là hồng ngọc, nên cụ chọn bút hiệu Hồng Nhân. Hơn nữa, cụ chọn bộ Ngọc vì một lý do khác nữa là nguyên quán của cụ ở làng Ngọc Cục, Hải Dương. Chỉ có các vị uyên thâm nho học mới lấy bút hiệu kiểu cách này.

(Nghệ Danh)

Tên thật nhà văn Thế Lữ

Cho tới nay hầu như đa số nhà văn, nhà báo hải ngoại vẫn tưởng tên thật nhà văn Thế Lữ là Nguyễn Thứ Lễ và bút hiệu Thế Lữ là sự đảo lộn các chữ cái Thứ Lễ như trường hợp đảo lộn Khánh Giư thành Khái Hưng. Kể cả Thế Kỷ 21 nơi trang 65. Tôi cũng đã lầm như vậy cho tới năm 2000. Sau khi dò hỏi và nhờ tiếp xúc với con trai nhà văn Thế Lữ là ông Nguyễn Đình Nghi được xác nhận tên thật Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ tôi đã viết bài kèm phóng ảnh đăng trên Thế Kỷ 21 số 144, phát hành tháng 4. 2000.

***
Hầu như tất cả các tác giả khi nói về tiểu sử Thế Lữ đều ghi tên thật ông là Nguyễn Thứ Lễ rồi nói lái thành bút hiệu Thế Lữ. Gần đây nhất, nhà văn Xuân Vũ, một người tập kết từ miền Nam ra Bắc theo kháng chiến, được gặp gỡ nhiều nhà văn tiền chiến trong bài “Cọp Thế Lữ Nhớ Rừng” đăng trên bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong, VA số 540 xuất bản tháng 7.1998 cũng đã khẳng định rằng “Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ có người con trai làm đạo diễn kịch tên là Nguyễn Thứ Nghi (Lễ Nghi).”
Tôi chỉ đọc được tài liệu duy nhất viết tên thật Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ là di cảo của Nhất Linh đăng trên nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật tại Mỹ năm 1985 nhưng không nói rõ chi tiết. Trong cuốn Văn Học Việt Nam Thế Kỷ Thứ 20 (phần kim văn) xuất bản tại Sài Gòn năm 1960, giáo sư Lê Kim Ngân nói về tên thật Thế Lữ đã bất nhất khi viết Nguyễn Thứ Lễ, khi viết Nguyễn Đình Lễ.
Trên nguyệt san Thế Kỷ 21 số 114 – tháng 10. 1998, ông Huy Anh ở Nebraska nêu ý kiến nên hỏi thẳng ông Nghi qua địa chỉ Hội Nhà Văn, Hà Nội là chắc nhất. Tôi không làm theo lời khuyên đó vì cuối thập niên 1980 tôi có viết một lá thư gửi Hội Nhà Văn nhờ chuyển cho nhà văn Kim Lân, người bạn cùng huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và cùng làm việc trong tòa soạn báo Xông Pha của Khu 12, Việt Bắc khi tôi theo kháng chiến lúc mới 19 tuổi nhưng không biết thư có được chuyển không vì không có hồi âm.
Năm 2000 tôi ngỏ ý với người em họ ở Hà Nội đã làm việc trong ngành sân khấu là tôi muốn tiếp xúc với ông Nghi, em tôi đã cho số điện thoại và địa chỉ ông Nghi ở Khu Tập Thể Nhà Hát Kịch Trung Ương, phố Tràng Tiền, Hà Nội (đằng sau nhà Hát Lớn). Tôi viết cho ông Nghi một lá thư tỏ ý muốn biết chính xác tên thật của nhà văn Thế Lữ để làm sáng tỏ một chi tiết văn học. Cùng với lá thư kèm tem hồi báo, tôi gửi cả bài tôi viết về TLVĐ nhưng đã xóa bỏ một vài dòng liên quan tới những nhận xét sai về thành viên văn đoàn này trích trong Lời Nói Đầu in ở cuốn I bộ Tuyển Tập Tự Lực Văn Đoàn do nhà xuất bản của Hội Nhà Văn in năm 1999 và của một tác giả trong nước là Vu Gia.
Ít ngày sau em tôi gửi thư điện tử (e-mail) cho tôi biết là ông Nghi đã lớn tuổi hiện đang nằm bệnh viện và tỏ ý nghi ngại không muốn liên hệ với người lạ ở Mỹ. Cho tới ngày 12 tháng 2 năm 2001 tôi nhận được một e- mail khác báo một tin buồn trong đó có câu liên quan tới Thế Lữ nguyên văn như sau:
” Mọi chi tiết về cụ Thế Lữ tức cụ Nguyễn Đình Lễ bố của ông Nguyễn Đình Nghi đều được ông Nghi gọi điện thoại cho em xác nhận là đúng và còn nhắn khi nào xong sách anh gửi cho một cuốn. Nhưng anh Huân ơi ngày 11 tháng hai năm 2001 ông Nghi đã qua đời tại bệnh viện do tuổi già và căn bệnh hiểm nghèo…”
Tuy chưa hề gặp mặt ông Nghi, tôi cũng bồi hồi khi nhận tin ông quá vãng. Tôi gửi thư chia buồn với thân quyến ông và thật tiếc là đã không tặng ông được cuốn sách tương lai của tôi sẽ có bài báo này. Vì chưa kịp tiếp xúc trực tiếp với ông Nghi nên tôi chưa hỏi thêm được chi tiết về lý do bởi đâu và từ bao giờ có tên Nguyễn Thứ Lễ nhưng điểm chính về tên thật nhà văn Thế Lữ đã sáng tỏ.

(Đặng Trần Huân)

Ngộ Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search