T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chuyện làng văn xóm chữ với bút hiệu (3)


lang van xom chu

Bút hiệu chỉ nơi sinh quán

 Người Việt có tâm lý rất gắn bó và quyến luyến nơi sinh quán. Dù cư ngụ ở đâu, họ cũng vẫn hoài cố quận. Tâm lý này được thể hiện qua văn chương. Đối với tính danh học, tâm lý này thể hiện qua việc lấy địa danh quê quán làm bút hiệu. Xin đan cử một vài ví dụ:
Nhà văn Phạm Quỳnh (1892-1945), có các bút hiệu khác nhau là Lương Ngọc, Hồng Nhân, Thượng Chi. Ông lấy bút hiệu Lương Ngọc vì nguyên quán của ông ở làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, Huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhà thơ Nguyễn Trọng Trí lần lượt lấy các bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử. Riêng bút hiệu Lệ Thanh là do hai chữ đầu của sinh quán Lệ Mỹ và chánh quán Thanh Tân ghép lại. Nhà văn Trần Trung Lương, tác giả của nhiều tác phẩm nói về đời sống người tỵ nạn Việt Nam ở Canada, lấy hiệu là Trà Lũ vì tổ tiên ông ở làng Trà Lũ, Nam Định, trước khi di cư sang Phát Diệm để tránh cuộc bắt đạo của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh.

(Nghệ Danh)

 

clip_image002

Bình-nguyên  Lộc và tình đất

Bình-nguyên  Lộc tên thật Tô Văn Tuấn, sanh và mất cùng ngày 7 tháng 3, thọ 73 tuổi (1914-1987). Sự nghiệp văn hóa của Bình-nguyên  Lộc khá đa dạng, ông viết văn làm thơ, rồi làm báo, nhà xuất bản và cuối cùng làm nhà nghiên cứu tiếng Việt và nhân chủng học. Bình-nguyên  Lộc là một trong những nhà văn trội bật của dòng văn chương lục tỉnh.

Ngoài bút hiệu Bình-nguyên  Lộc ghi dấu quê hương Đồng Nai, ông còn ký Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Trình Nguyên và một số bút hiệu ngắn hạn khác.

(Nguyễn Vy Khanh)

Tô Hòai

Nhà văn Tô Hoài cũng vậy, ông được sinh ra tại Hà Nội, nơi có con sông Lịch chảy qua. Xưa kia, nơi ông trưởng thành và lớn lên chính là địa phận thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.

Có lẽ đó là lý do hình thanh bút danh Tô Hoài của nhà văn tên thật là Nguyễn Sen.

(Song Tháp)

clip_image004

Dương Ngiễm Mậu

 Tên thật Phí Ích Nghiễm, nhưng ông lấy bút danh Dương Nghiễm Mậu, một cái tên rất nổi tiếng thời kỳ trước năm 1975, tác giả của những thiên truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, ký sự.
Nhiều người cho rằng ông lấy bút hiệu dựa theo tác phẩm Dương Từ Hà Mậu của cụ Đồ Chiểu, nhưng thật ra không phải. Ông lấy tên của hai làng nội ngoài ven Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên, có chữ Dương và chữ Mậu, đặt tên mình vào giữa như một lời đoan quyết về gốc gác Hà Nội thật sự của mình (nay thì nó không còn là ven đô nữa mà đã nằm sâu trong Hà Nội mở rộng rồi).

***
Tôi đã có buổi xe máy lai ông đi vòng vòng ở Hà Nội, qua những nơi mà mấy chục năm trước, chàng trai trẻ Phí Ích Nghiễm từng qua. Dường như qua bất cứ nơi nào ở Hà Nội cũng gợi lại cho ông những hoài niệm về Hà Nội xưa. Sân vận động Hàng Đẫy, nơi ông và đám bạn trẻ từng chạy theo quả bóng mỗi buổi chiều. Con phố Lý Nam Đế ngày xưa không có tên, vắng vẻ vô cùng, nay trở nên đông đúc, tấp nập…
Cột Cờ Hà Nội, trong tâm trí ông mãi mãi là một nơi thâm nghiêm, nên ông cảm thấy shock khi thấy quán cafe ở ngay dưới chân cột cờ và nhà dân vây xung quanh.
Tôi đã đọc lại những trang sách thời kỳ đầu sáng tác của ông viết về Hà Nội thời kỳ những năm 50 của thế kỷ trước và nhận thấy một điều là người đã viết nên những trang sách ấy hẳn là có lòng yêu Hà Nội lắm.
Để đến nỗi khi đã quá nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn rồi (không biết như thế đã được coi là người Sài Gòn chưa?), Hà Nội vẫn là một miền quá vãng trong tâm tưởng ông”.

(Khuyết danh)

Nam Cao

Ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) kể: Rất nhiều bạn đồng môn, đồng hữu và một số người có dịp gặp nhà văn Nam Cao đều gạn hỏi: Cớ sao ông lại lấy bút danh Nam Cao?

Ông Trần Hữu Đạt nhớ rõ: Nhiều lần ông lục tìm các tài liệu, bản thảo còn lại của Nam Cao thì thấy: Bản thảo nào Nam Cao cũng đề rõ ở góc trên, bên trái, trang đầu:

Đại Nam quốc

Hà Nam tỉnh

Nam Sang huyện

Lý Nhân phủ

Cao Đà tổng

Đại Hoàng xã

Các bản thảo đều được nhà văn ghi chữ Nam, có bản lại ghi chữ Cao hoặc Nam Cao ở dưới các hàng chữ trên. Nhưng vẫn không quên ghi rõ tên Trần Hữu Tri (là tên thật của nhà văn) dưới bản thảo.

Theo ông Trần Hữu Đạt, thì anh trai mình lấy bút danh là Nam Cao là do nhà văn ghép chữ đầu tên huyện (Nam) với chữ đầu tên tổng (Cao) để nhớ ơn mảnh đất nơi ông đã sinh thành.

“Nam Cao” còn có ý nghĩa là nước Nam, cao cả, cao sang… nữa. Nam Cao vốn là nhà văn có lòng yêu nước, yêu quê hương….

(Trần Văn Đô)

 

clip_image006

“Hàn Mặc Tử”

Trong suốt những năm đầu soạn tiểu luận này quả thực chúng tôi bị ám ảnh bởi cái tiểu chú của Vũ Ngọc Phan nằm ở dưới trang 76, Nhà Văn Hiện Đại quyển 3 (Vĩnh Thịnh tái bản, 1951) khi họ Vũ phê bình cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại(1), chính chúng tôi đã khăng khăng gọi thi sĩ là Hàn Mặc Tử (có dấu ă). Nhưng, về sau, nhân đọc một tiểu chú của chúng tôi ở chương I, Phần thứ nhất, tiểu luận này Giáo sư Bảo trợ đã lưu ý chúng tôi phải xét kỹ hơn về bút hiệu của thi sĩ. Do bởi sự lưu ý ấy của Giáo sư Bảo trợ chúng tôi đã để ý tìm tòi, suy xét – và, chúng tôi đã thay đổi cách gọi. Thay vì gọi là Hàn Mặc Tử, chúng tôi đã gọi lại là Hàn Mạc Tử, như Trần Thanh Mại, Hoài Thanh(2) đã gọi.
Tiểu chú ở Chương I, Phần thứ nhất của Tiểu luận đã khiến Giáo sư Bảo trợ lưu ý hồi đó, chúng tôi viết nguyên văn như sau đây:
“(1) Các bút hiệu của Hàn Mặc Tử: Minh Duệ Thị rồi đến Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn MẠC Tử và cuối cùng – theo lời đề nghị của Quách Tấn – thi sĩ đổi lại là Hàn MẶC Tử. Bút hiệu Hàn Mặc Tử được ghi trên tập Gái Quê, xuất bản năm 1936. Trong buổi nói chuyện giữa thi sĩ Quách Tấn và chúng tôi ngày 14 – 1 – 1970, Quách Tấn ngậm ngùi công nhận với chúng tôi là bút hiệu Hàn MẠC Tử hay hơn mới hơn, và nhất là đúng với cuộc đời Hàn Mạc Tử hơn là chữ “Hàn Mặc Tử”.”
Vấn đề Hàn “Mạc” Tử hay Hàn “Mặc” Tử lần đầu tiên được Quách Tấn kể như là một giai thoại văn chương ở tập san Văn số 73 & 74 ra ngày 7/1/1967, trang 49. Quách Tấn đã viết nguyên văn như sau:
“Tử bèn lấy chữ đầu của sanh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chánh quán (Thanh Tân), ghép lại thành hiệu Lệ Thanh”.
Tử rất lấy làm vừa ý. Nhưng được ít lâu lấy hiệu Hàn “Mặc” Tử.
Hàn Mạc là bức rèm lạnh.
Tử cho là độc đáo, tìm đến khoe cùng tôi. Tôi cười: Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp Phong Trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp Rèm Lạnh! Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn quẩn quá thế?
Tử đâm khùng:
Anh này thật đa sự! Không biết đặt “cái đếch” gì cho vừa lòng anh?
Tôi đáp: Đã có rèm thì thêm Bóng Trăng vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?
Tử hội ý, cầm bút vạch “vành trăng non” lên đầu chữ A của chữ “Mạc” thành ra Hàn Mặc Tử.
Chỉ thêm dấu Á (ă) mà đổi hẳn ý nghĩa của cả khóm chữ. Chữ Hàn trước kia nghĩa là Lạnh. Nhưng đi kèm với chữ MẶC là Mực trở thành Hàn là bút.
Hàn Mặc Tử là anh chàng bút mực.

(Nguyễn Đình Nhiên)

Ngộ Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search