T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 134)

clip_image002.jpg

 Chữ nghĩa làng văn

 Một trong những yếu tố gây khốn khổ cho nhà văn là cốt truyện.

Bạn sẽ cần phải dựng cốt truyện. Tác phẩm cần cốt truyện như là cơ thể cần một bộ xương vậy.

Phần lớn các nhà văn cho rằng, cốt truyện là chuỗi sự kiện, là cách thức tác giả chuyển tải chúng đến người đọc.

 (Cửa ải gian khó của nhà văn – Andrew Taylor)

Trần ai khoai củ

 Trần ai: cõi đời.

Thành ngữ “trần ai khoai củ” chỉ sự chật vật, khốn khổ khi làm một

công việc gì, khác gì củ khoai lăn óc trên mặt đất.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

 Vấn đề phân biệt hai cách viết văn xuôi: “kể lại nội dung” và “viết nội dung”, nhà văn Xôlôukhin có đưa ra một nhận xét thú vị:

90 phần trăm các nhà văn Liên xô kể lại nội dung, chỉ có 10 phần trăm viết nội dung.

(“Kể lại nội dung” và “Viết nội dung” – Hoàng Ngọc Hiến)

Nải

 Nải: góp nhiều lại

(nải chuối, nải cau)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

An Nam đồ chí

Ngô Sĩ Liên đã thay thế Triệu Đà (1) bằng Hùng Vương và cho nước Văn Lang lên tới Động Đình Hồ thì không còn lý do gì mà phải theo. Ngô Thì Sĩ bảo rằng Triệu Đà đóng đô ở  Phiên Ngung là…ngoài lãnh thổ Việt.

Thời Ngô Thì Sĩ, chuyện nước Việt có lúc lên đến Động Đình Hồ đã là chuyện hoang đường với ông Hùng Vương, ông Lạc Long Quân và dòng dõi loanh quanh, bản thân ngụp lặn ở hồ Động Đình. Về địa giới nước Văn Lang (2) sách Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện trong Truyện Hồng Bàng ghi:

“…Địa giới nước Văn Lang: Đông giáp Nam Hải (nay là Quảng Đông- Trung Quốc) Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên- Trung Quốc) Bắc đến Động Đình Hồ (nay thuộc Tỉnh Hồ Nam Trung Quốc) Nam đến nước Hồ Tôn (Chiêm Thành)…”

An Nam bản đồ sổ thiên lý

Thiểu thị cư dân, đa sơn thủy

Đông lân Hợp Phố, bắc nghi Ung

Nam để Chiêm Thành, tây Đại Lý

(1) Đoạn văn gãy khúc trên với ý của sử gia Tạ Chí Đại Trường là ông cùng quan điểm với sử thần Ngô Thì Sĩ là: Nước Nam Việt của Triệu Đà nằm ở bên…Tàu.

(2) Địa giới nước Văn Lang, vua Tự Đức cũng đã tỏ dấu nghi ngờ:

“…Chẳng qua sử cũ chép quá phô trương đó thôi. Địa giới nước ta từ đời Trần về trước, phía đông giáp biển, phía tây giáp Vân Nam, phía bắc giáp Quảng Tây, phía nam giáp Chiêm Thành. Đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không còn dựa vào đâu mà khảo đính được. Sử đời Lê lại chép quá xa, nào là hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình Hồ của nước Sở thì còn xa lắm. Nào biết những ranh rới tới đâu! Chẳng cũng xa sự thực lắm ru….”

(Sử gia Tạ Chí Đại Trường – Sử Việt đọc vài quyển)

Tuổi già cám cảnh (2)

40 tuổi là trẻ con
50 mới lớn vẫn còn bé ti

60 là tuổi dậy thì

65 hết tuổi thiếu nhi

 Tên và tuổi (3)

Trên XO, mỗi hãng có vài chai đặc biệt tuổi rượu từ 45 năm trở lên và rất đắt tiền với những tên thường là: Extra hay Or…

Vì mỗi hãng có vài chai thượng hảo hạng nên dưới đây chỉ là một trong những tên tượng trưng:

Martell: Extra Vieille Martell

(Rượu này chỉ giới thượng lưu quý tộc được mua mà thôi. Nhưng phải mua tại lò.

Remy Martin: Louis XIII

Couvoisier: Extra Vieille

Hennessy: Paradis

Triệu Đà

Thời lập quốc, nước ta có tên là…”Nam Việt” bằng vào đời Hùng Vương thứ 18, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên dựng sử nước “Nam Việt ta”…

Nhà Tần lấy Giao Chỉ làm Tượng Quận, Triệu Đà (1) dấy binh đánh lấy hết các quận quốc rồi xưng đế. Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán. Theo sách Quảng Châu Ký, Triệu Đà đã đặt tên là Nam Việt. Đóng đô ở Phiên Ngung (2).

 Mặc dù trước đó cả mấy trăm năm, Ngô Thì Sĩ có cẩn án trong Việt Sử Tiêu Án: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều sai vì rằng:

Triệu Đà chỉ mới ngừng chân ở Quảng Đông, Quảng Tây, chưa đến đồng bằng Bắc Việt. Mà nước “Nam Việt ấy ở bên Tàu”, miền Nam Hải, Quế Lâm. Do vậy, trong sử Nam ta chẳng bao giờ có quốc hiệu là Nam Việt với một ông vua gốc Tàu tên Triệu Đà.

Ngô Thì Sĩ chê Ngô Sĩ Liên “hiểu theo lối nông cạn” của Lê Văn Hưu. Rồi chê các sử quan sau tiếp tục “cùng nhau ca tụng” Triệu Đà đến cả ngàn năm, cứ sai lầm mãi cho đến khi có ông cải chính, mà không thấy rằng đó là kết quả của tinh thần từ chương kinh sử mà ông cũng đã chia xẻ trong những phần khác của ông.

Đến thế kỷ 20, theo Lịch Sử Việt NamViệt Nam Sử Lược của Đào Duy Anh với Trần Trọng Kim vẫn nhận nước ta là nước Nam Việt và Triệu Đà là vua nước Việt ta.

(1) Trong Bình Ngô Đại Cáo 1428 Nguyễn Trãi viết: “Việt ta từ Triệu (Triệu Đà), Đinh, Lê, Lý, Trần…” và không nhắc đến Hùng Vương. Ngay cả sử Tàu cũng vậy.

(2) Tư Mã Thiên có một chương nói về Triệu Đà, có đoạn:

Triệu Đà lấy được nước Âu Lạc của Thục Phán và gọi là nước Nam Việt, tự xưng làm vua, lập ra nhà Triệu, tức Triệu Vũ Vương đóng đô ở Phiên Ngung (nay thuộc Quảng Châu bên Trung Hoa).

(Sử gia Tạ Chí Đại Trường – Sử Việt đọc vài quyển)

Địch – Ta (3)

 Vợ là địch

Bồ bịch mới là ta

Khi chiến sự xẩy ra

Ta buộc về với địch

Rục rịch ta nhớ ta

Phở (6)

Vậy phở có nguồn gốc từ đâu?

Chúng tôi cho rằng phở có nguồn gốc từ món xáo trâu rất phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20. Để làm món này người ta chuẩn bị nguyên liệu: thịt trâu thái mỏng, hành lá, tỏi, mỡ, rau răm, khế chua cắt ngang…Sau đó họ xáo (xào) thịt trong chảo rồi đổ ra bát riêng, kế tiếp bỏ khế vào, đảo đều tới lúc khế chuyển sang màu trắng; rồi cho thịt, rau răm và hành vào, đảo cho tới lúc tỏa mùi thơm; cuối cùng họ chế nước vào, để lửa liu riu. Khi ăn, họ lấy bún cho vào bát, sau đó gắp vài miếng thịt trâu bày trên mặt bún rồi chan nước xáo thịt vào.

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

Tri nhân, tri diện bất chi tâm

 Câu thành ngữ Hán Việt này ám chỉ: Biết người, biết rõ mặt,

nhưng phải đợi thời gian mới hay biết tâm địa người ta.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Trò hơn thầy

 Truyện dân gian có nhiều, lâu nay bị thất lạc. Muốn cho đầy đủ thì quả là khó khăn, và cũng chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Nên phải góp nhặt từng phần từng mảng, nhưng chúng tôi vẫn bằng lòng hàng chục năm nay với sự thu góp ấy.

Một anh học trò rất hà tiện, học một thầy đồ cũng rất hà tiện. Một hôm, thầy đồ có giỗ, anh học trò phải đến phục dịch. Thầy sai ra chợ mua cái bánh đa về cúng. Anh học trò đi chơi một lúc, mang về một xâu bánh đa và một con gà. Thầy ngạc nhiên hỏi:
-Bảo mày đi mua bánh đa, sao lại mua thêm gà, hoang phí thế.
Trò trả lời:
-Con mua thế này là con đã tính kỹ lắm rồi ! Thầy trò ta ăn bánh đa thế nào cũng rơi vãi. Con mua gà về để nhặt những mảnh rơi cho khỏi phí.
Thầy gật gù:
-Khá đấy !!!
(Vũ Ngọc Khánh – Kho tàng truyện dân gian)

Chữ và nghĩa

 Tục lệ miền Nam ngày Tết không bày cam và chuối.

Vì kiêng cữ với cam là cam chịu.  Chuối đọc theo giọng miền Nam chuối là chúi chúi mũi, làm ăn bết bát không ngóc đầu lên nổi.

 Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 Lễ cúng cơm 1

Gia đình Việt Nam nhà nào cũng vậy, mỗi ngày có hai bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất. Trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ về ăn cơm một lúc cho vui vẻ, đầm ấm. Con cháu cầm bát cơm lên, trước hết mời ông bà, cha mẹ, chờ ông bà, cha mẹ rồi mới bắt đầu mới dám ăn. Có nơi xới bát cơm lần thứ hai còn mời nữa. Nếu có khách, trước khi buông bát đũa đứng dậycòn phải xin phép và mời khách tiếp tục xơi cơm. Cuộc sống gia đình đang vui vẻ, êm đẹp như vậy, vắng mặt trong bữa cơm còn nhắc, huống chi vĩnh viễn đi xa. Do đó, trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, nhà ăn thứ gì cúng thứ đấy, thường là tinh khiết, không đòi hỏi cầu kỳ, nhà nghèo thì lưng cơm, đĩa muối cũng xong. Thắp hương xong, dựng đôi đũa vào giữa bát cơm, có rượu thì rót chén rượu. Khấn vái xong cũng rót chén nước.

Thờ cúng vong linh cũng giống như đang sống, cũng là để thoả nguyện tâm linh, “Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”.

Sự phát triển của tiếng Việt (II)

 Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch (1916):

Ðây có thể nói là một trong những truyện Việt Nam viết theo truyện Tàu đâu tiên đượm tinh thần Thiên Chúa giáo. Truyện được đăng trên tờ Nam Kỳ Ðịa Phận từ số 403 (1916) đến số 415 (1917), tác giả là Charles Ngọc Minh đến nay vẫn chưa tìm ra tiểu sử. Truyện cho thấy ở Nam Kỳ, truyện Tàu rất ảnh hưởng đến quần chúng thế nào, khiến cho những người truyền đạo mượn lối viết đó để truyền bá đạo mà tác giả tin là phù hợp với đạo lý dựa trên Nho học bình dân. Truyện có nhiều tình tiết giống các truyện Kiều và Lục Vân Tiên; các truyện này được viết theo thể văn vần trong khi Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch viết theo văn xuôi.

“Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch theo chuyện Tàu ở chỗ nội dung nói chuyện đạo đức, ở lối chia truyện làm 11 hồi với hai câu thất ngôn ở đầu mỗi hồi, cũng như lối mở đầu câu chuyện:
Lối năm 1685, gần rốt đời nhà Minh, buổi vua Thần Tông, ở Triệu Khánh phủ về tỉnh Quảng Ðông có nhà kia hai vợ chồng sanh đặng một trai đặt tên là Joseph Ngô Kim Luông, cha tên là Gioang Ngô Kim Thạch, mẹ là Martha Ðặng Ngọc Khanh”.

Nội dung là chuyện luân lý, kết hợp giữa tam cương ngũ thường của đạo Nho với mười điều răn (thập giới) của Thiên Chúa Giáo, giữa nhân ái của Khổng giáo với bác ái của đạo Chúa, với đức tin vào Thiên Chúa là cha trên trời chí công và chí nhân (…).
(Nguyễn Vy Khanh – Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)

Tiếng lóng hiện thực

Dốt như con rối

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Đây thôn Vĩ Dạ, bài thơ được in trong tập Thơ điên có những câu:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gần đây có nhiều người cho rằng “mặt chữ điền” chẳng phải để tả người mà chỉ là tiếp nối các câu tả cảnh ở đầu bài thơ:  sau khi tả nắng hàng cau, tả vườn cây xanh lá.

Và câu thứ tư tả nét kiến trúc đẹp: lá trúc che ngang …tấm chữ điền (chấn môn) trước cửa nhà. Vì kiến trúc xưa thường xây bức chấn môn chắn trước cửa ra vào. Tấm chắn này có khi được trang trí hoa lá, hổ phù, có khi đắp nổi nguyên hình một con hổ. Đơn giản hơn, có khi chỉ đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt “chữ điền” Ở vùng Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, vào cho đến các tỉnh nam Trung phần xưa vẫn gọi tấm chắn trước cửa ấy là “mặt chữ điền”. Hai bên chấn môn lại thường có trồng thêm hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ…

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam kêu vạc tre, Bắc là cái chõng

Nam trả treo, Bắc lý luận ngược xuôi

Nam biểu vui ghê, Bắc nói buồn cười

Bắc chỉ thế thôi, Nam là vậy đó

 Bẩy người trong Tự Lực Văn Đoàn (2)

1/. Nguyễn Tường Tam – Bút hiệu: Nhất Linh, Đông Sơn, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt. Ông là Giám Đốc cùng Chủ Bút báo Phong Hóa và Thủ lĩnh nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

2/. Trần Khánh Giư – Bút hiệu: Khái Hưng, KH, Nhị Linh, Nhát Dao Cạo, Hàn Đãi Đậu và Bán Than.

3/. Nguyễn Tường Long – Bút hiệu: Tứ Ly, Hoàng Đạo, Tường Vân và Đạo Danh Phúc Vân.

4/. Nguyễn Đình Lễ tức Thứ Lễ – Bút hiệu: Thế Lữ và Lê Ta.

5/. Nguyễn Tường Lân – Bút hiệu: Thạch Lam, Việt Sinh, Thiện Sĩ.

6/. Hồ Trọng Hiếu – Bút hiệu Tú Mỡ.

7/. Ngô Xuân Diệu – Bút hiệu Xuân Diệu.

(Phạm Thảo Nguyên – Bếp Núc của Tự Lực Văn Đoàn)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search