T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Chuyện Tình (Love Story)

clip_image002

Thấy mấy bài nhạc in cũ trước 75 mình rất cảm động. Ngay cả bên Mỹ này bây giờ mua nhạc bản cũng là một xa xỉ, vì một bài từ 3 tới 4 đồng, không biết sao mua ly cafe tôi không tiếc, mà 2 ly cafe = một nhạc bản thì lại tiếc! Có lẽ vì bên Mỹ sách nhạc họ hay gom lại vào một quyển và bán chung từ 15$ tới 25$ một quyển, tùy theo độ dày, mỗi quyển 20 bài nhạc là ít, vậy thì mỗi bài chỉ có một đồng mà thôi. Có lẽ vì vậy mà tôi rất ít khi nào mua nhạc tờ chăng?
Hồi trước 75 thì tôi còn bé xíu, đâu có tiền mà mua mấy nhạc tờ, mà cũng chưa biết thích nhạc nữa, chỉ biết mê dích hình, chơi con thú, và đọc truyện Xì trum, Phan tân, Sĩ phú, Lục kỳ, … mà thôi.
Tôi sẽ tìm thì giờ lục tìm mấy bản nhạc hay, nhạc ngoại lời Việt, trước 75 đem lên bàn cân mổ xẻ.
***
Trước tiên là bài Love Story – Chuyện Tình – Lời Việt Phạm Duy

clip_image004

clip_image006

Với những người không biết tiếng Anh – như tôi hồi xưa khi học cấp 2 và 3 ban Pháp văn – thì những bài dịch là cánh cửa mở để có thể đi vào thế giới nội tâm của bài hát, thay vì chỉ nghe ù ù cạc cạc mà không hiểu người ta nói những gì. Qua những bài dịch hay, ta có thể cảm nhận bài nhạc sâu sắc hơn, đệm guitar theo thích thú hơn. Tôi chịu ơn rất nhiều từ các bậc “tiền bối” như các quý ông Trường Kỳ, Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Kỳ Phát v.v. cũng như các nhạc sĩ như Bố Già Phạm Duy, chịu chơi với dân hippy thời 70 rồi cùng nhau dịch nhiều bài nhạc Pháp Mỹ và ca hát tại “trường nhà” Lasan Taberd – như đã được thuật lại cặn kẽ với giọng văn thật tếu của cố nghệ sĩ Trường Kỳ trong quyển “Một Thời Nhạc Trẻ“. Tuy sanh sau đẻ muộn, nhưng dư âm của phong trào nhạc trẻ đó vẫn còn âm vang thật mạnh mẽ trong tôi khi cầm trong tay các nhạc bản của họ mà tôi đã sưu tầm, và sẽ tìm cách gửi đến bạn xem blog nay mai.
Trở lại với Chuyện Tình. Vì hai lời Anh và Pháp đề ngay dưới lời Việt, thật dễ cho tôi so sánh cách dịch của nhạc sĩ Phạm Duy (PD) và tìm ra các thích thú nho nhỏ. Tôi chia các thích thú đó thành các tiểu đoạn:

clip_image008
1. Ns theo sát lời Anh hơn. Và ông sửa câu văn từ rặt Anh ngữ thành rặt Việt ngữ thật tài tình. Ông nắm bắt tinh thần của câu nhạc tiếng Anh” bắt đầu từ đâu bây giờ, để nói về câu chuyện mà tình yêu có thể trở nên thật tuyệt vời“, rồi sắp xếp gọn ghẽ lại thành “biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ, ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá.” Ngoài ra ông còn cho thấy sự lúng túng của người kể: “để mà nói rõ” … rồi “ôi biết nói gì” thay vì chỉ đơn thuần kể lại như bản gốc.
2. “Câu chuyện tình ngọt ngào mà còn xưa hơn cả biển” đã được làm gọn lại “biển già“, rồi còn thêm vào tính từ “trắng xóa” rất hình tượng và thân thuộc mỗi khi ta dạo theo bờ biển.
3. Câu “một sự thật đơn giản về tình yêu mà nàng đem lại cho ta” đã được gói thành “cuộc tình quý giá” và một so sánh “như những ngọc ngà“. Chữ tiếng Anh “she brings to me” nghe đơn giản quá, mà ns PD “thăng hoa” nó lên thành “nàng dành cho ta” nghe nó “intimately” (thân mật), “exclusively” (độc quyền) hơn.
4. “Ôi biết nói gì?” thật Việt hóa thay vì dịch theo cách Mỹ “Bắt đầu từ đâu bây giờ?

clip_image010

5. Đoạn phiên khúc 2 cũng vậy, cách hành văn kiểu Mỹ “với câu chào hello đầu tiên, nàng đã đem ý nghĩa đến cho đời sống trống rỗng ca tôi” đã được Việt hóa thật tự nhiên thành “Với một lời quý mến, mà nàng nói đến khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt“. Ta thấy nhạc sĩ lại tiếp tục dùng những hình tượng cụ thể để nói về những chuyện tinh thần: thay vì chỉ “bước vào đời” thì rõ ràng hơn, hình tượng hơn là “khi bước chân vào”, rồi thay vì chỉ “vắng“, thì thành “vắng ngắt“. Như tôi đã phân tích trong một số bài viết trước, cách dùng các tính từ như vắng ngắt, biển già, trắng xóa, … này là một đặc trưng tiêu biểu của nhạc Phạm Duy.
6. Từ “cô ấy bước vào đời tôi và làm cuộc sống tốt đẹp hơn” mà thành “vì nàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến” thì rất hay và rất hình tượng hóa. “Nàng hiến đôi tay” là trao phó thân xác cũng như tinh thần của nàng cho anh rồi còn gì nữa, anh bỏ tay nàng ra sao được, lỡ nàng rớt xuống vực sao? Mà đôi cánh tay mềm thì ai chẳng từng có những cảm giác rạo rực, thèm muốn được .. cầm tay người mình thầm yêu như zậy? Sao mà không nghìn đời quyến luyến cho được? Những tình cảm này khi thì thật gần gũi, khi thì lại cảm thấy thật bao la, “yêu đời yêu người“. Thế nên mới có câu kế “Lòng ta đầy kín“. Đầy kín mà dòng nhạc thì lại mênh mang, chuyển từ thứ Gm sang GM7 rồi G7, nghe … quyến luyến vô cùng.
7. Điệp khúc cũng còn nhiều ý hay lắm, nhưng thôi tôi để bạn đọc tìm hiểu thêm. Chỉ xin nói một tiểu tiết nhỏ là “anh ấy” lúc cuối điệp khúc thì lại tìm “nắm đôi tay thiên thần” để “đi suốt mùa xuân“. Trong lời gốc ở cuối phiên khúc 1 (#6 như đã phân tích ở trên) không có hình ảnh “bàn tay“, chỉ có “cô ấy bước vào đời tôi“, nhưng nhạc sĩ đã có chủ ý thêm vào ở đó, để lúc điệp khúc này nhắc lại ý bàn tay cho câu văn có sự lặp lại, và ý “quyến luyến” cũng rõ rệt hơn ở chỗ khéo lặp lại đó.

clip_image012

 

Học Trò

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search