T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: TRAI ANH HÙNG GÁI THUYỀN QUYÊN

chien si

Anh Hùng – Tranh: Thanh Châu

Trong Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam có câu:

Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than

Đốt than thì phải sàng than

Làm sao đừng để lấm gan anh hùng

(Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam )

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, lúc Từ Hải cùng Kiều gặp gỡ, có câu:

Trai anh hùng gái thuyền quyên

Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

(Truyện Kiều)

Vậy “Anh hùng” và “Thuyền quyên” có ý nghĩa gì?

                                           

PHÂN TÍCH TỪ ANH HÙNG

“Anh” trong “anh hùng’ có nghĩa là tốt đẹp, tài hoa hơn người, kiệt xuất, xuất chúng. Nghĩa gốc của chữ “anh” là loài hoa đẹp nhất.

Còn “hùng” trong “anh hùng” có nghĩa là người dũng mãnh tài giỏi, siêu quần, kiệt xuất

Anh hùng: Nhân vật phi phàm xuất chúng, chỉ người có kiến giải, tài năng siêu quần xuất chúng.

ĐỊNH NGHĨA ANH HÙNG

“Anh hùng là hành động của một người vì đại cuộc không xem sự sống chết của mình là quan trọng tuyệt đối, sống vì tha nhân, hy sinh vì dân tộc, cho dù có phải chết thì vui lòng đón nhận. Khi bàn đến hai từ “anh hùng” thì ý niệm thành công không nằm trong thuộc tính định nghĩa cho từ đó. Thử tra hai từ Heros trong các bộ Encyclopedia thì biết. Đông Tây đều định nghĩa như thế”  (Laiquangnam)(*)

LUẬN ANH HÙNG

Ta thử luận về vài nhân vật nổi tiếng:

 KINH KHA

Nhân vật KINH KHA này ai cũng biết qua việc hành thích TẦN THỦY HOÀNG ĐẾ.

Suy gẫm chuyện KINH KHA, ta thấy ông ta đâu phải là người anh hùng.

Nguyễn Du đã chê bai: Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ), đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của người khác.

Tại sao ông ta lại được nhiều người làm thơ, hát ca để ca tụng, vinh danh?!

Anh hùng là như Đặng Dung của VIỆT NAM ta đây, ta hãy thử luận về nhân vật này.

ĐẶNG DUNG

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.

(CẢM HOÀI – Đặng Dung)

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Các vị anh hùng (dưới sự lãnh đạo của Đặng Dung) đã đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với một binh lực hơn hẳn mình. Có lúc họ cũng đã thắng nhiều trận lẫy lừng, tưởng chừng như đã thắng, nhưng dài hơi thì cuộc đọ sức đã không cân sức. Than ôi! họ đã bại trận! Trên đường bị bắt đưa về Yên Kinh ( Bắc Kinh ngày nay) để làm nhục, vua tôi Đặng Dung đã ca hát như không có chuyện gì xảy ra, thắng bại là lẽ thường tình đối với người tráng sĩ một khi họ đã toàn tâm toàn ý, hết lòng, hết sức vì dân tộc. Đặng Dung, trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến, đã ngâm cho vua tôi nghe khúc ca cảm khái này, vừa ngâm vừa gõ nhịp xuống ván gỗ thuyền, cùng vui và sẵn sàng đón nhận mọi sự trả thù tàn bạo của kẻ thù.

Đây là bài thơ CẢM HOÀI (Nỗi niềm hoài bão) của Đặng Dung:

CẢM HOÀI

Thế sự du du nại lão hà

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca

Thời lai đồ điếu thành công dị

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

Trí chúa hữu hoài phù địa trục

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.

 Tạm dịch nghĩa:

NỖI NIỀM HOÀI BÃO

Thế sự mang mang lại tuổi già

Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca

Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng

Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận

Hết lòng vì chúa có hoài bão xoay trục đất

Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà

Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước

Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền.

Bài thơ này là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự, trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ, người anh hùng trong cơn quốc nạn.

Vua Lê Thánh Tôn có tặng cho dòng dõi họ Đặng hai câu thơ:

Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ

Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng

HAI BÀ TRƯNG và MÃ VIỆN.

Vì Chùa thờ Mã Viện (Phục Ba Tướng Quân hay Mã Phục Ba – ở Hội An /QN) được bảo kê bởi chính vị vua thời Nguyễn Gia Long (năm 1838 Vua Mình Mạng), thế nên Lê Ngộ Cát mới viết Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (tác phẩm trường thi, sử thi, diễn đạt Việt Sử bằng thơ Lục Bát, từ đời Hồng Bàng đến cuối đời Tây Sơn) ngợi ca Mã Viện, đánh giá thấp Hai Bà Trưng. Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca có 22 câu thơ nói về cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng (Bà Trưng quê ở Châu Phong…)  Câu thứ 16:  “Nữ nhi sánh với anh hùng được sao?”

Trong câu này, có 2 danh từ chung kép: “Nữ nhi” và “Anh hùng”. Điều chắc chắn rằng người đọc ai cũng hiểu: “Nữ nhi” chỉ HAI BÀ TRƯNG, còn  “Anh hùng” chỉ viên tướng Tàu tên MÃ VIỆN.

Ta thử luận về việc “ANH HÙNG” của nhân vật MÃ VIỆN mà ông Lê Ngộ Cát ngợi ca:

Như chúng ta đã biết trong sử Việt: Tô Định (nhà Đông Hán) sang xâm lấn Việt Nam, đụng phải sự khôn ngoan, kiên cường của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, hắn phải bỏ của chạy lấy người, chui vào ống đồng trốn thoát về lại Phương Bắc.

Hai Bà đuổi xâm lăng, dành độc lập dân tộc trong 3 năm (40 – 43). Hai Bà Trưng cầm quân khí thế bất chấp nhà Hán đă thống nhất nước Tàu, thâu tóm nước Ngô Sở, sau thâu tóm các giòng Việt thuộc Việt Câu Tiễn, trừ đất Lĩnh Nam của dân Lạc đă có văn hóa riêng. Hai Bà đánh đau và dữ dội đến nỗi mà các tỉnh lân cận đều sợ. Vua Hán phải điều Mă Viện và các tướng dạn dày chinh chiến ở chiến trường Tây Bắc, lính chính quy, lực lượng tổng trừ bị mang quân qua đàn áp. Mã Viện phải mất gần ba năm (40 – 43) chuẩn bị, huấn luyện đánh phối hợp thủy bộ với đạo quân nữ giới này.

Không những thế, họ còn huy động một đạo quân đông đảo và đã để lại đất Lĩnh Nam 20 ngàn dân công đầu trộm đuôi cướp. Cứ trung bình một dân công phục vụ cho 10 người lính. Tính ra thì đạo quân này ít nhất trên dưới 20 vạn quân (hai trăm ngàn). Đông hơn dân Lạc thuở ấy.

Hai nữ Anh hùng đang đánh với quân chủ lực của một nước Tàu xem như Đại Cường trên thế giới, bên cạnh đế quốc La Mã (Roma). Hai Bà thua trận vì tiềm lực quốc gia ta nhỏ bé quá, trong khi Tàu quyết tâm huy động toàn lực lượng dân tộc Hán.

Mã Viện anh hùng chỗ nào?

Anh hùng là hai Bà đấy, dám lấy sức “châu chấu đá voi”.

Và những người xứng đáng với chữ ANH HÙNG là các vĩ nhân VN: Lý Thuờng Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ…

 NGUỒN GỐC CHỮ THUYỀN QUYÊN

Thuyền Quyên là một học trò nữ của nhà thơ Khuất Nguyên (Trung Quốc). Khi Khuất Nguyên định can Sở Hoài Vương không nên nghe theo thứ phi và Thượng quan Ngân Thượng (quan đại phu nước Sở), đang thông đồng với giặc mưu chiếm nước Sở, thì bị bà thứ phi này dùng tiền, vàng mua chuộc triều đình phao tin rằng Khuất Nguyên phát điên. Từ đó, không ai nghe lời Khuất Nguyên cả. Khuất Nguyên bất lực, quẩn trí, sau đó tự trầm mình tại sông Mịch La. Về sau, vua Sở bị cầm tù nơi đất Tần và nước Sở bị tiêu diệt.

Nguyễn Du làm bài thơ “Phản chiêu hồn” (chống lại việc chiêu hồn) trong một chuyến đi sứ Trung Quốc vào đầu thập niên 10 của thế kỷ 19.

Khi đi ngang qua sông Mịch La, người nhớ tại nơi đây Khuất Nguyên đã trầm mình bèn viết bài thơ. Đây là bốn câu cuối của bài “Phản chiêu hồn”:

Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan

Đại địa xứ xứ giai Mịch La

Ngư long bất thực, sài hổ thực

Hồn hề! Hồn hề! nại hồn hà?

Dịch thơ:

Người người đời này đều họ Thượng Quan

Nơi nơi đất đều là sông Mịch La

Cá rồng không ăn, thì lang sói ăn

Hồn ơi hồn, hồn tính sao?

– Thượng Quan là họ của Ngân Thượng, ông là quan đại phu nước Sở đã dâng đất cho Tần (China là từ chữ Tần mà ra), xúi vua xa lánh Khuất Nguyên. Ngự sử đại phu Thượng quan Ngân Thượng và đồng bọn thao túng vua Sở, làm khổ dân để vinh thân phì gia. Vua Sở dại nghe theo nên bị cầm tù nơi Tần. Kể từ đó, nước Sở bị tiêu vong.

– Mịch La là vị trí hợp lưu của hai nguồn sông là Mịch và La (tỉnh Hồ Nam), nơi đây Khuất Nguyên, bất lực, quẩn trí và trầm mình.

Lúc nhà thơ bị mọi người tránh xa, chỉ có Thuyền Quyên một lòng hầu thầy, vì nàng cũng đã yêu thầy. Thuyền Quyên chịu đựng biết bao áp lực của dư luận để trọn tình! Do đó, đời sau, thấy cô gái nào lận đận trong tình yêu thì nói rằng “đó là phận gái Thuyền Quyên”, nghĩa là thân phận giống nàng Thuyền Quyên ngày xưa. Như nàng Kiều trong “Bài ca mới đứt ruột” (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du.

Chữ “thuyền quyên” trong cụm từ “gái thuyền quyên” là một danh từ được sử dụng như tính từ. Hiện tượng này rất hay gặp trong tiếng Việt: Khi danh từ được phổ biến rộng rãi thì trong khi nói hoặc viết, nó có thể thay thế cho động từ, tính từ. Hoặc tính từ dùng như danh từ và động từ hoặc động từ dùng như danh từ và tính từ.

Chữ thuyền quyên xuất phát từ danh từ riêng, rồi được dùng như tính từ để chỉ người con gái công, dung, ngôn, hạnh. Trong Truyện Kiều có câu:

Trai anh hùng gái thuyền quyên

Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

Xưa ở Hà Nội cũng có một ông cụ tên là Phúc Hậu. Ông hay đi tìm giúp trẻ lạc rồi đưa về trả lại cho bố mẹ chúng – nói chung là tốt tính. Sau này, trong dân gian hay dùng từ phúc hậu để chỉ tính cách của những người tốt bụng. Học trò ngày nay cũng sáng tác ra nhiều thể loại văn thơ nghịch ngợm, không biết là tốt hay xấu. Đây là một câu tìm được trên blog, xin đưa lên đây để các bạn cùng cho ý kiến:

“Trai ăn cắp, gái giang hồ

Chung tay xây dựng cơ đồ lưu manh”

Nguyên Lạc   

Tham khảo:  Sử Ký Tư Mã Thiên (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Đại Việt sử ký toàn thư, Laiquangnam, TS Phạm Trọng Chánh, Thi Viện, Wikipedia, Net, FB…

(*) LUẬN ANH HÙNG

http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_luananhhung1.htm

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search