T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 133)

clip_image002.jpg

Đền Ngọc Sơn

 Nguyễn Siêu là nhà thơ, nhà văn hóa của Thăng Long đã tạo dựng đền Ngọc Sơn nằm giữa Hồ Gươm năm 1865. Ông cho xây dựng Trấn Ba Đình, để nối bờ với đảo, Nguyễn Siêu đã cho làm cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 m, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút, trên thân tháp có tạc ba chữ “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) và một đài Nghiên, là một cửa cuốn trên có đặt một cái nghiên bằng đá, tạc theo hình nửa quả đào. Qua Đài Nghiên là đến cầu Thê Húc, đầu cầu bên kia là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Trần Hưng Đạo.

Năm 1882, sau khi cầu vào đền Ngọc Sơn bị đốt, người ta sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để cho dân chúng vào lễ. Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: “Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1888 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng”.

Tết 1952, người dân đi lễ đền quá đông và cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia, thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm được lựa chọn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn, nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn hơn. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu, ông thiết kế bằng gỗ. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908 –1999) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939.

(Phạm Vũ – Hà Nội 36 phố phường)

Văn tế trận vong tướng sĩ 

 Bài Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ  mà mọi người cứ tưởng là của Nguyễn Văn Thành.

Nhưng không phải Nguyễn Văn Thành viết. Mà do Nguyễn Huy Lãng (tức Nguyễn Huy Lượng) tác giả Tụng Tây Hồ phú viết hộ.

(nguồn Hoàng Xuân Hãn)

Chữ và nghĩa

Mút mùa Lệ Thủy
Mút mùa có nghiã là hết mùa, xong xuôi gặt hái. Mút là cái đuôi, phần cuối, phần chót, như ta thường nói: mút đũa. Mút mùa, như ta nghe thấy trong ca dao Bình Trị Thiên:
Mút mùa rạ ngã rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm!

Đây là lời than thở của cô gái nhà quê đã gặp chàng trong mùa gặt hái và đã có lời hẹn ước sang năm sẽ gặp lại, nhưng đối với cặp nhân tình đã thề non hẹn biển thì thời gian tâm lý quá dài như thuyền trôi qua mười hai bến nước!
Suýt chút nữa chúng ta quên hai chữ Lệ Thủy. Đây là tên huyện “Lệ Thủy”, phía Nam Quảng Bình. Lệ là đẹp, còn thủy là nước. Lệ Thủy là nước đẹp, có gaọ trắng nước trong, trai thanh gái lịch.

(Thành ngữ tiếng Việt – Bao La Cư Sĩ)

 Chữ nghĩa làng văn

 Có nhiều nguồn cho rằng câu đối dưới đây của Cao Bá Quát :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết lạy hoa mai)

Theo các tài liệu thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau: Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh: cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh. Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho phó sứ Nguyễn Tử Giản:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm – Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890). Câu đối “… bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)… phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời?

(Nguồn Nguyễn Khôi)

Phay

Phay: xé từng miếng nhỏ

(thịt gà xé phay – dao phay)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Giai thoại làng văn

Nguyễn Tường Tam sống gần như vô tình với mọi người, nhưng anh mê say nghề một cách kỳ lạ, có lẽ ít nhà văn nhà báo say mê với nghề đến thế. Mỗi khi viết một truyện ngắn, truyện dài, anh suy nghĩ lao tâm khổ trí, nhưng đến lúc truyện thành hình ở trong óc rồi, anh vẫn chưa bằng lòng, anh đem ra trình bày với anh em trong nhà, hội ý rất cẩn thận nhiều lần nữa rồi mới viết. Cũng như tất cả các nhà văn viết tiểu thuyết đăng báo, anh không viết cuốn nào một lúc, nhưng viết từng kỳ để đăng, hết kỳ nào viết tiếp kỳ ấy. Nhưng Nguyễn Tường Tam viết mà đã có sẵn dàn bài rồi, chứ không như Vũ Trọng Phụng viết đến đâu lại xoay câu chuyện đến đó, tuỳ theo cảm hứng; hay như Lê Văn Trương viết một hơi hết một truyện dài nhưng viết từng tập, tuỳ theo cảm hứng rồi đem những tập ấy chập lại với nhau thành truyện.

Có sẵn dàn bài rồi, Nguyễn Tường Tam viết tương đối dễ dàng hơn Khái Hưng. Có một lần nhìn vào một bản thảo của Khái Hưng, người ta thấy anh viết ở đầu trang một chữ “Gia đình”, ở cuối trang một chữ “người con gái đẹp” và ở giữa trang một dòng: “Trời ơi, biết viết gì đây, hở Trời?”.
(Vũ Bằng – Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”)

 Ông Táo (3)

Tìm hiểu bài vị cũng như các bài văn khấn Táo quân (nôm cũng như tự), chúng ta thấy chúng gồm có 3 ngôi:

1 – Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân (tức Thổ công)

2 – Thổ địa long mạch tôn thần (tức Thổ địa)

3 – Ngũ phương, ngũ thổ phúc đức chính thần (tức Thổ kỳ)

Như vậy, Táo quân không phải là một danh từ riêng chỉ ai đó, mà là danh từ chung cho cả 3 ngôi: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Khác với xã hội loài người: “một nước không thể có hai vua”, thế giới tâm linh có vẻ thoáng hơn trong việc chấp nhận mô hình “ba vua một bếp”. Về vị trí của mỗi ngôi, ở giữa là Vua bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa. Đó là lý do giải thích vì sao trong ba chiếc mũ đặt trên bàn thờ, chiếc mũ ở giữa không có cánh chuồn, không giống với hai chiếc kia.

(Từ truyền thuyết…ngày Tết ông Táo – Phùng Thành Chủng)

Chuyện Ta chuyện Tàu (3)

 Người Tàu ở nước ta, gọi là cắc chú nói trệch ra từ khách trú, có khi gọi là chệt từ Tàu, theo An Chi là người thông kim bác cổ giải thích: thời Hán trước Thiên chúa, thời kỳ đô hộ, những người quan chức sang cai trị nước ta đều gọi là Tàu, Tàu có nghĩa là ông quan. Dần dà trở thành tên một dân tộc.

 (Chuyện Ta chuyện Tàu – Trần Khánh)

Giai thoại La De Trái Thơm (1)

Sau đây là câu chuyện của La De Trái thơm.

Năm 1973, tôi (Phan Văn Song) làm chánh sở Tiếp thị (Chef du Service Marketing), coi luôn phần quảng cáo. Để hà tiện tiền làm nhãn ở Pháp, tôi nhờ anh họa văn phòng quảng cáo vẽ lại cái nhãn. Trên nhãn cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai tràng hoa houblons, là loại hoa  dùng để thêm cái vị nhẩn đắng vào bia. Nấu bia ngon dở là do cái tài thêm ít hoa houblon.

Nhãn vẽ xong đại khái cũng tạm ổn, vì anh họa sĩ nhà chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon, nên đinh ninh thấy hoa houblon cho là trái thơm, nên vẽ giống trái thơm. Các giám đốc Tây cũng ba chớp ba nháng, kể cả anh chánh sở trách nhiệm là tui, cũng thế. Vì thiệt tình mà nói thì có ông nội nào thấy hoa houblon tươi đâu? Biết là houblon nhưng chỉ nhìn thấy hoa dưới dạng khô.

(Nguồn: Phan Văn Song)

Triết lý củ khoai 

Lúc bé rất sợ phải chết, nhưng bây giờ khi tôi lớn lên mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

Triết lý củ khoai 

Lúc bé tưởng tượng rất nhiều, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật.

Cảm nhận qua lễ tế thông gia

Qua lễ tế thông gia trên phản ảnh tư duy nhị nguyên, có đôi có cặp của người Việt, biểu hiện bằng hai cặp đèn cầy, hai chai rượu, hai hộp nhang, hai hộp bánh, hai cặp hộp trà.

Cùng với đó, nét tư duy này là thể hiện triết lý nhân sinh của dân tộc “âm dương đồng nhất lý” và tuy hai nhưng phải có tôn ti trật tự, có thấp có cao, có chủ thể phân biệt. Như hai cặp đèn cầy thì một để thắp ở bàn thờ cửu huyền, một ở linh tọa. Hai chai rượu thì một để trình lễ đối với người đang sống, còn một thì để tế những người đã khuất.

Người Việt Nam quan niệm sống gửi thác về (sinh kí tử quy). Chết là trở về với tổ tiên bên kia thế giới. Ai cũng mong muốn cho cha mẹ trở về được thanh thoát, may mắn. Người con có hiếu phải thờ cha mẹ đã chết cũng như lúc cha mẹ còn sống, thờ khi mất như lúc hãy còn (sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn)”. Tư duy này cũng được phản ánh qua lễ tế thông gia.

Bởi lẽ, thông gia là “gia đình có con cái kết hôn với nhau, trong quan hệ với nhau”. Khi đó, đôi trai gái của hai bên thành vợ chồng, sinh con đẻ cháu là sợi dây nối kết hai bên. Nghĩ đến sự khó nhọc của thông gia trong việc nuôi dạy con để gả/cưới cho con mình nên tình sui gia càng thêm gắn bó. Lúc sinh tiền thì thù tạc bằng đám tiệc, giỗ chạp, khi một trong hai bên qua đời, bên còn lại thủ lễ bằng tế thông gia. Sự trang trọng của lễ này cho thấy người Việt trong tình nghĩa còn có điều tương kính và đây là một nét đẹp văn hóa mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục được gìn giữ.

(Tế thông gia – Đỗ Kim Trường)

Tên Nôm tên Tự (4)

 Sự hình thành tên “Đền Quán Thánh”.

Đội nắng Ba Đình lên phía bắc thành phố để tới Yên Phụ, dễ nhìn thấy tòa tam quan trầm mặc với 4 cột trụ phía trước, cắt ngang mặt là  Hồ Tây. Dân gian có câu “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”, chính là nơi đây mọi người từng được biết tới các tên gọi như “Đền Quán Thánh”, “Trấn Vũ Quán”, “Chân Võ Quán”.

Đền Quan Thánh – Hà Nội

Đền Quán Thánh tương truyền hình thành từ thế kỷ 11 đời vua Lý Thái Tổ, trải qua các giai đoạn trùng tu 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941 đều được ghi trên văn bia. Thời vua Minh Mạng thế kỷ 19 đắp 3 chữ真武觀 tại cổng tam quan trong khi ở trong chính đường có chữ 鎮武觀. Tên là Trấn Vũ 鎮武 hay Chân Võ 真武 còn loại là Quán 觀, theo đó Quán là nơi sinh hoạt thờ cúng của đạo giáo. Đền thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ trước bằng gỗ, sau bằng đồng đen cao 4m nặng 4 tấn, trong tư thế ngồi, tay nắm đốc gươm, tay bắt quyết. Tục gọi là “Thánh đồng đen”. Theo Nguyễn Thế Long trong Đình và Đền Hà nội đời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), Nguyễn Công Định đi sứ Trung Quốc mang về tượng Văn Xương đế quân đem thờ trong Đền Trấn Vũ, sau được hội Hướng Thiện mang về thờ tại Đền Ngọc Sơn năm 1843.

“Đền Quan Thánh” trong đó chữ “Quan” không có dấu sắc, là tên được gọi trong một khoảng thời gian dài, đi sâu vào tiềm thức của một lớp cư dân thủ đô trong thế kỷ 20. 觀 là chữ Hán có nhiều nghĩa và có 2 âm (tức là hai cách đọc khác nhau). Âm “quán” bính âm tiếng Phổ thông Trung Quốc là /guàn/ gắn với nghĩa miếu đền đạo sĩ, lầu các là nơi vui chơi, cũng có nghĩa là xét thấu, nghĩ thấu như trong “quán chiếu”. Một âm khác là “quan” bính âm tiếng Phổ thông Trung Quốc là /guan/ gắn với nghĩa “quang cảnh” trong “kỳ quan” hay trong nghĩa khác như “tham quan”, “quan điểm”. Hiện tượng đồng âm của chữ觀 gợi ý cho sự nhầm lẫn trong cách đọc. Nó cũng chứng tỏ sự nhầm lẫn bắt nguồn từ nguời học chữ Hán, và chứng tỏ tên Nôm “Đền Quan Thánh” là sự chuyển ngữ, hay sự Việt hóa tên chữ 真武觀.

Về tên Trấn Vũ 鎮武 hay Chân Võ 真武 cùng là tên của một vị Bắc đẩu tinh Quân, do kỵ húy bên Trung Hoa mà có tên Chân Võ thay thế. “Đền Quán Thánh” là tên Nôm được Việt hóa từ tên chữ “Trấn Vũ Quán”. Đó là quá trình chuyển ngữ, hấp thu lâu dài một danh xưng có nguồn gốc từ Trung hoa để lại dấu tích một vị thần linh phương Bắc và tiếp thu tiếng Hán đồng âm đa nghĩa (Quán đạo và Quán trọ), hiện tượng đa nghĩa đa âm (Quán và Quan) dẫn đến nhiều thắc mắc, hoài nghi, nhầm lẫn tới ngày nay.

(David Phùng – Tên gọi Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

Thần làng (3)

Thần làng của ta là thần riêng của dân làng đó là điều quan trọng vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng cả. Ðình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được. Ðình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các trưởng lão trong làng và phụ nữ không được vào.

Sự trùng hợp của danh từ đình, là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi. Cái đình thì người Sơ Ðăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai y như Việt Nam, gọi nó là cái rong. Có thể tổ tiên ta đã bỏ rong vay mượn…đình.

Thần thành hoàng của Trung Hoa xuất hiện vào đời nhà Chu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và hoàng là “cái hào” bao quanh bức tường.

Thần thành hoàng là thần của thị dân. Gọi thần của ta là…thần thành hoàng là sai.

(Bình Nguyên LộcNguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search