T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: Đọc Khuất Đẩu

Khuat-Dau-01

Nhà văn Khuất Đẩu

     Khuất Đẩu, bút danh mới toanh và lạ hoắc lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí văn nghệ, trên các trang Webs nên có thể tạm gọi là nhà văn trẻ. Nhưng đọc qua từng trang viết lại thấy giọng văn rất già dặn. Ông là ai, ở đâu? Không ai biết. Có thể ông khởi viết từ thời Mai, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại,Văn Nghệ, Sáng Tạo… Cũng có thể mới đây, sau những năm tháng tích luỹ kinh nghiệm sống. Nhưng chắc chắn ông là người có tuổi, từng sống qua thời kỳ u ám kinh hoàng. Vì: đọc qua từng trang viết của ông, chúng ta cảm thấy như rất gần. Gần bởi ông kéo xích thời gian xa lắc đến với người đọc, bởi ông dựng lại bối cảnh khủng khiếp thời đấu tố ở vùng “tự do” (*) liên khu V một thời chúng ta đã  từng sống trong không khí sặc sụa sỉ vả lăng nhục, sặc sụa máu và nước mắt, hay ít ra cũng đã từng nghe nói đến.

Đã đành, câu chuyện ông viết lại trước đây đã có nhiều người viết: những Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi và sau này với bộ ba tiểu thuyết Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sĩ hay những truyện ngắn của Võ Phiến ở thập niên 60 và gần đây với Ba Người Khác của Tô Hoài… Mỗi người mỗi vẻ, mỗi khác nhưng cách chọn lựa bối cảnh, diễn biến câu chuyện và chất bi thảm, thì có thể nói, các nhân vật của Khuất Đẩu phải cõng trên lưng “cảnh đời” nặng hơn, bi thiết hơn.

Trong truyện dài Những Tháng Năm Cuồng Nộ, bối cảnh là cái làng quê bé nhỏ ở Bình Định thời kỳ Việt Minh cướp chính quyền. Làng quê nhỏ bé ấy có tên An Định vốn yên ả, thanh bình trước kia, thấm đẫm tình người bỗng dưng bị đảo lộn mọi trật tự một cách dữ dội, làm tan tác chia lìa tình làng nghĩa xóm, cha con… chỉ vì một mớ chủ thuyết hoang tưởng. Nhân vật chính trong tác phẩm này xưng tôi, một sinh linh bé nhỏ bị thả trôi sông, được một phụ nữ già choắt cheo, không chồng cứu sống. Nhân vật tôi được sống, được làm con người và chứng kiến trọn vẹn tấn tuồng lịch sử, trong đó đầy dẫy những tủi nhục, oán hờn. Trải qua cuộc đời “tôi” bước tới, lớn khôn và “phải” nhìn thấy mọi u uất của người khác, mọi ranh ma, tráo trở của những tên vô lại “đục nước béo cò”.

Cái nhân thân lạ đời của “tôi” được Khuất Đẩu miêu tả khá ấn tượng theo lời cô Sáu (người đàn bà cứu sống “tôi”), nói: “…con chó đó cũng như mẹ của mày”, chỉ vì nó đã hy sinh 6 con của nó cho ông lão ninh nhừ thành cao trị bệnh ho lao, để nuôi sống một thằng người bị thả trôi sông. “Tôi” tự mô tả nhân thân của mình: “Ừ, thì là mẹ của tôi, hay đúng hơn nó coi tôi như con của nó. Ngoài việc phải nằm phơi bụng ra cho tôi bú, nó còn dọn sạch cả cứt đái do tôi thải ra. Nó thường đưa cái lưỡi dài liếm láp khắp mặt mũi mình mẩy tôi. Nhờ vậy tôi trùi trũi lớn lên không bị ghẻ chóc đầy mình như những đứa trẻ con nhà nghèo khác”.

Khởi đi từ sự làm người không suôn sẻ buổi đầu đã trở thành chuyện lạ giữa làng quê, gần như chuyện hoang đường cho dẫu đó là sự thật: “Cái ngã ba sông vắng lặng và buồn hiu bỗng trở nên ồn ào khi tôi được đồn thổi là chó đẻ ra người, hay tệ hơn là người lấy chó đẻ ra tôi! Không ngày nào là không có người đến xem, và mặc dù chẳng ai dám tới gần vì con chó cái canh giữ tôi quá cẩn thận, nhưng khi ra về, ai cũng bảo đích thị con chó ấy đã đẻ ra tôi”.

Nhân thân của nhân vật “tôi” được Khuất Đẩu chăm chút trong cách miêu tả rất bình thản, rất xuất thần giống như đầu ngọn bút lông thả xuống nét ngang chữ nhẫn, như một nốt nhạc xoáy cuộn cuối một trường canh hay mấy sợi lông đuôi bầy ngựa sải vó trong tranh « Mã đáo thành công ». Chỉ bấy nhiêu thôi đủ để “tôi” chứng kiến một cách trọn vẹn những năm tháng đi qua cuộc đời mình. Và, khác với một Chí Phèo trôi sông lạc chợ của Nam Cao trôi nổi rạch mặt ăn vạ và chỉ thành người khi nhờ tô cháo hành của Thị Nở; còn “tôi” của Khuất Đẩu cũng trôi sông lạc chợ đấy, nhưng may mắn hơn nhờ sự nuôi dưỡng của con chó cái và bà cô Sáu không chồng, không phải khuấy tung cuộc đời trước mắt mà lẫn vào đó để tận mắt nhìn thấy thảm hoạ của những con người sống quanh mình trong một ngôi làng giữa ngã ba sông: một bên là những phó Ba, cậu Khánh, cô Sáu, chị Thảo… và bên kia là những Khứ, cô Thảnh, thủ ngữ Đực và lũ nhỏ mang đậm dáng dấp hồng vệ binh. Những buổi đấu tố, bắt bớ, giết người, phá tan cơ ngơi sản nghiệp của những người dân lương thiện như những bữa ăn, nước uống thường ngày. Cái giọng văn nhẩn nha thản nhiên lướt qua của Khuất Đẩu khi miêu tả những cảnh tượng này khiến người đọc cứ nổi lên cảm giác gờn gợn phần thịt da sau ót, như thể ngay chính bản thân người đọc đang quỳ mọp trước toà án nhân dân chờ nhát cuốc bủa vào đầu, lưỡi liềm cùn cứa vào cổ: “Trong khi mọi người đang ngẩn ngơ và người đàn bà chửa đang đỏ mặt mắc cỡ vì cái bụng to kềnh của mình thì cô (tức cô Thảnh, cán bộ VM-ghi chú của người viết bài này) nghiêng bàn tay như một cái dao kéo từ ngực kéo xuống. Cô nói mổ bụng lôi đứa nhỏ trong này ra! Tức thì có nhiều tiếng rú thất thanh, nhiều người đưa tay ôm mặt không dám nhìn. Người đàn bà chửa thì ngất xỉu tự bao giờ, chân tay lạnh ngắt. Kết quả của buổi tối tra khảo, hỏi tội của hội phụ nữ do cô Thảnh cầm đầu là “…buổi sáng hôm sau người ta thấy mẹ con cô treo cổ dưới cầu. Xác của mẹ con cô vẫn cứ phải treo tòng teng đến mấy ngày…”.

Màn chụp mũ và đấu tố ùng ục như nồi cơm sôi suốt một thời gian dài cũng đến hồi phải hạ màn. Đó là ngày hiệp định Genève được ký kết, đất nước chia đôi. Ngày mà những người yêu nước chân chính phải đau lòng xót dạ, thì đám quân binh cách mạng, đám bần cố nông cả tin lại cuống cuồng tìm chốn nương thân. Những kẻ đểu cáng lưu manh chính trị, những thằng người luôn biết cách luồn lách phủi tay, thong dong bước qua một ngõ khác, một vị trí khác trong khi những anh bần cố nông một lòng một dạ trung thành thì phải chịu cảnh bị bỏ rơi. Đó là hình ảnh của một thủ ngữ Đực, là nhân vật đại diện cho những kẻ mù quáng cả tin.

Kết thúc cho tấn tuồng đời này, Khuất Đẩu nghuệch ngoạc bằng mấy mẫu đối thoại ngắn nhưng lại là cả một trường thiên ngẫm nghĩ của những người trong và ngoài cuộc. Trong thì chiêm nghiệm; ngoài thì đối chiếu so sánh để thấy được sự thật của máu xương của cả dân tộc đã đổ ra một cách hoài phí: “Đồng chí thủ ngữ Đực dớn dác chạy đôn chạy đáo, quấn quít như chó lạc mất chủ. Gặp ông Khứ hỏi: Sao tôi không được đi? / Trên bảo ở lại / Trên là ai? / Là cấp trên chứ là ai /  Đ… mẹ mấy thằng cấp trên! / Gặp cô Thảnh cũng hỏi: Sao đồng chí được đi mà tôi không được đi? / Đồng chí phải ở lại / Để Tây nó cắt cổ à! / Có nhân dân sợ gì! / Đ… mẹ tao đái vào cái nhân dân đó”.

Màn kịch 9 năm được hạ màn hồi 1 khá hài hước. Và tất nhiên khi những cô Thảnh, ông Khứ “đang đứng trên boong tàu Ba Lan thở phào nhẹ nhõm” thì hồi 2 lại xuất hiện những phó Ba, tổng Bá với những khăn đóng áo thụng xanh lệch bệch xuất hiện, để trước đó một lãnh tụ vừa mới được cả làng tung hê như thứ thần thánh thì nay lại bị nhấn lút như đó là nhân vật lạ hoắc, chưa hề được biết đến, đã từng xới tung cả làng An Định thành đống bèo nhèo; thay vào đó họ lại phải tung hê những Bảo Đại và Ngô chí sĩ. “Tôi” lại đối mặt với những thực tế bắt đầu diễn ra ở triều đại mới bằng những thanh lọc, tra hỏi của sân khấu kịch “Những đá, những đạp, những thụi, những bịch, những tiếng thét chói tai, những tiếng kêu ằng ặc không lúc nào ngớt…”. Và để tô đậm cho màn kịch khởi đầu kia là cuộc đối thoại: “Đi tập kết rồi hả? / Ừ / Sao mày không đi? / Tụi nó không cho đi / Vậy theo tụi nó làm gì? / Để được chia nhà chia ruộng / Ngon hả, được mấy cái? / Không có cái nào / Vậy còn theo nữa không? / Chửi cha nó chớ theo / Ừ, thằng này nói nghe được đó. Cho mày điếu thuốc đây”.

Cảnh cười ra nước mắt cùng cuộc sống tươi đẹp chưa kịp nhú nụ thì một nửa đất nước lại tiếp tục rơi vào thảm cảnh nồi da xáo thịt lần nữa; lại tan tác chạy trốn, lại tiếng khóc, lại máu đổ, đạn rơi. “Tôi” chìm lút trong màu sắc và âm thanh không mong đợi, không ai mong đợi: “… suốt một ngày chỉ bắt được một vài cụ già run rẩy mắt hấp him gần như bị mù. Ông đành bảo lính cho ăn rồi thả họ ra. Hôm sau, lính bắt được hai tên CS mặt còn non choẹt. Vừa định đem về quận thì bị một đám đàn bà con nít vây chặt. Đàn bà thì cố giựt súng, con nít thì cắn vào tay. Những tên lính ngơ ngác đành phải bắn chỉ thiên. Nghe súng nổ họ dạt ra một chút rồi lại sấn tới. Đang lùng nhùng như chơi trò giật cờ thì liên tiếp mấy quả đại bác rơi sau lưng họ. Cả bọn hoảng hốt xô nhau chạy”.

Đúng là “ chiến tranh này cũng chỉ  một trò chơi” (thơ Nguyễn Bắc Sơn) đối với bọn buôn bán lịch sử. Còn với những nhân vật của Khuất Đẩu, một lần nữa giống như những con cá đang nhào lộn trong xoong nước sôi ùng ục. Tất cả đều bị cơn lốc lịch sử heo hắt cuốn đi, nhào dập cho đến nát nhừ không còn ra hồn phách “Nhà ông tổng Bá thì chính ông đã phải trả nợ máu bằng máu của mình rồi.  Bà tổng Bá sau cái chết oan nghiệt của chồng, giờ già sọm lú lẫn. Thằng Mậu, thằng Tài đã đi lính biệt kích. Chỉ còn cậu Khánh dở điên dở khùng lúc nào cũng mang trên lưng mấy cái xương đầu chó mà tụi dân quân gặm xong quẳng đi. Thỉnh thoảng cậu lại bày ra giữa cầu, thắp nhang khấn vái rồi đọc văn tế do chính cậu làm”.

“Tôi” tuy không bị chết thảm, không nửa tỉnh nửa điên như những người khác trong làng nhưng cũng bị rơi vào thảm cảnh khác, khi được người bạn cũ tên Hậu đưa xuống phố coi giúp quán bar, vừa tránh được cảnh bắt bớ, tra khảo của hai bên vừa giải thoát cảnh ngày nào cũng “sợ hãi tuyệt vọng”. Nhưng khốn nỗi, như số trời đã định, có chạy cũng không thoát, phải đối mặt với một nghịch cảnh khác. Lần này là mụ điếm già, nhân ngãi của Hậu, bạn mình: “Tôi chưa kịp chống đỡ thì mụ đã vật tôi xuống sàn gạch. Hai cái vú to bè như hai cái bao cát chống đạn đè xuống ngực tôi…Với tất cả đòn phép lão luyện trong nghề mụ đã làm được cái điều mụ muốn làm… Trước khi ra ngoài, mụ nói: “Lần đầu hả? Mới bóc tem hèn gì! Thôi để bữa khác má đền cho!”.

Có một số phận nào thê thảm hơn “tôi” nữa không? Chắc chắn có nhiều ngoài đời, nhưng qua trang viết, Khuất Đẩu cô đặc nhân vật lại kiểu người nấu cao chó, cao xương bò khiến người đọc cảm thấy bứt rứt, ù tai hoa mắt đến sụt sùi.

Bút pháp tàn nhẫn kia cứ đẩy các nhân vật đi mãi, bước mãi tới những con đường không có đích. Và cuối cùng cuộc tình bi thương một đêm với chị Thảo cũng đã đến với những con người ngay thật: “ …chúng tôi như hai thỏi nước đá trong một cái cốc. Chúng tôi đã tan ra và hoà trộn vào nhau”. Cuối cùng một thằng người từ chó sinh ra cũng được làm người thật sự khi gặp lại chị Thảo, nay đã già tóc đã bạc kêu lên” “Chào cha đi con!”.

Cách hạ bút của nhà văn cho những dòng cuối cùng trong thiên truyện Những Tháng Năm Cuồng Nộ đưa người đọc từ những xót xa, đau đớn rơi nhẹ, từ từ xuống thảm cỏ xanh như một cánh hoa đầy tình nhân ái, giàu chất nhân văn ít nhiều xoá tan đi cảnh bi thương mà người đọc cố phải chịu đựng qua từng trang, như chính nhân vật của ông phải chịu cảnh đoạ đày.

Tôi lại được may mắn đọc tiếp truyện thứ hai của ông, vẫn là những trang bản thảo được chuyền tay nhau: Người Giữ Nhà Thờ Họ. Cũng lại xoay quanh chuyện đấu tố.

Khởi đầu câu chuyện, với cách miêu tả lạnh lùng, ông lại đẩy người đọc chìm sâu vào cõi buốt lạnh: “Xương cốt của nó kêu răng rắc, những xà nhà những trính vặn vẹo uốn éo, và rồi nó bay lên thật. Không cao, không xa, chỉ vừa đủ cho nó đáp xuống khoảng sân phía trước, rồi lụn tàn trong chớp mắt như vàng mã”. Đó là cách ông tả lại căn nhà thờ họ Phạm làng An Định bị Pháp thả bom xăng thiêu rụi. Chưa kể đây là nơi thờ tự tổ tiên trải qua đã mười mấy đời, vượt lên trên tâm linh, đứng ra ngoài rìa một cách nhìn chủ quan lẫn khách quan, nó lại mang đến những dự báo về một nền văn hoá sẽ bị xoá nhoà sau này (nghệ thuật kiến trúc cổ xưa ở các làng quê Việt Nam được Khuất Đẩu tái hiện từ những cây cột, dàn cửa bằng pha, rui kèo, xiên trính… chạm trổ tỉ mẩn, tinh xảo cho đến cách lợp mái tranh “dựng bốn góc vểnh lên như đình chùa”). Căn nhà đó không chỉ là nơi thừa tự của cả dòng họ Phạm làng An Định mà đồng thời còn là niềm tự hào của con cháu đang sống, chỉ vì nó là “một trong năm căn nhà đẹp nhất làng” . Mất chốn linh thiêng là nỗi đau của lớp con cháu hiếu thảo với tổ tiên. Nhưng đau hơn cả, nát lòng hơn cả là “cả cha chồng và nàng dâu đành chui rúc trong hang như hai con chồn trong truyện Liêu Trai” để tránh nhìn vào những câu khẩu hiệu dựng lên khắp nơi: “Tích cực chuẩn bị phản công, đả đảo can thiệp Mỹ. Câu khẩu hiệu ấy được biến thành những hành động cụ thể của anh bần cố nông lãnh đạo cách mạng, xúi giục bọn trẻ con điên cuồng khuấy động sự yên tỉnh ngàn đời trong xóm làng, lăng nhục kẻ khác như một trò chơi: “Đả đảo địa chủ! Đả đảo. Lôi cổ nó ra đây! Lôi cổ” đến nỗi một ông già từng trải phải “Áp mặt mình vào cánh tay cô con dâu, vai ông rung lên. Một chút nước nóng són ra ở đáy quần. Ông xấu hổ muốn khóc”.

Hai cha con cứ phải sống mỏi mòn trong cảnh hãi hùng như thế, trong khi người con trai, người chồng thì theo bộ đội đánh quân cướp nước. Mỏi mòn sợ hãi, mỏi mòn nhớ trông khiến cha chồng và nàng dâu phải nương vào nhau mà sống qua ngày.

Năm tháng cứ trôi lềnh bềnh, nhớp nháp như lớp váng mỡ trên dòng sông đen hôi tanh, như đứng trên bãi rác ngập xác súc vật thối rữa.

Biết vậy, nhưng không thể nào trốn chạy khỏi làng. Hàng ngày vẫn cứ phải chui ra chui vào “lỗ chó chun”, vẫn phải đẩy cái rương xe lấp lỗ ra vào rồi lại đẩy xe ra trong nỗi sợ hãi đến tột cùng trước đám trẻ con gào la xỉa xói, trước sự căm thù hằn học của những người được gắn cái mác giai cấp bần cố nông cùng lũ trẻ con coi sự đau khổ , sợ hãi của kẻ khác là một trò vui: : “Thay vì ném đá, chúng dùng chân đạp vào vách. Cái tấm vách vừa trét chưa khô rung lên, nhiều mảnh đất trộn rơm rơi xuống. Bỗng có một bàn chân chui tọt vào trong. Cô dâu sợ hãi rú lên nhưng ông chộp lấy rồi dùng hết sức kéo mạnh vào. Bên ngoài có tiếng la hốt hoảng…nghe tiếng, ông biết nó chỉ chừng mười bốn tuổi nên đẩy mạnh ra ngoài”.

Mà họ là ai vậy? Không ai cả. Họ chính là những con cháu người thân quen trong làng trước kia, vẫn là những nông dân có cuộc sống bình dị, như cách mô tả của Khuất Đẩu: “Ông Khứ, bà Thảnh chắc cũng như ông sáu Hủ, bà hai Thành quanh năm chỉ biết có con trâu cái cày và một bầy con cùng với gà heo lúc nhúc trong chuồng”.

Vậy nhưng chỉ qua một trận cuồng phong lịch sử, mọi sự đều quay ngoắt đi, đánh mất tất cả nhân tính, lại tàn nhẫn lôi kéo bọn trẻ con vào trò chơi “đấu tố”. Chính nhà văn cũng tự hỏi: “Cái gì làm cho họ lồng lên như thế? Ông Mác ông Lê là ông nào mà làm cho cả thế giới sôi lên sùng sục? Lại còn ông Xít, ông Mao, ông Kim, ông Phiđen… nhiều ông quá chen chúc trên cái bàn thờ tổ quốc. Cứ mỗi lần có đại lễ thì các ông lại xúm xít quanh ông Hồ, y như bốn mươi hai cái bài vị trên bàn thờ họ Phạm. Họ bảo cùng lý tưởng giải phóng loài người”.

Cả dân tộc phải hứng chịu sự “giải phóng” ấy. Đâu đâu cũng gào thét rên la, đau đớn đan chen với những hớn hở trả thù… chứ không riêng gì cái làng An Định bé nhỏ kia. Nó chỉ là sự thu nhỏ toàn cục diễn biến đau thương. Nó đang nằm dưới đáy sự khốn cùng, đẩy từng bầy người lâm vào cảnh bi thương.

Ông cha chồng cũng là con người. Cô con dâu cũng là con người. Vì họ làm người trong bối cảnh cùng cực kia nên bi kịch lại xảy ra với họ, khi cả ngày lẫn đêm phải nằm trong căn nhà giờ như đống đất úp xuống giống một nấm mồ. Hai cha con chun ra chun vào cái lỗ chồn đó để cuối cùng cả hai đều biến thành chồn! Đó là lúc người cha chồng nằm trên cái rương nghe tiếng con dâu tắm ngoài giếng, rồi tưởng tượng: “…nghe rõ tiếng nước chảy trong bụi chuối, lại mơ hồ thấy nước chảy qua áo qua quần, lại tưởng đến bàn tay đang kỳ cọ, những ngón tay len lỏi…”. Mặc cảm phạm tội khiến ông hoảng hốt đứng vụt dậy: “…mò tìm cái dùi chuông và như phát cuồng. Ông nện liên hồi kỳ trận vào cái chuông mà không cần biết là bao nhiêu tiếng. Cái chuông tội nghiệp đang say ngủ bỗng giật mình kêu thét lên…Bốn mươi cái bài vị trên bàn thờ đều nhỏm dậy. Cái chuông bị tra khảo giống như bị đấu tố đành chịu trận cho đến khi đứt dây rơi xuống phản. Nó tự gõ thêm một tiếng choang đau đớn rồi im bặt. Mồ hôi tứa ra, ông cũng ngã vật xuống phản”.

Từ mặc cảm phạm tội đến cách ăn năn và những hành động khi sám hối của người cha chồng được Khuất Đẩu gắn liền vào sự liên tưởng một cách khéo léo để người đọc có thể nghĩ ngay đến những dự báo một kiếp nhân sinh bi thống, cuồng dại phát sinh từ những con người dở hơi mang ảo tưởng sắp đặt một thiên đường tốt đẹp cho nhân dân.

Cái bi đát trong Người Giữ Nhà Thờ Họ hình như nhà văn có dụng ý hạ một hồi kết cho sự khởi đầu của Những Tháng Năm Cuồng Nộ, trong đó những người dân lành vô tội bị đưa vào chiếc máy xay chủ nghĩa khổng lồ trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân. Ngày kết thúc chiến tranh, lẽ ra là ngày sum vầy, hạnh phúc, nhưng khốn thay, đó lại là ngày hành xử một ông già đã cố gắng chịu đựng những đau thương suốt cuộc đời còn lại. Giờ phán quyết đến với chính ông bằng một phiên toà trên cây cầu cô đơn soi bóng xuống dòng sông, mà ông là chánh án vừa là kẻ phạm tội. Mặc cảm phạm tội không bao giờ xoá sạch trừ phi ông vĩnh viễn không còn là một hữu thể trên cõi đời này. Và ông đã chọn giải pháp đó, để không còn thấy “Cái váy rộng rũ xuống”, để niềm khoái lạc man dại kia không còn đọng lại tràn ngập thân ông “Ông ôm hai cái chân dựng ngược áp sát vào ngực. Rồi ông lắc như điên như dại… Cái rương với bốn bánh xe bằng sắt cũng tới cũng lui và kêu kin kít…Ông thở hồng hộc, mệt muốn đứt hơi. Ông đánh mãi cho tới khi ông bắn vọt ra như xả một tràng đạn súng máy vào ngực con mụ Thành. Lúc đó ông mới bàng hoàng bỏ hai ống chân không phải của mình xuống đất. Ông mò mẫn trở về chỗ của mình. Ông không còn nghe tiếng nghiến răng nữa mà nghe tiếng khóc”.

Luân thường đạo lý bị vỡ choang. Cảnh loạn luân ấy khác chi một tín đồ mang cả đức tin lơ lửng bước tới pho tượng của vị giáo chủ, điềm nhiên leo lên tận chỏm tóc, điềm nhiên xả ra bao nhiêu xú uế với lòng tin tràn ngập, đầu óc ngất ngây với một Oédipe (**)  thản nhiên bên cạnh !

Rồi, khi người con đi bộ đội trở về: “Anh chui vào. Vợ anh đang quay mặt vào trong vách, khóc. Anh nằm xuống bên cạnh, lật ngửa nàng ra. Không nói không rằng anh trút tất cả nỗi thèm muốn căng cứng vào nàng”.

Hai người, một cha một con, kẻ trước người sau trên thân xác con dâu, vợ bằng những hành động khác nhau trên cùng một bản năng tình dục. Người trước thì “lắc như điên như dại”, còn người sau thì “trút tất cả nỗi thèm muốn căng cứng”.Người cha thì “như xả một tràng súng máy vào ngực con mụ Thành”. Người con thì trong tư thế một chiến binh “Với lưỡi lê tuốt trần, anh lao lên phía trước. Anh sướng điên người khi nghe có tiếng rên rỉ của kẻ thù”. Một người hành sử theo nhục cảm trong tâm thức của kẻ cô đơn, gánh chịu những oan trái trong đời sống đến đờ đẫn, mụ mị và, người kia thì theo bản năng đạo đức làm chồng với tâm trạng của kẻ chiến thắng trong một giai đoạn lích sử đen tối, đầy chất bi hài. Nhưng nếu chỉ có vậy thì đoạn kết câu truyện sẽ không thành truyện. Người Giữ Nhà Thờ Họ chỉ thành truyện khi Khuất Đẩu đã biết đưa tiếng khóc của cô con dâu, của người vợ vào hai lần nằm bên dưới hai người đàn ông, với những khoái cảm khác nhau và đau đớn khác nhau khiến người đọc có thể nhận ra người phụ nữ kia chính là hiện thân của một đất nước nhục nhằn đang hứng trọn tầng tầng nỗi đau khốn nạn nhất, tang thương nhất.

Nhớ lại người đàn bà có tên chị Ba (trong Tiền Đồn của Thế Uyên) ban đêm phải nằm ngửa trong hầm cho người tình là du kích “hì hục” và ban ngày, trước khi chồng là xã trưởng chuẩn bị đi ngủ dưới thị xã, chị cũng phải dạng chân để chồng hùng hục trên thân thể mình, thì có lẽ người đàn bà của Khuất Đẩu ghi đậm dấu ấn tủi nhục nhất, bi thương nhất của một giai đoạn lịch sử. Giai đoạn ấy tuy ngắn (9 năm), nhưng mọi cảnh huống nhân tình thế thái đều hiển hiện một cách dữ dội và kinh hoàng! Kinh hoàng bởi dòng cuối cùng dành cho thiên truyện bằng tiếng than ai oán, như một lưỡi dao cắm phập vào quả tim phát ra thoi thóp từ miệng người đàn bà của ông (KĐ): “Nó là dòng dõi họ Phạm đấy. Nhưng tôi không còn là vợ anh!”.

Hai người đàn bà ở hai thế hệ khác nhau, hoàn cảnh lịch sử khác nhau: Chị Ba của Thế Uyên là nỗi ô nhục xâu xé giữa bên này và bên kia trong thời điểm nồi da xáo thịt Bắc Nam; còn cô con dâu, người vợ của Khuất Đẩu cũng là nỗi ô nhục, nhưng là hệ quả tất yếu của chuỗi ngày cô đơn, tủi nhục và khao khát trong thời kỳ kinh hoàng khởi phát từ mớ chủ nghĩa hổ lốn đầy dẫy hận thù, phi nhân tính, phi dân tộc.

Nhưng dẫu cho hai nhân vật nữ kia có khác nhau về thời kỳ, song theo cảm quan của kẻ viết bài này lại thấy họ thấp thoáng bóng dáng của một đất nước bị chính anh em cùng nhà xúm nhau chà đạp cho đến nát rữa.

Nỗi tủi nhục này vẫn đang tiếp tục đoạ đày tất cả, không trừ ai.

Xếp lại những trang văn của ông, người đọc hình như ai cũng có một nỗi ê chề đau đớn.

Ông đã tái hiện một thời kỳ tàn nhẫn trong hai tập bản thảo (không dày), như thể những chiếc đầu lâu trên bàn tiệc.

Và chỉ cần hai tập này thôi, Khuất Đẩu, bằng cả tấm lòng nhân hậu đã bỏ hết tâm sức, thời gian, tái hiện một thời kỳ kinh hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam, từ một vùng đất nhỏ, nghèo cho con cháu mai sau hiểu máu, nước mắt, mồ hôi cùng nỗi tủi nhục của cha ông.

Nguyễn Lệ Uyên

 __________________

(*)  Vùng “tự do”:  từ để chỉ vùng chiếm đóng của Việt Minh trong thời kỳ 9 năm, từ 1945-1954

(**) Oédipe: trong phân tâm học khi nói về mặc cảm loạn luân, người ta thường dẫn câu chuyện Oédipe ăn ngủ với chính mẹ ruột của mình

______

Tiểu sử tác giả:

Sinh năm 1943 tại Bình Định

Trước năm 1975 là giáo sư Việt văn tại Khánh Hòa

Các tác phẩm đã in:

-Những tháng năm cuồng nộ (truyện vừa)

-Người giữ nhà thờ họ (truyện vừa)

-Khúc sinh ca của đồng lúa trỗ và những bài thơ khác

-Một chút gì (tuyển tập thơ văn)

-Không hẹn mà đến (những bài viết nhỏ)

-Người tử tù (truyện)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search