T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Cô Giáo, Thầy Giáo

_MG_8160

Ảnh (Lưu Na)

Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục.

Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi.

Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc mini jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.

Thuở đó, ở tuổi nhi đồng, hẳn tôi chưa thể hiểu “kính nhi viễn chi” là gì. Nhưng có lẽ tôi nhìn cô Nghiên qua lăng kính tương tự như vậy. Vừa ngưỡng mộ, vừa e ngại. Dù vậy, đâu đó trong xét đoán trẻ thơ của tôi, tôi có ý nghĩ rằng, cô Nghiên dành cảm tình đặc biệt cho tôi. Cô rất nghiêm trang. Nhiều trò đã nghe cô trách mắng. Nhưng phần tôi, chưa bao giờ. Hơn nữa, tôi có cảm tưởng, khi nói chuyện với tôi, giọng cô thật dịu dàng. Tôi luôn là đứa học trò nhỏ ngoan ngoãn trong suốt thời tiểu học. Một hôm, cô Nghiên cân nhắc cho tôi làm trưởng ban trật tự, giữ yên lặng trong lớp 4B. Mỗi khi cô có việc lên văn phòng, hoặc bận rộn việc gì phải ra khỏi lớp trong thời gian ngắn, tôi có bổn phận giữ trật tự. Học trò trường Nữ Tiểu Học đa số rất ngoan. Mầm phá phách, nghịch ngợm, có lẽ khi lên trường trung học, mới trổ hoa, kết trái. Lớp 4B đã lúc nào mất trật tự đâu! Cho nên, tôi chỉ là “lính kiểng”. Tôi xong năm học lớp Bốn với vài bảng danh dự xanh, vàng, đỏ…

Mùa hè 1972, tôi thành nữ sinh trường Nữ Trung Học, Quảng Ngãi. Năm lớp chín, thầy Nguyễn Cao Can- là giáo sư chủ nhiệm của lớp chúng tôi. Thầy dạy hai môn: Toán và Công Dân Giáo Dục. Tôi nhớ, thầy có chữ viết rất đẹp, nét chữ rất cứng cỏi. Tôi loáng thoáng nghe thầy có sinh hoạt chính trị và có làm việc bên hội đồng tỉnh.

Trước 1975, năm học lớp chín, năm cuối của trung học đệ nhất cấp, chương trình học rất quan trọng. Học trò cần có định hướng mình sẽ theo ban nào khi lên trung học đệ nhị cấp: ban A, B, hoặc C. Đám học trò lớp chín chúng tôi, kể ra hãy còn con nít rặt. Hiểu lơ mơ rằng, ai chịu học “gạo”, sẽ chọn ban A, học môn Vạn Vật. Ai “cừ” môn Toán, chịu khô khan, tất vào ban B. Còn ban C là vùng trời mơ mộng, ướt át cho thi sĩ, văn sĩ. Tôi ham học từ nhỏ. Môn học nào cũng có thể làm tôi mê mẩn, ngoại trừ môn nữ công. Lúc ấy, hình như tôi muốn vào luôn cả ba ban A, B, C. Thật tiếc, biến cố 30.04.1975 đến, tôi không có cơ hội vào trung học đệ nhị cấp theo hệ thống giáo dục mà các anh chị tôi may mắn đi qua.

Ngày nay, tôi không còn nhớ được những bài học trong giờ Công Dân Giáo Dục với thầy Can là gì. Nhưng chắc chắn một điều, những giờ Công Dân Giáo Dục thời trung học, dù hệ số điểm thấp (hệ số 1) so với các môn học khác như Việt Văn, Toán, Anh Văn với hệ số điểm cao (hệ số 3), đã uốn nắn, hun đúc học trò chúng tôi tinh thần tôn sư trọng đạo. Chúng tôi tâm niệm uống nước nhớ nguồn. Chúng tôi biết lá lành đùm lá rách

Tôi chẳng còn khái niệm nào về những bài toán đại số, lượng giác, thầy đã giảng cho chúng tôi. Nhưng sau này, khi tôi phải trở lại “mài đũng quần” ở ghế nhà trường trung học Đức, lúc bạn bè trang lứa ở Việt Nam của tôi đã xong đại học và đi dạy, tôi lại là tay toán “ngầu” trong lớp, làm “lác” mắt đám bạn học của nhiều sắc dân khác ở Đức. Phải chăng, đó cũng do các giáo sư toán: thầy Nguyễn Ninh, thầy Võ Đình Sơn, thầy Phạm Luật, thầy Nguyễn Hồng Tuấn, thầy Nguyễn Cao Can, và nhiều thầy cô khác, đã gò cho tôi từ tấm bé.

Sau 1975, tôi nghe kể cuộc sống của thầy Can, cô Nghiên rất lao đao. Thầy đi “học tập”. Qua thư từ, tôi được biết Ba tôi có thời kỳ ở cùng trại với thầy Can. Như Mạ tôi, như bao người vợ khác, khi chồng trong vòng tù tội, cô Nghiên phải bươn chải, nhọc nhằn, để nuôi sống gia đình. Hình ảnh cô Nghiên sang trọng, quý phái, đã thay thế bằng cô giáo lam lũ, dắt chiếc xe đạp cọc cạch, rổ trước chỏng chơ mấy cọng rau, yên sau loe ngoe vài que củi.

Mỗi khi kể chuyện thời kỳ cải tạo, Ba tôi vẫn nhắc những kỷ niệm đầy ắp tình nghĩa với các thầy Trần Văn Hưng, thầy Nguyễn Cao Can. Lúc ở Hành Thiện (Hành Tín), Ba tôi ở trại 1. Thầy Can ở trại 2, thầy Can chuyên lo phân phối thuốc nam cho các trại viên khác. Thầy đặc biệt để dành các loại lá thuốc tốt cho Ba. Sau đó, Ba tôi bị chuyển qua trại Nước Nhóc, nơi rừng sâu nước độc, dễ bị ngã bệnh sốt rét. Biết tin, thầy Can vận động các trại viên còn lại, xin thuốc ký- ninh, để đưa cho những người qua Nước Nhóc phòng thân.

Giữa thập niên 80, khi chị em chúng tôi qua Đức được vài năm, Ba tôi được thả về từ trại cải tạo. Thầy Can cũng được thả ra khoảng thời gian đó. Tình trạng sức khỏe của Ba tôi và thầy Can rất tệ. Ba tôi bị liệt sau lần tai biến mạch máu não, đi đứng rất khó khăn. Thầy Can bị bệnh lao phổi, ốm yếu, quặt quẹo. Do tình trạng tài chánh gia đình thầy chật vật, không đủ khả năng chữa trị bệnh rốt ráo.

Lúc tôi xong trung học Đức, đang chờ mùa tựu trường vào đại học, tôi ra bác sĩ xin khám tổng quát. Cân đo trọng lượng, chiều cao xong, bác sĩ chẩn đoán, tôi bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Bác sĩ ghi toa thuốc dài cho tôi, nào là các loại sinh tố, khoáng chất, các loại thuốc giúp ăn ngon, ngủ yên… Từ dược phòng, tôi bê về một túi lủ khủ. Tôi thấy mình mạnh cùi cụi như trâu. Có hề ấm đầu, sổ mũi bao giờ đâu. Ngẫm nghĩ, số thuốc này gởi về Việt Nam hữu dụng hơn. Tôi chạy ù ra siêu thị, tìm hộp giấy nho nhỏ, gói các loại thuốc bổ mới lãnh về, kèm ít hộp quẹt ga, bút nguyên tử, làm một bưu phẩm be bé, gởi về Ba Mạ. Lúc nhận gói quà nhỏ của con, Ba tôi chống gậy cùng với Mạ tôi tìm thăm thầy Can, cô Nghiên. Ba Mạ san sẻ chia cho thầy thuốc bổ, nói là của con gái, mà cũng là học trò của thầy cô gởi về. Sau đó mấy tháng, tôi nhận được thư thầy Can với lời lẽ thật cảm động, trong nét chữ vẫn rất đẹp và rắn rỏi của thầy.

Năm 1997 khi gia đình nhỏ của tôi sang San Jose Mỹ, lần đầu, ở lại nhà người em họ. Tôi liên lạc với thầy Can qua địa chỉ Ba tôi đưa. Thầy Can tìm đến thăm, thầy rủ chúng tôi đến nhà thầy cô. Thế là vợ chồng tôi và cu Bê, con trai nhỏ đến ở lại nhà thầy cô vài ngày. Lúc đó, các con của thầy, có em mới đi làm, có em đang đi học. Các em tiếp đãi vợ, chồng, con tôi thật chân tình, dễ thương. Các em chơi đùa với cu Bê. Có em dành cả ngày đưa chúng tôi đi dạo 17 dặm đường tình, gần Monterey, dọc bờ biển California. Gặp lại cô Nghiên, tôi rất vui mừng. Cô không nhớ ra tôi. Mà cũng phải, mỗi niên khóa cô dạy năm, sáu chục học trò. Bao nhiêu năm, hàng trăm học trò, làm sao cô nhớ hết được. Tôi được biết, cô Nghiên có ý muốn đi tu. Cô ít nói. Lắng nghe tôi thưa chuyện với thầy Can, cô cười hiền hậu.

Nhân dịp tết nguyên đán năm 2008, chúng tôi đưa Ba sang California và Texas. Tôi liên lạc thầy Can. Thầy tha thiết mời mấy cha con đến ở lại gia đình thầy. Bạn bè chèo kéo quá, nên chúng tôi thoái thác, chỉ xin “gởi” Ba ở lại đón giao thừa với thầy Can và gia đình thầy. Thầy rủ bạn bè, tổ chức buổi tiệc tất niên thật ấm cúng. Thầy còn chuẩn bị áo dài khăn đóng, để các cụ cùng đón xuân trong không khí thân thiết, đậm đà quê hương, dù đang ở nơi xứ người. Ba tôi vẫn nhắc hoài. Thầy Can gọi Ba tôi là “Anh Cả yêu quý”. Thầy dành ưu ái, tình cảm đặc biệt cho cha con chúng tôi. Thầy muốn làm quà cho Ba tôi ít thuốc nam để bồi bổ sức khỏe. Thầy tìm mua nồi sành nấu thuốc bằng điện. Vì điện thế của hàng hóa điện tử bên Mỹ khác với bên Đức, nên Ba tôi khó xài nồi nấu thuốc. Tuy vậy, tấm chân tình của thầy Can dành cho Ba tôi đã là những thang thuốc bổ quý giá. Thỉnh thoảng thầy liên lạc với Ba tôi. Những cuộc điện đàm tuy ngắn, nhưng đầy ắp tình người, luôn là niềm vui lớn đối với Ba tôi.

Trên đường bay qua Minnesota họp bạn, tôi đến ở nhà thầy Can một ngày. Buổi trưa, cô Nghiên nấu cơm gạo lức trong nồi hấp, tôi được cùng cô dùng bữa ăn cơm chay trong phòng ăn nhìn ra vườn của thầy cô. Ngoài vườn, thầy cô trồng rất nhiều loại cây cỏ xinh xắn, nhiều nhất là hoa quỳnh. Thấy tôi thích, thầy dẫn tôi đi quanh vườn, kể chuyện, ngắt cho tôi nhiều cành hoa quỳnh, bảo đem về chỉ cắm vào đất là cây bén rễ.

Như một mối duyên lành, kể từ lúc tôi bắt đầu “quen biết” cô Nghiên ở tiểu học, rồi sau đó vài năm làm học trò thầy Can ở trung học, đến nay xấp xỉ nửa thế kỷ. Đó là con đường dài tôi đi qua, được thầy cô dẫn dắt: tiên học lễ, hậu học văn. Cùng biết bao thầy cô khác, cô Nghiên, thầy Can đã đóng góp vào việc dạy dỗ tôi nên người.

Giờ đây, mỗi khi sang Hoa Kỳ, tôi tìm cách liên lạc thầy Can, cô Nghiên. Cô Nghiên về sau vào ở trong chùa. Thầy Can ở căn nhà khang trang vùng San Jose, sát nhà con trai, con gái thầy cô. Tôi đến thăm thầy Can, không những chỉ gặp lại người thầy xưa của mình, mà tôi còn được gặp lại một người bạn quý của Ba tôi nữa.

Cô Nghiên nay sống an lành bên tiếng kinh kệ trong chùa. Thầy Can vẫn xốc vác trong các sinh hoạt cộng đồng. Cầu chúc thầy Can, cô Nghiên luôn được dồi dào sức khỏe. Cầu chúc thầy cô được những ngày tháng hạnh phúc với cháu, với con. Cầu chúc thầy cô có được những giờ phút thoải mái, an nhiên, tươi vui, khi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp và học trò ngày xưa trong những lần hội ngộ đó đây.

Hoàng Quân

clip_image002

Thầy Nguyễn Cao Can, trò Hoàng Thị Ngọc Thúy

(c)T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search