T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: Hoài Khanh, Gió Bấc Trẻ Nhỏ Đóa Hồng Và Dế, Khúc hát nao lòng

hkthơ hk

     Khoảng giữa thập niên 1960, tôi đứng xa nhìn ngắm Hoài Khanh qua những bài thơ đăng rải rác trên các tạp chí Văn Nghệ Sài Gòn, một vài truyện ngắn, một số dịch phẩm và đặc biệt là các bài viết về thi ca Châu Phi da đen. Đứng rất xa đọc và không có một ý niệm nào rõ rệt, ngay cả khi đến tòa soạn gửi bài cho tập san Giữ Thơm Quê Mẹ thấy ông đang ngồi tiếp chuyện thầy Thanh Tuệ và Tuệ Sĩ.

Mấy năm sau đến nhà xuất bản Ca Dao, vẫn thấy đôi kính cận ngồi lún giữa chồng bản thảo. Vẫn đứng xa mà nhìn ngắm, chưa một lần được hầu chuyện. Cho mãi đến năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Nguyễn Mộng Giác, Quán Như rủ tôi và Bùi Nghi Trang lên nhà Hoài Khanh ở Biên Hòa bàn chuyện ra một tạp chí văn nghệ. Ba mươi mấy năm qua, hẳn không ai còn nhớ chi tiết về nội dung bàn bạc chuyện làm một tờ báo như mong đợi, nhưng không ai có thể quên căn nhà nhỏ nhắn nằm lọt thỏm giữa vườn bưởi trắng hoa, trái tròn lủng lẳng và bữa rượu ngoài bờ sông Đồng Nai. Một khung cảnh thật trong lành, thanh bình. Không gian ấy cộng với những ý tưởng thời tuổi trẻ tưởng đâu có thể giúp chúng tôi ra được một tờ báo theo đúng nghĩa mà chúng tôi hằng ấp ủ. Nhưng khốn thay ảo vọng lừa mị năm 73 làm đổ vỡ tất cả. Những hào hứng chữ nghĩa vừa mới khởi dựng thì rầm một cái, tan tành thành mây thành khói, thành chia lìa, tan tác… và chấm hết.

Mấy chục năm sau, thỉnh thoảng mới được đọc vài bài thơ của ông dưới hình thức tuyển tập, qui tụ những cây viết Sài Gòn cũ.… Thơ ông vẫn dung dị, mộc mạc, vẫn giữ được giọng điệu rất riêng từ những năm trước, không lên gân, không đồng bóng như một số người cầm bút (cũ) khác trên các tờ báo “bây giờ”, ví như mấy câu sau:

Rằng em là gái má hồng

Rằng nhà em ở bên dòng Cà Ty

Một hôm hạnh ngộ bất kỳ

Gặp người trong mộng dễ gì quên sao?

      (Hoài Khanh, Hỡi người tóc suối áo bay).

Câu thơ vừa thoáng gặp, dường như có chút gì se thắt không như trước kia với Thân phận với Gió bấc trẻ nhỏ đóa hồng và dếHơi thở ánh trăng và mặt đất mà ở đó chữ nghĩa không bị câu thúc, không bị ràng buộc, không phải dòm trước ngó sau, vẫn ngời ngời là dòng thơ riêng biệt của một Hoài Khanh dung dị mà ẩn chứa tầng sâu ngôn ngữ chỉ có thể đồng cảm trong nỗi bi thương cùng khổ về thân phận làm người, về những điều muôn năm sẽ vẫn phải còn nói đến, phải còn gào rống, tuy mỗi người có cách nói và gào rống khác nhau.

*

28 bài thơ trong Gió bấc trẻ nhỏ đóa hồng và dế thoạt đầu tưởng như dòng chảy lững lờ của tuổi thơ, của an nhiên tự tại, vô ngã vô thanh để vút lên tiếng sáo diều vi vu giữa tầng không thênh thang xanh ngắt:

Để làm chi em bé biết hay không

Và đóa hồng xin người đừng đáp vội

Và chú dế thân yêu xin chớ nói

Để cho ta còn có thể – rất mơ màng

Thở nhè nhẹ qua những dòng sương trắng

Để cho ta còn nghe thấy tiếng thời gian

Đi chầm chậm trên những tàu lá chuối

Và chú bé

Hãy cười như đá cuội

Ngủ cùng ta trong giấc ngủ vô cùng

(trg 108-109)

Nhưng không, dòng sương trắng, tiếng thời gian chưa phải là sự quay về để ngắm nhìn quá khứ tuổi thơ mà là cái nhìn phóng tới, chạm hẳn vào thực tế đau thương tròn như viên bi lăn là bài học thuộc lòng, là cánh chuồn chuồn, con dế, con còng… tất cả đều lăn vào cõi mộng dìu ông đi bằng đôi hia bảy dặm, bằng cơn mộng du lăn cù từ đồi cát xuống mép biển êm và lênh đênh trên đại dương mênh mông. Một cuộc viễn du mộng mị tuổi thơ bị cái giật mình khóc thét để biết rằng đã trễ giờ đi học, dường như là những báo ứng về những số phận mong manh sẽ hiện về, rất gần trong tầm mắt, trong cái với tay của đôi cánh thời gian:

Hốt nhiên tôi trực nhận dòng sông

Chính là máu của ngàn năm tích lũy

Đã chảy hoài trong những cuộc chiến tranh kia

(…) Cũng từ đó tôi bắt đầu làm thơ

Những vần thơ quá buồn dường như ích kỷ

Nhưng đâu lỗi tại tôi

Vì dòng sông cứ lặng lẽ trôi hoài

Như những cuộc chiến tranh – tôi không làm sao chịu nổi

(trg 23, 25)

Vâng, không phải lỗi từ phía nhà thơ – những nghệ sĩ, những người luôn đi tìm kiếm cái đẹp cho cuộc đời đau thương này, những người luôn tự do trong suy tưởng, không hề bị câu thúc, trói buộc bởi những luận điểm hoang tưởng của các nhà chính trị hoạt đầu. Bởi cái đẹp của nghệ sĩ là trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, trong khi cái đẹp giảo hoạt là đẩy cả dân tộc, cả loài người đến bờ vực của máu, xương khô, tù ngục do một dúm người khống chế bằng lưỡi lê, xiềng xích, bằng thứ chữ nghĩa ba hoa, bằng những luận điểm thô lỗ cục cằn…

Con đường đi đến cái đẹp của thơ ca là tự do tuyệt đối.

Con đường đi đến hạnh phúc của chính trị là ngục tù, dẫy chết.

Cái thực tế ấy cứ lồ lộ trước mắt, không che đậy.

Và như bao nhiêu nghệ sĩ khác, Hoài Khanh đã bay theo đường bay nghệ thuật, đẩy cái nhìn ra cõi xa xăm, rung lên theo từng cơn run rẩy của số phận đói no, tồn tại và hủy diệt. Cứ vậy, ông bay đi cùng niềm hạnh phúc trẻ thơ, nỗi đau nhân thế, ấm lạnh từng cơn…

*

Cứ ngỡ một Hoài Khanh dung dị trong đời thường, dung dị hồn nhiên khi sử dụng ngôn ngữ phơi bày những rung cảm hẳn sẽ làm người đọc ông cũng rung lên cảm xúc của đêm góc phố xanh cùng ông. Nhưng không. Sự yên tĩnh của Hoài Khanh chính là những vòng xoáy thời gian, vòng nghịch lý của định mệnh được báo trước, sự khốn cùng của khiếp người ở cõi trần gian bụi cát:

Tiếng đồng hồ mãi mãi lạnh lùng buông

Như triệu nghìn đêm đi vào nẻo vong lưu

của tiếng trống định mệnh chập chùng

khởi từ cõi vô chung vô thủy!

Và đóa hồng này không để tặng ai

Vì máu đã chảy bởi một người đã sống

(trg41)

     Niềm viễn lưu trong thơ ông chính là cuộc tình chữ nghĩa lang thang vô tận vô cùng, lăn lông lốc trên ghềnh vực thẳm của vòng xoáy, của nỗi khao khát tự do:

Mỗi người là một viên bi

Suốt đời lăn tròn trong niềm viễn lưu

Của ngày nổi trôi bềnh bồng ốc đảo

Của đêm lang thang cánh dơi

Và đời sống mỗi người

Như chiếc pháo bông đã được đốt lên

Tình cờ đứa bé nào đó quay tròn

Và thơ tôi cũng vậy

(trg 51)

Suốt cả 109 trang thơ Gió  bấc trẻ nhỏ đóa hồng và dế  là cõi quạnh hiu đến nao lòng. Có lúc tưởng chừng ông ngoảnh về cõi Thiền với cõi trắng không hình dạng, nhưng chỉ trong một sát na, tâm tưởng ông lại chạm ngay tới nỗi đau muôn năm không nơi bày giải. Và cứ thế nỗi lòng ông xé toang lên, ùng ục bi thương bằng lời ru của bà mẹ quê cam chịu số phận đắng cay:

Hãy ngủ đi hỡi những bé con thiên thần ở khắp mười phương trái đất – dù em là da đỏ hay  da vàng, da đen hay da trắng.

      Vì em là tiếng thiên thu

Hóa thân về cõi ngục tù nhân gian

      Cho nên mộng cũng hoang tàn

Thiên thu ơi cứ phụ phàng nữa đi          

(trg 86)

Đó là tiếng thở dài nẫu ruột gan của Hoài Khanh cách đây 36 năm.

Dấu kính biếu của nhà xuất bản Ca Dao nhòe màu son.

Nỗi lòng gửi gắm của ông như còn run rẩy bên dưới nét gạch ngập ngừng của chữ ký.

_________

“Gió bấc trẻ nhỏ đóa hồng và dế”, nxb Ca Dao, SG 7/1970

Tiểu sử tác giả:

Về năm sinh của nhà thơ Hoài Khanh, theo một số bạn bè của ông ghi nhận thì ông sinh năm 1933, tuy nhiên gia đình cho biết ông tuổi Tuất, như vậy năm sinh của ông hẳn phải là 1934.

Nhà thơ Hoài Khanh tên thật là Võ Văn Quế, quê quán tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Từ năm 1957, Hoài Khanh đã hiện diện trên thi đàn Việt Nam với thi phẩm Dâng rừng. Sau đó là các tập thơ: Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc – trẻ nhỏ – đóa hồng và dế (1970). Về văn ông có tập truyện Trí nhớ hoang vu và khói (1970).

Thời gian trước năm 1975, Hoài Khanh viết báo làm thơ. Ông là người chủ trương và điều hành nhà xuất bản Ca Dao tại Sài Gòn, một trong những nhà xuất bản uy tín, có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc.

 Sau 1975, ông về sống tại Biên Hòa – Đồng Nai, thời gian này trong nước có in lại hai tập thơ của ông thông qua Thư quán Hương Tích liên kết xuất bản, là Lục bát (NXB Phương Đông, 2009), và Thân phận (NXB Hồng Đức, 2014).
Nhà thơ Hoài Khanh qua đời ngày 23-03-2016 tại Biên Hòa (Đồng Nai) sau một thời gian lâm bệnh. (Theo Tuổi Trẻ Online).

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search