T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Vẫn thắm mối tình xưa

thoi nhe em ve-1       

Thôi Nhé Em Về – Tranh: Thanh Châu

 

 

Ngày… tháng… năm

Sao bây giờ mình lại nhớ người ta nhiều đến thế? Em thầm nhủ  và bước nhẹ ra hiên nhà, tựa đầu trên những song sắt nhỏ, sơn màu bạc dưới ánh trăng mờ mờ chiếu. Hương dạ lý nơi khu vườn nhà bên cạnh thoang thoảng đưa sang với mùi thơm dìu dịu. Trời đêm hực nóng, không một chút gió lay động cành lá. Em thèm ngã lưng trên thảm cỏ xanh mơn, ướt đọng sương đêm, ngước mắt đếm sao, môi thì thầm một bản tình ca tuyệt vời. Đăng ạ! em đã mơ như thế cùng với hình ảnh anh êm đềm trong tâm tưởng. Em cũng không hiểu tại sao mình lại nghĩ đến anh trong giây phút này. Thế có phải là em yêu Đăng không? Em nhỏ Khánh Diên yêu chàng Vĩnh Đăng của “khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát” rồi sao? Eo ơi! em không chịu như thế đâu. Đăng nè! Em nhỏ chỉ thích anh. Thích và mến anh chứ không yêu anh đâu nhé. Đừng hiểu lầm cô bé nghe anh!

Ngày… tháng… năm

Hai ngày trôi qua em thu mình trong nỗi buồn câm nín. Đăng ơi! anh có biết là em nhỏ đang giận anh kinh khủng không? Anh có biết là anh rất đỗi vô tình khi cúi xuống gần em hỏi nhỏ:

-Khánh Diên buồn gì mà im lặng thế?

Em ghét anh. Ghét anh hơn bất cứ ai trên đời này, vì anh đã không nhìn thấy những giận hờn trong mắt em, trên môi em và trong trái tim em. Nhưng mà… có phải em vô lý lắm không khi giận hờn anh? Ừ! mà tại sao em lại buồn, lại giận, khi bắt gặp anh thân mật với cô bạn cùng lớp. Người ta có phải là “gì gì” của mình đâu. Em tự trách mình rồi mỉm cười vu vơ -nụ cười đầu tiên của hai ngày héo hắt với nỗi buồn u uất, chìm khuất trong hồn. Nhưng … chẳng phải vì thế mà em hết giận anh đâu nhé. Em vẫn giận anh cho đến bao giờ…

Ngày… tháng… năm

Em đã đọc nhiều lần lá thư của anh do Thuần mang đến khi em một mình lặng lẽ chống tay trên hành lang hắt hiu buổi sáng. Nỗi xúc động làm mi em ứa lệ. Giận hờn ngày nào đầy đầy trong tim chừng như phôi phai, tan biết tự lúc nào.

Đăng ơi! tự dưng em gọi anh bằng thứ âm thanh ngọt ngào, trìu mến. Từ đó, có một nỗi hân hoan nào đâu lạ lùng choáng ngợp cả vùng hồn xôn xao nỗi nhớ. Em nghe lạ với chính em. Tình cảm không sao phân tích được khi Thuần nhìn sâu vào mắt em, tò mò dò hỏi:

-Sao mi giận Đăng?

Em cúi đầu xấu hổ, không sao bày tỏ được bằng ngôn ngữ. Hỏi như thế chứng tỏ Thuần đã biết từ đầu. Nhỏ bạn thân vân vê đuôi tóc em, lời rất khẽ:

-Có phải mi yêu Đăng?

-Eo ơi! con khỉ này nói bậy ghê ta…

Em chỉ nói được bấy nhiêu thôi rồi giấu mặt vào tóc, im lặng với cái cắn môi thật đau. Có phải em yêu Đăng như Thuần vừa nói không? Có sợi tơ mong manh nào đó đang rối bời trong tâm tư em. Đăng có biết cho em không?

Ngày… tháng… năm

Cả buổi tối em loay hoay trên bàn học mà chẳng có một chữ nào thấm vào đầu óc. Cảm giác lạ lùng trong buổi chiều nay như còn lãng đãng chung quanh. Em nâng niu những ngón tay dài, vuốt ve những sợi tóc mây, để tưởng chừng như hơi thở của anh còn vương trên đó. Sao em lãng mạn ghê nơi. Như bây giờ, tự dưng thèm nghe lại câu nói trầm ấm của anh:

-Khánh Diên có biết, trong mắt em chứa đựng thứ hạnh phúc êm đềm mà chưa lần nào anh nhìn thấy nơi ai.

Em biết là Đăng nói nịnh để em quên đi nỗi hờn giận hôm nào, chứ làm sao đôi mắt em đầm ấm được khi lúc nào nó cũng chực chờ tuôn rơi giòng lệ. Mà sao hôm nay Đăng toàn nói những câu khó hiểu làm em suy nghĩ muốn vỡ tung đầu óc. Em ghét Đăng rồi đó biết không? Em không thèm nghĩ đến Đăng nữa đâu. Em đi ngủ đây.

Ngày… tháng… năm

Hơn một tuần Đăng xa Sài gòn. Thành phố rồi cũng buồn theo bước chân anh. Mỗi buổi tan học, em một mình đếm bước dưới những hàng cây thẳng tắp, quen thuộc. Những cánh lá xanh xanh đan kín khung trời, không cho em nhìn thấy màu mây hạnh phúc, để thầm gửi lên đó những nhớ nhung sâu kín trong hồn em. Em nghe nhớ Đăng lạ lùng. Nỗi nhớ làm em thẫn thờ trong từng cái nhìn, từng câu nói. Thuần cứ nhìn em với nụ cười như chế giễu. Khi ra về, nhỏ còn dúi vào tay em một mảnh giấy và dặn về nhà mới được đọc. Em thắc mắc mở ngay tờ giấy sau cái quay lưng của Thuần.

“Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Có phải mi đang tương tư anh chàng Đăng rồi không?”

Nhỏ Thuần này… sao cứ làm em rối trí. Hết yêu rồi lại tương tư. Mà có phải là em đang tương tư Đăng không? Làm gì có, con gái Gia Long “chảnh” lắm mà, có đời nào lại đi tương tư…

Nhưng nỗi nhớ này phải gọi tên gì cho đúng đây? Trái tim ơi! hãy trả lời cho em đi.

Ngày… tháng… năm

Bây giờ thì em không làm sao trốn chạy được sự thật. Em đã yêu rồi. Yêu thật thiết tha, thật đậm đà, Đăng có hiểu? Em đã bâng khuâng cả buồi chiều với lá thư màu xanh của Đăng. Ngọt ngào biết bao thứ hạnh phúc đầu tiên em đón nhận. Em không biết phải viết gì đây. Em bối rối đến cuống quýt cả chân tay. Đăng ơi! hẳn là ở nơi nào đó anh đang hình dung được nụ cười thẹn thùng của em, như lần nào trở về phố thị, anh dịu dàng xoa nhẹ bờ vai gầy gò của em, với ánh mắt nồng nàn, trìu mến. Giọng anh thật ân cần, âu yếm:

-Những ngày anh đi xa, Khánh Diên có nhớ anh không?

Em đã cắn môi, cúi mặt trên bờ vai anh, thinh lặng với thoáng mắt long lanh giọt mừng. Nhưng Đăng có biết, đó là lúc em thầm thì với chính em “Đăng ơi! em yêu Đăng”…

 

***

Mấy mươi năm trôi qua, biết mấy ngàn lần chị đọc lại trang nhật ký cũ để nhớ về cuộc tình đã đi vào dĩ vãng, nhưng vẫn mãi nồng nàn trong trái tim đau, mỗi khi chị bồi hồi tưởng nhớ hình ảnh người tình tuổi học trò.

Ngày đó…

Đăng tình nguyện làm cái đuôi của “cô bé Khánh Diên xinh như mộng”  -lời của anh- để tha hồ bị hành hạ. Mẹ thường mắng mỏ:

-Bây giờ hành hạ nó cho sướng, mai này cưới về rồi nó đì cho biết thân.

Khánh Diên phụng phịu lắc đầu:

-Con có thèm ưng đâu mà cưới.

Nói thế, nhưng lòng Diên vui khấp khởi, vì biết mẹ không ngăn cấm. Mẹ thương Đăng hiền lành, ôn hòa, chịu cực, chịu khó, phụ giúp, đỡ đần mẹ anh, người đàn bà đơn chiếc, nuôi đàn con vất vả trăm bề.

Nhưng rồi tất cả đã đảo lộn sau ngày đất nước tang thương. Trong khi ba của Khánh Diên phải khăn gói vào trại cải tạo thì ba Đăng từ miền Bắc quay về. Mới ngày nào Khánh Diên và Đăng còn tay trong tay, tung tăng trên từng con phố nhỏ, bỗng dưng giờ đây mỗi người một chiến tuyến, bốn mắt nhìn nhau nhưng sao quá ngỡ ngàng, chua xót vì hai gia cảnh đối nghịch nhau.

Mẹ Khánh Diên rơi vào cảnh đói nghèo, vất vả, xác xơ cả tinh thần lẫn vật chất. Còn mẹ Đăng, người đàn bà lam lũ, hiền lành, ngày nào là hàng xóm thân thiết của gia đình Khánh Diên, bỗng chốc “cởi lớp”  khi ba Đăng -người đàn ông theo bạn bè đi tập kết-  “áo gấm về làng” với chiếc lon thượng tá ngạo nghễ trên cổ áo. Gia đình Đăng rời bỏ căn nhà bé nhỏ, đơn sơ. Mẹ Đăng trở thành chủ nhân ngôi biệt thư sang trọng của một thương gia bị tịch thu tài sản trong đợt đánh tư sản mà cha Đăng được quyền tiếp thu. Mẹ Khánh Diên nghẹn ngào, tủi nhục khi mẹ Đăng hách dịch, kiêu căng, dạy bảo bà phải đi kinh tế mới, phải tuân thủ chính sách của nhà nước dành cho ngụy quân tàn ác, có nợ máu với nhân dân thì chồng mới được hưởng sự khoan hồng. Có miệng mà không nói nên lời vì sa cơ thất thế, bà uất ức trả đũa bằng cách ngăn cấm Khánh Diên:

-Không được giao du tình cảm với thằng con trai có cha là kẻ cướp nhà, cướp của người khác.

Đăng ngỡ ngàng, đau đớn. Khánh Diên bàng hoàng với nước mắt xót xa. Hình ảnh tiều tụy, tang thương của cha trong ngày hai mẹ con lặn lội ra tận miền Bắc thăm nuôi, khiến lòng Khánh Diên đau như cắt, nên dẫu có yêu Đăng bằng cả trái tim nồng nàn, tha thiết,  Diên cũng chẳng dám cãi lời mẹ. Cuộc tình thơ mộng bỗng héo hon, tàn lụi. Không dám đặt lên đôi gánh đang nặng quằn vai mẹ thêm một nỗi buồn phiền nào nữa, Khánh Diên đành quyết định chia tay trong im lặng vì không trả lời được câu hỏi của Đăng:

-Ba anh là ba anh. Anh là anh. Như thế, anh có lỗi gì trong trong sự khốn khổ của ba em?

Cho dù Đăng không là nguyên nhân nỗi thống khổ của gia đình mình thì Khánh Diên cũng không thể duy trì mối tình đầu đẹp như mơ. Người con gái vẫn còn ngờ nghệch, ngây thơ giữa một xã hội hỗn độn, đầy bất trắc, đành buông tay, quay lưng làm mặt lạ với người mình đang yêu thương, nhớ nhung quay quắt để vui lòng mẹ. Mẹ thương Khánh Diên, thương đứa con bất hạnh sinh nhầm thế hệ. Mẹ đau thắt ruột gan khi nhìn con gái úp mặt vào gối, nén tiếng khóc nấc nghẹn ngào trong nỗi đau đầu đời. Nhưng nhớ đến người chồng thân yêu đang phải chịu cảnh hành hạ, đói khổ, bệnh hoạn, nơi rừng thiêng, nước độc,  bà không cam lòng để cho con trai của kẻ thù bước chân vào ngưỡng cửa nhà mình.

Cuối cùng, mẹ đành gạt nước mắt, chấp nhận chia lìa để cho Khánh Diên theo người chú ruột, vượt biển tìm đến miền đất hứa với lời dặn dò:

-Chỉ có cách này con mới có thể giúp mẹ lo cho ba và các em được tiếp tục học hành.

Mẹ Khánh Diên biết con gái mình là đứa con hiền lành, hiếu thảo, nặng tình cảm gia đình, nên trao cho Diên một trọng trách nặng nề, dù trong thâm tâm của bà, đó không phải là mục đích chính, nhưng chỉ vì muốn dứt con gái ra khỏi mối tình mà bà không thể chấp nhận được vì nỗi oán hận, căm thù đang chiếm trọn tâm tư bà.

Trước ngày đi, Khánh Diên gặp Đăng trên đường từ khu chợ bán quần áo cũ- nơi mẹ Khánh Diên đang lăn lóc, xuôi ngược tìm kế sinh nhai- trở về nhà. Lần đầu tiên trong suốt thời gian tránh mặt, Khánh Diên dừng lại khi Đăng mừng rỡ, ngọt ngào lên tiếng gọi “Khánh Diên”. Lòng Diên quặn đau khi nhìn Đăng hốc hác với đôi mắt buồn vời vợi. Thương Đăng quá đỗi, nhưng làm sao đây anh? Khánh Diên ứa nước mắt khi Đăng nói bằng giọng ấm áp, nặng trĩu u buồn:

-Ngày mai anh đi xa rồi, em khỏi cần phải tránh mặt anh nữa.

Khánh Diên nghe giọng nói của mình có chút thảng thốt:

-Anh đi đâu?

-Đi… bộ đội.

Khánh Diên cúi mặt, trong nụ cười buồn thoáng chút mỉa mai.

-Ừ! anh phải đi… phải bảo vệ chế độ này, vì ba anh là quan lớn…

-Đừng cay đắng với anh nữa. Anh không vì cái gì… không vì ai hết. Anh đi để quên đời, quên mình… quên mối tình tan vỡ một cách oan ức… Anh muốn nói lần cuối cùng… anh mãi mãi yêu em… hết kiếp này cho đến kiếp sau…

Khánh Diên vùng khỏi vòng tay ôm xiết của Đăng, hối hả chạy đi để che giấu niềm xúc cảm đang dâng trào trong trái tim đau, xót xa từng nhịp đập. Ngày rời xa quê hương, rời xa mẹ và các em, trong túi hành trang gọn nhẹ, Khánh Diên không quên mang theo quyển nhật ký như một kỷ vật gói trọn mối tình đầu tinh khôi, chân thật nhưng quá nhiều nước mắt.

Nơi miền đất tạm dung, Khánh Diên miệt mài làm việc để có tiền gửi về cho mẹ, cho em. Đó cũng là cách để Diên đừng thương, đừng nhớ, đừng nghe vết cắt trong lòng trăn trở, thắt đau. Rồi một ngày, trong lá thư của đứa em trai viết sang, báo tin gia đình đã nhận được thùng quà Diên gửi về, thằng em viết thêm “Hôm nay là đám tang của anh Đăng. Nghe nói xác anh được chuyển về từ một nơi nào xa lắm, lạ lắm mà em chưa từng biết…”.

Trời đất như quay cuồng, Khánh Diên ngã vật xuống thảm, lã người trong cơn mê đau buốt tâm can, để rồi khi tỉnh dậy lại vật vã trong niềm hối tiếc, sao lần cuối cùng gặp nhau không nói với Đăng những lời nhung nhớ, thương yêu mình hằng ấp ủ. Diên không dám trách mẹ, nhưng rõ ràng, những điều bất hạnh mà gia đình Diên nhận lãnh đâu phải là lỗi của Đăng, sao anh phải gánh chịu hậu quả? Đăng ơi! em muốn nói như anh đã từng nói với em “Em yêu anh mãi mãi, hết kiếp này cho đến kiếp sau”.

Chị gấp quyển nhật ký lại, tay chống cằm, mắt mơ màng nhìn ra cửa sổ. Từng vạt nắng tung tăng trên những phiến lá đang uốn mình trong cơn gió nhẹ. Màu cỏ non xanh mướt gợi nhớ những ngày tháng cũ. Ngày ấy đã xa, xa lắm rồi, nhưng hình ảnh người tình xưa vẫn sáng ngời trong trí nhớ, để chị còn hoài là nỗi âu lo, là niềm hối hận triền miên của mẹ vì quyết định tàn nhẫn ngày đó. Mẹ đã cắt lìa mối tình đầu của chị, nhưng không can ngăn được tình yêu sâu đậm trong trái tim chị, nên mãi đến bây giờ, chị vẫn đi về một mình với niềm thương nhớ không nguôi. Đã nhiều lần chị nói với mẹ, thôi đừng ray rứt nữa, bởi chị bằng lòng với sự an bài của số phận. Số phận lẻ loi, cô độc đến hết cuộc đời. Nhưng chị vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc với những giấc mơ có Đăng của ngày xưa yêu dấu. Trong đó, chị vẫn là cô nữ sinh Khánh Diên với chiếc áo dài trắng muốt, hồn nhiên nắm tay Đăng chạy nhảy trên triền đồi chan hòa màu nắng hạ bình yên []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search