T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ba Mươi năm . . . Xin trả nợ người

 

(Tiếc Thương – Ảnh của Nguyễn Ngọc Hạnh)

Ơi em áo cũ duyên không nợ

Ai phụ ai mà . . . mơ trăm năm

(T. Vấn)

▀Có một thời chúng ta nói yêu nhau thật dễ dàng. Làm như con người ta sinh ra đời để yêu nhau, và chỉ có yêu nhau mà thôi. Có một thời, khi chúng ta nói yêu nhau, là đã chấp nhận cho mình một định mệnh. Đó là sự chia ly. Đó là nỗi lo sợ cho những điều không may ẩn đằng sau những nụ hôn tuy nồng nàn nhưng vội vã, những bàn tay kiếm tìm muốn bù đắp cho đầy mọi bất trắc của ngày mai, những đam mê trần thế ao ước nhau một lần để tưởng đó là . . . trăm năm. Một mối tình không trọn vẹn, rất nhiều khi không phải là sự bội bạc.

Có biết đâu niềm vui,

đã nằm trong thiên tai

(Nguyễn đình Toàn).

Mà sự bội bạc, dẫu cho không bao giờ là đức hạnh của con người, nhưng cũng có lúc rất cần thiết để giúp chúng ta quên đi những tan vỡ trong cuộc đời.

Thôi thì em chẳng yêu tôi.

Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng

(Phạm Thiên Thư)

Tôi muốn nói đến những mối tình trong một thời chiến tranh đã qua, dẫu đã 30 năm. Ba mươi năm, một giấc ngủ đông muộn màng. Nhưng vẫn còn những người sống sót. Và những hệ lụy. Hẳn nhiên, không ai có thể cứ gậm nhấm mãi những đau khổ mất mát của mình, của người, và cùng lúc, sống trọn vẹn cho hiện tại với những trách vụ hàng ngày phải chu toàn, nhưng, con người ai chẳng có một dĩ vãng.

Như con chim bói cá/Trên cọc nhọn trăm năm/Tôi tìm đời đánh mất/ Trong vũng nước cuộc đời. (Du Tử Lê).

Quả thật, để làm người sống sót, không phải dễ dàng gì!

Hỡi những người con gái năm xưa! Những người con gái ở cả hai bên của một cuộc đối đầu. Những thân phận, cũng khóc cười theo mệnh nước nổi trôi như những người trai một hôm giã nhà để đi vào nơi gió cát. Những trái tim cô gái trẻ, dõi theo từng bước chân của người chồng, người yêu, mà cứ quặn thắt lại mỗi khi nghe tiếng ì ùng của đại pháo ở một nơi chốn nào thật xa xôi, thật xa lạ, nhưng thoáng chốc, đã trở nên thật gần gủi, thật quen thuộc. Những ước mơ ngập tràn tâm hồn thể xác, để chỉ đêm đêm nuốt lệ thở dài, mơ một ngày đất nước thanh bình, đón người từ cõi chết trở về, cùng nhau nối tiếp cuộc vui dang dở.

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

(Tô Thùy Yên).

Cuối cùng thì ngày ấy đã đến. Dù không hẳn là ngày đất nước thanh bình như mơ ước. Dù chỉ là ngày tiếng súng thôi không còn nổ. Nhưng cũng vẫn là ngày cuối cùng của một thời binh lửa.

Hỡi những người con gái năm xưa! những người con gái ở cả hai bên của một cuộc đối đầu. Cho tôi được khóc cùng với em. Vì đã có những người chồng, người yêu lỗi hẹn không về. Họ đã ở lại đâu đó trên mảnh đất quê hương. Bìa rừng, bờ ruộng hoang, con truông nhỏ, ngọn đồi cỏ cháy, hay con đường mòn dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trên ngực áo trận, phía có trái tim ẩn náu, vẫn còn bức thư tình dang dở viết cho em trong lúc chờ giờ giao chiến với những kẻ thù chưa một lần biết mặt. Theo năm tháng, tôi biết là hình hài chàng đã rữa nát, nhưng bức thư, với ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay (Trần Thiện Thanh), vẫn còn nguyên vẹn như tình yêu mà chàng đã dành cho em từ ngày ấy.

Trong giờ thứ 25 của cuộc chiến, tôi đã nhìn thấy những thây người như thế của cả hai bên, nằm vất vưởng trên Quốc Lộ 4. Tôi đã nhìn thấy, những cô gái thật trẻ, ngồi khóc thảm thiết bên những xác người. Và tôi đã thật sự ngạc nhiên, khi thấy mình vẫn còn sống sót.

Hỡi những người con gái năm xưa! những người con gái ở bên thất trận của cuộc đối đầu. Cho tôi được đau khổ cùng em cho đến ngày nỗi đau ấy mãi mãi nằm yên trong quá khứ. Vì đã có những người chồng, người yêu trong những ngày hỗn loạn cuối cùng của cuộc chiến, đã không thể có một chọn lựa nào khác hơn là đành buông trôi tất cả để ra đi, với hy vọng một ngày về. Còn sống là còn có ngày gặp nhau. Nhưng cũng như âm dương cách trở của cuộc tử biệt, hai bên của một bờ đại dương mênh mông ngày ấy sinh ly nào ai dám nghĩ đến một tương lai hội ngộ. Người đi kẻ ở. Ôi những ngày ấy, những ngày mà một đời người chỉ một lần kinh qua cũng quá đủ để không bao giờ muốn sống lại một lần thứ hai. Sau đó là biết bao thảm kịch, để đêm đêm người con gái trẻ ấy oằn mình trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng.

Và cũng có rất nhiều những người chồng người yêu trở về. Cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi với nỗi đe dọa thường trực đã khiến niềm vui đoàn tụ tan nhanh như bọt nước. Rồi chàng lại ra đi, bước chân vào một địa ngục để không bao giờ biết đến có hay không ngày trở về, dù cho tiếng súng trận đã hoàn toàn im ắng. Người đi đã yên phận người đi, nhưng còn người ở lại? Tôi biết nói gì cùng em đây khi tuổi xuân thì của em lặng lẽ ra đi như năm tháng nối đuôi nhau ra đi, mà chàng thì cứ biền biệt mãi phương nào, hay đã vùi thây trong một góc rừng nào đó của miền thượng du Việt Bắc xa xăm và xa lạ? Ai nỡ trách cứ gì em khi em không còn chọn lựa nào khác ngoài tự lo liệu lấy chính mình. Tôi hiểu. Em bước chân ra đi mà lòng nặng trĩu.

Ơi em áo cũ duyên không nợ.

Ai phụ ai mà . . . mơ trăm năm

(T. Vấn).

Hỡi những người con gái năm xưa! những người mà mãi cho đến ngày hôm nay vẫn là những xử nữ. Những người mà cuộc chiến chinh ba mươi năm đã lấy đi hết những người yêu trong mộng, mà cuộc biển dâu sau khi tiếng súng chấm dứt đã khiến em ngao ngán nhìn chung quanh một lũ người không ra người, ngợm không ra ngợm. Để đêm đêm em cô đơn cùng cực, cô đơn đến nỗi không có lấy một mảnh tình con mà thương mà nhớ, mà mơ mà mộng. Và tuổi xuân em không ngồi đó chờ em quyết định. Mỗi ngày qua, em ngồi bên song cửa . . . tuyệt vọng. Cho đến một ngày, nhìn những sợi tóc bạc trên mái tóc một thời mướt đen óng ả, em thở dài hiểu rằng thế là hết. Tôi tiếc cho tâm hồn em trinh nguyên, thể xác em trinh nguyên, chưa một lần biết đến hạnh phúc tột đỉnh của phút giây hai tâm hồn hai thể xác hòa với nhau làm một. Tôi tiếc cho cuộc đời em đã phí hoài trong những tháng năm vô vọng. Thà rằng em nép mình dưới cửa thiền hay trong một dòng tu kín. Thà rằng em phụ bạc hay người ta lỗi hẹn. Thà rằng . . . Những cái thà rằng thật độc ác. Liệu trên đời này có được niềm vui nào bù đắp cho những mất mát tội nghiệp của em? Tôi ước gì tìm được câu trả lời.

30 năm sau một cuộc chiến 30 năm. Chiều dài 60 năm của lịch sử một đất nước, cũng là chiều dài 60 năm của những mảnh đời dang dở. . . . có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời (Y Vân). Hơn bao giờ hết, trong những ngày này, tôi nhớ nhiều về em, cô gái trẻ năm xưa.

ba mươi năm tình nửa khuya đau đáu.

Tôi trở mình theo nỗi nhớ em

(T.Vấn)

Xin những người thiếu nữ năm xưa, nay ở bất cứ nơi nào trên quả đất này, hãy dành một phút giây mà nghĩ về quá khứ, và nếu có thể khóc được, hãy cứ để mặc nước mắt lăn dài trên gò má một thời rất đỏ của tuổi hoa niên.

Cũng xin gởi đến nhau một lời tha thứ.

Vận nước nổi trôi nên bao nhiêu anh hùng và thục nữ đã lập lờ như củi mục trên dòng sông nước cạn. Định mệnh đưa chúng ta, mỗi người về mỗi ngả. Ở hai bên Đông Tây của một bến bờ.

Và em ơi, tôi muốn được mượn lời nhà thơ tình tuyệt vời của thời đại chúng ta Phạm Thiên Thư để gởi em những nỗi lòng ấp ủ từ ba mươi năm nay.

Thì thôi tóc ấy phù vân

Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương

Thì thôi mù phố xe đường

Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

(Phạm Thiên Thư )

Tôi gọi em, – những người con gái năm xưa, ở cả hai bên oan nghiệt của một cuộc đối đầu – là đóa hoa sầu.

Đọan trường sổ gói tên Hoa

Xưa là gịot lệ – nay là hạt Châu

(Đọan Trường Vô Thanh – Phạm Thiên Thư)▄

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search