T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Cung đàn số phận–Hồi Ức Lộc Vàng (Trích Đoạn) (2)

Cung đàn số phận

Hồi ức Lộc Vàng – Kim Dung chấp bút

Cung dan so phan

Giới Thiệu: Tác phẩm Cung Đàn Số Phận mà chúng tôi giới thiệu vài trích đoạn quan trọng dưới đây, theo blogger Nguyễn Văn Tuấn: “Thiên hồi kí “Cung đàn số phận” là câu chuyện đời của một người đam mê nhạc vàng và phải đi tù vì niềm đam mê đó. Có lẽ do người chắp bút là một nhà báo tài hoa Kim Dung / Kỳ Duyên nên thiên hồi kí được bố cục ‘có nghề’, từ tựa đề, chương sách đầu tiên đến chương sách cuối cùng. Mở đầu hồi kí là người đi tù được trả tự do, sau đó ông thuật lại những diễn biến dẫn đến việc đi tù, những sinh hoạt trong nhà tù mang danh ‘cải tạo’, kế đến là cuộc sống lênh đênh sau khi ra tù, và kết thúc bằng một mối lương duyên có hậu. Cuốn sách hay từ những câu chuyện với những chi tiết dễ làm độc giả rung động đến cách hành văn trong sáng và chữ nghĩa giàu hình tượng. Cuốn sách còn là một chứng từ sống động về một thời kì “bao cấp” tăm tối ở miền Bắc.” (Theo Blog Nguyễn Văn Tuấn).

Theo báo chí ở trong nước: “Cung đàn số phận, cuốn hồi ký của ca sĩ Lộc Vàng do Công ty VH Alpha Books liên kết cùng NXB Hội nhà văn xuất bản vừa được chính NXB Hội nhà văn yêu cầu dừng phát hành để đơn vị này thẩm định lại toàn bộ nội dung.”

Sách phát hành cuối tháng 1/2018, đến 13/2 thì bị ngưng phát hành. Tuy nhiên, thời gian hai tuần trước đó đủ để những người yêu “nhạc vàng”, mến ca sĩ Lộc Vàng tìm cách có được quyển hồi ức thú vị nói trên.

Nhận thấy tác phẩm có những chương đặc sắc mô tả sự “say đắm” của thanh niên miền Bắc thời chiến tranh với “nhạc vàng” (tức những tác phẩm âm nhạc chúng tôi giới thiệu trong chuyên mục Dòng Nhạc Kỷ Niệm), và với sự cho phép của quý anh bên Văn Việt, TV&BH sẽ giới thiệu đến độc giả một số trích đoạn nói trên ngay trong chuyên mục Dòng Nhạc Kỷ Niệm.

Những trích đoạn nói trên được đăng làm nhiều kỳ. Xin quý độc giả theo dõi.

T.Vấn & Bạn Hữu

 

(Tiếp Theo)

Kỳ 2

Chương IV: “MỘT NGÀY TÙ NGHÌN THU Ở NGOÀI”

 

Ngày 29/2/1971, cả nhóm chúng tôi bị đưa lên trại Hồng Ca (Yên Bái), chính thức bước vào cuộc đời của thằng tù. Trại Hồng Ca cách thị xã Yên Bái 40 km. Dạo đó, đường xá xa xôi, khuất nẻo lắm. Hai bên đường âm u rừng cây xanh lá, như cuộc đời thằng tù của chúng tôi ở phía trước. Đi ô tô thùng, đường xóc nghiêng bên này lại nghiêng bên kia. Có những đoạn cua dễ sợ, bên cạnh chỉ là vực sâu heo hút, lại có những đoạn chỉ thấy mây bồng bềnh trắng xóa. Xuống xe rồi mặt thằng nào thằng nấy xanh như tàu lá. Tới nơi, chúng tôi còn phải lội 09 con suối mới tới nhà tù.

Khi bị tạm giam ở Hỏa Lò, vì bí bức, có nhiều lúc tôi ngây thơ nghĩ, thèm bị đi tù, lên trại thay đổi không khí cho chân cẳng đỡ mỏi. Có biết đâu, đã là đời thằng tù thì phải lao động khổ sai, ăn đói, mặc rét, chịu đựng đủ nỗi nhọc nhằn không phải của kiếp người. Đến bộ quần áo mặc cũng sọc xanh sọc đỏ. Chỉ sau này quần áo tù mới chỉ một màu ghi. Đến con người cũng biến thành … con số – 927. Cách tổ chức ở nhà tù cải tạo lao động cũng rất khác. Tù nhân được phiên vào các nhóm khác nhau: Nhóm trồng rau, nhóm đóng gạch… Nhóm nào ở với nhóm đó. Cứ khoảng 30-40 người chung một nhóm. Nhóm tù chính trị riêng, tù thường phạm riêng. Đến nơi, bọn tôi được phiên vào nhóm trồng rau xanh. Riêng anh Lý Long Hoa phân vào nhóm trông Nhà kỷ luật – nghe cái tên đã thấy lạ. Nhà kỷ luật là nhà mà những người bị kỷ luật phải vào ở trong đó.

Ở trại Hồng Ca mới được 14 tháng, cũng đã bắt đầu “quen hơi bén tiếng” đời thằng tù, thì đến ngày 30/4/1972 chúng tôi được lệnh  chuyển trại. Đó là thời điểm “04 bên” chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris. Cả trại tù phải chuyển về Phong Quang, cách thị xã Lào Cai khoảng 35 km.

Một đặc điểm chung tôi chú ý, tất cả các trại tù đều khuất nẻo, nằm sâu trong thung lũng, và chỉ có một con đường độc đạo. Tù nhân muốn trốn, chỉ có thể trốn… lên rừng. Trại Phong Quang nơi chúng tôi đến cũng vậy. Xung quanh trại Phong Quang cũng chỉ có người dân tộc ở. Đời sống người dân tộc ở đây cực khổ vô cùng. Cũng chả lạ, khi mà những năm tháng đó, người ở thành phố còn gieo neo nữa là. Đặc biệt, người dân sống xung quanh khu vực trại tù được tuyên truyền vận động rất kỹ về chuyện trốn tù ở đây. Nếu bắt được tù nhân trốn trại, họ sẽ được nhà nước thưởng tiền. Vì thế, mà chả anh tù nào có thể trốn nổi cái “lưới lòng người” như thế.

Ở trại tù, cũng có các chế độ lao động rất khác nhau. Những người tù được đánh giá là “cải tạo tốt” thì làm lao động tự giác, không có người trông nom, cai quản. Ngược lại, những người tù “quản chế”, tức là những người tù chưa cải tạo tốt, làm lao động phải có người cai quản. Mỗi toán loại này có hai ông công an, một ông công an áo vàng, và một công an lực lượng vũ trang (áo xanh). Cả hai vị đều có súng kè kè bên hông để quản lý số tù lao động “quản chế”. Mỗi lô có một chòi canh. Ông công an áo vàng quản lý toán lao động trực tiếp. Ông công an áo xanh ngồi trên chòi canh gần đó. Nhóm nào cũng vậy: Từ trồng rau, làm gạch hay đan lát, tù nhân đều chỉ được làm trong khu vực lô của mình đã được quy định. Nếu đi quá 10 mét, thậm chí có thể bị bắn ngay lập tức. Vì khi đó, biết đâu anh có ý định trốn tù.

Có câu thơ một ngày tù nghìn thu ở ngoài. Quả đúng vậy. Nữa là chúng tôi có hàng nghìn ngày tù, sống dưới sự kiểm soát gắt gao của cán bộ, công an, giám thị trại. Tâm hồn tôi, tâm hồn một thằng nghệ sĩ, tuổi còn quá trẻ, chưa đến 25 đầy khao khát về cuộc sống tự do. Giờ quanh đi quẩn lại, chỉ có 04 bức tường nhà tù cao chất ngất, hàng rào dây kẽm gai im lìm đe dọa, chòi canh và bóng các ông công an. Làm việc gì cũng phải đề phòng. Sau này, khi đã được tự do, nhưng giấc mơ “nghìn thu ở ngoài” ấy còn ám ảnh tôi rất lâu, rất lâu, trong những đêm buồn thao thức…

Lao động với một thằng tù ở trong tù, đương nhiên là lao động khổ sai, vất vả. Người tù nào cũng phải chấp nhận và tự thích ứng với những thách thức của một trường tù tội. Ăn đói, mặc rét, làm việc nặng nhọc… Vậy mà có những việc tưởng nhẹ nhàng, nhưng lại như một bức tường thành cao ngất khiến tôi, một kẻ chịu quá nhiều thương tổn tâm lý, chịu đựng sự bất công, quy chụp từ phía chính quyền nên tôi không tài nào vượt qua được. Có gì đó cứ ứ nghẹn ở cổ. Và tôi âm thầm chống lại. Tôi luôn mong muốn sống là chính tôi, với con người thật nhất của mình, trong cả yêu lẫn ghét, buồn lẫn vui. Nên tôi yêu thích và kính trọng ông Phùng Quán với những câu thơ sâu sắc, chân thật và khí phách: Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu. Chỉ khi đó, tôi mới thấy đời đáng sống. Không phải dối trá, không phải loanh quanh hèn nhát đối phó. Khi phải dối trá, loanh quanh đối phó, tôi thấy mình thê thảm về nhân cách.

Đó là chuyện văn nghệ ở trại.

Thấy chúng tôi, các tù nhân đa số còn trẻ tuổi, lại có khả năng hát hò, nên trại bắt tất cả vào nhóm văn nghệ trại. Vào toán này thì sẽ được về nhóm lao động ‘tự giác”, nhẹ nhàng hơn, và không phải bị canh gác nghiêm ngặt. Thêm nữa, một năm 06 tháng được ở nhà để tập tành nhưng quan trọng nhất là chuyên hát nhạc “đỏ”, mà thực chất là cách cải tạo tư tưởng khôn ngoan khéo léo của trại. Họ tin bằng cách hát nhạc “đỏ”, những thằng tù “phản cách mạng” như chúng tôi sẽ thay đổi nhận thức. Họ tin, chúng tôi là những kẻ “phản cách mạng” thật.

Thật ra chuyện hát những bài nhạc “đỏ” nào có khó khăn gì với tôi. Tôi cũng không hề định kiến gì với các bài hát đó, thậm chí tôi thấy có nhiều bài hát nhạc đỏ cũng rất hay, rất quyến rũ lòng người. Nhưng tâm lý tôi tổn thương quá nặng. Tôi thấy mình bị đối xử tàn nhẫn, bất công. Trước tòa, tôi đã cãi lại để bảo vệ quan niệm và thẩm mỹ âm nhạc của mình. Đã ăn đòn sống đi chết lại sau bữa dám cãi “quý tòa” đó. Cái sự tàn nhẫn, bất công vô lý đó đã vô tình gạt tôi về hẳn một phía, phía nào thì tôi chẳng rõ, vì tôi có chống phá ai đâu. Nhưng tôi chống lại sự mong muống “khuất phục” tôi, sau những quy kết, sau cái án “hình sự hóa” tai tiếng và hà khắc. Tôi bướng bỉnh nhưng đau đớn trong lòng.

Tôi cũng biết, đã vào tù thì cuộc sống thằng tù tùy thuộc ở trong tay các giám thị, các cai tù. Cho sống được sống, bắt chết phải chết. Thằng tù mà. Có quyền công dân nữa đâu. Và vì thế, nhiều người cũng phải chọn lựa để được sống, để được tồn tại, được yên ổn đợi ngày tự do. Trong nhóm của tôi, 06 người, vì sợ đói khổ, và sợ đủ thứ quy kết nên anh em họ chấp nhận vào đội văn nghệ của trại để tập hát nhạc đỏ. Còn lại mỗi mình tôi từ chối không vào. Tôi không trách gì họ. Cũng chả chống phá gì, vì cũng là con người, ai chả sợ chết, ham sống. Tôi chỉ không sao bắt mình chấp nhận cái cách “cải tạo tư tưởng” kiểu này, sau những trận đòn thừa sống thiếu chết. Nhưng điều đó cuối cùng lại trở thành lý do nặng nhất – tôi bị kết tội chống đối, không chịu cải tạo tư tưởng và cái gì đến sẽ phải đến – tôi bị “tống” sang toán cải tạo nặng nhất – đóng gạch. Đây là hình thức lao động kỷ luật, bị “quản chế” của những người tù chính trị, hoặc tù “đầu gấu”, cứng đầu cứng cổ nhất.

Đã sang toán đóng gạch là đời “tiêu” rồi. Phải chịu ăn đói, lao động nặng. Cơm quanh năm chỉ có rau luộc chấm nước muối, mà cũng không được ăn no. Lúc nào cũng đói. Bụng cứ réo sôi ùng ục. Đói quá nên nhiều khi đêm về cứ nhớ những món quà Hà Nội một thuở bình yên. Những thức quà của Hà Nội sao hấp dẫn đến thế. Mùa nào thức nấy. Nào phở, bánh cuốn cà cuống, miến gà, nào chả rươi, bánh khúc, xôi vò chè đường, bánh trôi bánh chay, nào cốm làng vòng, chuối tiêu trứng cuốc… Chỉ nghĩ đến đã ứa nước miếng. Hết nhớ các thức quà, lại nhớ một thuở anh em bạn bè tụ tập. Nhớ mùa hạ nắng cháy, ve kêu ran ran phố phường, hoa phượng đỏ trời, bằng lăng tím biếc, dâu da xoan trắng muốt những con đường  ngoại ô. Nhớ mùa đông với những tiếng rao đêm sao cô đơn, quạnh quẽ thế. Nhớ mùa thu, gió heo may xạc xào. Những đêm rằm, trăng tròn vành vạnh soi nghiêng cửa sổ như cùng lắng nghe những Dư âm, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến…

Bạn tù thì toàn những ông cứng đầu cứng cổ. Trong khi tôi vốn nhỏ con, và bản tính là đứa hiền lành, ít va chạm. Bữa ăn, tù nhân ăn theo mâm. Cứ 04 người/ một mâm mà chia nhau. Đói quá nên cơm chỉ có rau luộc chấm nước muối nhưng cũng phải cân để tránh gian dối mâm đầy mâm vơi. Nhục thế đấy. Con người khi đói quá cũng nảy sinh nhiều tính xấu nữa là phận tù. Ngay cơm đã phải cân mà có khi cũng còn không công bằng, có khi cũng cãi nhau, vì cơm cục thì nặng hơn cơm rời. Cuối cùng, mỗi mâm chúng tôi phải tự tạo ra một cái cân để cân cơm vì sợ mâm mình bị thiệt hơn mâm khác. Thật khốn khổ! Toán làm gạch chúng tôi cũng phải phân công. Nếu là gạch mộc, theo tiêu chuẩn quy định, một ngày phải gánh được 800 viên cho vào lò. Nếu là gạch nung đã chín – bao giờ gạch nung cũng nhẹ hơn gạch mộc – thì mỗi người phải gánh 1200 viên/ ngày, mới đủ tiêu chuẩn theo quy định của nhà tù.

Nói thì nhẹ nhàng con số vậy thôi, chứ thực tế rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Bọn tôi, người nào người nấy phải hì hục mải miết, cứ lầm lụi gánh gánh gồng gồng không ngơi nghỉ, mà không sao đạt được mức khoán ấy. Mà hễ không hoàn thành chỉ tiêu, là y như rằng sẽ bị các ông cán bộ gọi lên. Bởi có hoàn thành nhiệm vụ mới thể hiện tư tưởng cải tạo tốt, thể hiện sự cố gắng tu dưỡng bản thân. Khốn nỗi, ăn thì đói, dinh dưỡng thì thiếu trầm trọng, mà lao động thằng tù là lao động khổ sai. Thế cho nên nếu làm không nổi, hoặc hôm đó gánh không đủ số gạch theo quy định là tù nhân bị trói lại, ăn đòn thừa sống thiếu chết. Vì bị cho là có ý chống đối. Tôi bị bao nhiêu vết sẹo vì ăn đòn, do không sao hoàn thành nhiệm vụ. Bị nghi là lười biếng, là cố tình chống đối, không chịu cải tạo. Các ông giám thị gọi lên hỏi. Và thế là bị trói, bị đánh. Các ông công an lại có võ Giu đô. Họ đánh tôi, đánh các tù nhân khác như một kiểu tập tành. Tôi lại vốn nhỏ con, chỉ biết chịu trận như một cái bao cát. Thằng tù mà lại! Có còn là con người đâu. Chỉ còn là con số – 927. Lắm lúc nằm bê bết trên nền đất, tôi cứ nghĩ thôi, chấp nhận cái chết cho rảnh nợ. Sống cực thế này không ra hồn người. Không ra con người. Chết là hết! Rồi khi tỉnh dậy lại bò trở về trại. Người cứ rũ như tàu lá héo. Nhưng sự sống luôn mạnh hơn ý nghĩ về cái chết. Thật kỳ lạ. Thêm nữa, tạ ơn trời cho tôi một sức bền bỉ kỳ lạ. Suốt từ bé đến giờ, tôi hầu như rất ít ốm vặt. Chưa bao giờ phải uống một viên thuốc.

Cũng không phải chỉ có tôi. Có rất nhiều bạn tù bị trói, bị đánh như tôi vì không sao kham nổi quy định gánh gạch khắc nghiệt này. Cứ hình dung, mỗi viên gạch khoảng 02 kg. Sức tôi, cố gắng nhất mỗi ngày cũng chỉ gánh nổi 600-700 viên gạch. Khổ nỗi, ai làm chậm, làm không xong nhiệm vụ, cả nhóm bạn tù lại phải đợi. Thế là tối đó, sau bữa cơm rau chấm nước muối, khi trở về trại, y như rằng là cả nhóm phải họp lại, “mổ xẻ” lẫn nhau, phê phán, xỉ vả nhau, phân tích cho nhau từ 07 giờ tới 10 giờ đêm mới đi ngủ. Nhiều nhóm tù ức nhau, không chịu nhau nên chửi nhau tùm lum, chia rẽ nhau đủ kiểu. Đã ăn đói mặc rét, lại phải luôn cảnh giác có những kẻ nhỡ đâu chơi xấu mình, ton hót giám thị. Đã cô đơn càng cô đơn. Mặc dù, số cố tình chống đối lại việc “khoán gạch” này rất ít. Không phải tất cả đều cứng đầu. Rất nhiều người thuần phục vì…. đói. Trong nhóm làm gạch của tôi có 05 người không chịu thi hành, hoặc thi hành mà không nổi. 25 người còn lại cố gắng chấp nhận bằng mọi cách. Thậm chí có người nảy sinh tính xấu là bẩm báo với giám thị để lập công. Nhà tù cũng là một xã hội thu nhỏ. Có người tốt, kẻ xấu. Có người trực tính, quân tử và cũng có kẻ hèn mạt, đê tiện.

Sau một thời gian theo dõi sát sao mức khoán, nhà tù phải rút mức khoán xuống, còn 600 viên gạch mộc/ ngày để tù nhân có thể thực hiện, bảo đảm tiến độ và quy định.

Có một điểm khác biệt rất rõ giữa tù thường phạm và tù chính trị. Đó là tù chính trị thường không có hiện tượng đánh nhau, chửi nhau om xòm. Họ lặng lẽ hơn, ít nói hơn và cũng ít có chuyện gây gổ nhau, đánh nhau. Tôi do bị liệt vào tội chống đối (không chịu hát nhạc đỏ như đã viết ở trên) nên ở trong nhóm tù chính trị. Ngay tên gọi đã thể hiện “đặc thù” của nhóm này. Nhóm hầu hết là tù nhân bị kết án là gián điệp, biệt kích, nhà văn, nhà báo có quan điểm khác với quan điểm Nhà nước, dân tư sản, người “bất mãn” với chế độ hiện tại. Trong nhóm tù này có tù nhân T. Q. Đ., L. V. B. Hai tù nhân này là biệt kích bị bộ đội ta bắt. Đặc biệt có nhà văn V. T. H, tác giả của cuốn Đêm giữa ban ngày. Những ngày chủ nhật, buổi trưa nhóm tù chính trị thường ngồi nói chuyện với nhau. Tôi ngồi lặng lẽ nghe họ nói chuyện, và cứ miên man nghĩ về kiếp người. Họ nói với nhau đủ thứ trên trời dưới biển. “Tù nhân” V. T. H. là một người có số phận đặc biệt. Ông nguyên là nhà văn, có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu. Ông là con trai của cụ Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng trong Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Bà mẹ thân sinh ông là Phạm Thị Tế. Cả hai người thân sinh – cha và mẹ ông đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Đông dương.

Tuổi thanh niên của ông cũng sôi nổi. Ông từng đi lính, công tác trong lĩnh vực điện ảnh. Từng đi học viết kịch bản điện ảnh ở Liên Xô, làm việc cho Xưởng phim Việt Nam tại Hà Nội, rồi biên tập viên và phóng viên Báo Ảnh Việt Nam. Ấy vậy mà số phận trớ trêu thế nào, từng là con nhà nòi cách mạng, ông bị bắt trong một vụ án chính trị, và bị giam cầm tại nhiều nhà tù. Giai đoạn tôi gặp ông là ông đang ở trại tù Phong Quang (khi đó còn thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ), sau khi đã trải qua nhiều nhà tù trước đó: Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ). Ông V. T. H. từng nhận xét về tôi: Lộc Vàng là người hiền lành, ngây thơ, thật thà. Có lẽ trên đường đi, ai đó đánh rơi vàng, Lộc Vàng cũng không dám nhặt!

Thế đó!

Tôi đọc đâu đó có cuốn sách nói rằng, nhà tù chính là “trường học” thử thách lớn nhất, bộc lộ rõ nhất bản chất con người. Ngoan cường hay hèn hạ, có tư cách hay không có tư cách, đều không thể dấu được. Tư cách cá nhân của con người đó sẽ bộc lộ hết qua giam cầm, ăn đói mặc rét, tra khảo, qua cách sống chung với cộng đồng tù nhân. Quả là vậy. Ở trong tù, cũng có nhiều kẻ hèn hạ lắm. Họ cũng thi nhau báo cáo, báo công, thi nhau tố cáo bạn tù để lấy lòng giám thị. Còn lại, số đông là lầm lì, kín đáo, ít bộc lộ, sống lùi lũi như cái bóng câm lặng. Cũng phải thôi. Vì đó là cách họ tự bảo vệ mình. Thằng tù nào dám chống đối ư? Lập tức bị phạt phải lao động nặng, ăn đói. Và đặc biệt không được hát, kể cả hát nhạc đỏ. Còn hát nhạc vàng thì ngay lập tức có thể bị cùm, vì bị khép vào tội tuyên truyền phản cách mạng.

Thế nhưng tôi cũng vẫn bị cùm, một lần, dù tôi hát… nhạc đỏ hẳn hoi. Nghĩ cũng buồn cười.

Số là sáng đó, đang làm gạch. Hứng lên, tự nhiên tôi hát tướng: Đảng của tôi ơi, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Của đáng tội, có lẽ vì tôi bướng bỉnh không chịu hát nhạc đỏ từ trước, mà bây giờ, vừa hát một câu, lập tức người ta suy diễn, vì … chạnh lòng. Có ai đó báo cáo giám thị, lập tức ngay ngày hôm sau tôi bị gọi lên, và bị các ông công an xúm lại thi nhau đấm đá: Mày thích sáng mắt sáng lòng thì cho mày sáng mắt sáng lòng này! Thích này! Thích này! Hự…hự…hự..Vừa cho tôi ăn đòn, các ông vừa đay đi đay lại câu nói. Cái thằng tù Lộc Vàng là tôi chỉ còn biết cắn răng lại chịu đựng. Và cũng vừa buồn cười vừa tự xỉ vả chính mình. Ai bảo cơ! Ai bảo lúc cần hát thì không hát. Lúc không cần thì “rống” lên. Sau trận đòn, tôi bị các ông công an tống vào Nhà cùm. Cho sáng mắt!

Quả thật, có bị tống vào Nhà cùm, tôi mới thêm sáng mắt. Mới hiểu thế nào là phận thằng tù khi phải chịu cực hình. Vì sao gọi là Nhà cùm?

Nhà cùm là nhà dùng để giam những tù nhân bị kỷ luật nặng. Nhà hình chữ nhật. Vách của Nhà cùm có ba lớp: Lớp ngoài cùng là những thân cây gỗ. Lớp giữa là thân cây nứa, và lớp trong cùng cũng lại là một lớp cây gỗ nữa ken khít nhau. Mái lợp cũng bằng những cây gỗ. Chiều cao nhà cùm rất thấp, người thấp bé như tôi mà cũng không đứng được thẳng người, cứ phải lom khom. Nhà cùm chỉ có mỗi một cái cửa nhỏ ra vào. Bề ngang của Nhà cùm chỉ 1,5 mét, bề dài 2,5 mét. Giường nằm được làm bằng thân những cây gỗ nhỏ cong queo. Hai bên giường là hai rãnh nước cống rộng chỉ khoảng 30 cm nhưng dềnh đầy phân, nước tiểu của hàng nghìn tù nhân, dòi bọ kinh khủng. Nhìn mà muốn nôn thốc nôn tháo. Mùi phân, nước tiểu lúc nào cũng sặc sụa, nồng nặc xú uế. Trên giường một cái cùm bằng sắt to vật vã. Suốt cùm, khung cùm cũng đều được đánh bằng sắt. Nhìn thấy cái cùm sắt đó, không hiểu sao tôi nghĩ tới ông thợ sắt nào được lệnh gia công những chiếc cùm to khủng khiếp để cùm tù nhân, liệu ông có nghĩ gì không nhỉ, khi chau chuốt từng mép hàn. Suốt thời gian tôi bị biệt giam trong Nhà cùm, khi được thả ra, mùi hôi thối khủng khiếp đã ám vào người, không sao gột rửa được. Đi đến đâu các bạn tù bịt mũi tránh xa đến đấy. Cũng chả phải chỉ đến khi biệt giam ở Nhà cùm, tôi mới phải chịu cảnh sống chung với cứt đái. Trong phòng của nhóm làm gạch, bình thường tôi cũng hay bị phạt phải “nằm trên hố xí đợi ngày mai”, như thơ của ai đó. Chỉ vì tôi thường gánh gạch không đủ số lượng theo quy định của trại. Lại không chịu tập hát chung với mọi người để cải tạo tư tưởng. Tôi là kẻ bướng bỉnh, thích sống phải là chính mình, và là kẻ không thể dối trá, đạo đức giả. Trước đó, trong những câu chuyện trò với các bạn tù đêm đêm, từng nghe những người đã phải vào biệt giam ở Nhà cùm, tôi cũng đã chuẩn bị “tinh thần Nhà cùm” của mình bằng cách đi liền hai đôi tất. Thế nhưng không ăn thua.

Đêm đến, khi ở trong Nhà cùm, đôi chân tôi bắt đầu sưng tấy lên như bị phù, bị tụ máu, khó chịu vô cùng. Tê dại. Mỏi khốn mỏi khổ. Xung quan im lặng như tờ. Chỉ có mùi phân, mùi nước tiểu nồng nặc. Được một tuần lễ hai bàn chân tôi bắt đầu loét ra, rỉ nước vàng. Cả hai chiếc tất đi lồng vào chân thấm nước vàng, lại dính vào nhau, chỗ khô cứng cọ sát vào da thịt, đau đớn vô cùng. Nhưng kinh sợ nhất, căn Nhà cùm đâu chỉ có mình tôi. “Bạn bè” của tôi đông vô kể: Mối, mọt, rận, rệp, gián, chuột, ruồi , muỗi, và dòi bọ, nhung nhúc, nhung nhúc….lúc nào cũng vo ve vo ve, chạy qua chạy lại trên trên người tôi. Thần kinh lúc nào cũng căng thẳng. Một đêm, tôi mệt quá, ngủ thiếp đi, bỗng thấy buồn buồn, ngứa ngứa, tỉnh dậy, mới biết cả lũ dòi bò lúc nhúc vào trong mũi. Kinh quá. Nhưng lúc đó, sống lâu mới biết… bình thường. Rồi cũng phải quen tất. Có phải một mình tôi bị cùm trong căn Nhà cùm đâu.

Cạnh Nhà cùm tôi bị biệt giam, có một cậu tử tù. Tôi biết vậy vì thỉnh thoảng chúng tôi trò chuyện nhau qua vách gỗ dầy. Đêm thanh vắng, nên vẫn nghe rõ tiếng nhau. Một đêm đã khuya bỗng nghe tiếng cậu ta gọi với sang:

–Anh Lộc ơi!

– Gì đó?

–Ngày mai đến “phiên” em rồi!

Tôi lặng người. “Phiên” là từ chỉ chuyện đến lượt tử tù ra pháp trường. Tôi không biết cậu ta mắc tội gì để đến nỗi phải dựa cột. Tôi đang im lặng, miên man đuổi theo ý nghĩ riêng mình, thì lại thấy nó lại gọi với sang:

–Em biết anh hát nhạc vàng rất hay. Anh hát cho em nghe đi, anh Lộc!

Vào giây phút ấy, tôi thấy thương cậu ta quá, dù không biết nó phạm tội gì. Nhưng tôi cũng biết, chỉ đêm nay thôi cậu ta còn được thở, được nghĩ, được đau đớn lo sợ, những cảm giác trực quan của kiếp nhân sinh. Tôi quyết định hát cho cậu ta nghe, dù biết rằng, chỉ vì hát một câu của “nhạc đỏ” mà tôi phải vào biệt giam ở Nhà cùm. Biết đâu đêm nay, chỉ vì một bài nhạc vàng, tôi lại phải tiếp tục biệt giam thêm lần nữa thì sao? Nhưng tôi bất chấp. Thân đã tù tội bao năm trời, thì biệt giam thêm cũng chỉ đến thế mà thôi. Vả lại, quan trọng hơn, ở bên kia vách gỗ của Nhà cùm, là một con người, mà đêm nay là sự sống, chỉ vài tiếng nữa thôi, sự sống của cậu ấy là … cát bụi?

Và tôi quyết định hát cho cậu ấy nghe, bất chấp hậu quả ra sao.

Đêm hôm đó, tôi hát đi hát lại cho cậu tử tù bài “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng. Toàn bộ bài hát là như thế này:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều

Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ

Ai đứng trông ai ven hồ

Khua nước chơi như ngày xưa

Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say

Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy

Bạn lòng ơi, thuở ấy tôi mang cây đàn

Quen sống ca vui bên nàng

Nàng khóc tơ duyên lìa xa…

Giờ đây biết ngày nào gặp nhau

Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu

Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời

Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi

Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ

Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui

Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi

Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời

Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi   

Không biết bên kia vách của Nhà cùm, cậu tử tù nghĩ gì. Chỉ thấy cậu ta im lặng như lắng nghe. Nỗi lòng người đi, hay cũng chính là nỗi lòng của người tử tù. Cậu ấy ra đi, có người con gái nào ở lại và mang cậu ấy trong trái tim không? Tôi có cảm giác như cậu ấy rơi nước mắt. Tôi cứ hát đi hát lại. Đêm chong chong, với cả hai thằng tù không biết mặt nhau. Một thằng cứ hát, như dồn hết tình yêu của mình vào bài hát mà vì những nốt nhạc êm ái đó, nó đang phải nằm chung với rận, với gián, với chuột với dòi bọ trên chiếc giường khấp khểnh. Một thằng im lặng, như đang dồn hết tình yêu cuộc sống của mình vào những ca từ mà nó biết rằng, chỉ vài giờ nữa thôi, vĩnh viễn nó không bao giờ còn được nghe nữa.

Sau này, tôi đọc một bài trên báo Thethaovanhoa, ngày 15/10/2014, thì lại thấy có một người tên là Khúc Ngọc Chân – nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhận rằng bài “Nỗi lòng người đi” là của ông ấy, không phải bài của Anh Bằng. Và tên của ca khúc đó thực ra là “Tôi xa Hà Nội”, và trong bài hát cũng có những câu chữ khác so với bài “Nỗi lòng người đi”. Không biết thực hư ra sao.

Xin trích phần bài đó để bạn đọc hiểu thêm về những khúc quanh của bản nhạc, cũng như những khúc quanh của đời người yêu nhạc vàng cũng thăng giáng khôn lường:

Ai là tác giả ‘Nỗi lòng người đi’?

Ca khúc Nỗi lòng người đi – của nhạc sĩ hải ngoại Anh Bằng sẽ lên sóng VTV1 trong chương trình Giai điệu tự hào mang chủ đề Người Hà Nội lúc 20h ngày 24/10 tới. Tuy nhiên, cách đây 02 năm có một người đứng ra nhận mình là tác giả bài hát này. Ông là Khúc Ngọc Chân – nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha – người công bố những nghi vấn tác giả của Nỗi lòng người đi thì “bài hát vốn được mang tên thật là Tôi xa Hà Nội với vài lời ca khác Nỗi lòng người đi”.

* Tại sao đến tận bận bây giờ ông mới nhận Nỗi lòng người đi là của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không?

– Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được.

Ca khúc của tôi sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 02 người biết với nhau là tôi và cô người yêu thôi. Tôi sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch, Hà Nội. Năm 1954 tôi tròn 18 tuổi, cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, tôi cũng như các thanh niên Hà Nội nơm nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường và gia đình xin tôi làm sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. Vốn yêu âm nhạc, tôi tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây và quen một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém 02 tuổi. Chúng tôi đã có những ngày đầu yêu thương bên bờ Hồ Gươm thơ mộng.

Tuy nhiên, vài tháng sau, gia đình người yêu bất ngờ xuống Hải Phòng chờ di cư vào Nam. Lúc đó, tôi tìm xuống Hải Phòng tiễn người yêu. Với cây đàn guitar luôn mang theo bên mình, tôi đã viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng diễn tả những ngày tháng xa Hà Nội, ước hẹn cùng nhau, mong người yêu hãy gắng chờ đợi, tôi sẽ tìm nàng ở Sài Gòn, bởi lúc đó nàng mới 16 tuổi, chúng tôi chưa thể cưới nhau được.

Ngay sau khi viết xong Tôi xa Hà Nội, tôi tập cho người yêu hát thuộc lòng. Khi ấy đã là cuối tháng 11/1954. Sau ngày tiễn người yêu xuống tàu há mồm di cư vào Nam tôi trở về Hà Nội. Năm 1956, tôi vào trường nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay) học đàn cello, rồi tốt nghiệp và công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Còn nàng, vào Sài Gòn mưu sinh và đầu quân cho một quán bar. Và ca khúc của tôi thường được người yêu hát trong những đêm thương nhớ. Những năm 1960, vì gia đình thúc ép, tôi buộc lòng phải lấy vợ nhưng không đăng ký kết hôn (và chỉ đăng ký khi đã 74 tuổi).

Ngày đất nước thống nhất, khi cùng Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, tôi đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo khi mới vào tuổi 30. Tuy nhiên, khi vào đây tôi mới thấy bài hát chính thức của tôi được đổi tên thành Nỗi lòng người đi, nhạc Anh Bằng, đề là phổ thơ Nguyễn Bính…

…* Ông nói rằng Nỗi lòng người đi không phải của Anh Bằng, vậy chỉ cần ông đưa ra bằng chứng xác đáng đó là của ông và nếu thực sự là của ông thì dù cho nhiều người chưa biết thì sẽ biết đến ca khúc này là của ông?

– Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác giả. Tôi chỉ muốn nói về một số phận khác khi ca khúc được một nhạc sĩ nhận thức và xử lý và đã thành một ca khúc hay, đó là điều may mắn. Khi xưa, lúc tôi biết Anh Bằng phổ nhạc, tôi cũng không dám nói ra, bởi Tôi xa Hà Nội với những ca từ rất thực diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm của tôi lại trở thành một vệt đen thì sao?

Bây giờ, tôi mong muốn Tôi xa Hà Nội của tôi trở về đúng lời, đúng giai điệu đẹp, đúng nội dung tâm tình của tôi bởi phải Người Hà Nội với nếp sống Hà Nội, địa dư Hà Nội, gốc tích Hà Nội mới hiểu được câu Ai đứng trông ai ven hồ/ Khua nước chơi như ngày xưa. Anh Bằng sửa chữ chơi thành trong là sai, vì nước hồ Gươm hay còn gọi Lục Thủy không có khái niệm “trong” mà là nước “xanh” hẳn hoi.

Còn ngồi khua nước bao giờ, ở chỗ nào? Hỏi nhiều người bây giờ khó mà tìm thấy. Xin thưa, đó là đằng sau đền Ngọc Sơn, chỗ có cây si rễ sà xuống mặt nước. Chúng tôi ngồi chơi rồi, té nước vào nhau. Những từ như thế này ngay cả Nguyễn Bính cũng không có, phải là từ của tôi, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Khi tôi viết Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Hay câu Sài Gòn ơi mộng với tay cao hơn trời tôi viết để miêu tả dáng dấp của tượng nữ thần Tự Do, đồng thời cũng thể hiện mộng ước xa vời gặp lại người yêu. Còn câu cuối Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi là lời bài hát của Anh Bằng. Lời của tôi là Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi.

Tôi cũng không đồng tình với chữ tan trong câu Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều mà phải là bay, vì hai người vẫn hẹn ước gặp lại nhau, chứ không phải đoạn tuyệt. Tương tự: Nàng khóc tơ duyên lìa xa, chứ không phải lìa tan. Bài của Anh Bằng nhịp slow 4/4, bản của tôi lả lướt hơn theo nhịp 3/8, bởi tôi viết nhịp đó theo luật của lời thơ….”

*****

Nhưng thôi, đó là câu chuyện sau này khi tình cờ Lộc Vàng tôi đọc được bài viết trên báo Thethaovanhoa với những trớ trêu, trúc trắc của số phận bài hát. Nó cũng trớ trêu như số phận những người mê thích hát nhạc vàng của bọn tôi. Còn khi đêm đó, tôi chỉ biết hát đi hát lại những ca từ và nét nhạc sâu sắc, đượm buồn, như nói hộ cho biết bao kẻ lìa xa tình yêu đôi lứa, và như lúc đó, một tử tù đang chuẩn bị lìa xa cuộc đời này. Tôi cứ hát mê mải giữa không gian im ắng ảo não, giữa không gian tràn ngập mùi hôi thối đến nồng nặc tưởng không sao chịu đựng nổi – của phân, nước tiểu, của dòi bọ lúc nhúc và của chuột, rán chạy sột soạt suốt đêm. Trời như gần sáng, tôi đoán vậy, vì thời gian dằng dặc, tôi vẫn thao thức không ngủ được. Có lẽ vì số phận của người tử tù Gần nhau trong tấc gang/ Mà biển trời cách mặt khiến tôi không sao nhắm mắt được.

Không biết bao nhiều thời gian đã trôi qua.

Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng cửa phòng bên mở đánh xoạch một cái. Rồi tôi nghe thấy tiếng nó vang lên:

–Em chào anh Lộc, em “đi” đây!

–Ừ! Thôi đi đi!

Tôi cất tiếng chào nó theo cách của tôi. Thôi đi đi! Mà chứa chất bao điều khó nói.

Không thấy tiếng cậu ta trả lời. Tôi biết cậu ta đã đi rồi. Đi về nơi cuối trời rồi. Lòng tôi nặng trĩu…

Trước đó, năm 1973, khi miền Bắc Việt Nam chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris, những người tù như chúng tôi được xem xét để giảm án. Tôi được giảm 02 năm tù. Như vậy tôi bị tù ở đó 05 năm. Năm tôi bị biệt giam trong Nhà cùm là năm 1976, trước khi được trả tự do vào ngày 27/3/1976 mấy tháng.

Tôi hát “Nỗi lòng người đi” cho cậu tử tù nghe, mà chưa hình dung ít lâu sau đó mình cũng hát nhưng là “Nỗi lòng người trở về” cho chính mình.

Trở về với cuộc sống tự do, cũng là trở về với Tình yêu lớn nhất cuộc đời mình!

 (Còn Tiếp)

(Nguồn: Văn Việt)

Bài Mới Nhất
Search