T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chuyện làng văn xóm chữ với bút hiệu (5)

lang van xom chu

Mô phỏng theo tên người nổi tiếng

Ơ đầu thế kỷ 20, nhà thơ trào phúng nổi danh nhất là Trần Tế Xương, đỗ tú tài nên người ta thường gọi ông là nhà thơ Tú Xương. Thế là hàng loạt người làm thơ trào phúng sau ông muốn tôn ông là “sư phụ” nên gán bút danh của mình với từ Tú: Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Tú Nạc, Tú Sụn, Tú Da, Tú Quỳ (Phan Quỳ), Tú Kếu (Trần Đức Uyển),

Tiếp theo là hàng loạt các từ Đồ:chỉ học vị như:

Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn), Đồ Tố (Ngô Tất Tố), Đồ Gàn (Bàng Bá Lân), v…v…

(Lê Trung Hoa)

 

Tú Mỡ

 Chuyện bút danh nhà văn là chuyện… muôn đời. Có những bút danh trái ngược hẳn với người như Tú Mỡ té ra lại là người rất gầy. Bút Tre thì lại toàn dùng bút máy, vì ông làm đến chức trưởng ty, chả có trưởng ty nào lại viết bằng bút tre cả.

(Văn Công Hùng)

 ***

Cuộc trao đổi tâm sự buổi đầu giữa anh Tam với tôi có chiều tâm đắc, và từ đó chúng tôi thành đôi bạn tâm giao, và khuyến khích lẫn nhau. Một hôm, không hiểu câu chuyện gì, anh nói đến vấn đề “gạn đục khơi trong” của học thuyết Mạc – Ðịch. Dĩ nhiên, các bạn đồng sự của tôi không thích thú lắm câu chuyện triết lý mệt óc đó. Ðể anh Tam khỏi bị ngượng như người thuyết minh giữa sa mạc, tôi làm ra bộ lắng tai nghe… Khi anh dẫn diễn đến câu “Nước trong ta giặt giải mũ, nước đục ta rửa chân…,” tôi bất thình lình, ra vẻ bắt chuyện, nói tiếp luôn “nước đá ta cho vào rượu bia ta uống!”.

Câu khôi hài ấy khiến cả buồng giấy cười ồ… Câu phá quấy của tôi không làm anh Tam giận, anh cười to hơn mọi người và bảo tôi: “Khá đấy! Anh nên làm thơ hài hước đi, anh có khiếu về trào phúng đấy.” Một lời đã biết đến nhau… Câu nói của anh thế mà thấm vào tâm trí tôi.

Ít lâu sau, anh tính chuyện mở một tờ báo trào phúng lấy tên là Tiếng cười. Anh thấy báo chí của ta bấy giờ chán ngắt, nếu không là báo thông tin “chó chết” thì là báo lý luận suông. Nước ta chưa có một tờ báo nào chuyên về trào phúng. Tiếng cười ra đời chắc sẽ được hoan nghênh trong làng báo quốc ngữ. Hiện anh đang đi tìm bạn cùng chí hướng để tổ chức tòa soạn, và xin tôi nhận một chân trợ bút về mục thơ trào phúng, ngón sở trường của tôi mà anh đã khám phá ra. Yêu cầu đó thật là hợp với sở thích, với ước mong của tôi.

(trích “Tú Mỡ – Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn” – Hồi Ký của Tú Mỡ)

 

Võ Phiến

Tên thật Ðoàn Thế Nhơn., sinh tại Phù Mỹ, Bình Định.

“…Mặc dù cũng đi làm toàn thời như anh, rồi nuôi một bầy con bốn người ba trai một gái, với hai người con trai kẹt lại ở Việt Nam mãi nhiều năm sau mới qua được, rồi cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, song chị cũng còn giữ phần đánh máy tất cả những trang bản thào của anh, bảo làm sao chị không cùng thương những đứa con tinh thần của anh cho được, dù cho chúng có ra thể nào, và nâng niu, bảo bọc chúng. Tôi tẩn mẩn thầm hỏi: Giá anh không đọc lái tên chị — Viễn Phố — thành Võ Phiến, rồi dùng nó làm bút hiệu từ đó, thì liệu chị có vẫn cảm thấy những đứa con tinh thần đông đảo của anh gần gụi với chị đến thế?…”

(Viễn Phố: Người đàn bà đằng sau bộ ‘Văn Học Miền Nam 1954-75 – Trùng Dương)

 Nguiễn Ngu Í

Nguiễn Ngu Í tên thật là Nguyễn Hữu Ngư (SN 1921) tại làng Tam Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và mất năm 1979.

Thế nhưng trên diễn đàn văn học, báo chí với tên tuổi Ngu Í lại được nhắc đến khá đặc biệt cùng theo đó là những giai thoại vừa vui vừa xót xa cho một con người mang nhiều mơ ước. Phải kể đến việc Ngu Í sử dụng chữ viết theo cách riêng cho mình trên tác phẩm và bài báo mang bút hiệu của ông. Việc người đọc thấy hợp lý hay không cũng có nhiều ý kiến, nhưng cách phát âm hầu như phù hợp với âm ngữ miền Nam. Một số chữ mà Ngu Í sửa đổi theo nguyên tắc ngôn ngữ học: mỗi dấu hiệu cho một âm, mỗi âm chỉ có một dấu hiệu… để có sự thống nhất trong sử dụng. Chữ I dùng một mình, ở đầu, ở cuối, ở giữa tiếng nếu giá trị nó với y như nhau (i/sĩ, yêu/iêu, nguyễn/nguiễn…). Phụ âm C (đọc Cơ) ráp với tất cả nguyên âm (Ke/ce, kê/cê, kí/cí…). Chữ K thay kh (đọc Khơ) như khó khăn/ kó kăn, không/ kông… Phụ âm Z (đọc Gơ) ráp với tất cả nguyên âm (ghe/ge, ghi/gi…), ngh thay ng (nghe/nge, nghiện/ngiện…). Chữ J (đọc giơ) thay Gi (gia đình/ja đình, giữ gìn/jữ jìn, gió/jó…). Bỏ dấu sắc trên những vần tự chúng đã có thanh sắc đối với những vần sau cùng bằng p, c, t, ch (phap, chiêc, hêt, sach…). Theo Ngu Í, viết theo phát âm miền Nam thì chữ Q (đọc Quơ) thay cho Qu (quốc/qốc, quy/qy, quê/qê…), với phát âm miền Bắc thì phải viết Cuốc hoặc Kuôk và F thay cho Ph, chữ p cuối từ là b (lễ feb, nước Fab…).

Năm 1970, Nguiễn Ngu Í cùng Bùi Giáng và vài người bạn thơ cùng mang tâm bệnh, điều trị tại nhà thương điên Biên Hòa, có sự bảo trợ của bác sĩ Tô Dương Hiệp là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc ấn hành tập thơ Thơ Điên còn gọi là Thơ Điên Thứ Thiệt, mỗi bài thơ in 2 cách viết, chữ thông dụng và chữ của Ngu Í. “Băng thiên tuyết địa thịnh triều/ Dặm khuya ngất tạnh ô kiều nương ôi” (Bùi Giáng) – Viết theo Ngu Í: “Băng thiên tuiêt địa thịnh triều/ Dặm kuia ngát lạnh ô ciều nương ôi”. Trong một bài hồi ức về người bạn thân, GS. Trần Văn Khê kể lại, từng tranh luận về một số chữ Ngu Í thay đổi cho rằng chưa hợp lý nhưng Ngu Í vẫn khăng khăng bảo vệ. Ngu Í nói, tại sao chữ C ta đọc để đánh vần là Cờ (cờ a ca) được mà chữ Ke hay Ki lại chữ K, Kinh Kha phải viết là Cinh Ka, Trần Văn Khê/ Trần văn Kê… Còn chừ D thay Y cho người miền Nam (dung nhan/ yung nhan), chữ Z cho người miền Bắc (dân tộc/zân tộc)…Chữ Đ vẫn dùng D (đe dọa/ de zọa). GS. Trần Văn Khê cũng thừa nhận và viết: “Biết là anh (Ngu Í) có lý, nhưng thay đổi cách viết như vậy gây ra cả một số vấn đề nan giải: in lại tất cả sách giáo khoa, sách nghiên cứu, sửa đổi cách dạy học, dạy viết trong các trường, không phải đơn giản…” (1974).

(nguồn Phan Chính)

 

Bùi Giáng

Bút danh: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Bàng giùi, Bùi Tồn Lưu (1).

Bút hiệu: Bùi Văn Chiêu Lỳ, Giáng Monroe, Brigitte Giáng

Trong cuốn Hoàng tử bé được in, Bùi Giáng lấy bút danh là Bàng Giúi (2) kèm theo hai câu lục bát sở trường: “Chép tờ Kim Hải Thạch Bi/Hồn ca Vũ Địa lối về Long Quân”

(nguồn Cung Văn Nguyễn Văn Hồng)

***

(1) Bùi Tồn Lưu nói ngược và đảo chữ của 2 chữ “t” và “l”

theo nghĩa…tục dân gian.

(2) Bàng Giúi nói lái của tên Bùi Giáng

(nguồn Phạm Sư Ôn)

 

Ngộ Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

Bài Mới Nhất
Search