T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (74) – NHẠC ĐÔNG PHƯƠNG: Koibito Yo (Hận Tình Trong mưa, Tình Là Giấc Mơ), Mayumi Itsuwa

clip_image002

Bài hát kế tiếp trong số những ca khúc phổ thông điển hình của Đông phương được đặt lời Việt chúng tôi gửi tới độc giả là bản Koibito Yo của nữ ca nhạc sĩ Nhật Mayumi Itsuwa, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Hận Tình Trong Mưa, và Khúc Lan với tựa Tình Là Giấc Mơ.

Mayumi Itsuwa sinh năm 1951, được xem là một trong “Tứ Quý” của nền ca nhạc hiện đại của Nhật Bản, gồm bốn nữ ca sĩ kiêm nhà soạn ca khúc (singer/composer) nổi tiếng nhất: Miyuki Nakajima, Yumi Matsutoya, Minako Yoshida, và Mayumi Itsuwa.

Xét chung mọi mặt, Miyuki Nakajima, sinh năm 1952, tác giả ca khúc Ruju (Người Tình Mùa Đông, Thuyền Tình Trên Sóng) chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước, là tên tuổi lớn nhất – cô vừa là ca sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác, đàn ghi-ta, vừa là diễn viên truyền hình, người dẫn chương trình (host), nhà làm văn hóa…

Yumi Matsutoya (sinh năm 1954) nổi tiếng với giọng hát và phong cách trình diễn (live) độc đáo.

Minako Yoshida (sinh năm 1953) thu phục thế hệ trẻ với những ca khúc J-pop (Japanese pop hiện đại) mới lạ.

Về phần Mayumi Itsuwa, tác giả của những tình khúc buồn, mang giá trị nghệ thuật cao, vừa hát vừa tự đêm dương cầm, cho nên thường được so sánh với Carole King của Mỹ quốc.

clip_image004

Mayumi Itsuwa – 2015

Mayumi Itsuwa sinh ngày 24 tháng 01 năm 1951 tại Tokyo, Nhật Bản. Cha cô là một người yêu âm nhạc và chơi đàn ghi-ta cho nên nhạc cụ đầu tiên cô học cũng là ghi-ta (từ người cha), nhưng về sau lại trở thành một tay keyboard (gồm cả dương cầm) xuất chúng.

Được cha khuyến khích theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, Mayumi Itsuwa chỉ hoàn tất bậc trung học rồi vừa sáng tác ca khúc vừa đàn hát tại các quán cà-phê. Những ca khúc đầu tay của cô đều viết về tuổi ấu thơ, như Shoujo (Girl), Ame (Rain)…

Về thể loại sáng tác, lúc ban đầu Mayumi Itsuwa dự tính chuyên biệt về enka nhưng sau đó lại quay sang hai thể loại kayokyoku và pop.

Như chúng tôi đã viết trong bài kỳ trước, enka và kayokyoku là hai thể loại trong nền nhạc phổ thông truyền thống của Nhật Bản (ryukoka: popular song); sự khác biệt là trong khi enka phối hợp giữa âm hưởng truyền thống và âm hưởng cổ điển Tây phương, đặt nặng hình thức diễn tả, thì kayokyoku chịu nhiều ảnh hưởng ca nhạc Tây phương hiện đại, trong đó có nhạc Mỹ La-tinh và rock-and-roll.

Tuy nhiên, theo nhận xét (rất có thể chủ quan) của chúng tôi, cho dù về hình thức, đa số ca khúc được ưa chuộng của Mayumi Itsuwa mang nhiều âm hưởng Tây phương hiện đại (kayokyoku), về nội dung lại có khá nhiều điểm tương tự thể loại enka, luôn mang lại cho người nghe những cảm xúc buồn.

Đường sự nghiệp của Mayumi Itsuwa khá “vất vả” – từ ngày sang Hoa Kỳ thu album đầu tay cho tới khi được thính giả ở Nhật Bản biết tới tên tuổi phải mất tới 8 năm!

Ngược dòng thời gian, năm 1972, Mayumi Itsuwa tới Los Angeles. Với khuynh hướng sáng tác chịu nhiều ảnh hưởng Tây phương, Mayumi Itsuwa muốn học hỏi, hợp tác với các ca nhạc sĩ và nhà sản xuất đĩa nhạc ở Hoa Kỳ, và may mắn đã tới với cô: được gặp thần tượng của mình là Carole King.

Vì sau này Mayumi Itsuwa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phương hướng sáng tác và phong cách trình diễn của Carole King, chúng tôi cũng xin có đôi hàng về người nữ ca nhạc sĩ được tạp chí Rolling Stone xưng tụng là “nữ tác giả viết ca khúc thành công nhất của hậu bán thế kỷ thứ 20”.

Carole King tên thật là Carol Joan Klein, sinh năm 1942 tại Nữu Ước trong một gia đình gốc Do-thái, mẹ là giáo viên kiêm nhạc sĩ dương cầm tài tử, cha là nhân viên cứu hỏa. Từ năm ba tuổi, Carol đã tỏ ra tò mò, thích thú mỗi khi nghe mẹ đàn dương cầm, vì thế khi lên bốn, cô bé bắt đầu được mẹ dạy nhạc lý và đàn.

Carol Joan Klein bắt đầu viết ca khúc và ca hát tại trường trung học James Madison, nơi cô cặp kè với anh bạn học (ca nhạc sĩ tương lai) Neil Sedaka, và cùng một anh bạn học khác là Paul Simon thu đĩa một số ca khúc để tự giới thiệu (demo records) với phí tổn 25 Mỹ kim một bản, nhưng đã không được ai chú ý tới.

[Paul Simon về sau trở thành một thành viên trong ban song ca “Simon & Garfunkel” lừng danh, chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về ca khúc dân gian Scaraborough Fair của Anh quốc]

Năm 1958, Carol Joan Klein, khi ấy mới 16 tuổi và đã đổi tên thành Carole King, vào trường Queens College thuộc City University of New York, gặp gỡ người chồng tương lai là anh bạn học Gerry Goffin (1939 – 2014), một sinh viên dược khoa năm cuối, và hai người hợp tác trong việc viết ca khúc: nàng soạn nhạc, chàng đặt lời.

clip_image006

Carole King và Gerry Goffin

Sự việc này đã khiến Neil Sedaka tuyệt vọng, sáng tác và thu đĩa bản Oh! Carol nổi tiếng (ca khúc này đã được chúng tôi đã nhắc tới trong bài Dẫn Nhập về nền nhạc phổ thông của Hoa Kỳ).

Phụ lục 1: Oh Carol, Neil Sedaka

Gerry Goffin liền “đáp lễ” bằng cách lấy giai điệu của ca khúc này, đặt lời hát mang tính cách đùa vui với tựa Oh! Neil để Carole King thu đĩa, nhưng đã không đạt thành công thương mại.

Cuối năm đó (1958), Carole King mang thai và qua đầu năm 1959 làm đám cưới “chạy bầu”; đồng thời hai vợ chồng trẻ cũng phải bỏ dở đại học để tìm kế sinh nhai; Gerry Goffin trở thành một nhân viên viện bào chế thuốc còn Carole King làm thư ký văn phòng, đêm về hai vợ chồng cùng nhau sáng tác ca khúc.

Qua năm sau (1960), ca khúc Will You Love Me Tomorrow của họ do ban The Shireles thu đĩa đã đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 (tất cả mọi thể loại) tại Hoa Kỳ, No.1 tại Anh quốc và ở trong Top 10 của nhiều quốc gia khác; và tới cuối năm đứng No.1 trong danh sách những ca khúc hay nhất trong năm 1960 của Billboard.

Về sau, Will You Love Me Tomorrow đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng thu đĩa lại (trong đó có chính Carole King), được tạp chí ca nhạc Rolling Stone xếp hạng 126 trong danh sách The 500 Greatest Songs of All Time. Về phần ban The Shireles, với đĩa đơnWill You Love Me Tomorrow, đã được ghi nhận là ban nữ ca Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên có ca khúc đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

VIDEO:

The Shirelles Will you still love me tomorrow

Sau thành công của Will You Love Me Tomorrow, Carole King và Gerald Goffin bỏ hẳn nghề kiếm cơm ban ngày để dành toàn bộ thời giờ cho việc sáng tác ca khúc, và liên tiếp đạt nhiều thành công rực rỡ, từ Take Good Care Of My Baby (Bobby Vee thu đĩa năm 1961), The Loco-Motion (Little Eva, 1962), Crying In the Rain (The Everly Brothers, 1962) tới I’m Into Something Good (Herman’s Hermits, 1964), Don’t Bring Me Down (The Animals, 1966), A Natural Woman (Aretha Franklin, 1967)…

Nổi tiếng nhất trong số ca khúc nói trên là A Natural Woman, tựa đề đầy đủ là (You Make Me Feel Like) A Natural Woman, về sau đã trở thành ca khúc cầu chứng của “Nữ hoàng nhạc soul” Aretha Franklin.

A Natural Woman cũng là sáng tác cuối cùng của vợ chồng Carole King và Gerald Goffin trước khi chia tay vào năm đó (1967).

Mất người đặt lời hát, công việc sáng tác của Carole King cũng bị “mất phương hướng”.

Mãi tới năm 1970, sau khi được gặp gỡ và kết thân với Joni Mitchell (tác giả ca khúc Both Sides, Now – Hai khía cạnh cuộc đời) và nam ca nhạc sĩ James Taylor, được hai người khuyến khích sáng tác và thu đĩa, Carole King mới quyết định đi theo khuynh hướng mà từ âm nhạc gọi là “introspective compositions”, nghĩa là sáng tác theo tư duy, trải nghiệm của bản thân, và tự mình trình bày.

Sau album thứ nhất, mang tựa Writer, không được mấy ai chú ý, Carole King đã đạt thành công rực rỡ với album thứ hai, Tapestry, phát hành đầu năm 1971, cho tới nay vẫn được xem là đỉnh cao sự nghiệp của cô.

Hai ca khúc nổi tiếng nhất trong album này, cũng là hai ca khúc “cầu chứng” của Carole King, là You’ve Got a Friend, một bản rock êm (soft rock), và It’s Too Late, một ca khúc mang âm hưởng jazz do cô bạn gái Toni Stern đặt lời.

VIDEO:

You’ve Got A Friend (Lyrics) – Carole King – YouTube

It’s Too Late (Carole King, 1971)

(Nhạc sĩ chơi bass trong video clip It’s Too Late chính là Charles Larkey, khi ấy là đời chồng thứ hai của Carole King)

Tại Hoa Kỳ, It’s Too Late đứng No.1 trong cả ba bảng xếp hạng Billboard Hot 100, Billboard Hot Adult Temporary, Cash Box Top 100; và No.1 RPM Top Singles ở Anh quốc. Còn tính cả năm 1971, It’s Too Late đứng No.3 trong bảng Billboard Hot 100.

Qua năm 1972, album Tapestry của Carole King đã làm mưa gió tại giải âm nhạc Hoa Kỳ Grammy, đoạt cả bốn giải quan trọng nhất: Album of the year, Song of the year (You’ve Got a Friend), Record of the year (It’s Too Late), và Best female pop singer.

Nhận xét một cách khách quan, so sánh với các nữ danh ca cùng thời, chất giọng của Carole King không có gì đặc sắc, nhưng cách lột tả của cô thật tuyệt vời. Cách lột tả ấy cùng với việc cô tự đệm dương cầm đã mang lại một sức thu hút mãnh liệt trong những buổi trình diễn “live”.

Tới đây cũng xin đề cập tới một chi tiết bên lề nhưng rất thú vị về liên quan giữa ca khúc You’ve Got a Friend và James Taylor.

James Taylor sinh năm 1948, nam ca nhạc sĩ pop, dân ca, nhạc country nổi tiếng bậc nhất của Hoa Kỳ, là một trong những người bạn thân của Carole King. Anh bắt đầu nổi tiếng với ca khúc Fire and Rain, do anh sáng tác và thu đĩa năm 1970, đứng No.3 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

Trong bản Fire and Rain có câu “I’ve seen lonely times when I could not find a friend”, từ đó Carole King mới sáng tác ca khúc You’ve Got a Friend thay cho câu trả lời.

Tháng 5/1971, bốn tháng sau khi album Tapestry của Carole King được phát hành, James Taylor đã thu đĩa ca khúc You’ve Got a Friend trong đó, và vừa tung ra đã lên No.1 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

James Taylor có một giọng hát rất độc đáo, tiếng đàn ghi-ta thùng của anh cũng độc đáo không kém; thành thử có thể viết cả giọng hát lẫn tiếng đàn ghi-ta của James Taylor đều được xem là “trademark” của anh, được thể hiện và phối hợp một cách tuyệt vời qua sáng tác để đời của Carole King.

Sau này, mỗi khi nhắc tới thành công của You’ve Got a Friend, Carole King luôn cho rằng nhờ giọng hát và tiếng đàn ghi-ta của James Taylor, trong khi chàng ca nhạc sĩ thì lại cám ơn Carole King về ca khúc đã đưa mình lên “top”.

Sau khi You’ve Got a Friend đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, James Taylor đã thuyết phục Carole King lên sân khấu đệm dương cầm cho mình (hát bản You’ve Got a Friend), không ngoài mục đích giới thiệu nhà viết ca khúc này tới giới mộ điệu.

[Có lẽ vì tôn trọng bản quyền, video clip được đưa lên YouTube chúng tôi kèm theo sau đây đã bị cắt 20 giây của phần intro và nhạc kết thúc]

VIDEO:

James Taylor & Carole King – You’ve Got a Friend (HQ) (Uploaded by Tornike Ivanishvili)

Từ đó, You’ve Got a Friend đã đi liền với trên tuổi của Carole King, thường được các danh ca trình bày trong những buổi vinh danh nhà soạn nhạc tài hoa này.

VIDEO:

Carole King – You’ve Got A Friend live

Tới đây xin trở lại với nhân vật chính Mayumi Itsuwa và năm 1972 – năm mà nàng ca nhạc sĩ 21 tuổi may mắn được gặp đàn chị Carole King tại Los Angeles.

Carole King giới thiệu Mayumi Itsuwa với nhà sản xuất đĩa nhạc uy tín John Fischbach (từng đoạt giải âm nhạc Grammy); kết quả John Fischbach đã đứng ra thực hiện album đầu tay cho Mayumi Itsuwa tại Crystal Sound Studios, LA, với một thành phần nhạc sĩ xuất sắc, trong đó có Carole King (dương cầm) và anh chồng Charles Larkey của nàng (bass).

Tháng 10 năm đó, đĩa đơn Shoujo (Girl) và album có cùng tựa của Mayumi Itsuwa được hãng đĩa CBS Sony phát hành, tuy nhiên đã không được mấy người nghe nhạc ở Nhật Bản chú ý tới.

Năm 1973, Mayumi Itsuwa trở lại Los Angeles để thu đĩa LP (long play, 33 vòng) tựa đề Kaze no nai sekai (Windless day), cũng tại Crystal Sound Studios.

Năm 1974, Mayumi Itsuwa sang Hoa Kỳ lần thứ ba, thu LP Toki wo mitsumete (As Time Goes By), và tham gia một buổi trình diễn cùng với các thành viên của ban Section.

clip_image008

Mayumi Itsuwa và Adamo -1977

Năm 1976, Mayumi Itsuwa tới Paris, và qua năm 1977, album MAYUMI, album đầu tiên của cô thực hiện tại Âu Châu, được hãng đĩa CBS France phát hành. Từ ngày 18 tới ngày 30 tháng 4 năm đó, Mayumi Itsuwa được trình diễn với tư cách khách mời (guest) trong các buổi trình diễn của nam danh ca Pháp Adamo tại hí viện Oranpia, Paris.

Thời gian sống ở Kinh thành Ánh sáng không chỉ giúp Mayumi Itsuwa hoàn chỉnh phong cách trình diễn của mình mà còn học hỏi cách… ăn diện đúng mốt thời trang!

Giữa năm 1977, Mayumi Itsuwa lại sang Hoa Kỳ để thu đĩa. Tới cuối năm, cô trở về Nhật, trình diễn lần đầu tiên tại đại hí viện PARCO ở khu Shibuya, trung tâm thương mại, giải trí lớn nhất của Tokyo, từ ngày 24 tới 27 tháng 10.

Tháng 4 năm 1978, Mayumi Itsuwa trình diễn lần thứ hai tại hí viện PARCO, và tới tháng 12, phát hành album Nokobiri, trong đó ca khúc chủ đề Nokobiri, được ghi nhận là thành công đầu tiên của Mayumi Itsuwa tại quê nhà.

Phụ lục 2: Nokobiri, Mayumi Itsuwa

Nokoribi, tiếng Nhật có nghĩa là “ngọn lửa tàn”, về sau được đặt lời Việt với tựa Tàn Tro. Tác giả Tàn Tro là nữ ca sĩ Julie nổi tiếng một thời. Điều này đã được nhạc sĩ Nam Lộc khẳng định khi đảm trách vai trò MC trong một chương trình của Trung tâm ASIA, nhưng không hiểu do đâu cho tới nay vẫn có một vài trang mạng, trong nước cũng như tại hải ngoại, ghi tác giả là Khúc Lan!

Theo lời Nam Lộc, chính Julie đã cho anh biết cô đặt lời Việt cho ca khúc này khi quyết định từ giã nghiệp cầm ca, xem đó như món quà chia tay những thính giả đã từng yêu mến giọng hát của mình.

Tàn Tro

Giọt nước rơi hay giọt sầu rơi rơi
lệ vẫn tuôn khóc tình ta nát tan
thu vẫn trôi, giờ biệt ly đến
anh về đi, em vẫn đứng đây

Nhìn lá rơi nghe lòng ta tan tác
từng xác hoa rơi tàn tạ cuối sân
anh cứ đi tìm vui nơi khác
đừng nên thương xót em mà chi.

Cuộc tình thứ nhất em đã trót trao về anh
tình yêu đầu tiên
tình yêu đó đậm đà và nhiều xót xa
người yêu quá hững hờ
lạnh lùng với ta
từng chạy theo bao cuộc vui.

Chờ anh nơi đó có biết bao nhiêu người
tình nhân trai gái đó đây anh hẹn hò
chỉ còn mỗi em, đợi chờ đứng trông
mà nghe buốt giá thấm đôi vai gầy.

Và mỗi khi ánh hoàng hôn rơi xuống
tình ngỡ quên phai dần theo tháng năm
nhưng dáng quen lại theo bóng tối
trở về đây để em nhớ thương

Còn rớt rơi những tàn tro năm cũ
sưởi ấm tim cho lòng thôi giá băng
thôi nhé anh tình duyên đã dứt
và em xin giữ ấm hương tàn tro…

Phụ lục 3: Tàn Tro, Thanh Hà

Nhưng hình như với người Nhật, thành công của bản Nokobiri vẫn chưa đủ để họ nhận ra chân giá trị trong các ca khúc Mayumi Itsuwa, bằng cớ là khi cô trình diễn lần thứ ba tại hí viện PARCO vào tháng 3/1979 và mặc những bộ áo “tân kỳ” của hiệu thời trang Issey Miyake, báo chí đã dành nhiều giấy mực cho các bộ áo này hơn là các ca khúc do người mặc trình diễn.

[Issey Miyake Inc. do Issey Miyake (sinh năm 1938) sáng lập, là hiệu thời trang hiện đại và nước hoa nổi tiếng của Nhật]

Phải đợi tới tháng 9 năm 1980, sau khi trình làng ca khúc để đời Koibito Yo, Mayumi Itsuwa mới thực sự tạo được tên tuổi – một tên tuổi đã một sớm một chiều vượt lên trên mọi tên tuổi khác trong làng nhạc phổ thông của xứ Hoa Anh Đào.

Như chúng tôi đã viết ở một đoạn đầu, đa số ca khúc được ưa chuộng của Mayumi Itsuwa về nội dung có khá nhiều điểm tương đồng với thể loại enka, luôn mang lại cho người nghe những cảm xúc buồn.

Thực vậy, hầu như mọi tình khúc của Mayumi Itsuwa đều viết về quá khứ buồn, những cuộc tình đã mất, những người tình đã xa, không nhất thiết phải là của cô, của tha nhân, mà có khi chỉ là hư cấu.

Lời hát của Koibito Yo (My Dear Lover) viết về chuyện tình buồn của một phụ nữ ngồi đơn côi trên chiếc ghế đá công viên trong cái lạnh cuối thu, dưới cơn mưa chiều, lòng đớn đau về cuộc đình đã qua. Nhớ về những kỷ niệm dấu yêu ngày cũ, nàng ước mong chuyện chia tay chỉ là một lời nói đùa, và người tình xưa sẽ sớm quay lại…, nhưng rồi cũng chỉ có một mình nàng, cô đơn trên ghế đá, dưới cơn mưa chiều.

Nguyên nhân đưa tới việc Mayumi Itsuwa viết tình khúc buồn này là cái chết của một người bạn thân: nhạc sĩ Takasuke Kida.

Takasuke Kida, sinh năm 1949, là một tay trống, kèn, sáo (flute), keyboard kiêm nhạc sĩ sáng tác, nhà sản xuất đĩa nhạc, thành viên của The Jacks, ban nhạc “psychedelic rock” (rock ảo giác) tiên phong và tạo ảnh hưởng mạnh nhất trong nền nhạc J-pop. Takasuke Kida chết vào tuổi 31 trong một tai nạn xe hơi ngày 18/5/1980.

Thương tiếc bạn, Mayumi Itsuwa viết bản Koibito Yo để tưởng nhớ – so sánh nỗi đau đớn mất bạn nơi cô cũng chẳng khác nào tan vỡ một cuộc tình.

[Tương tự tác giả Sylvia Dee trước đây đã biến nỗi đau đớn trước cái chết của thân phụ thành tình khúc tuyệt vọng The End of the World (lời Việt của Trường Kỳ: Thương nhớ trong mưa]

Về hình thức, Koibito Yo là một ca khúc phổ thông hiện đại mang âm hưởng tây phương (kayokyoku); với các nhà phê bình, đây là một điển hình việc Mayumi Itsuwa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phương hướng và phương thức sáng tác của Carole King.

Tuy nhiên, trong bản Koibito Yo, Mayumi Itsuwa còn vận dụng óc sáng tạo của riêng mình, thay vì mở đầu phần Intro bằng tiếng dương cầm như các ca khúc trước kia của cô (theo khuôn thức của Carole King), Mayumi Itsuwa đã sử dụng đàn dây (violin, viola, cello) suốt 35 giây đồng hồ để gợi tưởng tiếng mưa gió, sau đó mới tới dương cầm…

Về giai điệu, tuy được liệt vào thể loại kayokyoku – ca khúc phổ thông hiện đại – Koibito Yo vẫn mang nặng âm hưởng ngũ cung Nhật Bản, người sành điệu nghe sẽ biết ngay là một ca khúc của xứ Hoa Anh Đào.

Koibito Yo

Kareha chiru yuu’ngure wa
Kuruhi no samusa o mono’ngatari
Ame ni kowareta benchi ni wa
Ai o sasayaku uta mo nai
*koibito yo sabani ite
Ko’ngoeru watashi no soba ni ite yo
Soshite hitokoto
Kono wakare banashi wa
Joodan dayo to
Waratte hoshii
Jarimichi o kakeashi de
Marason bito nga yukisu’ngiru
Marude bookyaku nozomuyoo ni
Tomaru watashi o sasotte iru
Koibito yo sayoonara
Kisetsu wa me’ngutte kuru kedo
Ano hi no hutari yoi no na’ngareboshi
Hikatte wa kieru mujoo no yume yo
Koibito yo sobani ite
Ko’ngoeru watashi no soba ni ite yo
Soshite hitokoto
Kono wakare banashi nga
Joodan dayo to
Waratte hoshii

Bản dịch sang tiếng Anh trên Internet (khuyết danh):

My Dear Lover

When leaves fall at dusk, they foretell that the cold will come soon.

On the bench rotten by the rain, no one sits to sing and whisper love.

My dear lover,

I want you to be by my side because I am feeling cold.

I want you to say with a laugh that your farewell is only a joke

 

A jogging man is passing through on a pebbles street

He induce me who stand still

As if he wanted me to forget,

My dear lover, now I say good-bye

The seasons rotate, though

Two of us of those days

A shooting star in that evening

Shine and disappear, heartless dream

My dear lover, please stay beside me

I want you to say with a laugh that your farewell is only a joke

Phụ lục 4: Koibito Yo, Mayumi Itsuwa

VIDEO:

Mayumi Itsuwa [恋人よ] Koibito Yo (My Dear) Live (Japanese Song …

Vừa phát hành, Koibito Yo đã đứng No.1 trên bảng xếp hạng Oricon của Nhật Bản, và ở vị trí này trong ba tuần lễ liên tiếp. Tới cuối năm đó, Koibito Yo đã bán ra hàng triệu đĩa, và đoạt giải Vàng tại Giải thưởng Đĩa hát Nhật Bản lần thứ 22.

Sau Mayumi Itsuwa, Koibito Yo đã được nhiều nữ danh ca (và cả một số nam danh ca) của Nhật thu đĩa cũng như trình diễn live, trong số này có cả “Nữ hoàng enka” Hibari Mirora (1937-1989) chúng tôi đã nhắc tới trong bài kỳ trước.

VIDEO:

MISORA HIBARI KOIBITO YO – YouTube

Koibito Yo không chỉ làm mưa gió ở Nhật Bản suốt thập niên 1980 mà còn được yêu chuộng ở hầu hết các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á, và cả ở Pháp quốc, nơi Mayumi Itsuwa đã tạo được tên tuổi từ những năm 1970.

Riêng với thính giả người Việt, so với những ca khúc khác của Nhật Bản, Koibito Yo được đặt lời Việt tương đối khá muộn. Chúng tôi không biết rõ nguyên nhân nhưng cũng có thể viết chắc chắn không phải vì cảm quan, trình độ thưởng thức của các nhạc sĩ (làm công việc đặt lời Việt) mà chỉ vì các vị ấy đã dành ưu tiên cho những ca khúc phổ thông vui tai, dễ nghe, dễ cảm đang được nhiều người ưa thích.

Mãi tới năm 1988, thính giả mới được nghe Carol Kim hát phiên bản lời Việt Hận Tình Trong Mưa của Phạm Duy trong album Dạ Vũ Yêu Đương của Trung tâm Làng Văn.

Hận Tình Trong Mưa

1. Người tình thì xa tít nơi chân trời
Trời thì u tối, mùa đông đang đi tới ngày thì dài quá dài
Mưa đã rơi mù khơi, mưa tơi bời
Từng giọt mưa rơi trên mái ngói nghe như lời
Lời tôi khóc cho tôi.
Người tình ơi hỡi ơi! Trở về với tôi
Nép bên bờ vai, bên tôi hay ngồi
Và nói những câu buồn vui
Và vuốt mái tóc cho tôi
Dù chỉ là những câu nói dối với tôi
Nói lên câu ân tình
Tình đã chết nơi xa vời.

2. Ngồi chờ, ngồi mong bước chân ai về
Người về bên tôi, một đêm không mưa gió
Một cuộc tình não nề
Cho hết đi sầu thương, tôi không còn
Còn lặng câm
Đêm đêm khóc lóc như mưa dầm
Tình chưa chết trong tim.
Người yêu dấu ơi, Sayonara
Nói câu biệt ly, bên tai tôi còn vẳng tiếng đớn đau
Còn vừa mới e ấp trong nhau
Cuộc đời thoáng chan chứa những trăng sao
Bỗng như cơn mưa rào
Tình đã chết theo với người.

 

Người yêu dấu ơi, từ nay cách xa
Nói câu biệt ly, bên tai tôi còn vẳng tiếng đớn đau
Còn vừa mới e ấp trong nhau
Cuộc đời thoáng chan chứa những trăng sao
Bỗng như cơn mưa rào
Tình đã chết theo với người.

Sau Carol Kim, nhiều nữ ca sĩ tại hải ngoại đã thu đĩa Hận Tình Trong Mưa, trong số này thành công nhất có lẽ là Lệ Thu (với những thính giả thích cách hát kinh điển) và Ngọc Lan (với những thế hệ trẻ lớn lên sau 1975).

Phụ lục 5: Hận Tình Trong Mưa, Lệ Thu

VIDEO:

HẬN TÌNH TRONG MƯA – KOIBITOYO ( Itsuwa Mayumi ) Lời Việt : Phạm Duy Tiếng Hát : Ngọc Lan

 

clip_image010

Nữ ca sĩ Julie

Sau đó (hoặc cùng thời gian – chúng tôi không thể xác định), tác giả Khúc Lan đã đặt lời Việt với tựa Tình Là Giấc Mơ, và cũng được nhiều nữ ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại, trong đó có Julie, thu đĩa.

Tình Là Giấc Mơ

Người yêu ơi hãy đến với em đêm nay
Đừng để em theo cơn lốc quấn mãi mãi một đời bềnh bồng
Trong mắt môi khô mỗi khi tô sầu gọi thầm nhớ
Tìm đây thấy ước mơ chân tình để em giữ trong lòng
Người yêu dấu ơi, tình là giấc mơ
Giá băng tình ơi xanh sao đêm gầy
Tình đã ươm mộng mơ
Chuyện tình đó đã quá xa xôi
Mộng đầu dẫu tan vỡ những ước mơ
Đã cho nhau một lần
Là nhớ thương trao một đời
Kể từ đây chăn gối ái ân mặn nồng
Đường vào yêu muôn hoa nở thêm tươi thắm tình đậm đà
Em đã cho anh hết cả một đời người con gái
Kỷ niệm ấy mãi ghi trong lòng, nghìn thu khó phai mờ
Người yêu dấu ơi, từ nay cách xa
Tiếng ca từ đây nghe thêm não nề, càng quá xót xa
Chuyện tình đó đã vỡ tan mau
Mà lòng mãi day dứt không thôi
Hãy cho nhau một lần để nhớ thương nhau suốt đời
Người yêu dấu ơi, tình là giấc mơ
Giá băng tình ơi xanh sao đêm gầy
Tình đã ươm mộng mơ
Chuyện tình đó đã quá xa xôi
Mộng đầu dẫu tan vỡ những ước mơ
Đã cho nhau một lần
Là nhớ thương trao một đời 

Phụ lục 6: Tình Là Giấc Mơ, Julie

Từ đó, Hận Tình Trong Mưa Tình Là Giấc Mơ đã trở thành ca khúc Nhật lời Việt được ca sĩ trong nước cũng như hải ngoại trình diễn, thu đĩa nhiều nhất từ trước tới nay.

Theo ghi nhận của chúng tôi, số ca sĩ ấy ở trong nước nhiều hơn ở hải ngoại, đồng thời cũng có khá nhiều giọng nam.

Phụ lục 7: Hận Tình Trong Mưa, Quang Dũng

Theo một vài trang mạng, ngoài Hận Tình Trong Mưa Tình Là Giấc Mơ, còn có một phiên bản lời Việt khác của một tác giả ở hải ngoại với tựa Giấc Mơ Tình Yêu, tuy nhiên đã không ghi ra nội dung lời hát cũng như tên tác giả.

clip_image012

Nữ ca sĩ Mỹ Tâm

Cũng theo các trang mạng nói trên, nữ ca sĩ Mỹ Tâm ở trong nước cũng có một phiên bản lời Việt với tựa Người Yêu Dấu Ơi (dịch sát nghĩa “Koibito Yo”), tuy nhiên chúng tôi không tìm được audio file hoặc video clip của phiên bản này. Thay vào đó, xin gửi tới độc giả video clip thu Mỹ Tâm hát live tại Osaka, Nhật Bản.

Được biết vào giữa năm 2015, nằm trong trong chương trình giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, Mỹ Tâm đã trình diễn ca khúc Koibito Yo trong buổi trình diễn nhạc sống có tên tiếng Anh là Dreaming together in Osaka , với tiếng ghi-ta của danh cầm Oshio Kotaro.

Mỹ Tâm sinh năm 1981 tại Đà Nẵng, hiện được xem là một trong những ca sĩ hàng đầu tại Việt Nam; cô có một giọng nữ trung trầm (mezzo alto) khá điêu luyện, và, theo truyền thông trong nước, cô chịu ảnh hưởng lối trình diễn của hai nữ nghệ sĩ Mỹ Britney Spears và Jennifer Lopez.

VIDEO:

Mỹ Tâm – Người Yêu Dấu Ơi “恋人よ” (ft. Oshio Kotaro) | Dreaming …

HOÀI NAM

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search